CHÚA
NHẬT V MÙA CHAY C
MAĐALÊNA – NGƯỜI NỮ ĐƯỢC GIẢI THOÁT
Lời Chúa Ga
8,1-11
1 Khi ấy, Đức
Giê-su đến núi Ô-liu.
2 Vừa tảng sáng,
Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy
họ. 3 Lúc đó, các
kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp
đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang
đang ngoại tình. 5 Trong sách
Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy
nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế
nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón
tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi
mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc
lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại
cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ
bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một
mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng
lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà
đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên
án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
Suy niệm
“MAĐALÊNA - NGƯỜI
NỮ ĐƯỢC GIẢI THOÁT” là tên bộ phim được chiếu trên kênh VTC-16 hôm 8/3 vừa qua.
Bộ phim đã được dịch ra 205 ngôn ngữ và được công chiếu khắp nơi trên thế giới.
Phim đã được chọn để công chiếu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc trước 70 vị đại biểu,
đại sứ, lãnh đạo của 70 quốc gia nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ năm 2007.
Bộ phim lấy cảm hứng
từ câu chuyện trong Kinh Thánh kể về một người nữ được Chúa tha thứ. Vượt qua
rất nhiều định kiến và sự xa lánh, kỳ thị của xã hội, Maria Mađalêna đã chọn
thay đổi cuộc đời của mình và trở thành một nhân vật lịch sử đặc biệt trong
Kinh Thánh. Cô đã tận tụy giúp việc cho Chúa Giêsu đến tận hơi thở cuối cùng
của Ngài nơi thập tự giá.
Có thể
nói rằng, câu chuyện này là một trong những câu chuyện xúc động, gây ấn tượng về
lòng thương xót bao dung của Đức Giêsu với một người đang bị xã hội kết tội, xỉ
nhục và chà đạp. Cuộc gặp gỡ này là cuộc gặp gỡ giữa một vị Thiên Chúa nhân từ
với một tội nhân, một tâm hồn giập nát.
Câu
chuyện thánh Gioan kể lại hôm nay, vì lý do tế nhị, tác giả không nhắc tới tên
của người phụ nữ, nhưng theo truyền thống, người phụ nữa này chính là Mađalêna.
Với nhiều người, cái tên Mađalêna cũng đã đủ hình dung đến con người, quá khứ của
cô gái này. Trong xã hội Do Thái, người phụ nữ không được tôn trọng, không có vị
trí trong xã hội. Những người Biệt phái không cần quan tâm đến hoàn cảnh của cô
và gia đình. Họ bắt được cô đang gian díu với một người đàn ông khác, họ biến cô
ta trở thành miếng mồi để những người Biệt phái gài bẫy Đức Giêsu. Những người Biệt
phái hôm đó đổ dồn tất cả mọi tội lỗi lên người phụ nữ tội nghiệp này, còn người
đồng loã thì được thả đi. Cô bị lôi đi cách công khai trên đường phố cho mọi người
chế giễu, nhục mạ. Họ dẫn cô đến trước mặt Đức Giêsu cùng với đám đông vây
quanh. Những người Biệt phái đã đưa Đức Giêsu vào một cái bẫy khi nói với Người:
“Thưa Thầy, theo luật Môsê, hạng đàn bà này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy
nghĩ sao?” Nếu Đức Giêsu trả lời: tha cho cô ấy về, thì người Do Thái sẽ kết
án Đức Giêsu vi phạm luật Môsê; nếu Chúa nói, cứ xử theo luật Môsê, thì sẽ đi
ngược lại những bài giảng về sự yêu thương tha thứ mà Chúa đã dạy.
Khi công
khai kết án người khác, những người Biệt phái đang muốn cố gắng để chứng tỏ sự
trong sạch, ngay chính của bản thân. Trong khi đó người phụ nữ tội nghiệp kia đang
vô cùng sợ hãi và nhục nhã, nhân phẩm bị chà đạp, tư cách bị lấy mất, mong mỏi
có được sự cảm thông. Những người Biệt phái đã cố gắng ép Đức Giêsu phải đưa ra
quan điểm của mình, phải chọn lựa kết án hoặc tha thứ, nghiêm khắc hoặc khoan
dung. Trong tình huống này, Đức Giêsu đã trả lời: “Ai trong các ông sạch tội,
cứ lấy đá ném trước đi. Rồi cúi xuống viết trên đất.”
Câu
trả lời của Đức Giêsu khiến cho những người Biệt phái vừa ngỡ ngàng vừa cảm thấy
ray rứt. Chúa muốn để cho mỗi người một khoảng lặng mà tự vấn lương tâm của mình,
trước khi kết án anh em; cáo tội mình trước khi buộc tội người khác. Kết cục là:
khi mỗi người có những khoảng lặng để rà xét lại lương tâm và cuộc đời, người ta
sẽ thấy con người thật của mình, thấy những sai lỗi của mình và tự buông những
hòn đá xuống. Tin mừng kể lại: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau,
bắt đầu từ những người lớn tuổi.” Điều này còn cho thấy khi thẳng thắn nhìn
vào tâm hồn, người ta nhận thấy rằng mỗi ngày ta đều sai lỗi và càng nhiều tuổi,
càng chất chứa sai lỗi nhiều hơn.
Cuối
cùng, chỉ còn lại Đức Giêsu và người phụ nữ tội nghiệp vẫn đứng đó. Chị không dám
tự ý bỏ đi, vì ý thức tình trạng tội lỗi của mình. Chị đứng đó để chờ đợi phán
quyết từ nơi Đấng có quyền phán xét cả vũ trụ này. Đức Giêsu ngước nhìn và nói:
“Họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người phụ nữ thưa: Thưa Ngài không
còn ai. Đức Giêsu nói: Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ
nay đừng phạm tội nữa!” Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã gỡ bỏ tảng đá tội lỗi
đang đè nặng trong tâm hồn người phụ nữ. Chị đón nhận được lòng thương xót bao dung
và sự cảm thông của Chúa: “Tôi cũng không kết án chị đâu!” Lời này có sức
chữa lành tổn thương trong tâm hồn, khôi phục phẩm giá và giúp cho người phụ nữ
này chỗi dậy. Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ, không kết án chị, nhưng không bao che
hoặc làm ngơ, đồng tình với điều sai lỗi. Chúa cho người phụ nữ ra về nhưng vẫn
nhắc chị: “Chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa không chấp nhận
tội và tình trạng tội, nhưng lại hết sức thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho tội
nhân. Những ai khiêm tốn nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình, thành tâm đến với
Chúa, sẽ đón nhận được lòng bao dung thương xót của Chúa.
Trong
mắt người Biệt phái, những người như người phụ nữ trong câu chuyện hôm nay, đều
đáng phải chết, không có cơ hội thanh minh. Sự khắt khe của luật cũ cùng với sự
hợp tác cách nệ luật của những người Biệt phái đã đóng kín tương lai của một
con người và dồn họ vào cái chết. Đức Giêsu đến để rao truyền một luật mới, đó
là luật của tình yêu. Luật yêu thương của Đức Giêsu và Tin Mừng của Người đã mở
ra một con đường, một tương lai hy vọng cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa không
bao giờ là kẻ chặn đường, bít lối con người, nhưng luôn khai mở và giải thoát, đem
con người đến cuộc sống hạnh phúc.
Thánh
Phaolô đã từng là một người Biệt phái, từng mang trong mình niềm tự hào là người
công chính, từng lên án bắt bớ kẻ bị coi là tội lỗi. Vậy mà, sau khi bị Đức Giêsu
quật ngã, ông nhận ra con người tội lỗi yếu đuối của mình, đồng thời, nhận ra Chúa
là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ. Phaolô đã tin và đã mạnh dạn chỗi dậy để
bước theo Đức Giêsu, bỏ lại quá khứ, để bắt đầu một nếp sống mới. Trong thư
Philipphê hôm nay, ông khiêm tốn nhưng cũng rất mạnh dạn để chia sẻ rằng: “Tôi
chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.
Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao.” Cũng giống
như người phụ nữ trong Tin Mừng, Phaolô đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi sự
giày vò của quá khứ tội lỗi và mở ra một tương lai mới cho ông.
Thưa
quý OBACE, chỉ có con người mới khắt khe kết án lẫn nhau, chỉ có con người mới đóng
kín tương lai của nhau, còn Thiên Chúa thì khoan dung luôn mở ra con đường tương
lai. Thiên Chúa không kết án, đay nghiến, nhưng tha thứ và cảm thông. Đó cũng là
sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn quả quyết cùng chúng ta. Chúng ta cũng giống như
người Biệt phái, luôn muốn tỏ ra mình là người công chính, thánh thiện, trong sạch
hơn người khác, bằng việc lớn tiếng chỉ trích, kết án anh em.
Sự khắt
khe kết án người khác, thiếu lòng khoan dung, tha thứ, cảm thông thường xảy ra
trong gia đình. Vợ chồng, cha mẹ chung sống với nhau nhiều chục năm, đáng lẽ phải
hiểu nhau hơn, dễ cảm thông hơn, tuy nhiên thực tế lại không dễ dàng để thông cảm
thấu hiểu. Vợ chồng có những lúc thất tín, thất trung với nhau, mặc dù đã thành
tâm hối hận, nhưng vẫn không được tha thứ. Cũng vậy, nhiều gia đình, anh em để
trong lòng sự hờn giận, thù oán, loại trừ nhau khiến cho người sai lỗi chìm ngập
trong mặc cảm tội lỗi hoặc bị hắt hủi.
Trong
cuộc sống chung: lối xóm, công ty, đoàn thể, …người ta dễ dàng xa tránh, nói xấu
hoặc lên án người khác mà không tìm hiểu hoàn cảnh, không lắng nghe họ. Trên các
trang mạng, nhiều khi chúng ta vào hùa với đám đông lên tiếng chỉ trích chửi bới
người khác, cho dù ta không có liên hệ, cũng không biết họ là ai, không biết họ
đã làm gì. Nhiều người dùng các trang mạng để giải tỏa sự giận dữ, nóng nảy của
mình; trút lên người khác những lời lẽ nặng nề, thô tục. Những lời lẽ ấy là những
viên đá ném vào danh dự phẩm giá, cuộc đời người anh em, khiến họ tổn thương.
Mỗi
người đều đã từng được Chúa yêu thương tha thứ, đã từng được nghe Chúa nói với
chính mình: “Ta không kết tội con đâu, con hãy về và từ nay đứng phạm tội nữa,”
Thế nên, ta cũng hãy biết cảm thông tha thứ cho anh chị em. Hãy ý thức rằng mình
cũng là người có tội, để chúng ta dám buông tay bỏ hòn đá mà chúng ta đang cầm để
định ném vào người khác xuống.
Xin Chúa
giúp chúng ta biết buông bỏ khỏi mình những hòn đá kiêu căng, kết án, khắt khe và
cầm lấy những bông hoa hy vọng, yêu thương và cảm thông để trao cho anh chị em
mình. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí