THỨ TƯ TUẦN THÁNH
“LẠY THẦY CHẲNG LẼ CON SAO?”
Lời Chúa Mt
26,14-25
14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông
Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba
mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp
Đức Giê-su.
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các
môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt
Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một
người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ
đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các
môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười
hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh
em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu
quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người
đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã
hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp
Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người
cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”
Suy niệm
Khung cảnh ấm áp, rộn ràng của bữa tiệc vượt qua bị trùng lại bởi
câu nói của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật
anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức
bởi lời tiên báo này. Sự phản bội trong tình yêu là một điều hết sức đau đớn. Tình
thầy trò bao năm sắp được “trắc nghiệm”. Ngay lập tức, chúng ta thấy sự bối rối
và tự vấn nơi các môn đệ: “Lạy Thầy,
chẳng lẽ con sao?”. Trong hoàn cảnh này, sự tự vấn là điều tốt. Thế nhưng,
tự vấn không dừng lại ở suy nghĩ, ở lời nói, mà phải được diễn tả bằng hành
động sám hối.
Sự yếu đuối nơi con người là điều không lạ. Hẳn là chúng ta cũng ý
thức được phần nào giới hạn của mình. Các môn đệ được kể trong đoạn Tin mừng
hôm nay cũng vậy. Họ đang đau đớn về một sự thật rằng, có ai đó trong họ sẽ bán
đứng Thầy mình. Họ đang bối rối và lo lắng về điều mà họ có thể sẽ làm.
Bất cứ ai cũng có thể làm được hay có ý niệm về sự tự vấn và phản
tỉnh. Điển hình như Giu-đa cũng vậy! Ông cũng chạnh lòng vì câu nói của Chúa. Trong
ông cũng có một sự giằng co rất lớn. Ông ăn năn vì ý định đang có trong đầu và
vì điều ông dự tính sẽ làm với Thầy. Nhưng điều đó chưa đủ, vì ông không có hành
động sám hối.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh của sự sám hối.
Vua Đa-vít đã phạm tội nặng nề. Ông đã ăn năn và kêu lên: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm…” (Tv
50, 6). Sau khi đấm ngực ăn năn, vua đã hành động để tạ lỗi cùng Thiên Chúa,
bằng đời sống thánh thiện và công chính của mình. Trong Tân Ước, không hiếm
những con người đã phạm tội, nhưng họ ăn năn sám hối bằng thái độ quyết tâm
hành động, thay đổi cuộc sống như: Da kêu, Ma-đa-lê-na, các môn đệ trối Chúa,
bỏ Chúa mà chạy… Các vị ấy đã sám hối và quyết định hành động, lấy cuộc sống,
cái chết để minh chứng.
Quay trở lại với Giu-đa, ông đã không hành động để thể hiện sự ăn
năn. Ông đã bán Thầy bằng một nụ hôn và 30 xu. Sau khi phạm tội, ông vẫn không
quay trở lại cùng Chúa. Ông chọn cái chết trong tuyệt vọng mà không sám hối.
Suốt hành trình Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta ăn năn, sám
hối. Chúng ta cũng có rất nhiều ý niệm về sám hối, cũng thấy những tội lỗi và
yếu đuối của bản thân, cũng thấy đau đớn vì sự bất trung khi xúc phạm đến Chúa,
đến tha nhân. Chúng ta cũng đã có đôi lần nghẹn ngào nói cùng Chúa: “Lạy Chúa, chẳng lẽ con sao?”. Điều đó
rất tốt nhưng chưa đủ. Chính hành động từ bỏ cái xấu mới làm cho việc ăn năn
sám hối của chúng ta có ý nghĩa.
Mùa Chay gần kết thúc. Ít nhiều mỗi người
cũng có những tâm tình sám hối ăn năn. Nhưng chính hành động từ bỏ cái xấu mới
biến đổi chúng ta.
-
Chúng ta hối hận vì đã
nóng nảy, xúc phạm hay làm tổn thương người khác, nhưng lại không sống với thái
độ kiên nhẫn, hiền lành, bác ái và tử tế hơn.
-
Chúng ta có thể hối hận
vì đã lười biếng, chểnh mảng bổn phận của người Ki-tô hữu, nhưng lại không thay
đổi bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, ăn chay, bố
thí…
Chúa Thánh Thần luôn có cách của Ngài để khơi gợi lương tâm của
chúng ta, giúp mỗi người nhìn thấy sự thiện để chọn lựa. Điều đó hối thúc chúng
ta muốn ăn năn trở về: “Thôi ta hãy trở
về cùng Cha” (Lc 15, 18). Điều quan trọng là chúng ta phải thực thi theo
những gì Ngài hướng dẫn.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con biết rằng: “Không phải cứ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời
cả đâu” (Mt 7, 21), bởi chúng con tin rằng: “Đức tin không có hành động là đức
tin chết” (Gc 2, 17). Vì ý thức rằng
“tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng thể xác thì yếu đuối”(Mc 14,38), nên chúng con cần
ơn Chúa để có thể can đảm quyết định hành động sau những giờ phút sám hối, ăn
năn. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP