Suy Niệm
Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên Năm B
LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Hằng năm, Giáo Hội dành trọn một Chúa nhật trong tháng mười để cử
hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo. Không phải chỉ có ngày hôm nay là ngày truyền
giáo, mà bản chất và sứ mạng của Giáo hội là Loan Báo Tin Mừng. Việc cử hành
này là dịp để mọi thành phần trong Giáo Hội nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng,
đồng thời nhắc cho mỗi người không ngừng thực hiện sứ mạng này mỗi ngày trong
cuộc sống của mình. Cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay, trùng với dịp
Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm ba mươi năm ngày Giáo Hội tôn vinh các Thánh Tử
đạo tại Việt Nam. Đây là dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại công cuộc Loan Báo Tin
Mừng, gương sống đạo của cha ông, các bậc tiền nhân và trách nhiệm của chúng ta
ngày nay.
Việt Nam hiện nay dân số hơn 90 triệu, trong đó có hơn 7 triệu tín
hữu, chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số. Như thế có nghĩa là người Công Giáo vẫn là một
thiểu số rất nhỏ so với toàn dân Việt Nam. Tin Mừng của Chúa đã được các vị thừa
sai đầu tiên đem đến mảnh đất Việt nam này từ thế kỷ 16 tại làng Ninh Cường thuộc
giáo phận Bùi Chu ngày nay. Lúc đó, tổ tiên cha ông chúng ta đã sẵn sàng đón nhận
một tôn giáo mới, một nếp sống mới với một tâm hồn chân thành. Mặc dù lúc đó các
ngài chưa hiểu nhiều về giáo lý, nhưng qua đời sống yêu thương gắn bó với nhau,
họ khiến cho nhiều người ngoại nhận ra Chúa Giêsu và tin theo. Những người
lương dân ngạc nhiên vì thấy những người Công Giáo gắn bó với nhau, yêu thương
nhau, họ đặt tên cho những người có đạo lúc bấy giờ là: Những người theo đạo
thương nhau. Tình yêu thương có sức lan tỏa khiến cho những người tin vào Chúa
Giêsu đã gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, các thống kê
cho thấy, số người Công Giáo gia tăng không đáng kể, chỉ dừng lại ở tỷ lệ 7-8%
dân số. Con số những người theo đạo vì thấy gương sống của người tín hữu dường
như ít hơn những người theo đạo vì lý do hôn phối. Phải chăng chúng ta đã dậm
chân tại chỗ trong việc loan báo Tin Mừng? Phải chăng chúng ta đã không sống và
thể hiện tình yêu thương đủ và có sức lay động tâm hồn người khác, dẫn họ đến
việc tin theo Chúa? Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc trì trệ
này:
1/ Nhiều người không cảm thấy tự hào mình là người Công Giáo, sống
tự ti mặc cảm. Nhiều người Công Giáo bước vào các môi trường xã hội như nhà
trường, công ty, thấy mình có đạo như lẻ loi. Một thời gian dài những người
Công Giáo bị nghi kỵ, trù dập và bị coi như công dân hạng hai, khiến cho nhiều
người rơi vào tự ti mặc cảm. Hơn thế nữa, do chính sách tuyên truyền của chính
quyền, khiến cho nhiều người dân ngoại nhìn những người công giáo như những kẻ
phản quốc, bất hiếu, cần phải đề phòng. Trong xã hội có một sự phân biệt đối xử
một cách rõ ràng, khiến cho nhiều người Công Giáo cảm thấy mình bị loại trừ
không được chấp nhận. Nhiều người vì sợ hãi hoặc vì muốn tìm kiếm địa vị xã hội,
muốn tiến thân, nên không ngần ngại nhận mình là người không tôn giáo. Một khi
mang tâm trạng tự ti mặc cảm như thế, thì không thể làm chứng cho Chúa được. Cha
ông chúng ta ngày xưa cũng bị nghi kỵ như thế, nhưng các ngài đã phá vỡ mặc cảm
này và khẳng định cho mọi người thấy chính Tin Mừng và Chúa Kitô đã dạy chúng
ta một nếp sống thật tốt, đã huấn luyện chúng ta nên những con người hoàn thiện,
đáng tin.
2/ Lý do thứ hai khiến cho đạo Công Giáo không trở nên hấp dẫn thu
hút được nhiều người khác là vì các Kitô hữu sống đạo một cách hời hợt không có
sức sống. Nhiều người sống đạo chỉ như một thói quen; có sự chênh lệch giữa
giáo lý và đời sống thực tế. Nhiều người có đạo sống không tốt hơn những người
ngoại, nhiều khi còn trở thành gương xấu, khiến người ngoại không muốn tìm hiểu
đạo. Đời sống các gia đình Công Giáo không có gì khác hơn các gia đình khác,
còn nhiều những cãi vã, chửi bới, bạo hành. Không chỉ trong đời sống cá nhân,
mà trong đời sống cộng đoàn giáo xứ cũng không có gương sáng. Nhiều giáo xứ rềnh
rang những cuộc rước sách, kèn trống, lễ lạc bên ngoài mà không quan tâm đến đời
sống bác ái chia sẻ trong cộng đoàn. Nhiều nơi quan tâm đến bề nổi và những hình
thức phô trương mà bỏ qua việc xây dựng chiều sâu và đời sống đức tin. Vì sống
đạo theo lối mòn như thế, làm mất đi sức sống và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng.
3/ Lý do sâu xa hơn khiến cho việc loan báo Tin Mừng không phát
triển là do nhiều người Kitô hữu không có Chúa, không biết Chúa, và không gặp
Chúa bao giờ. Mang danh là Kitô hữu, là người có Chúa Kitô, tuy nhiên cuộc sống
của nhiều người đã không chỉ cho người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong
lời nói, hành động và cuộc sống của họ. Nhiều Kitô hữu đã bỏ qua, hoặc coi nhẹ
việc đón rước Chúa vào trong tâm hồn và để cho Chúa biến đổi cuộc sống mình.
Nhiều người sống đạo nhưng không lãnh nhận Bí Tích, không chuyên chăm trong việc
dâng lễ thờ phượng Chúa.
Nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng họ lại không biết gì về
Chúa Kitô hoặc biết về Ngài một cách hết sức sơ sài. Sở dĩ họ không biết về
Chúa Kitô vì họ bỏ qua việc nghe, đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Vì chỉ nhờ Kinh
Thánh chúng ta mới có thể biết về Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài mà thôi. Mang
danh là người Công giáo, nhưng nhiều tín hữu không biết về giáo lý của đạo Công
Giáo, vì thế mỗi lần phải giải thích cho anh chị em lương dân, họ tỏ ra hết sức
lúng túng và nói không xác tín.
Sở dĩ chúng ta không thể nói về Chúa Kitô cho người khác một cách
mạnh dạn, tự hào và tự tin, là vì nhiều người chưa bao giờ gặp được Chúa
Giêsu. Chúng ta tin Chúa, theo Chúa, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải gặp được
Chúa, thì cuộc đời chúng ta mới có thể biến đổi và hạnh phúc. Chúng ta có thể gặp
được Chúa qua những giờ phút cầu nguyện, sống riêng tư thân tình với Chúa, lắng
nghe tiếng Chúa nói qua từng biến cố của cuộc sống. Chúng ta có thể gặp được
Chúa qua việc thường xuyên suy gẫm Kinh Thánh, tham dự Thánh lễ và rước lễ cách
sốt sắng. Chỉ khi chúng ta có kinh nghiệm gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa,
chúng ta mới có thể nói về Chúa cho người khác cách mạnh dạn, tự tin, và khi đó,
lời nói của chúng ta mới đáng tin được.
Cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, chúng ta phải thực
tâm nhìn lại bản thân, lối sống của mình và của cộng đoàn để nhận ra những thiếu
sót và những cản trở khiến cho Tin Mừng của Chúa bị chựng lại không lan tỏa đến
với đồng bào chung quanh. Chúng ta cùng thành tâm xin lỗi Chúa và quyết tâm điều
chỉnh lại, từ suy nghĩ đến hành động của mỗi cá nhân và cả cộng đoàn, cùng
thúc đẩy nhau sống loan báo Chúa Kitô
cho mọi người.
Chúng ta có thể bắt đầu nói về chúa cho gia đình bên cạnh qua việc
sống thân thiết, quan tâm chia sẻ, và cầu nguyện cho họ. Đoạn Tin Mừng hôm nay
chỉ cho chúng ta những cách giới thiệu Chúa Kitô cho anh chị em.
- Chúng ta nói về Chúa bằng cách sống và bước theo Chúa không phải
để tìm kiếm vật chất, địa vị, chỗ cao chỗ thấp, mà là dám chia sẻ cùng một sứ mạng
với Chúa, cùng uống một chén và cùng chịu
một phép rửa với Chúa. Nói cách khác, Chúa mời các môn đệ của Chúa phải nên
giống Chúa hoàn toàn, cùng mang lấy trái tim và đôi tay của Chúa, cùng suy
nghĩ, cùng hành động để cùng với Chúa chạnh thương và chia sẻ. Sống và thực
hành như thế, mọi người sẽ nhận ra Chúa Kitô trong chúng ta.
- Chúa muốn trong cộng đoàn, trong gia đình phải gạt bỏ sự ghen tỵ
tức tối nhau; cùng nhau xây dựng gia đình và cộng đoàn thành một cộng đoàn yêu
thương và phục vụ: “Thủ lãnh thế gian thì
dùng quyền mà thống trị, người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa
anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm đầu thì phải làm người phục vụ và là
đầy tớ mọi người”. Như thế có nghĩa là mỗi người dám bỏ ý riêng, quyền lời
riêng, để biết nghĩ đến ích chung và quyền lợi chung, nghĩ đến lợi ích của anh
em mình trước. Mỗi người khi dám cúi xuống phục vụ anh chị em một cách chân
thành, không tính toán thiệt hơn, đó là cách để mọi người chung quanh nhận ra
Chúa nơi sự phục vụ của chúng ta.
Chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Chúa Giêsu và
Tin Mừng. Chúng ta không thể làm ngơ, trái lại mỗi người phải cảm thấy mình bị
thôi thúc, đòi buộc phải làm gì đó cho họ biết Thiên Chúa là Cha và biết Đức
Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí