Thứ Bảy Tuần III Mùa
Chay
LỜI CẦU NGUYỆN NÀO ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA
Lời
Chúa Lc
18,9-14
9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một
số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có
hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người
kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng
: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất
chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con
ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của
con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí
chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông
biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn
người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên.”
Suy
niệm
Người Pharisêu và người
thu thuế, đến từ hai tầng lớp và cách sống khác nhau. Bài Tin Mừng cho thấy
tương quan của họ với Thiên Chúa và điều họ tìm kiếm nơi Ngài cũng khác nhau. Điều
này được thể hiện trong hai lời cầu nguyện khác nhau của họ.
* Lời
cầu nguyện của người Pharisêu
Người Pharisêu có một lý lịch hết sức “sạch sẽ”. Cách sống đạo
của ông không những chuẩn mực, mà còn hơn cả luật buộc: “Ăn chay mỗi tuần hai lần, dành cho Chúa một phần mười thu nhập…”.
Nhưng lời cầu nguyện của ông không đẹp lòng Thiên Chúa, vì thái độ tự mãn và
cái nhìn thiếu tình yêu: “Lạy Chúa, con tạ
ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như
tên thu thuế kia”. Một con tim thiếu tình yêu sẽ làm mất đi sự nhạy cảm vốn
có của nó. Trái tim ấy dễ nhìn thấy cái xấu, cái dở của người khác để phê bình,
chỉ trích và cuối cùng là sự dửng dưng với người khác, ngay cả với chính Thiên
Chúa.
Người Pharisêu tự xem mình là công chính, bởi công trạng của
ông. Thế nên, ông nghĩ mình không cần hoán cải, không cần tình thương và sự tha
thứ của Thiên Chúa. Thứ ông tìm kiếm nơi Thiên Chúa không phải để xin sự công
chính của Ngài, nhưng là khoe khoang công trạng và sự công chính của bản thân.
* Lời
cầu nguyện của người thu thuế
Người thu thuế có một quá khứ tội lỗi, bất toàn. Có khi ông
không chu toàn nổi những lề luật do tôn giáo đặt ra, hay cả những lề luật của
Thiên Chúa… Cách sống của ông đáng chê trách, nhưng lời cầu nguyện của ông lại
đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi lẽ, người thu thuế đến với Chúa bằng một tâm hồn tan
nát, trống rỗng vì tội lỗi. Ông không có hy lễ, nhưng ông đến bằng một tâm hồn
khiêm nhường, tín thác, trông cậy.
Trong lời cầu nguyện của người thu thuế, chúng ta thấy một
con tim hoán cải, một con tim cần Thiên Chúa biến đổi để trở nên công chính: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Điều ông tìm kiếm nơi Thiên Chúa là ơn tha thứ và sự công chính của Ngài. Hành
động này của người thu thuế nói lên tương quan thân mật của ông với Thiên Chúa,
như lời Thánh Anphongsô đã dạy: “ Khi phạm
một tỗi lỗi nặng, chúng con hãy chạy ngay đến sấp mình dưới chân Chúa để xin ơn
tha thứ. Làm như thế là con tỏ ra hết sức tín nhiệm Người, Đấng yêu thương con
và Ngài sẽ vô cùng cảm kích”.
* Thiên
Chúa có hài lòng với lời cầu nguyện của chúng ta?
Đôi khi chúng ta tự cho mình là công chính, không cần hoán cải,
và coi thường những người yếu đuối, tội lỗi… Nhất là khi chúng ta làm được nhiều
việc hãm mình, nhiều việc lành phúc đức. Thế nhưng, các việc tốt ấy không xuất
phát từ động lực yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì tất cả điều đó là vô nghĩa.
Thiên Chúa cần nơi chúng ta lòng thống hối để được Người làm cho nên công
chính.
40 ngày chay thánh là thời gian để chúng ta cầu nguyện với
Thiên Chúa trong sa mạc nội tâm của mình. Như người thu thuế, ông nhìn lên Chúa
để thấy bản thân mình vẫn có những giằng co của các đam mê đối nghịch nhau. Những
giằng xé đó phải được phơi bày trước Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa cần sự khiêm
nhường của chúng ta.
Tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện có sức
mạnh thôi thúc chúng ta dám nhìn nhận những yếu đuối của chính mình, để giao
hòa cùng Chúa và anh em. Có như thế, chúng ta mới có thể tìm lại được sự bình
an trong tâm hồn. Sứ điệp Mùa Chay năm nay của đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến
tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đừng quản ngại từ nan: “Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện
luôn, đừng nhàm chán. Chúng ta phải cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Nghĩ rằng
không cần gì khác ngoài chính bản thân mình là một ảo tưởng nguy hiểm”.
Lạy Chúa, Ngài
mời gọi chúng con sống đạo không dừng lại ở việc tuân giữ lề luật, nhưng là một
tâm hồn khiêm nhường, tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Chúng con thực
lòng sám hối tội lỗi và đấm ngực ăn năn: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn
Điệp, OP