CHỦ NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
Thế gian thường quảng cáo và lôi kéo chúng ta bằng kiểu phán đoán và lý tưởng của nó, và buồn thay, nhiều khi nó thành công. Còn tin mừng thì trình bày một nấc thang giá trị hoàn toàn đảo ngươc. Như Đức Maria ca trong bài Magnificat, Chúa đuổi những kẻ giàu sang trở về tay trằng. Đó là tiếng kêu lạc điệu trong xã hội tiêu thụ chúng ta. Chúng ta có phản ứng như thế nào trước khi quá trễ?
Tiên tri Amos 6,1a.4-7
Khi người ta no nê, thì số phận phần còn lại của thế gian không đáng quan tâm nữa. nhưng Amos cảnh giác chúng ta phải coi chừng, sẽ có những đảo lộn như chúng thấy trong bài tin mừng ngày hôm nay.
Thánh vịnh 112
Khác với các thế lực trên trái đất, Thiên Chúa là Đấng công chính. Người lắng nghe lời của người nghèo và tái lập trật từ trong một thế giới bị xâu xé bởi ích kỉ và bất công.
Thư 1 Tm 6,11-16
Timôthê là một người đạo gốc vì mẹ và bà ngọai của ông là người kitô hữu. Lúc bấy giờ Phao lô đang bị giam tù và ngài viết thư cho Timôthê đang là Giám Mục. Ngài để lại cho môn đệ yêu quí của Ngài lời khuyên cuối cùng: Hãy đứng vững trong Đức tin và Tình yêu cho đến cùng, dù cho thế giới chung quanh bày ra những giá trị khác với Ki tô giáo.
Tin mừng Lc 16, 19-31
NGỮ CẢNH
Nằm trong chương 16 gồm các giáo huấn dạy về việc sử dụng của cải trần gian (16,1-8; 9-15), dụ ngôn nầy rất độc đáo và chỉ có trong tin mừng Lc.
Có thể đọc theo cấu trúc hai phần sau đây. Sau phần vào đề trình bày sự đối chọi giữa một người giàu và một người nghèo trên trần gian (16,19-21), dụ ngôn cho ta thấy số phận của họ đã đảo chiều như thế nào ở thế giới bên kia và tập trung vào hai cuộc đối thoại giữa người phú hộ và ông Abraham: phần đầu về số phận của người phú hộ (16,22-16); phần sau về số phận của các anh em ông (16,27-31).
TÌM HIỂU
Ông nhà giàu: dụ ngôn tiếp liền sau các “lời nói” trong các câu 14-18. Dụ ngôn không có lời mở đầu hay câu chuyển đọan. Ông phú hộ nầy cũng không có tên gọi như ở câu thứ 1. Sự đối chọi giữa cuộc đời xa xỉ của ông và sự kế cận của người nghèo cho ta hiểu rằng ông ta vì quá giàu có nên đã hoàn toàn trở nên vô cảm. Thêm vào đó là sự giàu có thiêng liêng giả tạo của những người tự cho mình là công chính, “điều đáng ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (16,15). Tất cả những điều đó đã tạo thành một sự phân cách giữa người giàu và người nghèo trên thế gian (16,210. X. Amos 2,6-7; G 24,2-12.
La da rô: đây là trường hợp độc nhất, vì trong các dụ ngôn, các nhân vật không bao giờ được gọi bằng tên riêng cả. Nhưng đây là một người nghèo, và trước mặt Thiên Chúa, sự nghèo khó là một tước hiệu để được Người quan tâm riêng. La da rô có nghĩa là Thiên Chúa gúp đỡ: tên gọi mang theo niềm hi vọng. Thiên Chúa không bỏ rơi những người nghèo (Cn 22,22-23; Tv 71,12-14).
Thèm được những thứ: cùng một kiểu nói như trong trường hợp đứa con trai phung phá, dịch là: muốn ăn cho đầy bụng (15,16).
Chó: khung cảnh nầy làm ta nhớ đến ông Gióp. Trong Thánh Kinh, chó được coi như là thú dữ và đáng ghê tởm. Ở đây, sự hiện diện của chúng nhấn mạnh đến sự trái ngược giữa người giàu có và người nghèo.
Ông Áp bra ham: những người công chính trong Cựu Ước thường được cho là sẽ gặp ông Abraham và sẽ đoàn tụ với các tổ phụ của họ. Nhưng ở đây, người nghèo mừng lễ cùng với các tổ phụ (x. 13,28-29 dùng hình ảnh bữa tiệc); đây chính là vĩnh phúc. Các họa sĩ thường vẽ những người được chọn như là những người con quay quần chung quanh ông Abraham, tổ phụ của họ.
Kiểu nói: “trong lòng ông Abraham” được dùng ở đây còn xuất hiện ở Ga 13,23 nói về người môn đệ mà Chúa Giê su yêu mến “nằm trong lòng Chúa Giê su”, nghĩa là ở bên tay trái, gối đầu trên ngực Chúa (13,25): đó là vị trí danh dự trong bữa tiệc. Vị trí của người môn đệ là vị trí của Con Một nơi “cung lòng Cha” (Ga 1,18).
Thật vậy tình phụ tử của ông Abraham, là hình ảnh duy nhất của tình phụ nơi Thiên Chúa nối kết các môn đệ vào sự thông hiệp mà Người chia sẻ với Con của Người. Bàn tiệc Thánh Thể, tức là bàn tiệc thiên quốc sẽ đến, đã thực hiện bằng việc đi vào trong cung lòng của Chúa Cha cùng với Chúa Con.
Chôn: sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu một lần nữa được nhấn mạnh: người trước được đưa lên trời, còn người kia thì bị chôn vùi dưới đất. Sự đảo lộn tư thế bắt đầu xuất hiện.
Âm phủ: hoặc nơi ở của người chết. Trong khoảng thời gian dài đến thế kỉ thứ 2 trước CN, người ta tin rằng những người chết, gồm những người lành và kẻ dữ được qui tụ trong một nơi hoang tàn (được gọi là sheol trong tiếng Híp pri, và Hadès trong tiếng Hi lạp). Nhưng vào thời Chúa Giê su, ý tưởng đã có tiến bộ: nói chung, người ta nghĩ rằng những người công chính yên nghỉ chờ đợi ngày sống lại (họ ở trên “thiêng đàng” hoặc trong vườn Ê đên, 23,43); còn người dữ thì đã bị phạt trong lửa muôn đời . X. đạo lí nầy manh nha trong đoạn Đn 12,2-3.
Nhưng ở đây Lc đưa ra một giáo huấn về sự sống sau khi chết. Mục tiêu duy nhất của ông là khuyến khích người ta sám hối ngay từ giờ. Ông trình bày khoảng cách giữa tình trạng của những người nghèo và tình trạng của những người giàu trước nhan Thiên Chúa (16,22). Số phận con người trong đời sống bên kia đã được bắt đầu ở đây trên mặt đất nầy; do đó, người ta cần phải thay đổi cách sống trên trần gian.
Phần phước – bất hạnh: x. G 2,10. bản văn nầy không nói về phần thưởng cho người công chính và hình phạt cho người tội lỗi. Nó chỉ trình bày một trong những đảo ngược tình thế mà Lu ca thích nói tới, mà chúng ta đã thấy trong Bát Phúc (6,20-26) và trong kinh Magnificat (1,46-55).
Vực thẳm lớn: hình ảnh của hai thế giới không liên lạc với nhau như Thiên Chúa và tiền của (16,13). Vực thẳm đã hiện hữu trên mặt đất nơi mà ông nhà giàu sống trong một thế giới đóng kín trước thế giới của người nghèo. Nó vẫn còn và vĩnh viễn hiện diện trong cuộc sống bên kia. Người ta sẽ thu lấy những gì mà người ta đã gieo vãi.
Ông nhà giàu nói: ở đây bắt đầu phần thứ hai của dụ ngôn: lời khẩn xin tiếp theo của ông nhà giàu cho phép Abraham xác định kết luận phần thứ nhất; tiền của – và sự bảo đảm mà nó sinh ra – làm mờ mắt và giam hãm, đóng kín tâm hồn con người trước Lời Thiên Chúa. X. trong 15,29-30 phản ứng của người con cả cho phép tái xác nhận và mở rộng thái độ đúng đắn của người cha.
Mô sê: ông Abram qui chiếu đến Kinh Thánh diễn tả thánh ý của Thiên Chúa về việc sử dụng của cải trần gian nầy, cũng như về sự cần thiết của việc sám hối: chỉ cần lắng nghe lời Người (x. 6,47;8,11-15).
Họ sẽ ăn năn sám hối: không chỉ nói về việc sám hối liên quan đến tiền của (19,1-10), mà trong mọi khía cạnh của cuộc sống (x.13,3.5). Do đó cũng liên quan đến những người Pha ri sêu (16,15).
Sống lại: nhiều lần người Do thái đã xin Chúa Giê su làm một dấu lạ cả thể để họ có thể tin vào Ngài, nhưng Chúa Giê su chỉ nhắc lại dấu chỉ Giô na (11,29-30). Ngài đã ban cho họ trong sự sống lại của người thanh niên ở thành Nayin (7,11-17), và đặc biệt trong cuộc Phục sinh của Ngài, cũng như trong bài giảng thực hiện dưới danh Ngài sau Hiện xuống.
Thế nhưng cả dấu chỉ nầy cũng không thuyết phục được người Do thái. Tuy nhiên nó chính là sự hoàn tất Lề luật và các Tiên tri (24,27.44-46; Cv 28,23). Sự trùng khớp giữa Kinh thánh và cuộc sống của Chúa Giê su là một trong những lý chứng quyết định nhất của đức tin. Do vậy, Chúa Giê su nói dụ ngôn nầy để tìm cách thuyết phục các thính giả của Ngài cần phải sám hối nếu thật sự họ muốn trở thành con cái đích thật của Abraham và chia sẻ vinh quang của ông. Chúa Giê su dùng nhân vật danh tiếng Abraham để mời gọi họ tin vào Ngài và nhờ vậy mà được cứu độ.
SỨ ĐIỆP
Các bài đọc chủ nhật hôm nay lớn tiếng tố cáo điều mà chúng ta gọi là “phân hóa trong xã hội”. Chúng ta có thể kiểm chứng khoảng cách giữa người giàu và nghèo đã càng ngày càng rộng ra như thế nào trong những thập niên gần đây. Sự giàu có xa hoa không cùng của một số người đã không ngừng được bày ra. Điều đó trở thành một sỉ nhục đối với những người nghèo càng ngày lún sâu vào trong nỗi bất hạnh của mình. Chỉ cần nêu ra ở đây về sự cách biệt khủng khiếp giữa tiền lương như một thí dụ điển hình: có những ngôi sao bóng đá nổi tiếng hằng ngày nhận thù lao bằng số tiền mà nhiều người kiếm được trong một hay nhiều năm làm việc, thậm chí trong cả một cuộc đời. Nhưng sự nghèo khó không chỉ trong bình diện vật chất, mà còn trầm trọng hơn về phương diện tâm linh. Chúng ta đừng quên những người không được giáo dục, không có văn hoá, không được kính trọng trong xã hội và nhất là thiếu vắng tình thương.
Vì thế mà tin mừng hôm nay loan báo cho chúng ta một sự đảo ngược tình thế. Điều mà chúng ta đang sống hôm nay để lại một âm hưởng muôn đời. Tất cả những điều đó, Chúa Giê su cắt nghĩa cho chúng ta bằng một dụ ngôn khiến chúng ta suy nghĩ. Dụ ngôn ấy nói về hai người: một bên là một người giàu có, hưởng thụ giàu sang cho riêng mình. Ngay bên cạnh ông ta là một người nghèo khổ, đang chết dần chết mòn trong một tình trạng khốn cùng cực độ
Bài tin mừng không nói rằng người giàu có tàn ác hay hành hạ người nghèo. Ông ta cũng không bị khiển trách vì đã giàu. Sự sai lầm duy nhất của ông ta là đã không nhìn thấy ông La da rô ở ngoài cửa. Ông ta không thấy người nghèo và không mảy may để ý. Và ông cứ tiếp tục như thế, coi như không có người nghèo hiện hữu trước mắt ông
Điều mà Chúa Giê su tố cáo trước tiên đó là sự dửng dưng của anh nhà giàu đối với người bất hạnh. Đó là một thái độ rất trầm trọng vì nó làm cho con người trở nên vô cảm đến độ không còn có thể cảm thông với kẻ khác. Nó làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, Đấng đến gần tất cả những ai đang đau khổ và tự đồng hoá với mỗi người trong họ. Sau cùng nó phá huỷ tâm hồn.
Nhưng đến cuối đời, tình trạng của ông La da rô và của người giàu đảo ngược: trong khi Ladarô được hưởng hạnh phúc đời đời, thì ông nhà giàu phải chịu cực hình khủng khiếp. Bấy giờ, ông nhà giàu nhận thức quá trễ những hậu quả của sự đui mù của mình. Cả đời ông ta đã sống chỉ nghĩ đến mình: của cải, quần áo, đồ ăn, thức uống chiếm hết tâm trí của ông. Trong tâm hồn ông không có chỗ cho người khác. Dụ ngôn dường như gợi ý rằng ông ra cũng không có cả những người đồng bàn với mình. Ông cô đơn và sẽ như vậy mãi ở cõi đời sau. Ở đó, không ai có thể đến cứu giúp ông vì ông đã đào một cái hố sâu chung quanh mình. Sự cô đơn khủng khiếp ấy do chính ông gây nên. Ông hoàn toàn bị giam hãm.
Tính ích kỉ và dửng dưng không chỉ là những khiếm khuyết hoặc tội lỗi. Đó còn là một tai hoạ lớn. Người ích kỉ chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình trong việc tích góp của cải tiêu thụ. Thực sự ông ta suốt đời không thoả mãn. Không gì có thể lấp đầy hoàn toàn tâm hồn. Bao lâu còn tiếp tục sống trong tình trạng ấy, thì con người không bao giờ thực sự được hạnh phúc. Chúng ta là những ngưòi ki tô hữu, chúng ta biết rằng bí quyết của hạnh phúc đích thật nằm trong Tin mừng. Điều làm nên giá trị cuộc đời là chính cách mà chúng ta nhìn người khác và nhất là cách mà chúng ta yêu thương họ ngang qua những cử chỉ mở rộng, tiếp đón và sẵn sàng.
Tin mừng nói với chúng ta về một vực thẳm mà người giàu đã đào giữa ông và ông La da rô. Và Tin mừng cảnh giác chúng ta về vực thẳm ấy, trong đó coi chừng chúng ta có thể lọt vào. Nhưng Tin mừng Chủ nhật hôm nay cho chúng ta biết rằng trên con đường sám hối trở về, chúng ta không cô đơn. Đức Ki tô hiện diện để mở mắt và mở tai chúng ta. Ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta tất cả những người đói ăn, đói tình yêu và đói ơn nghĩa. Nếu Ngài đến trong thế giới chúng ta và nếu Ngài tiếp tục đến trong cuộc đời chúng ta ấy là để lấp đầy vực thẳm ấy giữa Thiên Chúa và chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta kết hợp với Ngài và liên kết với nhau. Sứ vụ của chúng ta là làm việc với Đức Ki tô trong việc xây dựng một thế giới mới, công bằng hơn, huynh đệ hơn và liên đới hơn.