THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY
“Khoảng cách càng xa khi
mỗi người mỗi nẻo”
Lời Chúa Ga 5,17-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời
dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy".
Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm
luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng
với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Quả thật, quả thật,
Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy
Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng,
Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn
bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi
vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì
Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha
không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người
tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì
không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các
ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị
xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.
Quả thật, quả thật, Ta bảo
các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai
đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào,
thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho
Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều
này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ
đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại
để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án
Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta".
Suy niệm
Về kinh nghiệm yêu thương, chúng ta
thường nghe rằng khi yêu nhau cả hai lúc nào cũng nhìn về một hướng. Điều đó muốn
nói đến sự gắn bó thiết thân giữa đôi bạn. Khi yêu, người ta sẵn sàng bỏ ý
riêng để cùng hoà làm một với ý của người kia, dù có khi ý đó có thể đúng hoặc
không đúng. Nhờ một lòng một ý mà đôi bạn gắn kết khăng khít với nhau. Ngược lại,
nếu hai lòng, hai nẻo thì sự gắn kết ấy sẽ xa dần và tình yêu cũng sẽ xa theo.
Tin mừng hôm nay cho thấy sự căng thẳng
giữa những người Do Thái và Chúa Giêsu. Một đàng, Chúa Giêsu muốn tỏ cho họ thấy
Người là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc nhân loại: “Tôi bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây
giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống” (Ga
5,25). Đàng khác, Người cũng tỏ cho họ thấy sự gắn bó thiết thân giữa bản thân
Người với Thiên Chúa: “Tôi nói cho các
ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều
gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy” (Ga 5,19). Chúa không nói
suông nhưng đã chứng minh bằng cuộc đời rao giảng với biết bao dấu lạ, vậy mà họ
lại không chịu tin. Điều đáng nói ở đây là đâu phải họ không biết những điều
Chúa Giêsu đã làm! Họ đã nghe, đã thấy, đã mục kích tận mắt biết bao dấu lạ
Chúa làm, vậy mà họ cứ làm như chẳng biết gì. Vậy, vấn đề không phải bởi Chúa
mà là do chính lòng gian của họ. Họ không đi trên con đường mà Chúa Giêsu mời gọi
nhưng tự đi theo một nẻo đường khác. Họ tự tách khỏi Thiên Chúa và vì thế, họ
càng ngày càng xa cách Thiên Chúa. Tình trạng này của những người Do Thái trong
bài Tin mừng cũng chẳng khác chi so với những người Do Thái trong Cựu Ước đã hiểu
sai về Thiên Chúa khi họ nói: “Chúa bỏ
rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi” (Is 49,14). Trong cảnh lưu đày khốn khổ, họ
nghĩ Thiên Chúa bỏ rơi họ nhưng họ lại không nhận ra rằng hoàn cảnh bi đát ấy
không phải do Chúa nhưng là hậu quả của việc cha ông họ chối bỏ Chúa. Thiên
Chúa chẳng những không trách họ mà còn giải thích để giúp họ hiểu cho đúng mà
trung thành bước đi theo đường lối của Người. Người kể lại một loạt những điều
tốt lành Người làm cho Dân: “Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu
độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của
dân, để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán…” (Is 49,8tt). Người còn kết lời bằng một chân lý thật
đẹp: “Nào người
mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người
mẹ đó có quên, Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15). Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương Dân Người, vậy mà Dân cứ hết lần
này lần khác chối bỏ Chúa và đi lạc xa khỏi đường lối tốt lành. Mỗi lần họ đi
xa khỏi con đường của Chúa, họ lại càng xa cách Chúa để rồi tiến gần đến con đường
của tội lỗi và sự chết!
Suy gẫm lời Chúa hôm nay cho ta thấy
những người Do Thái được Chúa nhắc nhở xem ra cứng lòng vì không chịu tin Chúa
Giêsu. Tuy nhiên, có khi chính chúng ta còn hơn thế! Thật vậy, nhìn lại lịch sử
cuộc đời của mỗi người, những lần chúng ta phạm tội đều là những lần chúng ta từ
chối con đường của Chúa mà đi theo nẻo đường của riêng mình. Những lúc ấy,
chúng ta cũng đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự sai trái của mình để thoả
mãn đam mê. Chúa vẫn nói trong lương tâm, Chúa vẫn nói qua lời của Chúa, Chúa vẫn
nói qua góp ý của người thân, Chúa vẫn nói qua các biến cố xảy ra hằng ngày thế
mà những lúc ấy, chúng ta có khi giả vờ không nghe thấy, không làm theo hoặc thậm
chí cố tình cho qua những lời nhắc nhở đó để rồi phạm tội làm buồn lòng Chúa, gây
đau khổ cho mình và cho người thân cận. Y như những người Do Thái khi xưa, những
lúc ấy chúng ta đã để cho sự ích kỷ, nóng giận, tự ái, kiêu căng và những cảm
xúc tiêu cực thống trị bản thân khiến chúng ta dễ dàng xa rời cách sống của
Chúa khiến khoảng cách giữa chúng ta với Chúa ngày càng xa nhau. Kết quả là
chúng ta, thay vì đi cùng Chúa trên một con đường mang tên Giêsu, lại đi vào
con đường mang tên Satan, là con đường đưa con người đến đau khổ và tội lỗi!
Suy nghĩ về tương quan với Chúa,
chúng ta cũng nghĩ về tương quan trong gia đình, là môi trường mà trong đó mỗi
người thường xuyên sống bên nhau. Một cách rõ ràng, lời Chúa hôm nay là bài học
cho thấy chỉ sống bên nhau thì chưa chắc đã hạnh phúc nếu lòng của mỗi người
không thuận thảo, không đồng lòng chung sức với nhau. Sống trong một mái nhà,
hiện diện cùng với nhau nhưng nếu mỗi người chỉ biết lo cho cái thế giới của bản
thân mà không quan tâm vun đắp một môi trường chung, một “thế giới” chung thì họ
thật chẳng khác chi những con người xa lạ đang phải vì bất đắc dĩ mà chung sống
với nhau. Sống như thế thì mỗi người chẳng thể tìm thấy niềm vui từ người thân
cận nhưng ngược lại còn xem nhau như trở ngại, thậm chí như “cái gai trong mắt”
y như trường hợp những người Do Thái trong Tin mừng đã đối xử với Chúa Giêsu.
Quả thế, Chúa yêu họ hết lòng nhưng vì lòng họ ganh ghét Chúa nên luôn xem Chúa
như đối tượng cần phải bị loại trừ! Cũng thế, trong một gia đình, nếu chỉ có ai
đó cố gắng sống yêu thương và hy sinh trong khi những người khác chỉ biết đòi hỏi
và hưởng thụ thì không thể có một gia đình hạnh phúc và êm ấm. Lý do là vì hai
phía đã xa cách nhau, lòng không gặp, không cảm, không thấy thì làm gì có thể
hiểu nhau mà chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình! Đơn cử như trường hợp con
cái sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi cha mẹ không cố gắng trở nên người bạn của
con để lắng nghe, để hiểu, để cảm thông và sẻ chia những khó khăn mà các em gặp
phải. Cũng vậy, cha mẹ cũng sẽ không hạnh phúc nếu con cái không biết giúp đỡ
và thông cảm cho những khốn khó của cha mẹ. Tương tự như thế, vợ chồng cũng sẽ
không hạnh phúc nếu ai cũng chỉ biết nghĩ cho mình mà không nghĩ cho bạn đời hoặc
chỉ biết đòi hỏi mà không biết sẻ chia những khó khăn của nhau. Không biết hiệp
ý đồng lòng, chúng ta sẽ dần cách xa nhau trong ý nghĩ, trong hành động và
trong cả lối sống. Kết cục chung sẽ là sự bất đồng, bất hoà và đau khổ!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, gia đình không thể ấm êm
thuận hoà nếu ai cũng chỉ khư khư giữ và sống cho ý riêng ích kỷ của bản thân.
Xin Chúa đừng để lối sống ấy chi phối tâm trí và hành động của chúng con khiến
chúng con xa rời nhau. Trái lại, xin cho chúng con biết bỏ qua ý thích cá nhân
để chung tay lo cho hạnh phúc chung của cả gia đình. Amen.
Thực hành: Nhẫn nại nghe
và tiếp thu ý kiến của người khác.
Lm.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân