BÍ TÍCH THÁNH THỂ
LỜI CHÚA Ga 13,1-15
(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ
thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở
thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
(2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon
Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã
giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về
cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo
ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào
chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người:
"Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7) Ðức
Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ
hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con,
không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân
cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon
Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay
và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi,
thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em
đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người
biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều
sạch".
(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và
nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13)
Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là
Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
SUY NIỆM
Trong Thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ năm Tuần Thánh, phụng vụ nhắc chúng ta
nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể còn được
gọi là: bí tích Tình yêu, bí tích Hiệp nhất, bí tích Vượt Qua, mỗi tên gọi nói
lên một khía cạnh vô cùng phong phú của bí tích. Trong các tên gọi đó, thì tên
gọi "bí tích Tình yêu" chắc hẳn diễn tả đầy đủ hơn cả về đặc tính của
bí tích này. Vì chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được lý do tại sao Chúa
Giêsu lại hiến cả mạng sống, rồi lại còn lấy Thịt và Máu mình làm lương thực
nuôi sống cho từng người chúng ta.
Tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu đã được thánh sử Gioan diễn tả cách
ngắn gọn, nhưng cũng thật súc tích trong lời mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay:
"Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về
cùng Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, và
Người đã yêu thương họ đến cùng". Hôm nay, trong khung cảnh phụng vụ ngày
thứ năm tuần thánh, chúng ta cùng chiêm ngắm tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu.
Trước hết, đó là một tình yêu phục vụ. Thánh
sử Gioan ghi nhận rằng: "Trong bữa ăn tối, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi
áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho
các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau". Điều đó cho thấy chính vì yêu
thương những kẻ thuộc về mình đến cùng, Chúa Giêsu đã không ngần ngại hạ mình
làm một công việc của người đầy tớ, đó là rửa chân cho các môn đệ. Theo tục lệ
của người Do Thái lúc bấy giờ, rửa chân là công việc của một đầy tớ, hay một
người nô lệ làm cho chủ. Thế mà Chúa Giêsu là Thầy, là Chủ lại đi rửa chân cho
các môn đệ của mình. Quả thật, đây là một hành vi không thể hiểu theo suy nghĩ
bình thường. Và chuyện này còn bất bình thường hơn nữa, khi Chúa Giêsu không
chỉ rửa chân cho một hay hai môn đệ mà Ngài yêu quý, nhưng lại rửa chân cho
"các môn đệ", nghĩa là, Ngài rửa chân cho cả Giuđa, kẻ mà Ngài biết
sẽ phản bội Ngài, và Phêrô, kẻ sẽ chối Ngài ba lần.
Một tình yêu cho đến cùng như thế, chắc chắn chúng ta không thể hiểu nổi.
Chúng ta có thể cảm nghiệm được một phần nào tình yêu này qua tình mẫu tử của
người mẹ dành cho con. Chẳng hạn như có những người mẹ vì yêu chồng, thương
con, người mẹ sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, làm ăn vất vả, nhịn ăn, nhịn mặc,
miễn sao chồng con được no đủ và hạnh phúc.
Tiếp theo, tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu là một tình yêu hiến thân. Tình
yêu đến cùng của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc phục vụ, nhưng còn tiến
xa hơn, đó là Ngài lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta. Thánh
Phaolô trong bài đọc 2 đã thuật lại như sau: "Chúa Giêsu trong đêm bị trao
nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà
ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Người còn cầm lấy chén rượu và
phán: “Chén này là Giao ước mới, lập bằng máu Thầy, mỗi khi các con uống, các
con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Như thế, chúng ta thấy, Mình và Máu của Chúa Giêsu không những đã thực sự
trở nên của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta, nhưng còn là máu của Giao ước
mới, đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Giao ước mới này đã được báo trước
qua hình ảnh con chiên bị sát tế để lấy máu bôi lên cửa nhà người Do thái mà
chúng ta vừa nghe trong bài đọc 1. Lúc đó, trong đêm Vượt Qua tại đất Ai Cập,
lúc thiên thần đi qua để sát hại các con đầu lòng của người Ai Cập, thì nhờ dấu
máu bôi lên cửa này, những đứa con đầu lòng của người Do Thái đã được cứu sống.
Chiêm ngắm và cảm nhận tình yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu trong thánh lễ
hôm nay, vậy chúng ta phải làm gì để đền đáp tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho
chúng ta?
Trước hết, chúng ta phải chu toàn tốt bổn phận đạo đức hàng ngày như:
tham dự thánh lễ, đọc kinh sáng tối, tham dự giờ chầu Thánh Thể v.v…
Tiếp theo, trong tương quan với những người xung quanh, chúng ta cũng hãy
giúp nhau sống tốt hơn mỗi ngày qua việc sửa lỗi cho nhau. Chắc chắn không ai
là người hoàn hảo, ai cũng có những lỗi lầm cách này hay cách khác. Điều quan
trọng là giúp nhau nhận lỗi và sửa lỗi để sống tốt hơn mỗi ngày.
Cuối cùng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương hy sinh, phục
vụ. Tình yêu mà không có hy sinh phục vụ là tình yêu giả dối. Ngược lại, hy
sinh phục vụ mà không có tình yêu thì không có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời
gọi chúng con sống tình yêu phục vụ và tình yêu hiến thân như Chúa đã làm
gương. Ước gì với sức mạnh và ân sủng qua Bí tích Thánh Thể mà chúng con cử hành và đón nhận mỗi ngày,
chúng con biết thực thi Thánh Ý Chúa hàng ngày
để xứng đáng đón nhận sự sống
Phục Sinh vinh quang của Chúa. Amen.
Lm. J.P