THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY
HỌ NÉM ĐÁ ĐỨC GIÊSU
LỜI CHÚA: Ga 10,31-42
31Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. 32Người bảo
họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm;
vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” 33Người Do
Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. 34Đức Giêsu
bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các
ngươi là những bậc thần thánh?” 35Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần
thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ, 36thì tôi là
người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi:
“Ông nói phạm thượng! Vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa? 37Nếu tôi
không làm các việc của Cha tôi, thì các
ông đừng tin tôi. 38Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra
cũng hãy tin việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng:
Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. 39Bấy giờ họ
lại tìm cách bắt Người nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan đến chỗ trước kia
ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều Người
đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả,
nhưng mọi điều ông ấy nói về điều này đều đúng”. 42 Ở đó, nhiều
người đã tin vào Đức Giêsu.
SUY
NIỆM
Dân gian ta có câu “Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen” đó là ba cảnh huống được
xem là khủng khiếp nhất. Còn nhớ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả đòn ghen
của Hoạn Thư với Thúy Kiều. Một kiểu đánh ghen đau đớn, tinh vi và cũng đầy trí
tuệ. Ghen kiểu Hoạn Thư phần nào cũng có lý để đòi lại sự công bằng cho chính
mình. Một số người trẻ quan niệm rằng: hiện tượng ghen thường xảy ra với hai
người đang yêu khi một người trong hai người chú ý đến một đối tượng khác. Có
yêu thì mới có ghen. Hay nói cách khác, ghen là một cách thể hiện và để bảo vệ
tình yêu. Ghen là gia vị giúp tình yêu thăng hoa, nhưng cũng là liều thuốc độc
đẩy tình yêu vào cảnh tàn lụi. Khi đối mặt với căn bệnh ghen thì mọi khái niệm
đẹp đẽ nhân văn sẽ bay biến mất. Khi ghen ghét, người ta dễ trở nên mù quáng, không
làm chủ được hành động và lời nói. Hôm nay chúng ta lại chứng kiến kiểu ghen
rất vô lý, đó là kiểu ghen của một số người Do Thái đối với Đức Giêsu.
Sau nhiều lần rình rập
bắt lý, lần này không nhịn được nữa, một số người Do Thái công khai đòi ném đá
Đức Giêsu. Đức Giêsu liền phản ứng: “Tôi
đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc
nào mà các ông ném đá tôi?” (c. 32). Và họ đã thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc
tốt đẹp nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình
là Thiên Chúa” (c. 33). Đến đây chúng ta thấy bi kịch đang đã đẩy đến cao
trào. Trước kia, các thượng tế, kỳ mục và phái Pharisêu chỉ nói xa nói gần, tìm
kế để giăng bẫy Đức Giêsu, nhưng hôm nay họ đã ra mặt công khai tuyên chiến.
Trước thái độ đó, Đức Giêsu vẫn kiên quyết bảo vệ chân lý, một mực thi hành ý
Cha. Người bị họ lôi lên sườn núi để chuẩn bị đẩy Người xuống vực sâu, nhưng giờ
của Người chưa đến.
Sở dĩ người Do Thái
căm ghét Đức Giêsu vì Người làm nhiều dấu lạ, gây ảnh hưởng và tiếng vang khiến
dân chúng đi theo Người rất đông. Thái độ ghen ghét hẹp hòi ích kỷ của người Do
Thái là nguyên nhân dẫn đến cuộc sát hại Đức Giêsu. Người chết vì làm điều công
chính, chết vì yêu thương, một tình yêu bao trùm và lớn hơn mọi thứ tị hiềm
ganh ghét của loài người.
Trước thái độ khiêu
chiến của đám đông dân chúng Do Thái, Đức Giêsu khẳng định Người luôn giữ sự gắn
kết với Cha, luôn thi hành theo kế hoạch của Cha. Dù có gặp sự chống đối, Đức
Giêsu luôn đặt ý Chúa Cha lên hàng đầu. Thi hành theo ý Cha là sứ mạng cao cả
và chính yếu cho dù có phải đổ máu, phải đón nhận cả cái chết.
Người Do Thái không
đón nhận sự hiện diện của Đức Giêsu vì họ đã xây dựng hình ảnh về Thiên Chúa
theo ý riêng họ. Họ mong muốn một Thiên Chúa quyền lực đáp ứng những mong đợi
theo kiểu con người. Họ chối bỏ một Thiên Chúa khiêm tốn nghèo hèn. Thói ích kỷ
đã che mờ con mắt đức tin và cõi lòng của họ.
Để phê phán những hạng
người hay vạch lá tìm sâu, quen thói phê phán ức hiếp người khác, nhà văn La
Fontain đã viết câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một hôm có chú cừu non tìm đến con suối
trong rừng uống nước. Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát con cừu: “Tao
đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước
suối của tao?...” Cừu non vội đáp: “Dạ thưa ông sói, xin ông bớt giận nhìn cho
kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn
là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía
dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?”
Sói đang đói cồn cào, nhìn cừu nhỏ dãi, nó hét
to: “Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu
tao!” Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có
thể nói xấu ông được?” Sói vẫn lên giọng: “ Vậy à? Nếu không là mày thì chính
anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!” Cừu trả lời: “Dạ thưa, ông lại nhầm rồi!
Tôi là con một, đâu có anh em!” Sói tiếp: “Vậy thì một trong mấy đứa họ hàng bè
lũ nhà mày nói xấu tao năm ngoái! Bọn các ngươi một lũ, nào thằng chăn cừu rồi
lại mấy con chó nữa cùng hùa vào nói xấu tao, còn xua đuổi tao mười mấy bận!
Tao phải báo thù nhà mày mới được!” Nói chưa dứt câu, Sói bổ nhào lên con cừu
non và tha vào rừng.
Trong cuộc sống xã hội
hôm nay, bi kịch của thói ghen ghét kết án người khác vẫn còn xảy ra khắp nơi.
Khi chúng ta kết án người khác chỉ vì một lý do cỏn con, lúc đó chúng ta đang
hành động như những người Do Thái xưa. Biết bao cảnh chết chóc huynh đệ tương
tàn, vợ chồng ly biệt, bạn bè xa cách chỉ vì sự thù hận ghen ghét. Đó là một
thói xấu hằng len lỏi gặm nhấm tâm hồn chúng ta khiến chúng ta có những hành động
sai trái. Người ta dễ dàng sát hại nhau vì tranh giành địa vị, quyền lợi.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn lại thân phận mình cũng đầy những tội lỗi bất toàn và yếu đuối để
cảm thông tha thứ cho người khác. Đừng vì ghen ghét mà hành động thiếu khôn
ngoan, lỗi tình bác ái đối với người đồng loại. Chúng ta hay có thái độ che đậy
cái xấu của mình nhưng lại thích moi móc cái xấu của người khác. Thái độ đó đi
ngược với Tin Mừng, vì thế Giáo hội khôn ngoan dành cho chúng ta thời gian 40
ngày chay tịnh để nhìn lại chính mình và có quyết tâm sửa đổi.
Đôi lúc chúng ta cũng
gián tiếp ‘ném đá’ Chúa khi không đón nhận những điều bất như ý xảy đến, không
nhận thức được điều đó nằm trong kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Chúng ta hèn
nhát để cho ‘cái tôi’ điều khiển cuộc đời mình. Tư tưởng sai lầm dẫn đến những
hành động xấu, vì thế hãy tập nhìn người khác bằng ánh mắt của Chúa Giêsu, đối
xử với người bằng trái tim rộng lượng bao dung. Hãy hướng lòng mình về Chúa, để
Người uốn nắn chúng ta nên người con cái Chúa, biết làm chủ ước muốn và lời nói.
Mỗi ngày hãy xét lại
chính mình tôi có đang ‘ném đá’ vào cha mẹ, anh em…những người yêu thương tôi
không? Tôi có đang làm tổn thương những người đang hy sinh cầu nguyện cho tôi,
cả những người có điều bất hòa với tôi?
Xin Chúa cho mỗi người
chúng ta biết can đảm nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình, đoạn tuyệt với cái
xấu, quyết tâm trỗi dậy trở về với Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ và hồng ân cứu
độ.
Nt. M. Anh Thư, OP