THỨ HAI
TUẦN III MÙA CHAY
MỞ LÒNG ĐÓN NHẬN
Lời Chúa Lc 4,24-30
24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân
chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được
chấp nhận tại quê hương mình.
25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời
ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ
dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế
mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà
goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn
sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người
nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn
nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành
này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống
vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy
niệm
“Không một ngôn sứ nào được
chấp nhận tại quê hương mình”. Mở đầu bài Tin Mừng
hôm nay mang một bầu khí không mấy vui, không mấy tốt đẹp cho lắm. Đức Giê-su
nói một lời nghe có vẻ xót xa, lạnh lùng.
Đức Giê-su trở về Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng với biết bao nhiêu
kỷ niệm bên cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân thích và bà con lối xóm sau những
tháng ngày dong duổi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Trên hành trình sứ vụ rao giảng
đó, danh tiếng của Ngài đồn ra khắp nơi và được người ta ca tụng vì “lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có
uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc
1,27). Có lẽ điều này không chỉ làm vẻ vang gia đình, dòng họ “một người làm
quan cả họ được nhờ” nhưng còn là niềm tự hào cho quê hương làng xóm. Thế nhưng
Đức Giê-su lại gặp phải những nghi kỵ, ngờ vực và cả những chống đối từ chính những
người đồng hương với Ngài. Sâu xa dẫn đến điều đó là vì họ không mở lòng đón nhận
sự thật.
Trước tiên họ từ chối đón nhận sự thật đến từ mặc khải của Thiên
Chúa. Trong não trạng của người Do-thái nói chung Đấng Mê-si-a là một nhà
lãnh đạo được Thiên Chúa xức dầu, phải là hậu duệ của dòng dõi vua Đa-vít,
là người dùng uy quyền và sức mạnh sẽ giải phóng và thống nhất It-ra-en... Vì
thế khi Đức Giê-su xuất hiện, mặc dù bằng nhiều cách Ngài chứng tỏ cho họ thấy
Ngài là Đấng mà họ trông đợi đã đến. Qua lời rao giảng, chữa lành và làm nhiều
phép lạ Ngài khai mở triều đại Nước Thiên Chúa đến gần. Họ khâm phục và tán
dương những điều Ngài làm nhưng lại không đón nhận Ngài chỉ vì một Giê-su rất đỗi
đời thường, gần gũi và thân thiết. Bởi họ quá chú ý tới thân phận con người và
gia thế của Ngài về cha mẹ, anh chị em họ hàng của Ngài nên không nhận ra khuôn
mặt Thiên Chúa trong con người của Ngài. Xem ra nơi Ngài chẳng có chi phải chú
ý. Họ không nhận ra chính Đấng mà họ vẫn hằng mong chờ, Đấng là Thiên Chúa đã đến
và đang hiện diện bên cạnh họ. Họ không tin vì não trạng cố chấp, không mở lòng
đón nhận những mạc khải đến từ Thiên Chúa. Họ xây dựng hình ảnh về Đấng Ki-tô
như chính họ mong muốn mà lại không chú ý tới điều Thiên Chúa muốn.
Đó phải chăng cũng là thái độ của chúng ta hôm nay. Tôi đang theo
Chúa nào? Vị Chúa mà tôi mong muốn là Đấng luôn luôn đáp ứng những nhu cầu của tôi. Chúa mà tôi thờ là Đấng phải
ban cho tôi hạnh phúc, sung sướng. Hình ảnh Chúa trong tôi có bị sai lệch nên khi
gặp chút khó khăn, đau khổ tôi liền than van, trách móc và chối từ Ngài. Chúng ta bắt Chúa theo như
khuôn mẫu chúng ta dựng nên chứ không muốn để Ngài như chính Ngài muốn trong
ta.
Thứ đến, họ từ chối đón nhận sự thật đến từ chính bản thân họ, đến từ
lịch sử dân tộc mình. Thật vậy, khi Đức Giê-su viện dẫn hai điển hình về trường
hợp của ngôn sứ Ê-li-a đến giúp cho bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn vượt qua
cơn đói và ngôn sứ Ê-li-sa chữa lành cho
ông Na-a-man xứ Xy-ri khỏi bệnh phong thì họ đã không còn đủ bình tĩnh để nghe
Ngài nói và lòng đầy phẫn nộ. Liền sau đó một loạt hành động: đứng đậy, lôi,
kéo và định xô Ngài xuống vực. Như một giọt nước tràn ly bởi Đức Giê-su đụng đến
cái gọi là tự ái, tự kiêu của họ. Đây là sự thật nhưng họ cố tình không muốn
đón nhận. Họ luôn coi dân tộc mình là nhất, là số một, chỉ có họ mới được cứu độ
còn dân ngoại là ô uế, thứ đáng phải tránh xa. Nhưng rõ ràng các ngôn sứ của họ,
những ngôn sứ mà họ kính trọng vẫn được Thiên Chúa sai đến với dân ngoại. Ơn cứu
độ của Thiên Chúa không dành riêng cho dân Người tuyển chọn nhưng còn cho cả
dân ngoại nữa.
Trong cuộc sống chúng ta đôi khi quá ảo tưởng về mình, cho mình là
hoàn hảo nên không dám thừa nhận những khiếm khuyết, sai lỗi của mình. Đằng
khác chúng ta lại sẵn sàng ném cho anh chị em mình cái nhìn đầy tiêu cực và
phán xét. Hẳn vậy, chẳng ai trong chúng ta là hoàn thiện “thánh nhân cũng có một
quá khứ, tội nhân cũng có một tương lai”. Chúng ta cùng với người khác đều được
Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Hành trình Mùa chay đã đi qua một nửa, chúng ta đừng bỏ lỡ những cơ
hội, những thời cơ của hiện tại để sám hối, để nhìn lại bản thân cũng như xem lại
đời sống chúng ta trong tương quan với Chúa và với anh chị em mình. Mở lòng để
đón nhận Chúa và cũng để Chúa hoán cải lòng mình.
Lạy Chúa, bỏ đi những cái cũ trong quan niệm, tư tưởng, thói quen,
thái độ là điều không phải dễ, nhưng không phải không làm được. Xin thêm sức
cho con để con nhận ra Chúa là Đường dẫn
đưa, là Sự Thật chỉ lối, là Ánh Sáng chiếu soi cho cuộc đời con. Amen
Nhật Nguyệt