Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 25

HỐI HẬN VÀ THAY ĐỔI

diraogiang.jpg

LỜI CHÚA : Mt 21, 28 – 32

Dụ ngôn hai người con

(28) Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". (29) Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất". Ðức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".

SUY NIỆM:

Hối hận là gì? - Là lấy làm đau khổ, day dứt vì một lời nói, hành vi của mình đã làm hoặc chưa làm cho một ai đó. Hối hận không dừng lại ở một lời nói “xin lỗi, rất tiếc”, nhưng còn được thể hiện qua việc quyết tâm khắc phục những hậu quả do lời nói, việc làm của mình đã gây ra. Hối hận không đến từ sự sợ hãi mà là thái độ đến từ việc ý thức rằng mình đã làm gì đó xúc phạm, tổn hại đến tình yêu thương của người khác và bây giờ mình muốn khắc phục lại điều sai lỗi. Như vậy, hành vi hối hận luôn đi kèm với việc thay đổi lại suy nghĩ và đưa đến hành động cụ thể. Ví dụ: Một người chồng hối hận vì đã phản bội lại vợ của mình qua những việc bất trung, ngoại tình; nay anh biết nghĩ lại, quay trở về với vợ con, gia đình và cố gắng làm mọi việc tốt đẹp để bù đắp lại cho vợ con.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Ngài sẵn sàng tha thứ và đón nhận chúng ta trở về với Ngài. Thiên Chúa không bao giờ tính toán thiệt hơn với con người, bất cứ khi nào con người biết hối hận, trở lại cùng Chúa thì đều được Chúa yêu thương tha thứ và đón nhận.

Trong bài đọc một, tiên tri Êdêkiel cho thấy Thiên Chúa là một Đấng ngay thẳng. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về hành vi, lối sống của mình. Vị tiên tri cũng cho thấy Thiên Chúa là Đấng vô cùng quảng đại và mau quên quá khứ tội lỗi của con người. Chỉ có con người là nhớ dai về quá khứ lầm lỗi của người khác, để kết án về quá khứ của họ, còn Thiên Chúa thì luôn đánh giá con người trong hiện tại và mong chờ tương lai tốt đẹp của người ấy: “Nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm, nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ lối sống gian ác và sống công chính, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình”. Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng là hôm nay, lúc này ta đang sống như thế nào, ta đang làm điều tốt, hay điều xấu, tất cả các việc làm đó sẽ ảnh hưởng đến số phận đời đời của ta. Khi đến trình diện trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không thể kể lể công trạng của quá khứ hoặc của ông bà, dòng họ: “Ngày xưa ông bà tôi đã từng làm trùm, ngày xưa tôi vẫn đi nhà thờ đi lễ, ngày xưa tôi vẫn ủng hộ giúp đỡ người nghèo…”, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta hôm nay, lúc này ta đang sống và đang làm điều gì tốt đẹp.

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể về người con biết hối hận sau khi đã từ chối lời mời gọi của cha: “Một người có hai con trai. Ông đến nói với đứa thứ nhất: này con, hôm nay con đi làm vườn nho cho cha. Nó đáp: Con không muốn! Nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi. Ông đến gặp người con thứ hai và cũng bảo nó như vậy. Nó đáp: Thưa cha vâng! Con sẽ đi ! Nhưng sau đó nó lại không đi”. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và kỳ mục: “Trong hai người con đó, ai đã làm theo ý muốn của người cha? Họ trả lời người thứ nhất”. Câu chuyện cho thấy có sự khác biệt giữa lời nói và hành động của hai đứa con. Mặc dầu người con thứ nhất trả lời cha rằng con không đi. Nó từ chối lời mời gọi của cha không muốn vào làm vườn nho, nhưng sau khi đã trả lời như thế, nó hối hận và thay đổi suy nghĩ, nó quyết định đi làm. Câu trả lời của đứa con thứ nhất khiến cho người cha đau lòng, nhưng việc nó biết nghĩ lại, hối hận và đi làm lại sẽ làm cho người cha quên hết buồn phiền và vui mừng vì thấy nó làm theo lời mời của ông. Trái lại, đứa con thứ hai chỉ làm vừa lòng ông trên môi miệng khi nó mau mắn thưa vâng, nhưng lại hành động ngược lại, khiến người cha đau khổ nhiều hơn.

Khi kể câu chuyện này cho các thượng tế và kỳ mục, Chúa Giêsu kết luận: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông… vì họ đã tin theo lời của Gioan, còn các ông thì không tin”. Câu chuyện được kể trước hết nhắm vào các thượng tế và kỳ mục vì họ vẫn tự hào là những tầng lớp đạo đức, chu toàn mọi giới răn lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ thuộc những người chỉ nói mà không làm, đạo đức bên ngoài mà không có tâm tình bên trong, họ sống đạo cách hình thức mà không có lòng yêu mến. Vì thế, họ giống như người con thứ hai thưa vâng trên môi miệng nhưng không làm theo ý cha mình. Trái lại, các người thu thuế và gái điếm, trước mắt mọi người, bị kể là tội lỗi công khai, là những người vi phạm lề luật, từ chối Thiên Chúa, thế nhưng khi Gioan đến rao giảng phép rửa sám hối, những người này đã nhận ra tình trạng xấu xa của mình, họ hối hận quay trở về với Thiên Chúa và mở lòng ra đón nhận Tin Mừng. Những người này giống như đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối lời mời gọi của cha, nhưng sau đó nó hối hận và thay đổi lại đời sống của mình.

Nghe câu chuyện này, chúng ta thấy hình bóng của mình qua hai đứa con. Có thể chúng ta như người con thứ hai, khi chúng ta sống với Chúa bằng một tương quan hình thức bên ngoài mà không có tình yêu bên trong. Chúng ta vẫn chu toàn các bổn phận dâng lễ, đọc kinh, nhưng đời sống đạo của ta lại ngược lại với Tin Mừng. Nhiều khi vì quyền lợi hoặc địa vị, chúng ta dễ dàng bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa. Khi nói chuyện, khuyên bảo người khác, chúng ta có dư thừa lời lẽ đạo đức, có thể trích dẫn cả Lời Chúa để nói, nhưng đời sống và cách cư xử trong gia đình hoặc với người chung quanh lại không trùng khớp với những lời ta nói. Cũng có thể thói tự kiêu, tự mãn khiến ta cho rằng mình quá hoàn hảo, mình tốt rồi, nên ta không thấy cần phải thay đổi, không cố gắng để điều chỉnh mình.

Chắc chắn Chúa muốn chúng ta có thái độ hối hận của người con thứ nhất, nhìn thấy tình trạng tội lỗi của mình, cảm thấy dằn vặt đau khổ vì đã làm cho Thiên Chúa buồn, quyết tâm làm lại cuộc đời và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Có thể trong quá khứ chúng ta đã nhiều lần từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, để mình bị chi phối và chìm ngập bởi ma quỷ và điều xấu. Thiên Chúa vẫn không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài vẫn chờ đợi và cho ta có cơ hội để quay trở lại với Ngài. Một khi hối hận trở về với Chúa, chúng ta lại được Chúa đón nhận và yêu thương như những đứa con đáng thương của Chúa.

Qua câu chuyện hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta học ở nơi Chúa sự quảng đại và tha thứ, cảm thông và đón nhận nhau. Con người chúng ta thường thù dai, nhớ dai những lỗi lầm trong quá khứ của người khác, khiến chúng ta nhẫn tâm từ chối sự trở về của anh em qua việc nhất quyết loại trừ và ngăn chặn tương lai của họ. Trong gia đình, có những đứa con bị rơi vào mặc cảm, trầm cảm chỉ vì cha mẹ và người thân trong gia đình không tin tưởng vào sự thay đổi của nó.

Cha Trần Ân, một linh mục dòng Thiên An Huế, trước khi vào tu, ngài đã là con nghiện heroin. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “người bị nghiện heroin sau khi cắt cơn nghiện trở về gia đình, đa số họ bị tái nghiện trở lại”. Một trong những lý do khiến họ tái nghiện là vì cộng đồng và cả gia đình không muốn đón nhận họ, vẫn nhìn họ với quá khứ nghiện ngập trước đây. Các công ty, xí nghiệp ngại ngần tiếp nhận những người này chỉ vì lý lịch nghiện ngập của họ. Chính vì không được gia đình, cộng đồng đón nhận, khiến cho những người này dễ dàng bị lôi kéo trở lại với sự nghiện ngập.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Thiên Chúa luôn chờ đợi con người biết hối hận để làm lại cuộc đời. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa để chúng ta quay trở về sống đẹp lòng Chúa. Và, xin cho chúng ta cũng biết cảm thông và mở đường cho anh em có lỗi có cơ hội quay trở về làm lại cuộc đời. Amen.

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Matthêu, Tông Đồ - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm A - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.B Nguyễn Trường Sơn