CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C
TIN VÀO THIÊN CHÚA VÀ SỨC MẠNH CỦA LỜI NGÀI
Lời Chúa
Lc 4, 1-13
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy
Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó
suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn
gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là
Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp:
“Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời
Chúa nữa”.
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao
hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi
sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là
của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự
ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải
thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường
cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống,
vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm
rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại:
“Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm
đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
Suy niệm
Người ta thường nói: Lời nói của kẻ có quyền, có tiền thì có ảnh hưởng mạnh
hơn tiếng nói của người nghèo. Một lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ có thể ảnh
hưởng đến nền kinh tế thế giới, khiến cho giá vàng, giá đô la nhảy múa; một lời
tuyên bố của tổng thống Nga, gây ra chiến tranh chết chóc cho người dân Ukraine.
Tiếng nói của các lãnh đạo quốc gia nghèo không được mấy người quan tâm. Ví dụ:
Tại các phiên họp của Liên Hiệp Quốc, mỗi lần tổng thống Hoa Kỳ phát biểu, cả hội
trường chật cứng người theo dõi; trái lại lãnh đạo các quốc gia khác phát biểu
chỉ được vài người ở lại. Như vậy, lời nói có ảnh hưởng nhiều hay ít còn tuỳ
thuộc vào quyền lực và tầm mức của người đó đối với người khác.
Hôm nay, các bài đọc đầu mùa chay nhấn mạnh cho chúng ta về sức mạnh của Lời
Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa hoàn toàn khác với lời của con người. Lời của
con người nói ra kèm theo súng đạn có thể gây đau khổ, chết chóc cho người khác.
Còn Lời của Thiên Chúa là Lời của Đấng Quyền Năng tạo dựng nên vũ trụ, là Đấng
làm chủ mọi loài mọi vật. Lời của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, có sức mạnh
xua trừ ma quỷ, chữa lành tâm hồn và là lời đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Thư Rôma quả quyết với chúng ta: “Lời của Thiên Chúa ở gần bạn, ngay
trên miệng, ngay trong lòng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng
bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn được ơn cứu độ.”
Đức Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, lời yêu thương Thiên Chúa ban tặng
cho con người. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại, chữa lành tâm hồn
và cứu chuộc chúng ta. Vì thế, khi đón nhận Đức Giêsu là ta đón nhận Lời của
Thiên Chúa; khi nghe và thực hành những gì Đức Giêsu rao giảng là ta nghe và thực
hành thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng: “Nếu chúng ta tin Đức
Giêsu đã chết và đã sống lại, cùng thực thi những lời Ngài truyền dạy, chúng ta
sẽ không bao giờ thất vọng, vì Ngài là Thầy, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng
ta.
Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, Lời của Chúa là lời quyền
năng khiến cho ma quỷ khiếp sợ. Những ai noi gương Đức Giêsu, dùng Lời của Chúa
làm vũ khí, làm khiên che thuẫn đỡ, thì cũng sẽ chiến thắng ma quỷ, tội lỗi. Các
tác giả Tin Mừng đều thuật lại cuộc thử thách trong buổi khởi đầu sứ mạng rao
giảng của Đức Giêsu. Riêng Tin Mừng Luca cho thấy cuộc thử thách này thực sự là
một cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Satan. Satan bày ra nhiều mưu kế để làm suy
chuyển kế hoạch của Thiên Chúa, còn Đức Giêsu, lại dùng Lời của Thiên Chúa như
là vũ khí để liên tục tấn công ma quỷ khiến cho chúng phải rút lui.
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được Chúa Cha giới thiệu với mọi người: “Đây
là con rất yêu dấu của Ta.” Sau đó, Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang
địa trải qua bốn mươi ngày chay tịnh và chịu Satan cám dỗ. Thánh Luca cho thấy,
ma quỷ đã cám dỗ Chúa tìm kiếm vật chất, địa vị và cậy dựa vào sức mình thay vì
cậy dựa vào Thiên Chúa. Lợi dụng cái đói thể xác nơi Chúa Giêsu sau bốn mươi ngày
chay tịnh, ma quỷ nói với người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền
cho những hòn đá đá này hoá bánh đi.” Ở hiệp đầu này, ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu
dùng quyền năng Thiên Chúa để tìm kiếm cơm bánh và dùng cơm bánh vật chất để lôi
cuốn nhiều người. Cơm bánh, của cải vật chất là những nhu cầu căn bản của con
người và cũng là khao khát tìm kiếm của con người. Ma quỷ muốn Chúa Giêsu đáp ứng
nhu cầu vật chất thay vì rao giảng và đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của
linh hồn; quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề xã hội hơn là những vấn đề
trong tâm hồn. Sâu xa hơn nữa, nó cám dỗ Chúa Giêsu tìm sự thành công, nổi tiếng
bằng việc cung cấp cơm bánh cho mọi người. Đức Giêsu đã không dễ dàng rơi vào cám
dỗ này, Ngài đã trả lời cho ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Qua câu trả lời, Đức Giêsu cho thấy cơm bánh là cần thiết cho thể xác,
nhưng việc nuôi dưỡng linh hồn và đời sống thiêng liêng phải là việc quan trọng
hơn.
Quyền lực và địa vị là khao khát của nhiều người. Có những người tìm mọi
cách để giành được địa vị và quyền lực, muốn ở trên mọi người và có quyền trên
mọi người. Vì thế, họ khó có thể buông bỏ quyền lực và địa vị. Ma quỷ đã cám dỗ
Đức Giêsu tìm kiếm địa vị và quyền lực. Đức Giêsu khi mang lấy thân phận con người,
Ngài cũng chịu sự giới hạn và yếu đuối như mọi người. Ma quỷ muốn cám dỗ Đức Giêsu
rằng: Thiên Chúa đã tước hết vinh quang quyền năng ở nơi ông, vì thế, ông phải
tự tìm lại vinh quang địa vị quyền lực cho mình. Ma quỷ đưa Chúa lên nơi cao để
nhìn xem vinh quang, lợi lộc của các nước thiên hạ. Nó hứa sẽ trao cả thiên hạ
vào tay Người với một điều kiện duy nhất: “Ông hãy bái lạy tôi, thì tất cả
thuộc về ông.” Đây là cám dỗ nguy hiểm, vì cám dỗ này nằm sâu trong khát vọng,
ham muốn của con người, muốn giành địa vị quyền lực về cho mình. Cám dỗ này là
cám dỗ đánh đổi: tìm kiếm quyền lực địa vị thì phải bái lậy Satan, tức là chấp
nhận sự điều khiển và ảnh hưởng của nó. Đức Giêsu đã quyết liệt chống trả cám dỗ
này, Ngài dùng lời Kinh Thánh để chống lại ma quỷ và cho thấy, chọn thờ phượng
Thiên Chúa vừa là một chọn lựa dứt khoát vừa là một bổn phận của tất cả mọi người:
“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một
mình Người mà thôi.”
Cùng với cám dỗ tìm kiếm vật chất, địa vị và quyền lực, con người còn bị
cám dỗ cậy dựa vào chính mình, thoả mãn cho sự kiêu ngạo và muốn Thiên Chúa phải
đáp ứng cho đòi hỏi của mình. Ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu đòi Thiên Chúa phải phục
vụ mình. Nó nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống
đi! Vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng, để chân bạn khỏi vấp vào
đá.” Ma quỷ dùng chính lời của Kinh Thánh để cám dỗ Đức Giêsu. Cám dỗ dùng
lời Kinh Thánh để biện minh cho hành động của mình. Cám dỗ này thật là thâm hiểm,
nó khuyến khích người ta tin vào Thiên Chúa không phải vì yêu mến, nhưng để đòi
hỏi Thiên Chúa phải đáp ứng cho những tham vọng của mình. Nếu Thiên Chúa không đáp
ứng cho những đòi hỏi đó, thì người ta sẽ hồ nghi Thiên Chúa và không tin vào lời
của Ngài nữa. Đức Giêsu đã quyết liệt chống lại cám dỗ này, Ngài đáp lại: “Có
lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Tin Mừng
ghi lại: sau khi đã xoay sở hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi và chờ đợi
thời cơ.
Thưa quý OBACE, Đức Giêsu đã dùng lời của Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa
làm vũ khí chống lại ma quỷ, khiến cho nó phải bỏ đi. Chắc chắn ma quỷ sẽ không
chịu bỏ cuộc, nó sẽ tìm thời cơ để cám dỗ Đức Giêsu. Nó cám dỗ Chúa Giêsu sống
theo cách sống của con người, cư xử theo cách hành xử của con người, đi theo
con đường của con người thay vì sống, cư xử và đi theo thánh ý Thiên Chúa. Ma
quỷ chịu thua Đức Giêsu, nhưng nó vẫn tìm mọi thời cơ để cám dỗ chúng ta là môn
đệ của Ngài. Ma quỷ cám dỗ chúng ta bỏ Thiên Chúa và lời của Ngài qua một bên để
tìm kiếm cơm bánh, của cải vật chất. Ma quỷ cũng khiến cho nhiều người đặt sai
thứ tự ưu tiên trong cuộc đời, lấy của cải tiền bạc, nhà cửa đất đai làm mục tiêu
ưu tiên hơn là tìm kiếm Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời. Nó khiến cho nhiều người
tự biện minh cho mình rằng: Có thực mới vực được đạo. Từ đó, họ đặt việc
tìm kiếm cơm bánh vật chất, công ăn việc làm lên trên Thiên Chúa, trên cả phần
rỗi linh hồn của mình.
Ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta tìm kiếm danh vọng, địa vị xã hội, tranh giành,
ghen tỵ khi thấy người khác hơn mình. Trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng nghi ngờ
nhau, anh em ruột thịt thù ghét nhau. Con người bị cám dỗ dùng thủ đoạn, bạo lực
và những mưu mô ma quỷ và cách thức của thế gian để đối xứ với nhau, thay vì lấy
tình yêu và sự cảm thông tha thứ để đối đãi với nhau. Nhất là ma quỷ cám dỗ chúng
ta ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa khi gặp thất bại, hồ nghi tình yêu và sự
quan phòng của Thiên Chúa khi gặp thử thách khó khăn, đòi Thiên Chúa phải làm
những phép lạ để giải quyết khó khăn cho mình.
Chúng ta sẽ khó có thể vượt qua những cám dỗ, nếu không cậy dựa vào Đức Giêsu
và Lời của Ngài. Nơi Thánh lễ và Thánh Thể mỗi ngày, chúng ta được chính Chúa Giêsu
là sức mạnh bảo vệ chúng ta. Đón nhận Lời của Chúa và đem ra thực hành sẽ là vũ
khí giúp ta khỏi sự tấn công của ma quỷ. Đương đầu với cám dỗ, đừng cậy dựa vào
sức riêng mình, nhưng tin tưởng và cầu xin Chúa thương trợ giúp chúng ta. Có Chúa
ở bên, Chúa sẽ chiến đấu cùng với chúng ta để chống lại ma quỷ, tội lỗi.
Xin cho chúng ta luôn tin vào Thiên Chúa và sức mạnh của Lời Chúa, tận dụng
Mùa Chay này để thanh luyện đời sống và gia tăng sức mạnh giúp ta vượt thắng cám
dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt đang tấn công chúng ta mỗi ngày. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí