KHÔNG ĐẦY TỚ NÀO CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ
Ở Phi châu có một bộ lạc khá lạ lùng. Họ không bao giờ đếm, và không ai biết làm toán. Có một du khách hỏi dân bản địa về số cừu của anh. Anh ta lắc đầu trả lời: “Tôi không biết”
Người du khách phải hỏi thêm để biết được họ làm thế nào mà quản lý được đàn cừu: “Nếu lỡ mất một hai con, làm sao anh biết?”
“Tôi không biết con số, nhưng tôi không quên được những khuôn mặt.”
Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng rất ý vị. Mỗi khuôn mặt là một tương quan. Làm sao con số có thể lột tả được sự phong phú của những tương quan, và cuộc sống sẽ cằn cỗi biết bao nếu chỉ là những con số.
Cũng thế, tài sản tự nó không có giá trị, giá trị của nó tuỳ thuộc vào sự sống con người mà nó phục vụ. Thế nhưng có một nghịch lý trong lịch sử nhân loại: Người ta rất thường khi bắt sự sống phải chịu thiệt thòi để ‘kiếm tiền’ nhiều hơn, và họ gọi đó là ‘kiếm sống’.
Của cải càng nhiều thì sự sống càng dễ trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, vì sự sống con người đâu phải chỉ là mấy chữ ‘cơm, áo, gạo, tiền’.
Sự sống đó đã được Chúa dọn sẵn cho mọi người: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” (Is 55,1-3)
Một giáo phụ đã nói: “Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống con người.” Nhưng cứ mở to mắt mà xem mới thấy vinh quang Thiên Chúa nơi đời sống nhân loại thường bị điều khiển bởi những món lợi nhuận: “Các ngươi bảo: Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả.” (Am 8,5)
Tại sao con người dễ bị đồng tiền điều khiển? Đứng giữa cuộc đời nhiều phong ba, người ta thấy rõ sự yếu đuối của mình, và đồng tiền xuất hiện, với sức mạnh như là Thiên Chúa: “muốn mua vui thì cứ tiệc tùng, rượu sẽ làm cho đời thêm vui tươi phấn khởi, và tiền bạc đáp ứng mọi nhu cầu.” (Gv 10,19)
Với ưu thế “đáp ứng mọi nhu cầu”, tiền bạc dễ dàng chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa. Công việc đầu tiên của nó là tha hoá con người : “Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu.”. Đồng tiền làm cho người túng thiếu phải cực khổ, còn người giàu có thì đánh mất chính mình, và bị Đấng Hằng Sống chúc dữ : “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,6-7)
Cái giá của sự sống đòi buộc người ta phải chọn lựa Thiên Chúa một cách quyết liệt và triệt để mà sống: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này mà khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được.” (Lc 16,13)
Nhà thần học Teuler người Đức thuật lại: Có lần tôi muốn tìm một định nghĩa về thánh ý Chúa, tôi suy nghĩ mãi nhưng không tìm ra; tôi cứ đi dạo thơ thẩn trong các vườn hoa, vào các nhà thờ, lục các thư viện nhưng vẫn không tìm ra. Một hôm, tôi vào cầu nguyện trong nhà thờ, lúc đi ra tôi thấy một cụ già ăn mày đang đứng ở cửa nhà thờ ngả mũ xin tiền. Theo thói quen, tôi lấy tiền biếu cụ và chào: “Bonjour Monsieur!”, nghĩa từng tiếng là “chúc ông một ngày tốt”. Cụ già trả lời: “Tout les jours sont bons!” (ngày nào lại không tốt).
Nghĩ ông già bướng bỉnh, tôi dừng lại và nói:
-Xin lỗi cụ, cụ đói rách thế mà cụ bảo ngày nào cũng tốt sao?
-Thưa ông, tôi theo ý Chúa. Chúa muốn mưa, tôi cũng muốn, Chúa muốn nắng tôi cũng muốn, Chúa muốn sướng tôi cũng muốn, Chúa muốn cực tôi cũng muốn chấp nhận tất cả. Phần tôi đã lo phấn đấu lao động lúc trẻ nên đủ ăn, giờ đây già, bà con rộng lòng nên cũng đủ ăn, ngày nào cũng đẹp!
Ông Teuler tiếp: “Cụ già này thông hơn tôi, chính ông đã cho tôi định nghĩa thánh ý Chúa là gì!” (NNLHTĐHV)
Niềm tin vào Thiên Chúa đã giải thoát ông ăn xin khỏi những ràng buộc của tiền bạc để tự do mà thưởng thức cuộc đời.
Người giàu có thật không phải là người có nhiều, nhưng là người có đủ những gì mình cần. Lòng tham làm cho tôi luôn thiếu thốn mọi sự, và tình yêu làm cho tôi luôn có khả năng chia sẻ. Đó là sống và tự do …
Và đó là Thiên Chúa! Đâu là chọn lựa của tôi?
Lm. HK