CHÚA NHẬT
XXIII TN A:
GIÚP
NHAU NÊN TỐT VÀ GIÚP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐOÀN
Gần đây, có một bài viết của một sinh viên Nhật du
học tại Việt nam đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Trong bài viết đó, sinh viên nhận
xét về đời sống cộng đồng của người Việt như sau:
Tôi tự hào vì đất nước tôi
được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn
ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói
khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận
cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo
lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ.
Bạn cũng có một nước Việt
để tự hào: Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được
thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa
kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các
thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến
đâu, không ai quan tâm. Ở các xóm, các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở
đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc
gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước
mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc,
đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn
gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Hãy chỉ cho tôi thấy rằng
tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học
sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, người Việt chửi hay
còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị;
người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp, nếu không phải thế,
thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất
công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu
cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa.
Thưa quý OBACE, thật đáng tiếc là lối sống cá nhân,
bữa bãi, thiếu tinh thần chung được nhắc đến ở trên cũng vẫn đang ảnh hưởng
trong đời sống của cộng đoàn, của giáo
xứ. Bên cạnh đó, nhiều người nhân danh dân chủ cách sai lạc để gây biết bao rắc
rối, chia rẽ trong cộng đoàn, trong giáo xứ.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết giúp
nhau nên hoàn thiện và cùng nhau xây dựng cộng đoàn nên tốt đẹp hơn. Bài đọc
một, Lời Thiên Chúa nhắc cho Ezekiel nhớ về trách nhiệm của ông là phải giúp
anh em mình sửa chữa lỗi lầm. Vì là một trách nhiệm nên ông không thể không thi
hành, dù người anh em đó có nghe hay không nghe, có đón nhận sự sửa dạy hay từ
chối, thì ông vẫn phải lên tiếng. Ta đã đặt người làm người canh gác cho Israel,
ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta và thay Ta báo cho chúng biết. Chi tiết này cho thấy rằng, vị tiên tri có nói, là
nói những lời ông đã đón nhận từ nơi Chúa, thông truyền là thông truyền ý của
Thiên Chúa, chứ ông không được phép nói theo ý kiến cá nhân hay nói lời của ông
mà không phải ý Chúa.
Không những thế, Thiên Chúa còn đòi chúng ta phải
chịu trách nhiệm về số phận đời đời của anh em mình khi thấy họ rơi vào con
đường sai lầm, mà mình không lên tiếng cảnh báo : Kẻ gian ác sẽ phải chết vì
sự gian ác của nó, nhưng nếu ngươi không lên tiếng cảnh báo nó để nó từ bỏ con
đường xấu xa, Ta sẽ đòi ngươi nợ máu của nó. Ngược lại, ngươi đã cảnh báo nó,
nhưng nó không nghe, nó sẽ phải chết, và ngươi sẽ được vô tội.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta
những bước đi cần thiết trong việc giúp anh chị em mình nhận ra sai lỗi của bản
thân. Bước thứ nhất là gặp gỡ cá nhân trong tinh thần xây dựng: Nếu người anh em ngươi
trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó
nghe anh, thì anh đã chinh phục được một người anh em. Bước thứ hai là khuyên nhủ anh em trong một nhóm
nhỏ có tính cách kín đáo nội bộ. Nếu cả hai bước trên đều thất bại và người kia
vẫn cứng lòng, thì đến bước thứ ba : Hãy đem đến trước cộng đoàn Hội Thánh, để
ở nơi đây, với uy tín và tính cách của cộng đoàn, và vì trách nhiệm cũng như
bổn phận của đương sự với cộng đoàn, hy vọng là kẻ làm điều sai trái sẽ nhận ra
sự sai lỗi của mình mà hoán cải. Nếu đến mức này, mà kẻ ấy còn cứng lòng, thì
hãy kể nó như một người dân ngoại.
Chúa Giêsu đã hướng dẫn những bước đi hết sức thận
trọng, khôn ngoan như thế để vừa tôn trọng danh dự người anh em, vừa mang lại lợi
ích cho họ. Nếu họ thiện chí và khiêm tốn nhận ra sự sai lầm của mình, họ sẽ
được cứu rỗi. Mục đích của việc sửa sai cho anh em là để giúp họ từ bỏ con
đường sai trái và nên hoàn thiện hơn, đồng thời góp phần làm cho cuộc sống của
cộng đoàn thêm gắn bó với nhau hơn. Vì cộng đoàn Giáo hội là một cộng đoàn
thuộc về Chúa Kitô, cộng đoàn của tình yêu thương bác ái, mà trong đó, mỗi
thành viên không chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm xây dựng và trách nhiệm
về phần rỗi linh hồn của nhau; đồng thời, mỗi người còn phải đem tình yêu
thương làm nền tảng trong mọi cách, mọi trường hợp cư xử với nhau.
Thánh Phaolô đã giải thích điều đó trong thư Roma: Anh em đừng mắc nợ ai điều
gì, ngoài món nợ tình yêu thương, vì ai yêu thương là chu toàn lề luật. Thánh Phaolô còn nói thêm, tất cả các giới răn, lề
luật của Thiên Chúa đều quy về tình yêu thương ; và khi đã thực sự có tình yêu
thương thì người ta sẽ cư xử với nhau bằng tình yêu thương, nhìn nhau bằng ánh
mắt yêu thương và nói với nhau những lời lẽ yêu thương. Ngược lại, khi trong
tâm hồn thiếu vắng tình yêu thương, thì lời nói, hành động của người ấy, dù bên
ngoài có được bao bọc bằng lớp vỏ ngọt ngào, nhưng đàng sau đó vẫn là sự đố kỵ,
ghen ghét, ích kỷ; và một khi tâm hồn không có tình yêu thương thì lời nói và
hành động của người đó bị chi phối bởi sự gian dối.
Thưa quý OBACE, người Việt Nam vẫn được coi là
những người mang văn hóa nông nghiệp, văn hóa cộng đồng. Thế nhưng thực tế tính
cộng đồng ấy hầu như không đi theo hướng tích cực là mỗi thành viên ý thức để
xây dựng sự trưởng thành của mỗi cá nhân trong cộng đồng, mà hình như tính làng
xã của người Việt lại nặng về sự a dua theo cộng đồng, dựa dẫm vào cộng đồng
một cách thụ động. Người ta cũng thấy dường như chỉ những khi đánh nhau, thì
người Việt mới đoàn kết với nhau, còn lúc hòa bình họ lại dễ dàng tranh chấp,
đố kỵ lẫn nhau. Phải chăng thói xấu này đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam,
tại các cộng đồng người Việt trên các quốc gia khác, khiến các quốc gia này có
những chính sách hoặc lối ứng xử kỳ thị với người Việt Nam ?
Lối sống nghi kỵ cá nhân, ghen ăn tức ở của nhiều
người cũng đang dần dần lan vào đời sống sinh hoạt của các giáo xứ. Tại một vài
nơi, bên cạnh lối sống cộng đồng làng xã, lại được gia tăng bởi trào lưu dân
chủ lệch lạc, khiến nhiều giáo xứ thay vì là một gia đình, một cộng đoàn của
tình yêu thương và bác ái, thì người ta lại biến thành một cộng đoàn bè phái đố
kỵ, nói xấu lẫn nhau. Thay vì góp ý xây dựng tích cực, họ đem những chuyện
trong nhà ra ngoài ngõ để rêu rao, bôi xấu lẫn nhau. Hành động như thế vừa lỗi
đức bác ái, vừa không đem lại hiệu quả tích cực. Đưa chuyện của cộng đoàn, của
giáo xứ ra ngoài quán, ngoài đường để bôi xấu nhau như thế sẽ không ai là kẻ
chiến thắng, ngược lại, những người bên ngoài sẽ là người chiến thắng, họ sẽ vui
khi thấy trong Giáo hội, giáo xứ chia rẽ, cắn cấu lẫn nhau.
Bên cạnh đó, nhiều người, nhiều nơi, thay vì gặp gỡ
để trao đổi, lắng nghe nhau trong tình yêu thương, để xây dựng, giúp nhau tiến
bộ trong tình gia đình Hội thánh, thì họ lại chỉ muốn áp đặt ý kiến của mình
trên ý kiến của người khác, nhân danh dân chủ để muốn người khác theo ý mình,
mà không đi theo những bước Đức Giêsu đã dạy hôm nay. Họ cũng không có tình yêu
và thiện chí để xây dựng cộng đoàn nên khi không được như ý thì họ quay lại
chống đối, nói xấu nhau, kể cả chống lại Giáo hội, giáo xứ và cộng đoàn.
Gia đình phải là một cộng đoàn yêu thương mà trước
hết, cha mẹ là những người có quyền và có bổn phận phải lấy tình yêu thương làm
nền tảng cho gia đình; có bổn phận nhắc nhở, dạy dỗ con cái, sửa sai khi chúng
đi trật đường. Hãy biết “đóng cửa bảo nhau” mỗi khi thấy thành viên của gia
đình đi lạc đường, đừng vội nóng nảy, quát tháo, chửi bới, cũng đừng bắt hàng
xóm phải nghe mình “dạy vợ dạy con”, đừng bắt họ phải nghe chuyện của nhà mình.
Kế đến, hãy dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và đời sống gương sáng để giúp
người thân của mình từ bỏ con đường xấu xa, tội lỗi, trở về đường ngay nẻo
chính. Có nhiều bậc cha mẹ đã không quan tâm đến bổn phận này, hoặc do mải mê
với công việc khiến quên trách nhiệm dạy dỗ con cái, hoặc do đồng lõa mà làm
ngơ trước những sai lầm của con cái, và còn có những người vì lý do kinh tế,
nên không dám lên tiếng cảnh cáo con cái khi chúng làm điều sai.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức trách
nhiệm của mình là xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong cộng đoàn, lấy tình
yêu thương để cư xử với nhau, lấy đức bác ái để giúp nhau nên hoàn thiện, và cảm
nhận được Lời Chúa trong thư Phaolô hôm nay: Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì
ngoài tình thương mến. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Gp.Xuân Lộc