THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY
“Hy sinh mang lại phúc lành”
Lời Chúa Ga 11, 45-56
Khi ấy, trong những người
đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa
Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc
Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói:
"Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng
ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến
phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng
tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng
thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không
phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói
tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ
quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người
Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở
lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều
người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa
Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người
có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai
biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Suy niệm
Theo tâm lý thông thường thì ai cũng
muốn tìm sự dễ dãi và ngại hy sinh. Tuy nhiên, chính sự hy sinh mới là bằng chứng
biểu lộ tấm lòng chân thành mà chúng ta dành cho những người mình yêu thương. Nếu
cuộc sống mà thiếu sự hy sinh thì chắc gia đình sẽ tan vỡ, xã hội sẽ lung lay
và nhân loại sẽ diệt vong, bởi vì ai cũng chỉ tìm lợi riêng cho mình mà không
biết lo cho người khác. Do đó, ta có thể nói rằng sự hy sinh quả là một phúc
lành.
Lời nói tưởng như vô tình của thượng
tế Caipha trong Tin mừng hôm nay lại trở thành một lời tiên tri về sự hy sinh
cao cả của Chúa Giêsu: “Quý vị không hiểu
gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn
dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50). Với ơn Chúa Thánh Thần linh ứng, thánh
Gioan còn giúp chúng ta hiểu rõ về sự hy sinh của Chúa: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy,
ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân và không phải cho
dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối” (Ga
11,51). Đây chính là việc Thiên Chúa
thực hiện chương trình mà Người đã phán từ trong Cựu ước: “Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ðấng thánh hoá Israel, khi đã lập
nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời” (Ed 37,28). Lời tiên báo ấy đã được thực hiện qua hiến tế của Chúa Giêsu trên
thập giá, một sự hy sinh đến chết để mang lại phúc lành cho mọi thụ tạo. Điều
này làm sáng lên ý nghĩa cuộc thương khó của Chúa chúng ta mà chúng ta sắp cùng
với Giáo Hội cử hành trong Tuần Thánh sắp tới. Bản án bất công mà Chúa phải chịu
đến từ những thế lực chống đối và ghen ghét Chúa. Chúa Giêsu hiểu rõ điều đó và
âm mưu gian ác của họ. Tuy vậy, vì biết rõ sứ mạng của mình là chết để cứu chuộc
con người nên Chúa Giêsu không tìm cách trốn tránh hay thoái lui nhưng can đảm và
tự nguyện đón nhận. Người hiểu rõ ý nghĩa về sự hy sinh của Người: sự hy sinh
cao cả ấy không dừng lại ở cái chết trên thập giá nhưng là sự phục sinh và ơn cứu
chuộc vĩnh cửu cho con người. Do đó, Chúa hy sinh vì một mục đích cao cả chứ
không phải là “liều mạng” hay theo kiểu chạy không được thì thôi đành chịu vậy.
Sự hy sinh của Chúa, vì thế, mang giá trị tích cực chứ không tiêu cực. Có thể
nói, đó vừa là động cơ thúc đẩy Chúa hy sinh vì con người và cũng là sức mạnh để
Người can đảm đối diện với mọi khó khăn và trung thành trong con đường hy sinh
vì Chúa Cha và để con người được hạnh phúc đời đời!
Sự hy sinh của Chúa là một phúc lành
cao cả cho chúng ta. Càng gần tới những ngày cao điểm của Năm phụng vụ là Tuần
Thánh, chúng ta được Giáo Hội mời gọi gẫm suy về tình yêu hy sinh vĩ đại mà
Chúa dành cho chúng ta. Chúa không tiếc điều gì với chúng ta: bỏ cả địa vị
Thiên Chúa vinh quang để cùng mang lấy một cuộc đời con người như chúng ta; mới
sinh ra trong cảnh nghèo mà đã bị người ta truy sát vì sự ích kỷ của họ; sống
như người nghèo nhất để cảm thông với những con người nghèo khổ cả về thể lý
cũng như tinh thần; cũng 30 năm lao động tại làng quê nghèo với cái nghề dân dã
kiếm sống qua ngày để đồng hành và cảm thông với những người lao động bình thường;
3 năm long đong rao giảng Tin mừng và cứu chữa mọi người mà không có một chỗ gối
đầu (x. Mt 8,20) để chia sẻ mọi nỗi khổ đau của con người và nâng họ lên từ
trong đau khổ của cuộc đời mà đưa họ đến hạnh phúc vĩnh cửu; cả đời làm phúc
cho mọi người và kết cục lại là chết tủi nhục trên thập giá. Bằng sự hy sinh lớn
lao ấy để rồi được phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự thống trị
của ma quỷ và mở ra con đường của sự thật và tình yêu để dẫn con người đến hạnh
phúc tròn đầy và vĩnh cửu. Ước mong trong những ngày hồng phúc của Tuần Thánh sắp
tới, mỗi chúng ta hãy tham dự các cử hành phụng vụ và đạo đức thật sốt sắng, cố
dành thêm một chút thời gian để tự mình suy và ngẫm về sự hy sinh cao cả của
Chúa để lòng bừng cháy lên những cảm nghiệm tạ ơn Chúa, những rung động hoán cải
chân thành và những quyết tâm cụ thể để thay đổi đời sống như lời Chúa dạy mà
đáp trả lại phần nào tình yêu hy sinh cao cả Chúa dành cho cả nhân loại cách
chung và cũng cách riêng cho mỗi người chúng ta. Những cảm nghiệm nội tâm và những
quyết tâm cụ thể là những điều cần phải có để chúng ta vừa sống gắn bó với Chúa
hơn vừa tập sống hy sinh theo gương Chúa để cuộc sống của chúng ta, từ lời nói,
hành động và suy nghĩ, được biến đổi theo chiều hướng tốt hầu mang lại phúc
lành cho những người thân cận!
Nghĩ về cuộc sống hằng ngày với nhiều
bận tâm và lo toan, nhiều lúc chúng ta dễ bực bội trong lòng cũng như dễ cáu gắt
với người thân. Vì thế, lắm khi chúng ta phải hy sinh mà lòng chẳng thấy vui mà
chỉ thấy ấm ức. Nó xảy ra như thế một đàng vì chúng ta chưa thực lòng hy sinh bản
thân để người khác hạnh phúc, đàng khác có lẽ bản thân chúng ta cũng chưa hiểu
và xác tín rằng những hy sinh của chúng ta vì Chúa và vì nhau không bao giờ là
vô ích, bởi vì mọi hy sinh vì tình yêu chân thành đều sẽ sinh hoa trái tốt
lành. Hoặc cũng có khi tâm trí chúng ta bị che phủ bởi những nhiều áp lực và cảm
xúc tiêu cực nên không nhìn ra điều ấy. Thật vậy, nếu chúng ta, là cha là mẹ,
hiểu rằng việc hy sinh niềm vui riêng mình để dành giờ hỏi han, quan tâm đến
con cái sẽ mang lại an bình cho con thì chắc chúng ta sẽ vui và phấn chấn hơn để
hy sinh. Cũng thế, nếu những người con biết hy sinh để dành giờ phụ giúp cha mẹ
trong việc nhà thì hy sinh ấy chẳng phải mang lại phúc lành cho cả nhà sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đẹp thay
những hy sinh vì tình yêu, bởi vì những hy sinh ấy mang lại niềm vui và an bình
cho nhau. Xin cho mỗi chúng con đều tập để biết sống hy sinh quên mình vì yêu
Chúa và yêu thương nhau để phúc lành của Chúa tuôn tràn trên gia đình chúng
con. Amen.
Thực hành: Mỗi người cố gắng
chung tay phụ giúp việc chung.
Lm.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân