Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 26

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm B

THÓI GHEN TỴ

CN 26TNB.jpg

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, để chỉ những người ghen tỵ về sự thành công của người khác hoặc khi thấy người khác trổi vượt hơn mình. Con gà trống khi nghe con gà bên cạnh gáy, nó tỏ ra tức tối, lồng lộn và muốn xông vào đá nhau để thể hiện sức mạnh áp đảo của mình. Trong cuộc sống, có nhiều người cũng dễ dàng bộc lộ sự tức tối, ngông cuồng của mình như vậy khi thấy người khác hơn mình. Sự ghen tỵ được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như nói xấu, đặt điều cho người khác, tìm cách dìm họ xuống... Những người có quyền lực thì thể hiện sự ghen tỵ bằng cách tinh vi hơn khi tìm cách phá hoại sự thành công của người khác, trù dập đồng nghiệp khi thấy họ chạm đến sự thành công. Chúng ta cũng có thể thấy các biểu hiện đó nơi những người hoạt động chính trị như vua Saul trù dập Đavít khi ông được nhiều người ca tụng.

Thói ghen tỵ không chỉ xảy ra trong đời sống xóm ngõ, xã hội, chính trị, mà còn xảy ra trong đời sống tôn giáo, nơi những con người được xem như đạo đức. Các bài đọc Chúa nhật hôm nay cảnh báo cho chúng ta điều đó. Vì, chính sự ghen tỵ sẽ dẫn đến chia rẽ và đổ vỡ trong cộng đoàn, gây thù hằn và bất an trong tâm hồn.

Bài đọc một kể lại câu chuyện thời Xuất Hành: lúc bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Môsê tuyển thêm bảy mươi vị kỳ lão trong dân để cộng tác với Môsê hướng dẫn dân Chúa. Ông Môsê đã quy tụ họ lại và cầu nguyện cho những người này. Sau khi cầu nguyện, Thần Khí của Thiên Chúa đã ngự xuống trên bảy mươi vị này và họ đã bắt đầu phát ngôn. Tuy nhiên, có hai người có tên trong danh sách, nhưng đã không đến tập họp, hai ông này ở lại lều, vậy mà hai ông cũng vẫn được Thần Khí tác động để phát ngôn như những người kia. Ông Giosuê lấy làm ghen tỵ, khó chịu nên đã đề nghị ông Môsê: “Xin thầy cấm hai ông đó và loại họ ra, vì hai ông ấy không đến tập họp mà vẫn đón nhận được Thần Khí”. Ông Giosuê tưởng rằng khi đề nghị như vậy, thì Môsê sẽ rút Thần Khi lại khỏi hai ông không đến tập trung, nhưng trái lại, Môsê đã không những không bực bội mà còn trách Giosuê: “Anh ghen giùm tôi làm gì? Tôi còn mong Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên toàn dân để mọi người đều được Thần Khí tác động mà nói lời của Thiên Chúa”.

Câu chuyện cho thấy Ông Giôsuê có cái nhìn rất hẹp hòi, ông muốn thầy của ông là người độc quyền sở hữu Thần Khí và không ai có thể là ngôn sứ như thầy mình được. Đàng khác, ông cũng ghen tỵ cho chính mình, có lẽ vì ông nghĩ mình là học trò thân tín của Môsê mà mình còn chưa được đặc ân này, thì người khác không thể hơn ông được. Phản ứng của Giosuê cho thấy ông không muốn cho ai hơn ông trong thứ bậc, địa vị, vì lúc này ông đang là trợ tá cho ông Môsê. Phản ứng đó còn thể hiện tham vọng muốn độc quyền chiếm hữu Thiên Chúa và độc quyền trong sự thánh thiện. Môsê đã điều chỉnh lại suy nghĩ của Giosuê khi nói với ông: “Anh đừng ghen tỵ, tôi còn muốn xin Chúa ban Thần Khí cho toàn dân chứ không chỉ riêng bảy mươi người này”.

Tin Mừng hôm nay cũng kể về sự ghen tỵ của các tông đồ khi thấy những người khác hơn mình hay bằng mình: “Ông Gioan đến thưa với Chúa: Thưa Thầy, chúng con thấy có những người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản họ vì những người ấy không theo chúng ta”. Hành động của Gioan cho thấy các tông đồ vẫn để trong mình những suy nghĩ hết sức cục bộ, nhỏ nhen, hẹp hòi. Các ông tìm cách phản đối những ai không thuộc nhóm của mình, cho dù họ làm việc tốt nhân danh Chúa Giêsu. Các tông đồ muốn rằng, việc trừ quỷ, rao giảng là việc độc quyền của Chúa Giêsu và của nhóm các ông mà thôi. Các ông không chỉ ghen tức khi thấy những người khác trừ quỷ thành công, mà các ông còn tìm cách ngăn cản họ.

Chúa Giêsu đã không chấp nhận suy nghĩ hẹp hòi ghen tỵ đó, Ngài nói với Gioan: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi liền sau đó có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chúa Giêsu muốn các tông đồ phải có tâm hồn mở rộng để có thể đón nhận những người khác và những điều khác biệt, những người khác nhóm của mình. Vì, làm việc lành, kể cả việc nhân danh Thiên Chúa để làm điều tốt, không phải là việc độc quyền của một nhóm nào, nhưng là của tất cả mọi người. Chúa Giêsu còn đưa ra cho các ông một nguyên tắc rất rộng để đánh giá việc làm và thái độ của người khác: “Ai không chống lại ta, đó là kẻ ủng hộ ta”.

Thói ghen tỵ giống như một thứ sâu mọt nguy hiểm, có nguy cơ làm mục rỗng cả một tập thể, biến một tập thể xa lìa việc đạo đức và rơi vào việc kèn cựa, bè phái, phe nhóm. Sự ghen tỵ biến nhiều người trở nên kiêu căng tự mãn cho mình là nhất, là đúng và không chấp nhận người khác và những ý kiến của họ; cảm thấy bực bội, tức tối khi thấy các nhóm khác thành công hơn nhóm mình. Cuối cùng dẫn đến việc nói xấu, nói hành, đặt điều bôi nhọ để hạ bệ lẫn nhau. Sự ghen tỵ còn đưa đến một sự tự mãn, cho mình là nhóm sở hữu Thiên Chúa, độc quyền làm những việc liên quan đến Thiên Chúa hoặc “sử dụng Thiên Chúa vào những việc cá nhân” (TH. Vui Mừng Hân Hoan)

Để vượt qua sự hẹp hòi, ghen tỵ ích kỷ, phe nhóm này, Chúa Giêsu chỉ cho các tông đồ thấy: Tất cả mọi người đều được mời gọi làm việc nhân danh Chúa, cho dù một việc thật nhỏ bé tầm thường trước mắt thế gian, nhưng đối với Thiên Chúa, nó vẫn có giá trị và ý nghĩa lớn lao. Chúa Giêsu so sánh: “Ai cho anh em một chén nước lã vì danh Thầy, thì người đó cũng không mất phần thưởng đâu”. Nói cách khác, bất cứ ai, trong địa vị hoàn cảnh nào, dù làm những việc lớn lao hay nhỏ bé tầm thường nhân danh Thiên Chúa, thì được Chúa kể như là cộng tác viên của Chúa, là làm cho Chúa. Những việc làm yêu thương và bác ái là điều mọi người có thể làm và phải làm, chứ không phải là việc độc quyền của người nào, nhóm nào.

Thưa quý OBACE, thói ghen tỵ dẫn đến chia rẽ bè phái hoặc dẫn đến sự kiêu ngạo, đang diễn ra trong đời sống cá nhân, cộng đoàn, trong giáo hội và xã hội. Trong nhiều gia đình, anh chị em ruột, có người thành công, người thất bại dẫn đến sự ghen tỵ ngay trong gia đình, anh em giận hờn không nhìn nhận nhau. Sự ghen tỵ cứ ngấm ngầm trong mỗi người khi thấy người khác may mắn thành công hơn mình dẫn đến nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ người khác. Trong cuộc sống cá nhân cũng vậy, khi thấy người khác sử dụng điện thoại đẹp hơn, đắt tiền hơn mình, mình cũng cảm thấy bứt rứt khó chịu và thèm muốn mình phải hơn nó.

Trong lối xóm càng dễ xảy ra chuyện ghen tỵ. Ví dụ: khi thấy nhà hàng xóm xây nhà cao hơn, to hơn, đẹp hơn nhà mình, từ đó tức tối, sinh ra kèn cựa chấp nhất nhau từng phân đất, từng xẻng hồ; khi thấy nhà bên cạnh có xe đẹp, máy móc thiết bị hơn nhà mình… cũng thấy khó chịu, chửi bới, xỏ xiên nhau, khiến cho cuộc sống lối xóm trở nên căng thẳng. Trong chính trị, sự ghen tị giữa cá nhân và phe nhóm dẫn đến các hình thức trù dập, loại trừ, thủ tiêu nhau. Trong sinh hoạt giữa các hội đoàn cũng thường xảy ra ghen tỵ. Ai cũng muốn hội đoàn mình phải được ưu tiên hơn các hội đoàn khác, phải được nhiều quyền lợi hơn, nhưng phải ít công tác hơn các hội đoàn khác. Các hình thức so đo phân bì giữa các hội đoàn là biểu hiện thói ghen tỵ. Ví dụ: tại sao hội này ít công tác mà hội của chúng con lại nhiều vậy? Tại sao giáo xứ chỉ cho ca đoàn thiếu nhi và GLV đi chơi mà không tổ chức cho hội đoàn của mình…vv

Các hình thức ghen tỵ dù trong đời sống thường ngày hay nơi các sinh hoạt tôn giáo đều cho thấy sự hẹp hòi trong tâm hồn. Ai để trong mình sự ghen tỵ nhỏ nhen, thì không có chỗ cho Chúa và tình yêu thương cư ngụ. Thiên Chúa muốn cho mọi người được sống vui và hạnh phúc ngay ở đời này và Ngài còn ban nhiều ơn trợ giúp để mỗi người đạt được hạnh phúc đời đời. Xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng quảng đại như Chúa để biết đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người, và cho chúng ta cũng biết chia sẻ, cảm thông với mọi người như thánh Phaolô dạy: “biết vui với người vui và khóc với những ai đang khổ sầu”. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên - Nt . Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Quanh Năm_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVI Quanh Năm_Nt. Maria Phương Trâm, Đa Minh Phú Cường.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần XXVI Thường Niên C: Người Bé Mọn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên Năm C_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên Năm C_Xuân Hạ, OMI.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên C_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên Năm C_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên C_ Lm. Nguyễn Huy
     CHỦ NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông