Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên
ĐÓN TIẾP CHÚA
Lời
Chúa: Lc 10,13-16
13
Khi ấy, Đức Giêsu nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!
Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ
lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđôn sẽ
được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15
Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?
Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! 16
Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà khước từ
Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy”.
Suy
niệm
Trong
trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách dân thành Khoradin và Bếtxaiđa, vì
họ cứng lòng tin và có thái độ bất nhã đối với các môn đệ, họ không đón nhận
lời giảng của các ông nên không chịu hoán cải thay đổi đời sống. Qua đó Chúa
Giêsu khẳng định “Ai nghe anh em là nghe
Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà khước từ Thầy là khước từ Đấng
đã sai Thầy” (c. 16).
Có một giai thoại kể về lòng hiếu thảo như
sau. Một hôm, Thượng Đế muốn thử lòng ba con vật gồm khỉ, cáo và thỏ, ngài liền
hóa thân thành một ông lão nghèo đến xin chúng thức ăn. Vừa gặp ông lão, chú
khỉ nhanh nhẹn trèo lên cây hái thật nhiều trái ngon cho ông. Còn chú cáo thì
đi trộm đồ cúng ở các ngôi mộ gần đó để biếu tặng ông lão. Riêng chú thỏ nhút
nhát là không có gì đãi ông lão cả. Sau một thoáng suy nghĩ, chú thỏ đã lao
mình vào đống lửa chịu thiêu đốt hiến toàn thân mình làm lễ vật đãi ông lão.
Cảm động trước tấm lòng của thỏ, Thượng Đế đã cho thỏ được hồi sinh, và sau đó
còn đưa thỏ lên cung trăng để tôn vinh vì tấm lòng hiếu thảo của thỏ.
Người
có lòng hiếu thảo là người thật thà ngay thẳng, luôn dành những điều tốt đẹp
cho người khác, có khi họ còn hy sinh chính bản thân mình. Trong gia đình, con
cái sống hiếu thảo thì cha mẹ được vui lòng. Ngoài xã hội, nếu ai cũng đối xử
với nhau ngay thật tử tế thì xã hội được an hòa. Đức Giêsu là khuôn mẫu của
lòng hiếu thảo, Ngài đã sống và thực thi hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa
Cha. Người Kitô hữu phải học nơi Đức Giêsu lòng hiếu thảo và coi đó như khuôn
vàng thước ngọc. Trong thư gửi cho Timôthê, thánh Phaolô tông đồ xác tín “Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người
phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần
chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin
kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1Tm 3,16).
Trong
Kinh Thánh, lòng hiếu thảo được kể là một trong những đức tính nền tảng của
đoàn dân Chúa. Lòng hiếu thảo trước hết là việc nhận biết Thiên Chúa Cha là
Đấng tạo dựng muôn vật muôn loài, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc và Chúa Thánh
Thần là Đấng Thánh Hóa. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái giúp cho chúng ta sống
lòng hiếu thảo qua việc biết ơn Thiên Chúa về tất cả những ân huệ chúng ta đã
nhận lãnh. “Với lòng biết ơn đó, chúng ta
hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12,28). Việc
thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta phải phát xuất từ lòng hiếu thảo và lòng mến
chứ không phải từ sự sợ hãi, vì lòng mến thì không biết đến sợ hãi.
Lòng
hiếu thảo đối với Thiên Chúa giải thoát ta khỏi những tính toán nhỏ nhoi ích
kỷ, khỏi thói ham mê tiền bạc, khỏi thói kiêu căng giả dối và những dục vọng
xấu xa. Lòng hiếu thảo đích thực là vui nhận với những gì ta đang có. “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì
cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ”
(1Tm 6, 7-8). Tiếp đến lòng hiếu thảo cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng và
vượt qua những trở ngại. Các thánh tông đồ, các thánh tử đạo xưa đã chứng tỏ
lòng hiếu thảo của mình với Thiên Chúa qua việc dành cả mạng sống của mình để
làm vinh danh Thiên Chúa. Những ai có lòng hiếu thảo sẽ được Thiên Chúa trợ
giúp trong mọi thử thách ở đời này và đời sau được ban cho sự sống vĩnh cửu.
Trong
dòng lịch sử cứu độ, không phải lúc nào con người cũng sống hiếu thảo với Thiên
Chúa. Có những lúc, đoàn dân đã từ chối Thiên Chúa mà chạy theo thờ cúng thần
ngoại. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn không ngừng tìm kiếm, tha thứ và đưa họ về nơi
chốn bình an. Hiếu thảo chính là hướng đến sự thánh thiện trong Thiên Chúa.
Lòng hiếu thảo
của chúng ta phải được thể hiện qua việc làm cụ thể như giúp đỡ người khác. Khi
chia sẻ cho người khác một chiếc bánh nhỏ, một lời cảm thông yêu thương sẽ mang
lại cho chúng ta niềm vui tràn trề. Chính Chúa Giêsu đã có lần khẳng định “Ai đón tiếp anh em là
đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một
ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn
sứ; ai đón tiếp người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được
lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ
này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo
thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
(Mt 10,40-42).
Đôi lúc chúng ta đưa ra nhiều lý do để
khỏi phải giúp đỡ người khác. Tôi có nhiều giới hạn, gia đình tôi đang gặp khó
khăn làm sao có thể giúp đỡ người khác. Khi ta đặt cái ít ỏi vào bàn tay Chúa,
thì Người sẽ nhân lên gấp bội. Chúa có đủ quyền năng để chăm sóc chúng ta,
nhưng Người muốn chúng ta cộng tác với Người trong việc chuyển trao tình thương
đến cho người khác, nhất là những người nghèo khổ. Người mong chúng ta trở
thành khí cụ hữu ích để thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại. Đức Giêsu đã đến để
phục vụ hơn là để được phục vụ, đến để hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người (x. Mt 20,28). Mỗi hành vi phục vụ của chúng ta phải mang dấu ấn của đức
mến, nếu không đó chỉ phong trào hay một công tác xã hội. Phục vụ thì không đòi
được đền đáp. Đã yêu thương thì không sợ bị thiệt thòi.
Ơn gọi của người Kitô hữu là ơn gọi nên
thánh, nhưng không phải trong cái đơn nhất của mình mà trong sự tương giao với
người khác. Trong tông huấn Hãy vui mừng và hân hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng
định “Trái với chủ nghĩa tiêu thụ đang
ngày càng phát triển vốn có xu hướng cô lập chúng ta trong một mong muốn tìm kiếm
sự giàu có tách ra khỏi người khác, thì con đường thánh thiện của chúng ta chỉ
có thể làm cho chúng ta ngày càng đồng hóa hơn nữa với lời cầu nguyện của Đức
Giêsu “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga
17,21) (GE 146).
Lạy
Chúa Giêsu là nguồn mạch khôn ngoan và thánh thiện, xin cho chúng con luôn
hướng tới sự thánh thiện qua việc sống trung tín với Chúa và tha nhân. Xin ơn
thánh Chúa trợ giúp chúng con trên hành trình nên thánh đầy những cam go và thử
thách này. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP