THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY
LỜI SỰ THẬT
LỜI CHÚA:
Ga 8,31-42
31
Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người rằng “Nếu các ông ở
lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải
phóng các ông”. 33 Họ đáp “Chúng tôi
là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông
lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34 Đức
Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.
35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong
nhà luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con
có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham,
nhưng các ông tìm các giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha
tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe các ông nói”. 39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Ápraham”. Đức
Giêsu nói: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những
việc ông Ápraham đã làm. 40 Thế mà
bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã
nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Ápraham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các
ông làm”.
Họ
mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là
Thiên Chúa!” 42 Đức Giêsu bảo họ: “Giả
như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ
Thiên Chúa và bởi vì Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến,
nhưng chính Người đã sai tôi”.
SUY NIỆM
Bí quyết
nào để
trở thành nhà thông thái khôn ngoan, để tìm được chân lý của cuộc sống? Đó là
câu hỏi ngàn đời của con người. Và con người đã nỗ lực tốn rất nhiều công sức để
kiếm tìm cho được hạnh phúc và những giá trị của cuộc sống.
Có một nhà thông thái tuổi đã cao, biết
mình sắp ra đi về với tổ tiên, ông liền gọi các con lại bên giường, chỉ vào kho
sách mênh mông của mình và nói: - Bây giờ cha tiết lộ cho các con một điều bí mật:
kho sách vĩ đại của cha chính là món quà do một vị thánh ban tặng vì ngài thấy
ta nhà nghèo mà học hành chăm chỉ. Cùng với quà tặng đó, ngài còn bảo: “Trong
kho sách vô tận có một quyển sách quý nhất, trong quyển sách quý nhất ấy có một
trang quý nhất, trong trang sách quý nhất ấy có ghi một câu thần chú. Ai đọc được
câu thần chú ấy sẽ trở thành một nhà khôn ngoan thông thái.
- Cuốn sách nào vậy cha? Người con trai cả nhanh nhẩu
hỏi. - Chính ta cũng muốn hỏi vị thánh câu đó, nhưng chưa kịp thì ngài đã biến
mất. Người cha trả lời.
Ngừng lại giây lát, trước khi trút cạn
sinh lực, người cha nói lời trăng trối: - Cả đời ta đã cặm cụi đọc kho sách,
nhưng vẫn chưa đọc được cuốn sách quý ấy. Đời các con còn dài, các con hãy chăm
chú vào việc đọc. Ta hy vọng các con sẽ tìm được câu thần chú linh thiêng và sẽ
đạt đến sự thông thái khôn ngoan!
Nghe lời cha căn dặn, các người con cần
mẫn đọc hết ngày này qua ngày khác. Họ đọc mãi, nhưng vì kho sách dường như là
vô tận nên vẫn chưa đọc đến cuốn sách quý báu ấy. Song nhờ những kiến thức thâu
lượm được qua ngày tháng, họ đã trở thành những bậc trí giả khả kính.
Lời trăng trối và câu thần chú của
nhà thông thái trên cho ta nhớ đến những lời dạy của Đức Giêsu. Mỗi người chúng
ta chỉ có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực khi chăm chú đọc và sống
những lời dạy của Chúa. Đó là những lời yêu thương, lời hằng sống, LỜI SỰ THẬT
giải thoát chúng ta khỏi sự u mê tội lỗi và án chết.
Lời Chúa không chỉ mạc khải trong
sách vở mà còn trong cung cách phục vụ khiêm tốn của Đức Giêsu. LỜI sáng tạo, LỜI
hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, LỜI chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của
con người. LỜI ủi an người đau khổ. LỜI tha thứ cho người tội lỗi. LỜI khơi lên
niềm tin yêu hy vọng. LỜI liên kết trời và đất. LỜI xóa tan những mặc cảm muộn
phiền. LỜI chất chứa bao ưu tư khát vọng thâm sâu của con người. LỜI có sức
công phá mãnh liệt, đập tan những bức tường của sự hận thù ghen ghét. LỜI mở lối
vào chốn trường sinh. Quả thật, Lời Chúa là kho tàng mà muôn thế học hỏi, chiêm
niệm và khám phá để tìm ra chân lý Sự Thật. Lời Chúa là ánh sáng là ngọn đèn
chiếu sáng để chúng ta vững bước trên đường nên trọn lành (x. Tv 119).
Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô
tông đồ, thánh nhân xác tín: “Lời Chúa đời đời vững bền. Đó chính là Lời Tin
Mừng đã được loan báo cho anh em”(1Pr 1,25). LỜI hiện diện không như một vị
khách lạ nhưng như một người bạn, một người cha nhân từ, một người mẹ dạt dào
tình thương. LỜI chính là Đấng Cứu Độ, đấng muôn dân trông đợi, đấng mà mọi tạo
vật đều mong ngóng rên xiết được giải thoát khỏi ách tội lỗi. LỜI đã thành xác
phàm, đã hạ mình xuống sống như một người nghèo. Mang thân phận con người. LỜI
đã gánh lấy tội trần gian, chịu sỉ nhục đánh đòn, chịu vác thập giá và chịu chết
như một tội nhân.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn được
mời gọi sống mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Qua Đức
Giêsu, chúng ta được thánh hóa, được quyền làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên
Chúa bằng hai tiếng thân thương “Áp - ba”, cha ơi. Tận sâu trong trái tim của mỗi
con người đều có Chúa Giêsu hiện diện, nghĩa là có Lời vang vọng. Sứ mạng của
Giáo hội và của mỗi chúng ta là phải khám phá Lời ấy và phải loan báo cho muôn
dân. Chúng ta phải nhìn nhận rằng có đôi lúc chúng ta chưa sống Lời Chúa dạy,
chưa làm chứng cho thế giới biết mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúng ta chưa cảm nhận và thấm đẫm sức giải thoát của Tin Mừng nên chúng con ta
còn nghi ngờ nhìn thế giới bằng con mắt u buồn chán nản như hai môn đệ trên đường
về làng Emmau (x. Lc 24,13-35).
Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum
Domini), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra những cách căn bản để tái khám
phá Lời Chúa trong đời sống Giáo hội, đồng thời ngài cũng nhắc chúng ta giá trị
của Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới. Lời Chúa là cuộc gặp gỡ, giao
duyên giữa trời với đất, là nơi hò hẹn giữa thần linh và phàm nhân. Lời đã đụng
chạm, khai mở một khung trời của niềm vui tự do bát ngát. Lời không bị ràng buộc
bởi thời gian, không gian, không bị giới hạn bởi chữ viết, từ ngữ.
Trong vũ điệu nhịp nhàng của đời sống,
Lời Chúa là tình yêu thương như đôi cánh nâng chúng ta lên khỏi những tị hiềm
ghen ghét, giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận nhau như anh em một nhà. Sứ mạng của
chúng ta là phải loan báo Lời Chúa cho mọi người. Ngoài ra Lời Chúa còn thúc đẩy
chúng ta xây dựng thế giới công bình và đáng sống hơn (x. VB 100). Lời Chúa phải
được rao giảng không chỉ trong nhà thờ mà trong gia đình, trong mọi góc phố, mọi
hang cùng ngõ hẻm. Chân lý sự sống cần được diễn tả bằng nhiều cách thức phù hợp.
Một thế giới còn rất nhiều giao tranh, bạo động, khủng bố thì chúng ta càng phải
bén rễ sâu hơn nữa vào Lời Chúa. Chỉ với Lời Chúa thế giới này mới tìm thấy
công lý và hòa bình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng
nghe và chiêm niệm Lời Chúa để mỗi ngày chúng con tiến mãi trên con đường nên thánh
hầu trở nên muối mặn men nồng, nên ánh sáng cho trần gian, để chúng con tìm thấy
chân lý sự sống và hạnh phúc đời đời. Amen.
Nt.
M. Anh Thư, OP