HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 26 TN B
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
CẦN TRÁNH THÓI BÈ PHÁI CỤC BỘ
I. HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mc 9, 38-43.45.47-48
(38)
Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy
mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. (39) Đức
Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm
phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống
lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (41) “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ
anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần
thưởng đâu. (42) Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa
ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay
anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống
còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu
chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào
cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. (47) Nếu mắt anh làm
cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn
hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và
lửa không hề tắt”.
2. Ý
CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay trình bày lời Đức Giê-su
giáo huấn các môn đệ. Sau khi dạy các môn đệ loại bỏ thói ganh tị, Người nêu ra
nguyên tắc ứng xử: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người hứa
ban thưởng cho những ai sẵn sàng tiếp đón các môn đệ. Người cũng đe phạt những
ai làm cớ vấp ngã cho các ông. Người còn dạy phải chọn hạnh phúc Nước Trời hơn
các bộ phận thiết yếu như tay, chân hay đôi mắt của mình.
3.
CHÚ THÍCH:
- C
38-39: +Chúng con thấy có người lấy
danh Thầy mà trừ quỷ: Tên
của một người thường mang ý nghĩa tượng trưng cho chính con người đó. Vì thế mà
Thiên Chúa trong giới răn thứ hai cấm gọi tên Ngài, đồng thời chúng ta cũng thấy
tầm quan trọng của tên Thiên Chúa như trong kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyện
Danh Cha cả sáng”. Vì thế không lạ gì khi Chúa Giê-su đã tuyên bố: Kẻ nào tiếp
đón một kẻ nhỏ vì danh Thầy tức là tiếp đón Thầy. Kẻ nào tiếp đón Thầy thì
không phải là tiếp đón Thầy mà là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Trừ quỷ là một
việc quen thuộc của Đức Giê-su và các tông đồ thường làm, giống như nhiều người
Do thái thời bấy giờ cũng làm (x Mt 12, 27). Gio-an thấy có người không
cùng nhóm mười hai mà cũng dùng tên Giê-su để trừ quỷ, nên ông đã ngăn cấm họ.
+”Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giê-su dạy việc ngăn cấm như thế chứng
tỏ tâm địa hẹp hòi, cục bộ. Người truyền cho môn đệ không được ngăn cản kẻ khác
làm điều tốt. Vì ai chống lại ma quỷ và các hành vi gian ác của chúng thì cũng
thuộc về Người giống như các ông.
+Nói xấu về Thầy: Có nhiều cách để liên kết với Đức
Giê-su. Bao lâu một người không “nói xấu” hay không chống lại Người cũng được kể
thuộc về Người.
- C
40-41: +Ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta: Đây
là nguyên tắc ứng xử khoan dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ khi sai các
ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ai không chống đối Đức Giê-su thì đã gián
tiếp thuộc về Người. Người trách lối suy nghĩ hẹp hòi bè phái của các môn đệ
khi các ông chỉ ủng hộ những việc tốt do nhóm mình làm và lọai trừ mọi việc tốt
do nhóm khác làm.
+Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô...”: Các môn đệ được Đức Giê-su đồng hóa với
Người, nên kẻ nào giúp đỡ các ông dù chỉ cho các ông uống một chén nước lã, thì
cũng được kể như đã phục vụ Người (x Mt 25, 35-45).
- C
42: +Ai làm cớ cho những kẻ bé mọn
đang tin Thầy đây phải sa ngã: Đức Giê-su nói về các đầu mục dân Do Thái khi họ độc quyền giải
thích Kinh Thánh. Họ không những không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai mà còn
ngăn cản dân chúng tin theo Người (x Lc 11, 52).
+ thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn: Đây là tội nặng nề vì đã xúc phạm đến
Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa các tội nhân, nên nó đáng chịu hình phạt nặng
nề là bị quàng cối xay vào cổ mà quăng xuống biển cho chết chìm.
- C
43-47: +Nếu tay anh... chân anh...mắt
anh...: Đức
Giê-su muốn nói đến việc phải tránh xa dịp tội, dù có phải hy sinh những bộ phận
quý giá nhất trong thân thể. Kiểu nói “Tay, chân, mắt” cho thấy dịp tội không ở
đâu xa mà chính là ngũ quan, nằm ngay trong thân thể mình.
+được vào cõi sống còn hơn là
có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục: Vì thà bị mất một phần chi thể mà được vào cõi sống còn hơn đủ tứ
chi mà bị sa vào hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi tội nhân chịu khổ hình đời đời vì bị
tách lìa khỏi “cõi sống” là hạnh phúc Nước Trời.
- C
48: +Lửa và giòi bọ: là hai lọai đau khổ dành cho các tội
nhân đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Thiên Chúa khi họ cố tình phạm tội trọng
(x Mt 13, 42; 18, 8).
4.
CÂU HỎI:
1)
Tin mừng hôm nay cho thấy: ngòai Đức Giê-su và các môn đệ, còn có những ai cũng làm việc trừ quỷ nữa?
2)
Việc cấm cản người khác lấy danh Giê-su trừ qủy cho thấy tâm địa của các môn đệ
thế nào?
3) Đức
Giê-su có đồng ý với lối suy nghĩ ấy không?
4)
Qua câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức Giê-su muốn các
môn đệ của Người phải có lối hành xử thế nào?
5) Một
người dù chỉ cho các môn đệ uống một chén nước lã thôi, cũng sẽ được Người ban
thưởng ra sao trước toà phán xét sau này?
6)
Những kẻ làm cho các người bé mọn đã tin Đức Giê-su phải bị sa ngã ám chỉ ai và
họ đáng bị phạt ra sao?
7)
Qua câu “chặt tay, chặt chân, móc mắt...” Đức Giê-su nhấn mạnh điều gì?
8) Lửa
và giòi bọ là hai hình khổ ở đời sau dành để trừng phạt những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI
CHÚA: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì
thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).
2.
CÂU CHUYỆN:
1)
THÁI ĐỘ BAO DUNG NHÂN HẬU CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
Cha AN-THO-NY DE MEL-LO, một linh mục Dòng
Tên người Ấn Độ là chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng ra câu chuyện
"ĐỨC GIÊ-SU ĐI XEM BÓNG ĐÁ" như sau:
"Nghe Đức Giê-su than phiền là Ngài chưa
một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Người đến một sân
bóng ở gần nhà để xem một trân đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo.
Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1-0, Đức Giê-su liền hoan hô vang dội và tung cả
mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ
hoà một đều (1-1), Đức Giê-su cũng lại reo hò và tung mũ lên trời y như trước
đó. Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ “ba phải” của Đức
Giê-su, ông ta quay sang hỏi Người:
- Này ông bạn, ông là cổ động viên của đội
bóng nào vậy?
Đức Giê-su liền trả lời đang lúc vẫn mãi mê
theo dõi trận đấu trên sân cỏ:
- Tôi à ? Ồ, tôi chẳng ủng hộ đội nào. Tôi đến
đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi.
Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của
Đức Giê-su lại càng bực bội hơn, ông ta quay sang nói nhỏ với người
bên cạnh: "Hắn ta đúng là một tên vô thần !"
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Đức
Giê-su:
- Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là
buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe của họ và chống lại tất cả những
ai không cùng tôn giáo với họ".
Đức Giê-su gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
- Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội
Tin Lành hay đội Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ
thuộc đội nào đi nữa".
2) GƯƠNG VỊ MỤC TỬ BAO DUNG NHÂN HẬU:
Trong trận thế chiến II, ba
vị tuyên úy của Công giáo, Tin lành và Do thái trở thành bạn thân của nhau. Họ
thề hứa với nhau nếu một người trong nhóm bị chết, thì những người còn sống phải
báo tin cho gia đình của người qua đời và lo việc chôn cất.
Sau đó vị tuyên úy Do thái bị
chết. Hai người còn lại không sao tìm thấy một Rab-bi hay một hội đường Do thái
nào. Cuối cùng, trong một làng ở nước Pháp, họ tìm thấy một nhà thờ Công giáo với
một nghĩa trang được chăm sóc cẩn thận. Vị tuyên úy Công giáo đề nghị: “Chúng
ta hãy đi gặp linh mục chánh xứ, may ra ông ấy có thể giúp chúng ta”. Cha xứ ngỏ
ý muốn giúp họ. Nhưng ngài lại không thể tự ý quyết đinh làm điều trái với quy
định nên nói: “Ngày mai, xin các ông trở lại đây. Tôi sẽ tìm xem có luật nào
cho phép chôn một người không phải Ki-tô hữu trong một nghĩa trang Công giáo
hay không“. Cha xứ đã tìm kiếm suốt đêm đó, nhưng không kết quả. Hôm sau khi gặp
họ, ngài nói với họ như sau: “Hãy chôn ông ấy bên ngoài nghĩa trang sát bên
hàng rào. Tôi hứa sẽ chăm sóc cho ngôi mộ của ông ấy”.
Khi chiến tranh kết thúc,
hai vị tuyên uý quay lại thăm viếng ngôi mộ của người bạn, nhưng họ không sao
tìm ra ngôi mộ nào nằm bên ngoài hàng rào nghĩa trang. Họ liền đi tìm cha xứ hỏi
thăm. Cha xứ mỉm cười nói: “Tôi thấy ngôi mộ bạn các ông nằm bên ngoài nghĩa
trang cô độc quá, nên tôi đã tìm ra cách giải quyết”. Họ liền hỏi: “Cha đã tìm
thấy điều luật cho phép dời ngôi mộ người ngoại giáo từ ngoài vào phía trong
hàng rào nghĩa trang hay sao?” Cha xứ trả lời: “Tôi không thấy có điều luật nào
như thế. Nhưng tôi cũng không thấy có luật nào cấm di dời hàng rào nghĩa trang
ra phía ngoài ngôi mộ kia, nên tôi đã quyết định làm như thế”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức
Giê-su cũng dạy môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy
mà làm phép lạ, rồi sau đó lại nói xấu về Thầy”. Đức Giê-su không chỉ thuộc về
những người tín hữu Ki-tô là Công giáo, Tin lành, Chính thống, Anh giáo… mà Người
còn thuộc về hết những ai thành tâm thiện chí, tuy không phải tín hữu Ki-tô,
nhưng không chống lại Người như Người đã nói với các môn đệ: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng
ta” (Mc 9,40). Như vậy có thể nói: Tất cả những
ai tin nhận Thiên Chúa và yêu thương tha nhân đều đã gián tiếp thuộc về Đức
Ki-tô.
3)
KHỈ BỊ MẮC BẪY VÌ TỘI NGU NGỐC THAM LAM:
Cho
rằng thịt khỉ, nhất là óc khỉ có thể làm thuốc chữa bệnh đau nhức phong thấp,
nên nhiều người đã tìm cách gài bẫy để bắt khỉ. Để làm bẫy, người ta lấy một
trái dừa khô bổ đôi, nhét một trái cam thơm ngon vào giữa, rồi khoét một lỗ to
bằng nắm tay trên vỏ trái dừa. Sau đó cột trái dừa khô này lên một cành cây nơi
có nhiều khỉ sinh sống.
Do
mùi thơm của cam hấp dẫn, lũ khỉ đã trèo lên cây có đặt bẫy dừa để lấy cam ăn.
Tuy
nhiên, thọc tay vào bẫy thì dễ, còn rút tay ra lại không dễ chứt nào, vì bấy
giờ bàn tay khỉ còn nắm chặt trái cam. Điều trớ trêu là trước nguy cơ có thể bị
bắt, khỉ vẫn không chịu buông cam để rút tay ra mà chạy trốn, nó chỉ biết giẫy
dụa kêu la chí choé và đành để bọn thợ săn tới tóm gọn.
4) TÀI XẾ GIỎI NHẤT LÀ NGƯỜI LÁI XE AN
TOÀN NHẤT?
Có
một đại gia kia rất có hiếu với bà mẹ già. Một hôm ông ta tìm thuê một người
tài xế với nhiệm vụ chở mẹ ông đi dạo chơi vào mỗi buổi chiều. Có ba người lấp
tức đến xin thử việc. Đại gia cho biết tiêu chuẩn lựa chọn là tài xế phải lái
xe giỏi, nhưng lại phải thật an toàn. Người thứ nhất tự nghĩ: “Tưởng gì chứ lái xe như vậy dễ ợt”. Rồi
anh ta lên xe và cho xe chạy nhanh chỉ cách hào nước ven đường một tấc.
Người
thứ hai thầm nghĩ: “Ta sẽ chứng minh tài lái xe của ta hơn hẳn hắn ta”. Rồi anh
lái xe thật nhanh và cách bờ hào chỉ nửa tấc.
Còn
người thứ ba lớn tuổi lên lái xe cẩn thận và chiếc xe cách bờ hào nửa mét.
Hai
anh tài xế trước thấy vậy liền cười đắc chí đinh ninh mình sẽ thắng. Nhưng kết
quả thật bất ngờ khi đại gia nói với người thứ ba: “Tôi chọn bác tài thứ ba này
làm tài xế lái xe cho mẹ tôi. Vì tuy cần một người tài xế lái xe giỏi nhưng
phải an toàn. Mà người lái xe thật sự an toàn sẽ không mạo hiểm cho xe chạy
nhanh và sát bên bờ hào”.
Hôm nay Chúa nói với chúng ta: nếu tay hay chân, hay mắt anh nên
dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi…, có khác nào Chúa muốn chúng ta
phải quyết tâm xa lánh dịp tội. Chúng ta đừng bao giờ liều mình ở gần dịp tội.
Các bạn trẻ hãy nhớ điều quyết tâm của thánh trẻ Đa minh Sa-vi-ô trong ngày
rước lễ lần đầu: “Thà chết chẳng thà phạm tội”.
5) PHẢI QUYẾT TÂM XA LÁNH DỊP TỘI:
Trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên
cạnh một đàn thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm
mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống dữ tợn. Tức khắc, thỏ mẹ
cảm thấy lo sợ và vội ra hiệu cho đàn con mau chạy về hang ẩn núp. Tuy nhiên,
một chú thỏ con tò mò, đã nấn ná ở lại để xem nới tiếng rống kia phát ra. Ngay
sau đó một con hổ to lớn xuất hiện với bộ mặt hung dữ. Thỏ con sợ hãi, vội chạy
thục mạng về hang, nhưng không kịp nữa. Chỉ cần một cú nhảy, chú thỏ con đáng
thương đã nằm gọn trong móng vuốt của loài hổ dữ.
Hôm nay Đức Giê-su dạy môn đệ phải dứt khoát xa lánh dịp tội: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt
nó đi... Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi… Nếu mắt anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì móc nó đi. Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn
đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục”. Qua đó Chúa muốn dạy chúng ta
phải quyết tâm lánh xa dịp tội! Đừng bao giờ tò mò hút thử ma tuý, thử chơi một
ván bạc, thử gặp gỡ một kẻ đáng ngờ… Làm như thế là cũng như thỏ non đáng
thương kia, chúng ta đã tự đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm có thể phạm trọng
tội, và chắc sẽ mang lại cái chết thật về phần linh hồn.
3.
THẢO LUẬN: Bạn có sẵn sàng hợp tác với những người vô tín hoặc các Phật Tử…trong
các việc tốt phục vụ môi trường xã hội ta đang sống, nhất là phục vụ những người
nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi hay không? Tại sao?
4.
SUY NIỆM:
1) THÁI
ĐỘ BÈ PHÁI CỤC BỘ CỦA CÁC MÔN ĐỆ:
- Vào thời Mô-sê, Giô-su-ê là đồ đệ của
Mô-sê cũng có đầu óc phe nhóm cục bộ khi muốn dành độc quyền nói tiên tri cho
nhóm bảy mươi kỳ mục. Khi thấy hai người tên là En-đát và Mê-đát, không thuộc
nhóm này mà vẫn nhờ Thần Khí để nói tiên tri, ông đã tố cáo và yêu cầu Mô-sê
ngăn cản. Nghe vậy, Mô-sê liền trả lời Giô-su-ê: "Anh ghen giùm tôi hay
sao? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ
!" (Ds 11, 29).
- Tin Mừng hôm nay cho thấy óc phe nhóm và
tinh thần bè phái cục bộ cũng xuất hiện ngay trong hàng ngũ các môn đệ của Đức
Giê-su: Khi thấy có người không theo Đức Giê-su mà lấy tên Giê-su trừ quỷ, ông
Gio-an đã ngăn cản họ và còn báo cáo cho Đức Giê-su và yêu cầu Người xử lý (x.
Mc 9, 38). Gio-an không thể chấp nhận có người không thuộc Nhóm Mười Hai,
lại dám nhân danh Thầy mình mà trừ quỷ. Ông muốn dành độc quyền trừ quỷ cho
Nhóm của ông.
2)
THÁI ĐỘ BAO DUNG NHÂN HẬU CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
- Như Mô-sê xưa, Đức Giê-su trong Tin Mừng
hôm nay cũng không đồng tình với lối hành xử bè phái cục bộ của các môn đệ, nên
Người đã nói với các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy
mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Phương châm của
thế gian là “Ai không theo chúng ta là nghịch với chúng ta”, còn Đức
Giê-su lại nêu nguyên tắc ứng xử bao dung cho môn đệ: “Ai không chống đối
chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40).
- Ngày hôm nay chúng ta cũng cần xét mình về
lối sống cục bộ, muốn sở hữu độc quyền thánh danh Thiên Chúa, Đức Ki-tô, chân
lý, đức bác ái cho mình. Từ đó sẽ dẫn đến hậu quả là làm điều tốt không vì danh
Chúa, mà nhằm làm vinh danh cho bản thân, cho đoàn thể hay phe nhóm của mình…
3) SỰ
TIẾN TRIỂN NHẬN THỨC CỦA GIÁO HỘI:
- Công Đồng Va-ti-can II đã mở ra một trang sử
mới cho Giáo Hội Công giáo, khi không còn những lời kết án trong các văn kiện của
Công Đồng. Thay vào đó Giáo Hội chân thành khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của
mình, và tôn trọng những điều chân thiện mỹ trong các tôn giáo và các nền văn
hoá khác. Công Đồng đã có một cái nhìn mới về mối
tương quan giữa người Công giáo với Tin Lành hay các tôn giáo khác. Nhiều văn
kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis
redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra
aetate), đã giúp các tín hữu cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn với thế giới. Nhờ
Thần Khí của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Công đồng đã thổi một luồng khí mới và đưa
Giáo Hội về nguồn cội của mình là Tin Mừng yêu thương, hầu mang lại sự hiệp nhất
và bình an.
- Trong Tông thư "Tiến Tới Thiên Niên Kỷ
Thứ Ba" (10/11/1994). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đại diện Hội
Thánh Công Giáo khiêm tốn nhìn nhận khuyết điểm của mình trong quá khứ như sau:
"Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi
hồi tưởng lại trong lịch sử những thái độ lạc xa Thánh Thần của Đức Ki-tô và
Tin Mừng... Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải
đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên
Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ
nhất, mối hiệp thông Giáo Hội đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành
phần khác, đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại ý muốn
của Đức Ki-tô và nên cớ vấp phạm cho thế giới" (số 34).
4) CẦN
SẴN SÀNG HỢP TÁC VỚI MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ:
Hãy noi gương Đức Giê-su để hợp tác với mọi
người trong các việc tốt và hữu ích cho xã hội. Đồng thời tránh thái độ khép
kín cục bộ trong việc phục vụ công ích, như thánh Gio-an đã khuyên các tín hữu
thực hành giới răn yêu thương: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh
ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 7-8).
- Nên nhớ rằng: Ngày nay, số các Ki-tô hữu chỉ
chiếm một phần ba nhân loại. Nếu giữ thái độ độc tôn cục bộ thì chắc chắn chúng
ta sẽ bị cô lập giữa một thế giới đa thành phần. Còn nếu biết thực hành lời
Chúa Giê-su hôm nay thì ta sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với những người thiện
chí và làm được nhiều việc tốt theo ý Chúa. Vả lại, Chúa đâu cần chúng ta phải
luôn dán nhãn đạo lên các việc tốt đã làm. Vì “Hữu xạ tự nhiên hương”: Hãy cứ
thực thi bác ái, tránh óc chia rẽ bè phái và vui vẻ hợp tác với mọi người, thì
đương nhiên chúng ta sẽ làm sáng danh Chúa, như lời dạy của Chúa Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những
công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”
(Mt 5,16).
5. LỜI
CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa
dạy chúng con phải tránh thái độ phe nhóm cục bộ của các môn đệ, khi các ông
ngăn cản người ngoài nhóm lấy danh Giê-su để trừ ma quỷ, nên các ông đã bị Chúa
quở trách. Chúa muốn chúng con phải ăn ở khiêm hạ và chân thành phục vụ tha
nhân khi đi loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay để hợp
tác với mọi người, bất kể họ thuộc tôn giáo hay đoàn thể xã hội nào, để làm cho
khu xóm, cho môi trường sống và làm việc của chúng con ngày một an toàn sạch đẹp
hơn, công bình nhân ái hơn, hầu kiến tạo một “Trời Mới Đất Mới” theo ý Chúa muốn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM