THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY
NGÀY CỦA ĐỨC GIÊSU
Lời
Chúa Ga
8,51-59
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói
với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì
sẽ không bao giờ phải chết.”
52 “Người Do-thái liền
nói : “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết,
các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không
bao giờ phải chết.’
53 “Chẳng lẽ ông lại cao
trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng
đã chết. Ông tự coi mình là ai ?” 54 Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi
chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là
Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là
tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết
Người và giữ lời Người. 56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được
thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói :
“Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !” 58 Đức Giê-su đáp :
“Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu
!”
59 Họ liền lượm đá để ném
Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Suy
niệm
Trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan trong những ngày
này nói cho chúng ta về vị thế thần linh của Đức Giêsu. Ngài xuất phát từ Thiên
Chúa và là Con của Chúa Cha; Ngài được Cha sai đến trần gian để chu toàn thánh
ý Cha là cứu độ toàn thể nhân loại.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai
tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (c.51). Lời xác quyết của
Đức Giêsu đã nên cớ vấp phạm cho người Do thái, vì họ không thể chấp nhận lời
đó khi nhìn về tổ phụ Ápraham và các ngôn sứ. Các ngài là những bậc tôi trung
đã luôn trung thành tuân giữ lời Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng đã chết. Và họ
càng không thể tin rằng vị thế của Đức Giêsu lại cao trọng hơn Ápraham
(x.c.53).
Nhưng Đức Giêsu lại xác định thêm nữa: “Đấng tôn
vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông”
(c. 54). Ngài tự xưng mình là con Thiên Chúa, và được chính Cha tôn vinh Ngài,
đặc biệt trong biến cố Tử nạn và Phục sinh vinh hiển, vì Ngài đã luôn tuân giữ
lời của Cha và chu toàn thánh ý Cha trọn vẹn.
Đức Giêsu đã nói về Ápraham là một con người luôn tin
tưởng và hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dòng dõi của ông.
Chính ông đã hân hoan vui mừng trong ngày Isaác chào đời là đứa con của lời hứa,
và từ dòng dõi người con ấy, Đấng Cứu Độ sẽ được sinh ra. Như thế, ngày sinh của
Isaác như là một tiên báo ngày sinh của Đức Giêsu mà Ápraham đã thấy trước và
đã mừng rỡ (x.c.56). Đức Giêsu chính là lời hứa cứu độ của Thiên Chúa qua bao thời
đại.
Chúng ta đang sống vào thời điểm quan trọng nhất của
năm Phụng vụ: đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ. Đó là lời Hội thánh
luôn nhắc nhở chúng ta về “Ngày của Đức Giêsu”, ngày Ngài thực hiện ơn cứu độ
con người.
Thử hỏi chúng ta có được tâm tình hân hoan vui mừng và
tràn đầy hy vọng của Ápraham, người cha trong đức tin của chúng ta không?
Lạy
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại!
Xin
tạ ơn Chúa
đã
cho con được diễm phúc sống trong thời gian đầy ân sủng và cứu độ này.
Tạ
ơn Chúa đã cho con được nếm cảm niềm hân hoan vui mừng
trong
ngày cứu độ của Chúa.
Tạ
ơn Chúa đã cho con được cùng Chúa
bước
đi trên hành trình thương khó của cuộc đời,
với
niềm hy vọng được cùng Chúa chung hưởng vinh quang phục sinh.
Xin
cho con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng
để
đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa.
Và
cũng xin giúp con biết can đảm
và
kiên trung đón nhận những gian nan thử thách trong đời,
để
cùng Chúa vượt qua tất cả và tiến tới niềm vui phục sinh.
Xin
cho “Ngày của Chúa” thật sự là động lực cho con trong cuộc sống,
là
niềm vui đích thực của lòng con,
và
là niềm hy vọng viên mãn cho cuộc đời. Amen.
Thiên Thảo SJP