LỄ
VỌNG PHỤC SINH
TIN MỪNG PHỤC SINH KHƠI
LÊN NIỀM HY VỌNG
Everything will be
ok (mọi thứ sẽ ổn thôi) đó là dòng chữ trên ngực áo của cô gái trẻ 20 tuổi dũng
cảm, tên là Ma Kyal Sin, bị bắn chết ngày 3/3 tại cuộc biểu tình tại Myanmar.
Cái chết của cô đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào biểu tình chống chế
độ quân sự tại đất nước này. Cái chết của cô làm khơi lên ý chí chiến đấu chống
chế độ độc tài và mở ra nhiều hy vọng. Cô bị một viên đạn bắn vào đầu trong khi
đang cùng với đoàn người biểu tình, trên tay còn cầm một chai nước để trợ giúp
cho những người biểu tình bị trúng hơi cay của cảnh sát. Cái chết của cô gái
như truyền một động lực mạnh mẽ cho người dân Myanmar, khiến họ không sợ chết nữa,
họ tin vào một tương lai tốt đẹp và tuyên bố tiếp tục đấu tranh cho đến cùng.
Cô gái trẻ hai mươi tuổi này đã trở thành biểu tượng cho khát vọng tự do, dân
chủ và hòa bình nơi những người trẻ tại Miến điện, đã khiến cho cả thế giới cảm
phục.
Trong lịch sử, có những
cái chết đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Có cái chết khiến cho nhiều
người tiếc nuối như cái chết của mẹ Têrêsa Calcutta, Công nương Dianna; có cái
chết khiến cho thế giới cảm động như cái chết của một viên cảnh sát Hoa kỳ liều
thân với tên khủng bố để cứu nhiều người trong siêu thị. Nhưng trong tất cả những
cái chết của những người đó, không có cái chết nào có thể sánh với tầm ảnh hưởng
của cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Cái chết và cuộc phục sinh của Chúa
Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm vẫn là một biến cố gợi hứng, truyền sức mạnh và
đem lại niềm hy vọng lớn lao cho toàn thể nhân loại. Đêm hôm nay, chúng ta cùng
với cả Giáo Hội hân hoan cử hành biến cố trọng đại này và là niềm hy vọng cho tất
cả chúng ta.
Trong suốt Tuần
Thánh, chúng ta có cảm tưởng như một bầu trời u ám bao trùm Giáo Hội, bởi cuộc
thương khó và cái chết đau đớn kinh hoàng của Chúa Giêsu. Với sức của con người,
quả thật, không dễ dàng để đón nhận biến cố kinh hoàng này. Mặc dù các tông đồ
đã được Chúa báo trước nhiều lần về cuộc tử nạn thập giá của Ngài, tuy nhiên,
khi sự việc xảy ra, các ông cũng vẫn không thể chịu đựng nổi. Vì thế, các tông
đồ rơi vào hoảng loạn, kẻ thì bỏ trốn, người thì chối bỏ mọi tương quan với thầy.
Các ông tuy còn thở, nhưng tâm hồn, ý chí, nghị lực dường như đã chết. Trong
hoàn cảnh hết sức bi đát, chán nản, thất vọng như thế, một luồng sáng hy vọng
đã lóe lên và dần dần phục hồi lại tâm hồn cho các tông đồ.
Tin Mừng Marcô thuật
lại: “Các phụ nữ mua dầu thơm để đi ướp
xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc,
các bà ra mộ”. Trong mắt và trong tâm hồn của các phụ nữ này, Đức Giêsu đã
chết. Việc các bà mua thuốc thơm để đi ướp xác Chúa là những việc nhân ái cuối
cùng các bà có thể làm cho vị thầy yêu quý của mình. Mặc dù lúc các bà ra thăm
mộ, mặt trời đã ló rạng, nhưng trong tâm hồn các bà vẫn là một bầu trời đen tối
của tuyệt vọng, chết chóc. Các bà ra đi trong bế tắc và tự hỏi nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm chúng
ta đây?” Tuy không biết là ai sẽ giúp, nhưng các bà vẫn cứ ra mộ. Và thật ngạc
nhiên là “khi ngước nhìn lên, các bà thấy
tảng đá đã được lăn ra một bên rồi, tảng đá ấy lớn lắm”. Chi tiết này cho
thấy một khi các bà chỉ cắm mặt xuống đất mà bước đi, các bà sẽ mãi đi trong thất
vọng và bế tắc. Trái lại, khi các bà ngước nhìn lên, niềm hy vọng sẽ mở ra cho
cuộc đời các bà.
Các phụ nữ đã bước
vào trong mộ và gặp thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng. Các bà hết
sức hoảng sợ. Người thanh niên này đã trấn an các bà: “Các bà đừng hoảng sợ! các bà tìm Đức Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh.
Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ đã đặt xác Người”.
Những lời của chàng thanh niên áo trắng chính là lời của sứ thần loan báo cho
các phụ nữ biết: “Đức Giêsu Nazareth, Đấng
bị đóng đinh. Người đã trỗi dây rồi”. Tuy nhiên, khi nghe sứ điệp này, các
phụ nữ đã không dễ để đón nhận, bởi vì các bà chưa thoát ra được nỗi sợ hãi và
thất vọng. Các bà chưa có đủ đức tin để đón nhận phép lạ lớn lao và vượt quá sự
tưởng tượng và lẽ tự nhiên này. Vì chính các bà vẫn muốn chôn chặt Đức Giêsu đã
chết trong tâm hồn mà không chịu mở ra để đón nhận tin vui phục sinh.
Dầu vậy, thiên sứ
cũng trao cho các bà một sứ mạng mới đó là “trở
về báo tin cho ông Simon và các môn đệ của Chúa rằng Người sẽ đến Galilêa trước
các ông. Ở đó các ông sẽ được gặp Người”. Câu chuyện được kể trong các Tin
Mừng khác cho thấy các phụ nữ vội vã chạy về gặp Simon và các tông đồ để báo
cho các ông về những gì các bà đã nghe và đã thấy. Nhưng trong Tin Mừng Marcô,
tác giả lại kể rằng: “Ra khỏi mộ, các bà
liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ
hãi”. Điều này lại một lần nữa cho thấy, các phụ nữ cho đến lúc này vẫn còn
để tảng đá sợ hãi đè nén tâm hồn, khiến họ chưa thoát ra được bóng tối của sợ
hãi và sự ám ảnh bởi cái chết của thầy.
Khi các phụ nữ sợ
hãi không dám nói với ai, các bà bỏ trốn thì ai là người loan báo tin vui phục
sinh đầu tiên? Chắc chắn thánh Marcô có cái nhìn riêng của ngài: Có lẽ tác giả
cho rằng thẩm quyền, thế giá và nhân chứng đáng tin nhất về việc Chúa phục sinh
không phải từ các phụ nữ, nhưng từ Simon và các tông đồ, tức là từ Giáo Hội. Vì
lời tuyên xưng “Chúa đã sống lại thật rồi”
phải là lời loan báo đầu tiên từ Giáo Hội và của Giáo Hội. Nếu đọc tiếp đoạn
Tin Mừng sau đó, Thánh Marcô đã tổng kết lại những lần Chúa hiện ra. Nhưng có lẽ
quan trọng nhất và là điểm nhấn của Marcô khi thuật lại việc Chúa Giêsu Phục
Sinh hẹn gặp các tông đồ tại Galilê. Ngài trách các ông cứng lòng tin. Nhưng liền
sau đó, Ngài truyền cho các ông một sứ mệnh hết sức quan trọng, đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Đây là sứ mệnh quan trọng và sống còn của
Giáo Hội mà các tông đồ đã đón nhận và đang thực hiện công cuộc loan báo Tin Mừng
Phục Sinh của Chúa cho đến tận cùng cõi đất.
Mặc dù không kể
chi tiết những lần Chúa phục sinh hiện ra với các tông đồ, những chắc chắn những
lần gặp gỡ sau khi Chúa Giêsu sống lại đã biến đổi hoàn toàn các tông đồ. Các
ông từ những con người hèn nhát trở nên can đảm, từ yếu đuối trở nên mạnh mẽ, từ
sợ hãi trở nên can trường trong sứ mạng loan báo Chúa phục sinh cho thế giới. Chính
niềm tin vào Chúa Phục sinh đã trở thành sức mạnh, niềm hy vọng và là động lực
thúc đẩy các tông đồ lên đường thực thi sứ mạng đem Tin Mừng đến tận cùng cõi đất.
Thưa quý OBACE, cử
hành đêm canh thức Phục Sinh hôm nay, chúng ta được nghe và suy gẫm về chương
trình kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm cho nhân loại. Thiên Chúa tạo dựng con người
và vũ trụ với tất cả tình yêu thương và sự trân trọng. Nhưng con người lại
không trân trọng đủ đối với Thiên Chúa, họ từ chối và phản bội với đấng đã yêu
thương và dựng nên mình. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu vô hạn đối với con người
đến nỗi trao tặng cho nhân loại
chính Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã yêu nhân loại đến cùng bằng việc trao ban tất cả con
người, máu thịt, sự sống cho nhân loại. Ngài đã chấp nhận đau khổ thập giá và
đã sống lại để đem lại cho nhân loại ơn cứu độ.
Chúa phục sinh đã
lăn hòn đá ra khỏi mộ, nhưng nhiều người vẫn để một hòn đá lớn đè nặng trong cuộc
đời khiến ta không gặp được Ngài. Hòn đá đó có thể là tội lỗi hoặc những thói xấu,
những việc làm gian dối, bất công, khiến cho lương tâm ta nặng trĩu. Hòn đá đó
có thể là hòn đá của công việc, trách nhiệm, kể cả những hòn đá tham danh vọng,
tiền bạc, của cải, danh dự khiến ta lấy đủ lý do tránh né Chúa.
Chúa Phục sinh là
nguồn hy vọng và là sức mạnh để ta sống và chiến đấu với ma quỷ, tội lỗi và sự
dữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn để trong mình sự sợ hãi, chán nản, thất vọng. Họ
không tin tưởng để cầu nguyện, không thực hành những điều Chúa dạy, không tin
vào tình thương và sự tha thứ của Chúa, không lãnh nhận sự trợ lực của Chúa qua
các bí tích, nhất là Bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Cũng vì thế, họ bỏ quên sứ
mạng quan trọng là loan báo Chúa Phục Sinh cho anh chị em.
Xin Chúa Phục sinh
biến đổi mỗi chúng ta, ban sức mạnh, niềm vui hy vọng, sự nhiệt thành, và biến
chúng ta trở thành những sứ giả đáng tin loan báo về Chúa Phục sinh cho mọi người.
Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí.