Ngày 25 tháng 3
LỄ TRUYỀN TIN
Lễ trọng
THIÊN CHÚA NHẬP
THỂ - NHẬP THẾ - NHẬP CUỘC
Lời Chúa Lc 1,26-38
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai
sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã
thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy
tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân
sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa
gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp
lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là
Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa
là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà
Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi
không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng
Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con
Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang
cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có
thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra
đi.
Suy niệm
Thưa quý OBACE, chúng ta đang cùng với Giáo Hội tiến hành Thượng Hội đồng
các ĐGM thế giới được tổ chức tại cấp giáo phận với chủ để: Hướng đến một Hội
Thánh: Hiệp hành, Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Thượng hội đồng, là cơ hội
để mọi người cùng nhau cầu nguyện và bước đi trên con đường đức tin, sống với
nhau trong tình hiệp thông, cùng nhau tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây
là dịp để mọi thành phần dân Chúa ý thức lại ơn gọi và bổn phận của mình. Tất cả
mọi người nhờ Bí tích Rửa tội, được tham dự vào ba chức năng của Chúa Giêsu: Tư
tế, Tiên tri và Mục tử. Vì thế, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, đều phải cùng
nhau thi hành ba chức năng đó và cùng bước đi trên con đường nên thánh, cùng
nhau tham gia vào sứ vụ loan báo Chúa Kitô cho thế giới và đưa thế giới về với
Chúa Kitô.
Không phải cho đến ngày nay, Giáo Hội mới ý thức trách nhiệm cùng đồng hành
với toàn dân Chúa và thế giới. Nhưng ngay từ ngày khai sinh Giáo Hội, Đức Giêsu
đã muốn Giáo Hội theo gương Người, cùng Người bước đi trên con đường thực thi thánh
ý Thiên Chúa, cùng nhau thực thi sứ mạng: Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng
cho đến tận cùng trái đất.
Hôm nay cùng với Giáo Hội mừng lễ Đức Maria được truyền tin hay nói chính
xác hơn, hôm nay Giáo Hội mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người,
thập thế và nhập cuộc với con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người có nghĩa
là Ngài hiệp hành với con người. Nói chính xác hơn Thiên Chúa làm người là để mời
gọi con người đi cùng với Ngài và Đức Maria là người đầu tiên trong nhân loại đã
sẵn sàng thưa vâng để cho Thiên Chúa dẫn đi.
Thiên Chúa nhập thể làm người - Trong suốt lịch sử cứu độ, đặc biệt
trong thời Cựu ước, Kinh Thánh cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng vô hình, loài
người không thể nhìn thấy, nhưng Ngài lại hoạt động cách hữu hình qua từng biến
cố trong lịch sử. Từ khi Ađam, Eva phản bội, Thiên Chúa đã có chương trình của
Ngài, đã tuyển chọn Abraham để ông trở thành cha một dân tộc đông đúc. Tuy là một
vị Thiên Chúa vô hình, nhưng Thiên Chúa thực sự cho Abraham trở thành bạn hữu
của Ngài, được trò truyện thân tình với Chúa. Cũng vậy, để cứu dân Israel khỏi
cảnh nô lệ của Ai Cập, Thiên Chúa đã truyển chọn Môsê, làm bạn với ông để
qua ông Thiên Chúa dùng quyền năng giải thoát dân Chúa. Trong suốt hành trình
sa mạc, Thiên Chúa luôn ở với dân Israel qua cột mây, cột lửa và sau này
Ngài ở với dân nơi Hòm Bia và Lều Chứng Ước. Do đó, Dân Israel luôn nghĩ về Thiên
Chúa là Đấng vô hình quyền năng, và là Đấng luôn đồng hành và bảo vệ dân Người.
Thiên Chúa không muốn là một vị Thiên Chúa quyền năng ở tận trời cao, Ngài
không chỉ muốn truyền đạt ý Ngài qua các ngôn sứ như thời xưa. Nhưng đến thời đã
định, Ngài cho Con của Ngài là Đức Giêsu xuống thế làm người (nhập thể) trong cung
lòng của một người phụ nữ là Đức Maria. Qua biến cố vĩ đại này, Thiên Chúa đã
trở nên một con người thực sự trong thế giới này, trở nên một công dân trong đại
gia đình nhân loại. Ngài không còn là một Đấng vô hình nữa, mà trở nên con người
bằng xương bằng thịt như tất cả mỗi chúng ta, trở nên Đấng Emmanuel ở giữa nhân
loại. Trong mầu nhiệm này, Đức Maria đã góp phần một cách tích cực và trọn vẹn
cho chương trình của Thiên Chúa. Khi thưa với sứ thần: “Tôi xin vâng như lời
sứ thần truyền” Đức Maria đã dâng trọn cả cung lòng, cuộc đời, máu huyết của
mình để cho Thiên Chúa làm nên máu huyết Con Thiên Chúa. Nói cách mạnh mẽ hơn,
qua biến cố này, Thiên Chúa không chỉ muốn làm bạn với con người, mà Ngài còn
muốn làm “con của con người” là Đức Maria. Cùng với Đức Maria và nhờ mẹ, toàn
thể nhân loại được trở nên anh em với Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhập thế - Nhờ lời xin vâng của Đức Maria,
Thiên Chúa bước vào thế giới bằng xương bằng thịt. Một Thiên Chúa vô biên vô hạn,
Đấng tạo dựng và điều khiển vũ trụ trời đất, giờ đây trở nên hữu hạn, hữu hình
và còn mang trên mình những yếu đuối tư bề của thân phận con người, chỉ
trừ tội lỗi. Việc Thiên Chúa bước vào thế giới, Ngài muốn cả thế giới cùng đi
với Ngài đạt tới cùng đích là hạnh phúc đời đời, là sự hoàn hảo trọn vẹn mà ma
quỷ, tội lỗi đã huỷ hoại và làm cho vấy bẩn. Thiên Chúa hiệp hành với thế giới,
với nhân loại là để đưa nhân loại xích lại gần nhau, để xây dựng sự hiệp thông,
tình huynh đệ trên toàn thế giới này.
Thiên Chúa nhập cuộc với con người – Ngôi lời Con Thiên Chúa
đến thế gian mang tên Giêsu. Ngài là hiện thân và là chính Thiên Chúa đến ở với
nhân loại. Ngài không muốn làm một quan sát viên hay một khách du lịch bàng
quan trong dòng chảy của nhân loại, nhưng Ngài thực sự hoà mình, cùng nhập cuộc
với con người chúng ta. Đức Giêsu không đứng đó để chỉ cho chúng ta giới răn yêu
thương, nhưng Ngài đã sống yêu thương cách cụ thể; Chúa cũng không nói suông về
việc bác ái và lý thuyết phục vụ, nhưng Ngài đã tự mình cúi xuống để phục vụ mọi
người.
Đức Giêsu đã thực sự nhập cuộc cùng với mọi thăng trầm thay đổi của con
người, chia sẻ chung một vận mạng với con người. Ngài cũng phải nếm mùi cay đắng
khổ đau, nhục nhã vì bị loại trừ, bị khinh miệt. Đức Giêsu đã cùng hiệp hành với
nhân loại, Ngài muốn tất cả mọi người cùng đồng hành với Ngài. Ngài bước đến với
những người nghèo khó bệnh tật, kẻ bị bỏ rơi, Ngài cúi xuống trên những người tội
lỗi bị loại trừ, Ngài đau khổ rơi nước mắt khi thấy con người phải đau khổ trước
cái chết. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận đi đến cùng nỗi đau khổ với con người
qua việc đón nhận hành trình thập giá. Ngài bị những kẻ gian ác hành hạ, xỉ nhục
và giết Ngài bằng cái chết đau đớn kinh hoàng trên thập giá. Trên hành trình thập
giá, Đức Giêsu đồng hành với con người và dùng mạng sống của mình để đổi lại sự
sống cho toàn thể nhân loại.
Chính từ cái chết treo đau đớn trên thập giá, Đức Giêsu đã “kéo mọi người
lên cùng Ngài” vì Ngài không thể bỏ lại con người được nữa. Trong cuộc phục
sinh và thăng thiên, Đức Giêsu lại mở ra một chặng đường mới, mời gọi mọi người
cùng hiệp hành với Ngài, đi theo con đường Tin Mừng và thập giá của Ngài để cùng
Ngài tiến về quê trời. Trong hành trình hiệp hành với Đức Giêsu tiến về quê trời,
chúng ta được trao phó sứ mạng là cùng nhau đem Tin Mừng, tình yêu thương của Chúa
đến cho mọi người trên thế giới và đưa mọi người cùng cả thế giới về chung một
con đường tiến về quê trời.
Mừng Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, nhập thế và nhập cuộc hôm nay, chúng ta tạ ơn
Chúa vì Chúa đã thương cúi xuống trên chúng ta, nâng chúng ta lên làm bạn với
Ngài và còn cho ta được là bạn đồng hành, là cộng tác viên của Ngài để thực thi
sứ vụ của Ngài. Vì thế, Ngài muốn mỗi chúng ta, vì là con cùng một Chúa, chúng
ta cũng phải cùng nhau thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Chúng ta không thể biến mình
trở thành những kẻ đứng ngoài cuộc, hoặc người khách dửng dưng với nhịp sống và
sứ mạng của Giáo Hội cũng như của thế giới. Trái lại, mỗi người cần ý thức trách
nhiệm của mình, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân đều phải cùng Chúa và cùng
nhau thánh hoá, biến đổi thế giới này; làm cho men yêu thương và ánh sáng Tin Mừng
được đến với từng người và lan toả trên khắp thế giới.
Cụ thể, hôm nay chúng ta cùng hiệp thông với vị cha chung toàn cầu - ĐTC
Phanxicô và với mọi người trên thế giới phó dâng Nước Nga và Ukraina cho Chúa và
Đức Mẹ. Xin Chúa và Đức Mẹ sớm ban lại hoà bình cho Ukraina, cho hai bên tìm được
tiếng nói chung, biết nhìn nhận, tôn trọng quyền lợi và tự do của nhau, để đem
lại bình an, hạnh phúc cho các dân tộc này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn
nhân và gia đình họ, những người đã chết, những người tỵ nạn và những người còn
đang kẹt dưới làn bom đạn, xin Chúa thương an ủi nâng đỡ và thúc đẩy nhiều người
nhiều tổ chức tận tình cứu giúp họ.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa và Đức Mẹ giúp chúng ta luôn biết thưa vâng với
Chúa, cùng bước đi trên con đường nên thánh mà Chúa mời gọi. Xin cho mỗi người
biết gạt bỏ sự tự ái kiêu căng, thói dửng dưng vô cảm, để biết khiêm tốn lắng
nghe nhau, đón nhận nhau, và cùng cầm tay nhau xây dựng Giáo Hội mỗi ngày một
tiến triển như Chúa muốn và xây dựng xã hội ngày càng thắm tình huynh đệ hơn. Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí