Thứ ba, sau Chúa
Nhật IV Mùa Chay
“Anh hãy trỗi
dậy,
vác chõng mà đi!”
Lời Chúa Ga 5,1-3a.5-16
1 Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên
Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi
là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau
ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó
đã lâu, thì nói : “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp : “Thưa
Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì
đã có người khác xuống trước mất rồi !” 8 Đức Giê-su bảo : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” 9 Người ấy liền được
khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : “Hôm nay là ngày
sa-bát, anh không được phép vác chõng !” 11 Nhưng anh đáp : “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi :
‘Anh hãy vác chõng mà đi !’” 12 Họ hỏi anh : “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’ ?” 13 Nhưng người đã được
khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở
đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói : “Này, anh đã
được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 15 Anh ta đi nói với
người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái
chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
Suy niệm
Bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, nêu ra ít
nhất ba vấn đề lớn, và cả ba vấn đề này vẫn còn là lớn đối với chúng ta hôm nay:
Ø Vấn
đề mạnh được yếu thua, có mặt trong
mọi lãnh vực của đời sống con người, và dưới những hình thức khác nhau.
Ø Vấn
đề tương quan giữa sự sống và Lề Luật.
Luật được ban khởi đi từ ơn huệ sự sống và để phục vụ cho sự sống, nhưng trong
thực tế, trở thành phương tiện của Sự Chết!
Ø Vấn
đề tội lỗi và bệnh tật: phải chăng
bệnh tật, những thất bại, những tai họa, những bất lực, thậm chí thân phận con
người như nó là, là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên con người, vì con người
đã phạm tội?
Ba vấn đề quá lớn của con người đến từ kinh nghiệm
sống, mà mỗi người chúng ta gần như phải đối diện mỗi ngày. Và vì cả ba đều có
liên quan đến Sự Dữ ở chiều sâu, nên Đức Giê-su không thể không đối diện với những
vấn đề này, từ đó, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình, để chữa lành và mở đường
cho chúng ta đi, ngang qua ngôi vị, hành động, lời nói hướng tới và được hoàn
tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
1. Mạnh được yếu thua
Có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su
“biết và thấy” anh ta, Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”
Người bệnh trả lời:
Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi
xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!(c. 7)
Đó chính là qui luật mạnh được yếu thua, nhanh thì còn
chậm thì hết, hiện diện ngay trong nơi thánh thiêng nhất, nghĩa là nơi xẩy ra
ơn chữa lành cách lạ lùng. Đức Giê-su muốn giải thoát anh cách nhưng không,
nhưng anh chỉ nghĩ đến sự thua kém của mình so với những người bệnh khác. Giữa
những người bệnh, cũng có sự ganh đua hơn kém, về khả năng, phương tiện hay
thân thế. Bất hạnh lại càng bất hạnh.
Nhưng nếu chúng ta để tâm suy nghĩ cho kĩ, qui luật
này ít nhân tính nhất, vì là qui luật đặc trưng của loài vật. Tuy nhiên, qui
luật này lại ngày càng chi phối đời sống của con người hôm nay ở mọi lãnh vực,
vì ở đâu người ta cũng đòi hỏi “chất lượng cao”: học tập, làm ăn, các trò chơi
trên màn ảnh truyền hình; và người ta đưa nguyên tắc này vào cả trong giáo dục
và huấn luyện nữa, huấn luyện đức tin và huấn luyện đời tu. Đúng là, qua qui
luật “mạnh được yếu thua”, người ta khuyến khích rèn luyện và nỗ lực và tìm được
những người ưu tú. Nhưng, trong thực tế, cách làm này đã để lại những hậu quả rất
tai hại về mặt nhân linh cho gia đình, nhóm, xã hội và thế giới con người, vì người
ta sẽ loại ra ngoài bằng cơ chế hay bằng cung cách ứng xử biết bao người yếu
kém, ít khả năng, giới hạn, già nua, bệnh tật, khuyết tật, kém may mắn, những
người nghèo, những người chịu thiệt thòi vì thân phận… Và họ sẽ phải sống trong
mặc cảm thua thiệt, than thân trách phận, kêu trách người khác, kêu trách cuộc
đời, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa, bị sự nghi ngờ,
lòng ham muốn và ghen tị dày vò; từ đó sẽ tất yếu phát sinh bạo lực dưới mọi
hình thức.
Đức Giê-su phá vỡ qui luật này, khi Ngài hành động
bằng tình thương nhưng không và nhất là bằng lòng thương xót: “Anh có muốn khỏi
bệnh không?” Khỏi bệnh mà không cần chạy đua với người ta, chỉ cần anh ước ao
thôi. Đời sống Ki-tô hữu và nhất là đời sống dâng hiến, hơn bao giờ hết, được
mời gọi làm chứng cho “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii
Gaudium) được đón nhận tình thương và lòng thương xót nhưng không của Thiên
Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta. Chính vì thế, Đức Giêsu
mời gọi chúng ta chú ý đến người người bé nhỏ, và trở thành những người bé nhỏ.
Và chính Ngài cũng ứng xử như người bé nhỏ (phục vụ thay vì được phục vụ), tự
biến mình thành người “bé nhỏ” trên Thập Giá và mãi mãi đồng hóa mình với những
người bé nhỏ (x. Mt 25). Và Người không ngăn cản được niềm vui trào ra từ con
tim:
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn
hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha
đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại
mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
(Lc 10, 21)
2. Sự Sống và Lề Luật
Một người đau ốm, nằm liệt một chỗ suốt ba mươi tám
năm, nay trở nên lành mạnh và có lại sức khỏe đến độ vác được chõng của mình mà
đi. Thay vì chúc mừng và chia vui với anh và cùng nhau ca tụng Chúa, người ta
dựa vào luật Sa-bát để bắt bẻ anh và điều tra ra Đức Giê-su để chống đối Ngài[1]. Sự
chống đối này là khởi đầu của cả một dự án giết chết, nhân danh Lề Luật: “Chúng
tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết!” (Ga 19, 7)
Luật Sa-bát là luật được đặt ra để tưởng nhớ sự sống
đã được trao ban nhưng không và hướng đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa.
Nhưng trong thực tế, luật này đã biến thành phương tiện để dò xét, để buộc tội
và lên án, nghĩa là để cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giê-su cố ý
chữa bệnh ngày Sa-bát, để làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này nơi con người
(x. Mc 3, 1-6).
Đây chính là một trong những điều xấu lớn nhất của con
người và có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai làm gì được; thậm chí, người hành
động như thế, cũng tự cho mình là đúng. Bởi vì, một đàng là có luật, và đàng
khác, có người phạm lỗi: phạm lỗi công khai, hay tôi dò xét người khác một hồi
là ra lỗi. Người phạm lỗi bị kết án đúng người đúng tội, nhưng trước khi người
khác phạm lỗi hay trước khi thấy người khác phạm lỗi, người kết án đã có ý đồ hại
người khác rồi, hay ít nhất không tin người khác và vì thế, coi người khác là
một tội nhân “tiềm năng”, từ đó tìm đủ cách chứng minh mình là đúng! Vì thế,
mọi người bất lực trong việc phơi bầy ý đồ hại người của người đã dựa vào luật
để lên án.
Chúng ta là những người bất toàn, nên bình thường bị dò
xét một hồi là ra lỗi. Chỉ với Đức Giê-su, người ta mới không thể tìm ra lỗi;
vì thế, người ta sẽ gài bẫy để Người phạm lỗi; và khi gài bẫy, Người cũng không
sa bẫy, nên cuối cùng người ta sẽ vu cáo. Bởi vì, ý đồ hại người là có trước,
nhưng người ta phải tìm đủ cách, nhất là gian dối, để dựa vào Luật nhằm thực
hiện ý đồ. Để hại người mà mình vẫn được an toàn, thì không có cách nào khác,
là phải dựa vào Luật.
Có thể nói, Lề Luật là nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự
Dữ; và chỉ có Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, mới làm bật tung Sự Dữ và tất
cả những ai hành động theo Sự Dữ, ra khỏi nơi ẩn nấp là Lề Luật. Như thánh
Phao-lô nói:
Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và
tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế!
Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để
lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.
(Rm 7, 12)
3. Tội lỗi và bệnh tật
Khi Đức Giê-su gặp lại người đã được Ngài chữa cho
khỏi bệnh, Ngài nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại
phải khốn hơn trước!” Khi nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta thường hiểu,
bệnh tật của anh là một hình phạt của tội. Cũng như các môn đệ, khi đối diện với người mù từ thủa mới sinh, các ông nghĩ ngay
đến tội, và đi đôi với tội là hình phạt theo qui định của lề luật: “Thưa Thầy,
ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga
9, 2)
Loài người chúng ta ở mọi thời, ít nhất ở mức độ vô
thức, luôn nhìn thấy tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực;
chẳng hạn, có người nói bệnh si-đa là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên loài
người tội lỗi. Nếu như thế, thì Thiên Chúa hành động giống y như những nhóm
khủng bố, giáng phạt không phân biệt kẻ tốt người xấu! Thậm chí, có người còn
cho rằng, thân phận con người như nó là (sinh lão bệnh tử), là một hình phạt
của tội!
Thập Giá của Đức Ki-tô đã phá vỡ kết nối tự phát tội
lỗi với tai họa hay với thân phận con người, bởi vì Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội,
nhưng vẫn sống thân phận con người đến cùng và đã phải hứng chịu tai họa lớn
đến như vậy. Vì thế, Thập Giá của Đức Ki-tô còn mặc khải cho chúng ta biết
rằng, thân phận con người dù có như thế nào, là một ơn huệ và là con đường dẫn
đến sự sống nơi Thiên Chúa, thậm chí tôn vinh Thiên Chúa, như trường hợp người
mù bẩm sinh (x. Ga 4, 3).
Người đau ốm được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng
một ngày kia, anh lại bị đau ốm trở lại, anh nằm xuống và lần này sẽ mãi mãi
không thể đứng dậy được. Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều
muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách
chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho
cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất
là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình
an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với
Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ muốn giải
phóng người bệnh khỏi bệnh tật, ơn huệ này tuy đặc biệt, nhưng rất chóng qua và
không giải quyết tận căn vấn đề sự sống, nhưng còn muốn “chữa lành” anh khỏi Sự
Dữ bằng lòng bao dung tha thứ, khi mời gọi anh: “Đừng phạm tội nữa” (x. Mc 2,
1-12).
*
* *
Và như chúng ta có kinh nghiệm, ơn tha thứ không thể
là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan
đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để
được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong
cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại »
(Lc 15, 24).
Đó là một việc lâu dài và rất khó khăn. Thật vậy, chúng
ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập
Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn
ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng
ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã
nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho
Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ?
Lm
Giuse Nguyễn Văn Lộc