Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba
Tuần XXVI Thường Niên Năm C
BÀI
HỌC KHOAN DUNG
Lời Chúa: Lc 9, 51-56
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời,
Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người
sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị
cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp
Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy
thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy
có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Suy niệm:
“Khi đến
ngày Đức Giêsu được rước lên trời” ám chỉ đây là lúc Đức Giêsu
sắp chịu chết cũng như được vinh thăng lên trời (x. Lc 9, 31), về cùng
Chúa Cha. Chính vì lẽ đó mà Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem,
là nơi mà Người phải hoàn tất ơn cứu độ cho muôn dân. Đó là mục
đích mà Đức Giêsu và các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem lúc này.
Con đường từ Galilê lên Giê-ru-sa-lem phải đi
qua miền Samari, nhưng hầu hết người Do Thái tránh con đường đó. Giữa
người Do Thái và người Samari có một mối thù truyền kiếp (x. Ga 4, 9),
và người Do Thái thường không giao thiệp với Samari. Thực ra, những
người Samari cũng tìm đủ cách để ngăn trở hoặc hại những kẻ hành
hương lên Giê-ru-sa-lem ngang qua xứ sở của họ.
“Người sai mấy
sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho
Người đến”.
Đối với Chúa Giêsu và các môn đệ, đi lên Giê-ru-sa-lem bằng con đường
này là một điều bất thường, và lại còn muốn tìm nhà trọ nơi một
làng miền Samari lại càng lạ thường hơn nữa. Chúa Giêsu làm như vậy,
như thể Ngài muốn làm một cuộc cách mạng, muốn tái lập tình hữu
nghị với dân vốn được coi là thù địch của người Do Thái. Mối thân
tình tình ấy đã từng nảy nở, khi Đức Giêsu đã gặp rất đông dân
Samari ở bờ giếng Giacóp, sau khi xin nước của người phụ nữ Samari (Ga
4, 42). Thế nhưng, Đức Giêsu và các môn đệ không những việc xin trú
trọ bị từ chối, mà thiện tình của lời đề nghị thiết lập tình thân
hữu cũng bị khinh miệt. “Nhưng dân
làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem”. Họ
đã từ chối những sứ giả mà Đức Giêsu sai đến, và thậm chí đã có
thể là sự khinh miệt, xúc phạm. Do vậy, hai môn đệ Gioan và Giacobe
đã tức tối thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa
Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Các ông tin rằng mình đã làm việc đúng và đáng khen ngợi khi xin lửa
từ trời xuống thiêu rụi những kẻ đã thiếu sự hiếu hòa và thiện
chí của Đức Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã không cho phép và còn quay lại
quở mắng các ông. Rồi thầy trò lại tìm con đường khác để lên Giê-ru-sa-lem.
Hai ông Gioan và Giacobê, có thể buồn vì lời
quở trách ấy, bởi lời đề nghị của mình đã không được đón nhận.
Nhưng, qua lời quở mắng ấy của Đức Giêsu, gợi lên cho các môn đệ và
cả chúng ta nữa một bài học đắt giá “Hãy biết khoan dung”. Đây là
điều tối quan trọng, lòng khoan dung phải luôn đặt lên hằng đầu trong
mọi cảnh huống xử thế. Ai cũng muốn được yêu thương, ta thường có xu
hướng xử tốt với người tốt với mình và xử tệ với kẻ đã xúc phạm
hay làm ta phật ý, đó là thể hiện tính phe phái. Sự khác biệt trong
tư tưởng, trong hành động không phải là nền tảng của sự chia rẻ hay
xung đột, nhưng đơn giản đó chỉ là sự khác biệt mà Thiên Chúa đã
sáng tạo cách đặc biệt nơi mỗi người. Lòng khoan dung của Đức Giêsu
muốn dạy, không phải đặt trên sự khác biệt, song trên tình yêu. Chúng
ta khoan dung không phải là chúng ta không thể làm gì khác, nhưng chúng
ta không nhìn kẻ khác bằng con mắt chỉ trích, song bằng con mắt yêu
thương. Giá trị khoan dung là ở đó, người dân làng Samari họ đã không
muốn tiếp đón, bởi lẽ họ chưa sẵn sàng để thiết lập tình thân hữu,
và chúng ta cần tôn trọng họ. Chính thế mà Đức Giêsu và các môn đệ
đã tìm lối đi khác để lên Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc sống chúng ta cũng
vậy, hãy học hiểu và sống kinh nghiệm này của các môn đệ, khi bị
dân làng tại Samari từ chối. Sống bài học này, ông Aspraham Lincol có
một kinh nghiệm: khi ông bị chỉ trích vì quá tử tế với kẻ thù, ông
được nhắc nhở rằng bổn phận của ông là phải tiêu diệt chúng, ông đã
trả lời một câu nổi tiếng như sau “tôi có tiêu diệt kẻ thù của tôi
đó chứ, khi tôi khiến họ trở nên bạn của tôi”.
Lạy Chúa, lòng nhân hậu, khoan dung là một
phẩm tính của Thiên Chúa đối với con người, Ngài cũng luôn mong muốn
mỗi chúng con noi gương phẩm tính ấy. Xin giúp con luôn biết xử sự
cách tử tế với mọi hạng người, bởi lẽ “thêm bạn thì bớt thù”, đó
là điều đẹp ý Chúa.
Xuân Hạ, OMI