CHÚA NHẬT XXVI TN B:
THÓI GHEN TỴ KHI THẤY ANH EM LÀM VIỆC TỐT
Khi thấy người khác, nhất là bạn hữu thành công hoặc làm những
việc tốt đẹp, như việc bác ái từ thiện, có những người khó chịu, không vui, tìm
cách làm giảm nhẹ thành công của họ, tìm cách chê bai, nói xấu hoặc trong lòng
cảm thấy có gì đó không thích. Cảm xúc và những cách phản ứng đó thể hiện sự
ghen tỵ trong con người: ghen tỵ khi người khác giàu hơn mình, thành công hơn,
may mắn hơn và làm nhiều việc tốt hơn mình. Đây là một thói xấu thường thấy nơi
con người. Sự ghen tỵ này nó ẩn nấp trong mỗi cá nhân, nơi những người cùng
ngành nghề (hai cô ca sĩ có thương nhau
bao giờ) và nơi các tập thể. Chúng ta có thể thấy nhiều người, nhiều đoàn cứu
trợ bị ngăn cản, bị những cá nhân, tập thể chỉ trích chê bai. Ví dụ cách đây mấy
năm có cả một chương trình truyền hình lấy vấn đề từ thiện như một đề tài để chỉ
trích, gán cho người làm từ thiện động cơ xấu, mục tiêu không tốt. Thói ghen tỵ
cũng ẩn nấp trong đời sống của người tín hữu và trong các đoàn thể tôn giáo. Vì
ghen tỵ dẫn đến dèm pha nói xấu nhau, có những người tuy làm việc “tông đồ bác
ái” nhưng lên mạng nói xấu chửi bới nhau chỉ vì ghen tỵ, muốn mình và nhóm mình
phải hơn nhóm khác. Trong Kinh Thánh cũng nhiều lần kể về việc ghen tỵ trong cộng
đoàn.
Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta vượt qua cái nhìn ghen tỵ,
cùng nhau chung tay làm việc bác ái với một mục tiêu duy nhất đó là “Làm vinh Danh Chúa và tình yêu dành cho anh
em” và cần phải dứt khoát với những thói ghen tỵ kèn cựa xấu xa.
Câu chuyên thứ nhất xảy ra thời ông Môsê, khi Thiên Chúa ra lệnh
cho ông quy tụ 72 người kỳ mục trong dân để Thiên Chúa lấy một phần Thần Khí trên
Môsê để ban cho những người được chọn này. Họ sẽ là những người cộng tác với Môsê
trong việc phục vụ đoàn dân Chúa. Tuy nhiên, đến ngày tập trung để lãnh nhận Thần
Khí, đã có hai người vắng mặt, không đến. Khi Thần Khí được ban xuống, các ông
trở nên những người thông thái, phát ngôn theo những gì Thần Khí soi sáng, kể cả
hai ông không đến tập trung cũng được Thần Khí ngự xuống. Vì thế, ông Giosuê
ghen tỵ, đã lên tiếng với Môsê: “Xin Thầy
ngăn cản hai tên này, vì họ không có mặt mà cũng phát ngôn như những người có mặt.”
Ông Môsê trả lời: “Anh ghen giùm tôi làm
gì? Tôi còn mong Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân nữa.”
Câu chuyện cho thấy Giôsuê ghen tỵ khi hai người kia trở nên
thông thái, ghen vì thấy hai người ấy không cùng trong nhóm và ghen vì thấy họ
ngang hàng với thầy mình mà thầy không ngăn cản. Phản ứng của Giosuê cho thấy sự
hẹp hòi trong cái nhìn của ông. Ông muốn biến Thiên Chúa như là của riêng nhóm
mình và cho rằng việc trở thành người phát ngôn là độc quyền của một số người
ưu tuyển, không muốn cho ai bằng mình. Trong khi đó, phản ứng của Môsê hết sức
nhân từ, quảng đại. Ông chỉ cho thấy sự hẹp hòi nơi Giosuê, và mở ra cho Giosuê
một cái nhìn rộng lượng bao dung hơn: “Anh
ghen giùm tôi làm gì? Tôi còn muốn Chúa ban cho toàn dân được Thần Khí để tất cả
cùng là ngôn sứ.”
Thánh Marcô cũng kể một câu chuyện tương
tự: Lúc đó Gioan thưa với Chúa: “Thưa Thầy,
chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì
người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu không những không ngăn cản mà còn
đưa ra cho các Tông đồ một cái nhìn mở: “Đừng
ngăn cản người ta…Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Điều này
có nghĩa là tất cả mọi người đều được mời gọi để làm điều tốt, đem lại niềm vui
và hạnh phúc cho người khác, vì tất cả điều tốt lành đều phát xuất từ Thiên
Chúa. Thiên Chúa dùng nhiều cách thúc đây mọi người làm điều tốt và chúc phúc
cho những người làm điều tốt lành cho anh em, bất kể họ là ai, thuộc tôn giáo
hay quan điểm chính trị nào. Đức Giêsu đã giải thích thêm: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô thì
người đó không mất phần thưởng đâu.” Như vậy có nghĩa là bất cứ ai, giúp đỡ
anh em mình bất cứ điều gì vì danh Chúa thì đều được Chúa ghi nhận và trả công
cho người ấy.
Nếu như Chúa khuyến khích, mời gọi mọi
người làm điều tốt cho nhau, thì Chúa cũng kết án những ai làm gương xấu khiến
cho anh em mình vấp phạm sa ngã: “Ai làm
cớ cho những kẻ bé mọn đang có lòng tin phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ
nó mà quăng xuống biển.” Chúa cũng mời gọi chúng ta phải quyết liệt dứt
khoát với nguyên nhân gây ra điều xấu cho mình và cho người khác: “Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt
nó đi. Thà cụt một tay mà vào cõi sống còn hơn đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục.”
Tương tự như vậy, nếu chân hoặc mắt nên cớ vấp phạm, thì cũng phải dám dứt
khoát để loại bỏ. Khi nói như thế, Chúa không nói theo nghĩa đen, nhưng Chúa muốn
nói đến thái độ dứt khoát. Cho dù việc chặt tay, chặt chân hoặc móc mắt là điều
đau đớn, mất mát, nhưng vì để bảo toàn cho sự sống đời đời, đòi chúng ta phải
dám chấp nhận.
Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở
chúng ta luôn kiềm chế, kiểm soát cuộc đời và hành vi cử chỉ lời nói của mình để
không bị rơi vào thói ghen tỵ, ích kỷ nhỏ nhen. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta
dám sống ngược lại với thói xấu này bằng cách sống bao dung quảng đại, đón nhận
nhau, nhìn nhau bằng cái nhìn yêu thương tích cực. Sự ích kỷ nhỏ nhen, ghen tỵ
nó như con virus nằm sâu trong tim trong phổi con người làm cho phổi bị hư, tim
bị khô cứng lại. Để nhận ra sự xuất hiện của con virus ghen tỵ nhỏ nhen này,
chúng ta cần đối chiếu lời nói, cử chỉ, việc làm và cách nhìn, cách đánh giá của
mình với Lời Chúa và cách sống của Chúa. Con virus ghen tỵ, nhỏ nhen hẹp hòi
này có thể xuất hiện trong tâm hồn của mọi người, kể cả các linh mục tu sĩ và
giáo dân. Nó xuất hiện ra bên ngoài nơi hành vi cử chỉ của con người bằng nhiều
hình thức hết sức tinh vi, như nói xấu, chỉ trích, chê bai nhau. Vì thế, để diệt
được con virus này, cần phải chích loại thuốc là việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa,
đặc biệt là thinh lặng lâu giờ trước mặt Chúa. Chúa sẽ giúp ta nhìn thấy con
virus này và sẽ chỉ cho ta biết cách loại trừ nó.
Thánh Giacôbê hôm nay chỉ cho chúng ta một cám dỗ rất lớn, rất
mạnh, đó là tiền bạc, của cải. Tiền bạc, của cải có thể đem đến niềm vui cho cuộc
sống, nhưng nó cũng chính là nguyên nhân gây nên đau khổ, chia rẽ, tranh chấp cho
nhiều người. Tiền bạc, của cải trở thành cám dỗ chung của hầu hết mọi người và
là nguyên nhân khiến cho nhiều người từ tốt trở thành xấu, từ hiền lành trở nên
hung ác, từ khiêm nhường trở nên kiêu căng tự mãn, từ siêng năng trở nên lười
biếng. Không phải tất cả mọi người giàu có nhiều tiền lắm của, đều là xấu,
nhưng có nhiều người đã bị sức mạnh của đồng tiền quất ngã, biến họ trở nên ích
kỷ, ghen tỵ, tàn ác, vô cảm với anh em.
Sự ghen tỵ hẹp hòi cũng đang chi phối nhiều bạn trẻ, khiến
cho họ dễ dàng ném đá chỉ trích nhau và nhiều khi còn buông ra những lời hết sức
cay độc với nhau trên trang mạng. Nhiều người trẻ bị cuốn vào cám dỗ tìm kiếm
danh vọng, bằng cấp, khiến họ dần dần xa Chúa, xa rời đức tin, nguy hiểm cho
linh hồn. Để nhận ra thói hẹp hòi ghen tỵ, của mình cần có những phút thinh lặng
một mình với Chúa, nhìn vào tấm gương là Chúa Giêsu. Lời Chúa sẽ chỉ cho ta thấy
rõ con người thật của mình và cũng sẽ chỉ cho ta cách để vượt qua những thói xấu
và cám dỗ đó.
Nhờ việc cầu nguyện gặp gỡ riêng tư thinh lặng bên Chúa, xin Chúa
cho chúng ta có được trái tim, quảng đại yêu thương; xin giúp mỗi người nhận ra
con người thật của mình, cùng với những yếu đuối tội lỗi; xin Chúa giúp chúng
ta khiêm nhường đón nhận sự trợ giúp của Chúa giúp ta vượt thắng cám dỗ, dứt
khoát với những nguyên nhân khiến ta xa Chúa và biết sống quảng đại với anh em.
Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí