CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2022
CHẾT VÌ YÊU THƯƠNG
Lời Chúa Lc 19,28-40
Đức Giê-su nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên
Giê-ru-sa-lem. Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên
triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi
vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi
bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và dắt nó đi. Và nếu
có ai hỏi : “Tại sao các anh tháo lừa người ta ra”, thì cứ nói : “Chúa
cần đến nó”. Hai người được sai ấy ra đi và thấy y như Người đã nói.
Các ông đang tháo dây lừa, thì những người chủ con lừa nói với các
ông : “Tại
sao các anh lại tháo con lừa ra?” Hai ông đáp: “Chúa cần đến nó”. Các
ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ lên
lưng lừa, và đặt Đức Giê-su lên. Người tới đâu, người ta cũng lấy áo
mình trải xuống đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu,
tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa,
vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên : “Chúc
tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao,
vinh quang trên các tầng trời !” Trong đám đông có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu
nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ !” Người
đáp : “Tôi
bảo các ông : Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên !”.
Suy
niệm
Khi cận kề với chuyện sinh - tử, con người thường dùng mọi cách vùng vẫy
để giành phần sống về cho mình. Nhiều người khi đối diện với cái chết, tỏ ra hoảng
loạn, sợ hãi, nhưng cũng có nhiều người đối diện với cái chết một cách hiên
ngang, dũng cảm. Cũng cùng là cái chết nhưng cái chết của những chiến binh và
người dân Ukraina trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, là những cái chết anh dũng.
Họ đã dám hy sinh mạng sống để bảo vệ từng con người, từng tấc đất, từng ngôi
nhà của họ. Họ đã can đảm chấp nhận cái chết trong sự tự hào và hiên ngang.
Trái lại, trong hàng ngũ của quân Nga, nhiều binh lính đã sợ hãi, bỏ trốn vì họ
thấy cuộc chiến là phi nghĩa, cái chết của họ là cái là chết của kẻ xâm lược,
cái chết vô nghĩa.
Hôm nay bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm, suy gẫm về
cái chết của Đức Giêsu, đó là cái chết đầy tràn tình yêu thương. Trong Bài
thương khó theo thánh Luca, ta thấy một thái độ hết sức bình thản của Đức Giêsu
trước cuộc khổ nạn và tình yêu thương cùng sự quan tâm đặc biệt của Ngài dành
cho những kẻ ngài yêu thương. Mặc dù chung quanh Ngài, chúng ta có thể hình
dung những tiếng gào thét, la ó của quân lính và đám đông nhưng Đức Giêsu vẫn
làm chủ được cảm xúc và từng hành động của mình.
Nối kết từ Bài Tin Mừng trong phần rước lá cho đến Bài thương khó, ta dễ
dàng nhận thấy: Đức Giêsu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các môn đệ cho dù
các ông tỏ ra vô tâm trước cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa Giêsu cũng tỏ ra nhân từ
trước sự thay trắng đổi đen của dân chúng và sự dã man, tàn ác của đám quân
lính. Tin Mừng Luca còn cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn chủ động trước các sự việc
xảy ra: “Khi vào làng Bêtania, Người sai hai môn đệ đi vào bảo: ‘Các anh vào
làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cưỡi bao giờ, các
anh cởi dây và dắt nó về đây. Nếu có ai hỏi thì cứ nói: Chúa có việc cần dùng’.
Hai môn đệ ra đi và sự việc xảy ra y như vậy.” Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem,
dân chúng phấn khởi trải áo lót đường, lớn tiếng tung hô: “Chúc tụng Đấng
nhân danh Chúa mà đến. Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời.”
Những người Biệt phái nghe những lời ca tụng đó thì khó chịu, họ lên tiếng yêu
cầu Đức Giêsu: “Thầy nhắc các môn đệ đi chứ.” Đức Giêsu trả lời: “Họ
mà làm thinh thì sỏi đá cũng kêu lên.”
Trong vai trò là người thầy, Đức Giêsu đã có những giây phút cuối cùng hết
sức đặc biệt với các môn đệ. Ngài nói lên khao khát của mình: “Thầy những
khao khát mong mỏi ăn Lễ Vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.”
Mặc dù đã hình dung ra cuộc thương khó đang đến gần, Đức Giêsu vẫn cùng các môn
đệ bước vào bữa tiệc Vượt Qua theo truyền thống Do Thái. Tuy nhiên, trong bữa
ăn, Đức Giêsu đã khiến cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên khi Ngài biến bánh và
rượu trở nên Mình Máu Ngài: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy
làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy… Chén này là giao ước mới lập bằng máu Thầy,
máu đổ ra vì anh em.” Ngay lúc đó, có lẽ các tông đồ chưa hiểu hết việc Đức
Giêsu vừa làm, chỉ sau khi Chúa phục sinh và ban Thánh Thần, các ông mới hiểu
thế nào là: Hiến tế vì anh em, bị nộp vì anh em.
Trong khi Đức Giêsu muốn làm tất cả những gì có thể để cho các tông đồ thấy
và cảm nhận được tình thương của Người, thì dường như các tông đồ vẫn dửng
dưng. Kinh Thánh còn ghi lại: “Các ông cãi nhau sôi nổi xem ai là người được
coi là lớn nhất.” Một lần nữa, Đức Giêsu lại kiên nhẫn để dạy các ông biết
rằng, Chúa không hứa hẹn địa vị hay vinh quang bổng lộc theo kiểu thế gian, trái
lại, những người tin theo Chúa thì sẽ được Chúa cho chia sẻ vào vinh quanh Nước
Trời.
Chúa Giêsu còn dành tình yêu thương đặc biệt cho Simon Phêrô. Ngài cảnh
báo ông về những thử thách và sự phản bội sẽ xảy tới, nhưng vẫn thể hiện sự tin
tưởng nơi con người yếu đuối của ông: “Phần anh khi trở lại, anh hãy củng cố
đức tin của anh em.” Sự việc xảy ra như Chúa Giêsu đã nói, Simon đã
gục ngã trước sự thử thách của cuộc thương khó. Trước mặt một đứa đầy tớ gái,
Simon sợ hãi đến nỗi ba lần công khai chối bỏ tương quan liên hệ của mình với
Thầy.
Chúa Giêsu dành hết thời gian và cơ hội để bày tỏ tình yêu thương cho các
môn đệ và những người chung quanh. Tuy nhiên, Tin Mừng cũng cho thấy, dường như
những người chung quanh không chú ý, không cảm nhận. Họ tỏ ra dửng dưng, vô tâm
trước những đau khổ của Chúa, khiến cho Chúa Giêsu trở thành người cô đơn, lạc
lõng ngay trong những người thân thương của mình. Chúa Giêsu chịu đau khổ không
chỉ bởi sự hành hạ của những tên lính, những trận roi đòn, nhưng Ngài còn chịu
đau khổ tột độ trong tâm hồn vì sự vô cảm, nhẫn tâm của những người chung
quanh. Họ đối xử với Đức Giêsu như tội đồ, những người Do Thái như muốn trút tất
cả sự bực tức, thù oán lên mình Đức Giêsu. Họ coi Đức Giêsu không bằng tên trộm
cướp Baraba, họ hành hạ Ngài để thoả mãn cái ác trong lòng họ.
Cuối cùng, sự nham hiểm tráo trở của những người Do Thái, sự gian ác của
các thượng tế, luật sĩ đã lên đến tột độ, họ gây sức ép với Philatô để lên án tử
cho Đức Giêsu và muốn vĩnh viễn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi mặt đất này. Trong
khi đó Philatô là một ông quan dân ngoại lại có thiện cảm với Đức Giêsu. Ông đã
nhiều lần tìm cách để tha Đức Giêsu. Tuy nhiên, Philatô cũng đã không để cho tiếng
nói của lương tâm, của công lý được chiến thắng trong tâm hồn ông. Vì sợ ảnh hướng
đến con đường công danh sự nghiệp, ông đã chiều theo người Do Thái lên án tử
cho Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã đón nhận sự chối từ, sự hành hạ nhục mạ của đủ mọi hạng người
kể cả bọn lính và tên tử tội cùng chịu đóng đinh bên cạnh cũng sẵn sàng buông lời
nhục mạ Chúa. Đức Giêsu đón nhận tất cả những đau đớn cực hình vì một lòng
trung thành yêu mến, vâng phục Chúa Cha và vì tình yêu thương dành cho nhân loại.
Tin Mừng Luca còn cho thấy, cái chết đau đớn của Chúa Giêsu đã bắt đầu nảy lên
mầm sống của ơn cứu độ nơi tên trộm bên phải và nơi viên sĩ quan. Tên trộm khi
chứng kiến cái chết thê thảm của một người vô tội, anh đã nhận ra người chịu
đóng đinh bên cạnh anh là Đấng có thể giải thoát linh hồn anh. Vì thế anh thưa
với Chúa: “Lạy Ngài khi nào về Nước Ngài xin nhớ đến tôi.” Đức Giêsu
mặc dầu đang đau đớn tột cùng nhưng Ngài đã không bỏ qua lời kêu xin của một con
người thấp hèn, Ngài trả lời anh: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên
thiên đàng.” Viên sĩ quan khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu, anh
nhận ra và tôn vinh Thiên Chúa: “Người này đích thực là Người Công Chính.”
Thưa quý OBACE, cùng với Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, chúng ta được mời
gọi dành những ngày thánh thiện này cho Chúa. Đừng biến mình trở thành kẻ dửng
dưng, vô tâm, vô tình với cuộc thương khó của Đức Giêsu. Ngài đón nhận cái chết
đau đớn trên thập giá không phải vì ai khác mà là vì yêu thương và muốn cứu độ
mỗi người chúng ta. Đón nhận cái chết của Đức Giêsu, là đón nhận tình yêu
thương của Chúa, là mở lòng ra cho Chúa biến đổi con người và cuộc đời của
mình. Đón nhận cuộc khổ nạn thập giá của Chúa còn là dám vác thập giá mình hằng
ngày để bước theo Chúa.
Trên hành trình theo Chúa, chắc chắn sẽ có nhiều đau khổ khó khăn thử
thách, nhưng chúng ta tin có Chúa đang cùng vác thập giá, cùng bước đi với ta.
Bước theo Chúa trên con đường khổ nạn là dám thay đổi lại cuộc sống, thói quen
xấu, để mỗi ngày sống tốt hơn, gắn bó yêu mến Chúa nhiều hơn, tin tưởng, phó
thác và cầu nguyện với Chúa nhiều hơn.
Xin Chúa giúp mỗi người sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ Tuần Thánh
này, để nhờ đó chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa và quyết tấm sống đáp đền
lại tình yêu ấy - một tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình
yêu. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí