THỨ
BA TUẦN III MÙA CHAY
HÒA GIẢI THA THỨ
LỜI CHÚA: Mt 18,21-35
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần
Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con
phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy
mươi lần bảy”.
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi
các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua
mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên
tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp
mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo
trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha
luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc
nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !” 29 Bấy giờ, người đồng bạn
sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả
anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong
nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi
trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta
đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi
không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh
nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở
trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết
lòng tha thứ cho anh em mình”.
SUY NIỆM
Xưa có một
thương nhân giàu có đã cao tuổi, ông quyết định chia tài sản cho ba người con
trai. Trước khi chia gia sản, ông sai các con đi một năm sau trở về và cho cha
biết các con đã làm được việc gì cao thượng nhất thì sẽ được hưởng trọn gia tài
của cha. Cả ba người ra đi và trở về như đã hẹn, các anh lần lượt báo cáo những
việc làm của mình.
Người con cả
nói: “Trong lúc đi du lịch, con gặp một người lạ mặt, ông ta tín nhiệm giao cho
con giữ một túi vàng. Không lâu sau ông qua đời, con giao toàn bộ túi vàng cho
người nhà ông ta”. Người cha nói: “Tốt lắm, nhưng trung thực là phẩm cách cần
phải có, chưa đáng gọi là việc cao thượng”.
Người con thứ
hai nói: “Con đến một ngôi làng rất nghèo, thấy một cậu bé ăn xin không may ngã
xuống sông, con lập tức xuống cứu cậu lên”. Người cha khen: “Tốt lắm, nhưng cứu
người là trách nhiệm phải làm chưa đáng gọi là việc cao thượng”.
Đến lượt cậu
con út chậm rãi nói: “Con có một kẻ thù, hắn tìm mọi kế để hại con. Nhưng một
đêm nọ, con tình cờ thấy hắn đang nằm ngủ bên sườn núi, con chỉ cần đạp nhẹ một
cái là hắn rơi xuống vực thẳm nhưng con đã không làm, con đến bắt tay hắn làm
hòa nói lời xin lỗi và tiếp tục lên đường”. Người cha ôn tồn đáp: “Con trai yêu
quý, con đã làm một việc cao thượng là tha thứ cho kẻ thù. Nào, mọi sản nghiệp
của cha sẽ thuộc về con”.
Câu chuyện trên
gợi lên cho chúng ta một suy nghĩ về tình yêu thương và tha thứ. Hành động cao
thượng của người con út đã khiến người cha hết sức cảm động và ông đã không ngần
ngại chọn cậu là người thừa kế gia tài. Tục ngữ ta có câu “chọn mặt gửi vàng”,
một kho tàng quý báu không thể trao cho kẻ lười nhác, ươn hèn, trái lại phải được
trao cho người khôn ngoan, biết trân trọng giữ gìn.
Sống ở trên đời
người ta thường đến với nhau theo quy luật “có qua có lại”, ta chỉ đối xử tốt với
người có đồng quan điểm với mình, chỉ giúp đỡ những ai đem đến cho ta chút lợi
lộc. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, làm ơn cho
những người ghét chúng ta. Những điều chúng con không thích người khác làm cho
mình thì đừng làm cho người khác. Cách yêu thương này thật khó thực hiện bởi
con người chúng ta có tính ích kỷ và yếu đuối. Làm sao yêu thương được khi người
khác lăng nhục chúng ta. Làm sao đối xử tốt được với người hàng xóm keo kiệt
hay gây phiền toái cho ta. Làm sao yêu thương được người đồng nghiệp lật mặt
tráo trở trong hợp đồng làm ăn. Làm sao tha thứ được những đứa con hư thân bất
hiếu với cha mẹ… Biết bao vấn đề, bao nhiêu con người bị loại ra khỏi mối liên
hệ với chúng ta vì chúng ta chưa yêu thương đủ và chưa thực tình tha thứ
cho nhau.
Câu trả lời cho
tất cả những khúc mắc trên đó là hãy soi mình vào tình yêu của Chúa Giêsu để học
biết hai chữ YÊU THƯƠNG. Hãy nhìn lên thập giá Chúa để có được câu trả lời trọn vẹn, nhìn
vào Thánh Thể Chúa để cảm nhận được tận cùng của sự tự hiến.
Tình yêu ấy giúp chúng ta vươn lên sống cao đẹp hơn, quảng đại hơn. Tình yêu ấy
có khả năng hóa giải mọi hận thù, ghen ghét. Nhờ Đức Mến,
Thiên
Chúa đổ vào lòng chúng ta ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa ấy thanh tẩy tâm hồn cùng những quyến luyến trần trần tục và quy hướng lòng ta về với Chúa và anh em đồng loại.
Một cách khác để hóa giải những vấn đề
trắc trở của mối dây yêu thương đó là đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện không phải
để quên đi lỗi lầm của người khác nhưng là để đón nhận họ với tất cả sự yếu đuối
và những giới hạn. Cầu nguyện là để biết mình. Đôi khi chính chúng ta cũng đang
bách hại anh em một cách gián tiếp. Bách hại trong lời nói, trong thái độ khinh
dể loại trừ. Bởi vì đã là người ai dám chắc chắn mình sẽ không phạm lỗi. Thế
nên mỗi ngày chúng ta phải cầu nguyện để cảnh tỉnh chính mình khỏi ngã khi nghĩ
mình đang đứng vững, khỏi chết khi mình vẫn đang sống.
Cầu nguyện giúp ta biết đón nhận tha nhân như món quà Chúa trao. Khi có đời sống cầu nguyện thiết thân với Chúa, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là ân sủng của Người. Lúc vui lúc buồn, lúc phấn khởi hay khi chán chường thất vọng thì lời cầu
nguyện của chúng ta càng trở nên tha
thiết. Giữa lúc sung túc sum họp hay khi
túng thiếu chia ly thì lời cầu nguyện càng giúp ta kiên trì giữ vững niềm tin.
Và mục đích cuối cùng của cầu nguyện là đạt được chính Thiên Chúa. Thánh
Têrêsa Avila khẳng định rằng: “Một linh hồn
bền tâm cầu nguyện dù tội lỗi đến đâu, bị cám dỗ thế nào đi nữa và phạm đủ thứ
tội ma quỷ xúi giục, tôi tin chắc chắn Chúa cũng dẫn họ tới Ơn Cứu Độ đời đời”
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta phải tha thứ
luôn mãi. Thiên Chúa là người Cha nhân từ không bao giờ chấp tội chúng ta. Trái
lại Người còn yêu thương và đón nhận những người tội lỗi. Trong “Kinh Lạy Cha”,
Chúa đã dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác thì chúng ta sẽ được Thiên
Chúa thứ tha (x. Mt 6,7-15). Khuyết điểm của chúng ta là ghi nhớ những lỗi lầm
của người khác nên khó lòng tha thứ cho họ. Sống là bước tiếp, là đi tới. Chúng
ta hãy vượt qua những giới hạn lỗi lầm của tha nhân để hướng tới những điều
tích cực. Hãy thiết lập mối tương quan thân ái bằng cách đối xử tốt với mọi người
xung quanh. Hãy mau mắn làm hòa với những người đã xúc phạm đến chúng ta, cách
đó giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi hận thù ghen ghét để tận hưởng niềm vui lớn
lao của tình yêu thương.
Người xưa thường nói “dĩ hòa vi quý”. Lấy sự hòa thuận đối
xử với người thật là điều đáng trân quý. Để thế giới được hòa bình, mỗi tín hữu
phải là nhân tố của sự hòa giải. Chúa Giêsu không dung thứ cho bạo lực sự ác,
Người hướng chúng ta đến hành động khiêm tốn bao dung, lấy yêu thương thắng hận
thù. “Nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai
muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Hãy
yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt
5,39-40.43). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn ưu tư về vấn đề hòa
ái, ngài nói: “Cần giao hòa con người với thiên
nhiên, giao hòa con người với đồng loại và với cả chính mình. Xây dựng một cái
nhìn toàn vẹn và đầy đủ về con người nhằm chống lại sự ngờ vực và phi nhân hóa”.
Lạy Chúa Giêsu, dù chúng con tội lỗi bất trung
nhưng Chúa vẫn đối đối xử với chúng con bằng tình yêu quảng đại không biên giới.
Xin Chúa đổ đầy vào trái tim con ơn tha thứ của Chúa giúp con biết đón nhận và yêu mến tha nhân bằng trái tim của Chúa. Xin cho tâm hồn con
luôn được bình an trước mọi biến cố của cuộc sống để vững tin và tiến bước
trong tình yêu Cứu Độ. Amen.
Nt.
M. Anh Thư, OP