Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 9

CHỦ NHẬT 9 TN

Phải thực hành Lời Chúa

 

loichua.jpgThời Cựu Ước, Mô sê đã truyền cho con cái Is ra el phải ghi nhớ lề luật Thiên Chúa, vì hạnh phúc tùy thuộc ở việc thi hành lề luật ấy. Và đến thời Tân Ước, Chúa Giê su dạy không phải người nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” là sẽ được vào Nước Trời. Trái lại chỉ những ai thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha.

Sách Đệ Nhị luật Dt 11,18.26-28.32

Israel có quyền lựa chọn, hoặc lời chúc lành hay là lời chúc dữ, hoặc hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay sự chết. Tất cả tùy thuộc vào việc họ có tuân hành lệnh truyền của Thiên Chúa không.

Thánh vịnh 30

“Xin Chúa hãy là Tảng đá cho con nương thân, là Nhà Thiên Chúa an toàn cứu độ con”

Thư Rm 3,21-25a.28

Trong thư, Thánh Phao lô loan báo rằng tất cả mọi người đều bị tội lỗi chế ngự, nên lề luật Mô sê chỉ để cho người ta nhận biết tội mình mà thôi. Nhưng nay Thiên Chúa bày tỏ sự công chính cứu độ của Ngài: Lề Luật và các Tiên tri đã làm chứng.

Tin mừng: Mt 7,21-29

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nẳm ở phần chót bài giảng trên núi (7, 13-29). Tác giả dùng hai hình ảnh tốt xấu trái ngược nhau để lưu ý độc giả về việc thực hành lời Chúa: cửa hẹp và rộng, đường chật và đường rộng (1`3-14); ngôn sứ giả, trái xấu, trái tốt (15-20); môn đệ xấu và tốt (21-23); nhà không vững và nhà kiên cố (24-27).

TÌM HIỂU

Không phải bất cứ ai: liên kết câu 21: “Không phải bất cú ai” với các câu 24-26: “Ai nghe và giữ..Ai nghe mà không giữ..”, chúng ta có thể kết luận như sau: người ta không đoán xét người khác qua những gì họ nói, cả khi họ nói tốt, nhưng qua hành động của họ. Lời người ta nói ít quan trọng hơn những gì người ta nghe. Nhưng nghe sẽ không có ích gì nếu như không thực hiện, nghĩa là nếu không diễn giải lời nói bằng hành động.

Lạy Chúa: khẩn cầu lặp lại hai lần (Lạy Chúa..lạy Chúa) có thể ám chỉ đến những cách cử hành phụng tự công cộng nào đó chưa thoát khỏi tâm tính ngoại giáo. Dù sao, Mt muốn cho thấy rằng nhiều cách chứng tỏ lòng đạo và gắn bó bằng lời với Chúa Giê su không nói lên điều gì cả.

Nói tiên tri: tiếp theo câu 15. Ngoài lòng đạo cá nhân, một ít người còn có thể có một hoạt động đặc sủng cầu khẩn Chúa. Nhưng điều ấy cũng chưa phải là một bằng chứng thuộc về Ngài. “Lạy Chúa, lạy Chúa”: một lần nữa lời khẩn cầu được nhắc lại để chứng tỏ rằng, trước cửa Nước trời, việc cầu xin ấy ít mang lại hiệu quả đối với Thiên Chúa nếu không kèm theo những bằng chứng khác của đức tin.

Ta không hề biết các ngươi: dù từ hi lạp khác nhau, nhưng câu trả lời cho các cô trinh nữ của dụ ngôn có cùng một nghĩa (25,12).

Xéo đi cho khuất mắt: trích dẫn câu Thánh vịnh 6,9. Làm điều dữ (“những kẻ làm sự bất chính” ), ở đây và ở câu 13,41, tương đương với việc không thực hiện ý muốn của Cha (7,21).

Những lời Thầy nói đây: đây không phải là một quảng diễn sự khôn ngoan nhân loại, nhưng qui chiếu đến toàn bộ con người của Chúa Giê su. Trong đoạn 7,21-22 nói đến việc sử dụng đúng lời cầu khẩn danh Chúa Giê su. Còn ở đây, chúng ta được mời gọi lắng nghe, không phải Lời Thiên Chúa, mà là Lời Chúa Giê su đã nói trong diễn từ của Ngài. Điều Thiên Chúa muốn là người ta lắng nghe Con của Người, được chứng thực ngang qua lời Người tuyên phán trong đám mây: “Nầy là con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng mọi đàng. Hãy nghe lời Ngài” (17,5).

Đem ra thực hành: đã gặp ở câu 5,19. Động từ “Thực hành” dùng ở đây không phải có nghĩa mơ hồ, nhưng chỉ một hành động dấn thân hoàn toàn. Như trong Ga 3,21: “Ai thực hiện chân lí thì đến với sự sáng”. Việc “thực hành” nầy là điều bổ túc thết yếu cho việc “lắng nghe lời”: “Anh em hãy đem lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).                               

Người khôn: câu 25,2 cũng sử dụng từ nầy.

Bão táp ập vào: hình ảnh thường dùng để chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đặc biệt trong những đoạn mô tả việc Phán xét chung. Thí dụ: “Khi Ta trút cơn lôi đình, Ta sẽ cho gió bão nổi lên; lúc thịnh nộ, Ta sẽ cho mưa lũ trút xuống; trong cơn lôi đình, Ta sẽ cho mưa  đá đổ xuống để tiêu diệt” (Êd 13,13).

Giảng dạy những điều ấy xong: là công thức kết thúc các bài diễn từ lớn, tạo thành khung cấu trúc cho tin mừng Mt (11,1;13,53; 19,1;26,1).

Dân chúng: hai câu cuối chương 7 nói đến ấn tượng mà Chúa Giê su tạo trên đám đông

Các kinh sư của họ: Mt nói với tư cách một người đứng ngoài. Có một khoảng cách giữa ông và do thái giáo.

Dù dùng kiểu nói của các ráp bi trong các bản chú giải lề luật, những gì Chúa Giê su nói hoàn toàn mới. Ngài mời gọi thính giả vượt qua và nội tâm hóa lề luật. Điểm mới mẻ là Ngài mở ra cánh cửa dẫn đến sự hoàn thiện. Uy quyền của Ngài phát xuất từ việc Ngài nói nhân danh chính mình, nghĩa là nhân danh chính Thiên Chúa chứ không nhân danh lề luật.

SỨ ĐIỆP

Chúng ta được diễm phúc nghe Lời Thiên Chúa phán dạy mỗi ngày Chủ nhật. Lời Thiên Chúa là ánh sáng và lương thực mà ai trong chúng ta cũng cần đến hằng ngày trong suốt cuộc đời mình. Nhờ lắng nghe Chúa Giê su mà lòng các môn đệ Emmaus đã bừng cháy lên. Lời ấy họ đã lãnh nhận như một ngọn lửa. Lửa tình yêu ở trong Thiên Chúa.

Hôm nay, Tin mừng đặt ra cho chúng ta câu hỏi nền tảng: làm sao để tiếp nhận Lời Chúa. Chỉ đón nhận bằng sự hiểu biết không thôi chưa đủ. Điều quan trọng là Lời được nghe phải thực sự đi vào cuộc sống chúng ta. Tất cả những gì Chúa Giê su dạy chúng ta cần phải đem vào cuộc sống. Chúng ta không thể chỉ sốt sắng lắng nghe hay nói những lời tốt đẹp hoặc làm những việc phi thường, ngay cả nhân danh Chúa, nhưng còn phải tập sống như những người con cái đích thực của Thiên Chúa.

Ở trung tâm bài diễn từ của Đức Ki tô, có một tin mừng : Thiên Chúa là Cha chúng ta; Chúa Giê su dạy chúng ta cầu nguyện. Trọn bài diễn từ trên núi đặt trọng tâm vào lời kinh tuyệt vời mà Ngài dạy chúng ta. Tương quan của Thiên Chúa với chúng ta và của chúng ta với Ngài làm đảo lộn tất cả mọi sự trong cuộc sống của chúng ta. Từ nay, chúng ta không còn có thể sống như trước kia được nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta và nếu chúng ta là con của Ngài, thì tình yêu của chúng ta đối với Ngài phải được diễn tả bằng tình yêu thương nhau. Ai cho rằng mình yêu mến Thiên Chúa và không yêu mến anh em mình là một kẻ nói láo. Vì chính họ cũng là con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta từ chối tha thứ cho một ai đó, nếu chúng ta làm điều xấu cho nhau, chúng ta đoạn tuyệt với Thiên Chúa đang yêu chúng ta cũng bằng tình yêu như thế.

Những đòi hỏi của tin mừng rất rõ ràng: “Không phải nói với ta: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ là được vào Nước Trời đâu, những phải làm trọn thánh ý của Cha Ta đấng ngự trên trời”. Ngày xưa, tiên tri Isaia đã đưa ra một lời cảnh báo giống như thế: “Dân nầy chỉ đến gần ta bằng lời. Môi miệng chúng tôn vình ta nhưng dân thì xa cách Ta”. Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với lời cầu nguyện. Điều quan trọng là thực sự đi vào trong thánh ý của Thiên Chúa. Thánh ý của Cha, tức là không một người con nào của Ngài bị loại ra ngoài tình yêu của Ngài.

Hiện nay, chúng ta sống trong một thế giới nói nhiều hơn làm: người ta buộc phải nghe đủ mọi lời nói tốt đẹp, nhưng hầu hết không có hành động tương ứng đi theo. Ai trong chúng ta cũng đều nhận ra một sự cách biệt to lớn giữa những lời hứa tốt đẹp và những thực tại trong cuộc sống hằng ngày. Điều đáng tiếc là sự cách biệt ấy cũng xảy ra trong cuộc sống đức tin của người ki tô hữu. Vẫn còn một khoảng cách giữa những gì chúng ta tin và cách chúng ta sống; đó là khi chúng ta từ chối chia sẻ với người nghèo, khi chúng ta gây ra bất công cho người khác, khi chúng ta giữ lòng hận thù chống lại một ai đó gây điều xấu cho chúng ta. Ngang qua họ, chính Chúa bị từ khước và bị khinh dễ. Cám dỗ to lớn nhất là giải khuây bằng việc tán gẫu. Ngày nay, chúng ta phải cảnh giác : Nói hay biết nhiều về Thiên Chúa không thôi chưa đủ. Còn phải sống những gì mình đã biết.

Để giúp đỡ chúng ta hiểu tất cả những điều đó, Chúa Giê su dùng một so sánh: Ai muốn xây nhà thì phải dựa vào nền móng vững chắc, nếu không, chỉ một trận bão nhỏ, thì tất cả sẽ bị quét sạch nhanh chóng. Trọn Thánh kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đá tảng của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự gắn bó với Đức Ki tô, nếu chúng ta lắng nghe lời Ngài và nếu chúng ta thực sự mang ra thực hành, thì chúng ta giống như người nhìn xa, xây nhà mình trên tảng đá. Mưa rơi xuống, lũ có tràn vào. Bão táp có đánh vào nhà đó, nhà cũng không bị sập vì đã được xây trên tảng đá.

Xây nhà trên đá, đó là dựa vào chính Đức Ki tô. Không có Ngài, chúng ta không thể chống lại với bão táp của cuộc đời. Thế giới đang cần những người ki tô hữu vững chắc, trung kiên trong đức tin và đặt tất cả tin mừng trong cuộc đời của mình. Vương quốc của Thiên Chúa cũng sẽ đến như thế. Chúa Giê su đã hiến dâng cuộc sống mình trên cây thánh giá để cho Vương quốc Ngài ngự đến. Và chúng ta, chúng ta có sẵn sàng để hành động chưa ?

Khi tụ họp nhau để cử hành Tiệc Thánh Thể, chúng ta muốn tín thác hơn vào Chúa. Mỗi Thánh lễ là một cơ hội để chúng ta đến gần Ngài hơn. Chính đó là cơ hội mà chúng ta đến kín múc tràn đầy tình yêu để thông truyền lại cho tất cả những người chung quanh chúng ta.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI- NHÂN DANH CHA, VÀ CON , VÀ THÁNH THẦN. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI. Lm Phaolo Nguyễn văn Đông