THỨ
TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
MỐI
PHÚC THẬT
Tin Mừng Lc 6, 20 - 26
20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: "Phúc
cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho
anh em được no lòng. "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải
khóc,vì anh em sẽ được vui cười. 22 "Phúc cho anh em khi vì Con
Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23
Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở
trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử
như thế. 24 "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì
các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 "Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi
sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 "Khốn cho các ngươi khi được mọi
người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
Suy Niệm
Trong cuộc sống thường
ngày dưới cái nhìn của con mắt người đời thì: Phúc họa luôn có tính tương đối,
có nghĩa đối với người này, đó là phúc, nhưng đối với người kia nó lại là họa.
Như người ta thường nói: niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia.
Và ở thời điểm này nó là phúc, nhưng ở thời điểm khác nó lại là họa. Cũng như ở
cuộc sống trần gian, nó là điều bất hạnh, nhưng đó lại là hạnh phúc trong Nước
trời mai sau. Nhưng Kitô hữu là những người luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên
Chúa nên họ không sống theo những sự mê tín vu vơ. Chính vì thế người Kitô hữu
phải có một cái nhìn chính xác về phúc-họa trong cuộc đời. Bài Tin mừng trình
bày các mối phúc thật, tức là công bố những tiêu chí tâm linh hướng dẫn chúng
ta đến với hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc thâm sâu và viên mãn. Thật ra, bài tám mối phúc
thật mở đầu cho Bài giảng trên núi, là bài giảng đầu đời của Chúa Giê-su khi công khai rao giảng tin
mừng cho muôn dân, bài giảng được gọi là hiến chương Nước Trời, quy định tư
cách cần phải có của tất cả thần dân Nước Trời, được ví như hiến pháp của một
quốc gia quy định luật lệ căn yếu của một nước, bó buộc toàn dân phải tuân giữ
thế nào thì hiến chương Nước trời cũng được hiểu như vậy.
Trong bài đọc I trích thư
thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô. Chính người dân Côrintô
chịu ảnh hưởng triết lý hy lạp nên không tin có việc kẻ chết sống lại. Để giúp
tín hữu mình tin vào giáo lý ấy. Thánh Phao-lô đưa ra nhiều lập luận : Nếu kẻ
chết không thể sống lại thì tại sao Đức Ki-tô đã chết mà đã sống lại? Nói cách
khác, việc Đức Ki-tô phục sinh là bằng chứng rõ ràng về việc kẻ chết sống lại.
Đức Ki-tô không chỉ có khả năng làm cho bản thân Ngài sống lại, mà còn có thể
làm cho tất cả những ai tin vào Ngài được sống lại như Ngài. Nếu chúng ta đặt
niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng
thương hơn hết mọi người, chúng ta là những người vô phúc.
Bài Tin Mừng hôm nay,
thánh Luca ghi lại Lời Chúa Giê-su dạy về bốn mối phúc tương ứng với bốn mối
họa: nghèo-giàu, đói khát-no nê, người khóc-kẻ cười, người bị lăng nhục và
người được ca tụng. Chúa Giê-su khi dạy những mối phú và những mối họa này, hẳn
nhiên Chúa không có ý xác quyết chắc chắn ai giàu có, no đủ, vui vẻ và được ca
tụng bây giờ ở đời này đều phải khổ sở ở đời sau đâu. Ngược lại, những ai bây
giờ khó nghèo phải đau khổ, chưa chắc đã có được hạnh phúc đích thực đời sau.
Bởi chính Chúa huấn dụ cho các môn đệ là bỏ mọi sự đi theo Chúa đã xác quyết
rõ: “ai bỏ mọi sự mà theo Ta, thì sẽ được gấp trăm ở đời này”. Do đó, điều quan
trọng là phải biết chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời, còn ngoài ra thì tất cả
đều là phương tiện giúp mình đạt được hạnh phúc đích thực. Chính Chúa là cùng
đích của cuộc đời, là nguồn mạch hạnh phúc đích thực, không có Chúa không có
hạnh phúc đích thực. Những gì con người cho là hạnh phúc ở đời này chỉ là nhất
thời chóng qua, không có giá trị vĩnh cửu và còn có thể làm cho con người hư đi
đời đời.
Trong
cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy phúc họa đều có ranh giới rõ rệt, như người
đời thường hay nói: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa, trong cái rủi có cái
may”. Nếu khôn ngoan biết sử dụng những gì mà người ta cho là hạnh phúc dời này
như tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực để sống đúng thân phận một con người,
một người con Thiên Chúa và để phục vụ mọi người anh chị em đúng ý Thiên Chúa
thì sẽ được hạnh phúc đích thực vĩnh hằng. Ngược lại cũng thế, nếu biết vận dụng
cái khó nghèo, cái bất hạnh, cái đau khổ ở đời này như một phương tiện tích cực
để hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, để gia tăng đức tin và đức ái, thì những
rủi ro đau khổ sẽ trở nên mối phúc đời sau. Còn nếu ngồi đó mà nguyền rủa phận
đời đen đủi, oán trách Chúa, cay đắng với đời thì chắc chắn chắng bao giờ đạt
được mối phúc thật.
Trong các mối phúc thì phúc nghèo là
phúc mà chính Chúa đặt để đầu tiên, bởi Chúa Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn
đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của
các ngươi”. Chúa Giê-su chúc phúc cho cảnh nghèo khó của chúng ta để khích lệ
ta sống khó nghèo như Ngài đã sống. Bởi vì Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã
trở nên nghèo khó để chúng ta trở nên giàu có. Vậy chúng ta cũng hãy trở nên
nghèo khó để anh em mình giàu có. Chúng ta không chỉ chia cơm sẽ bánh với những
người sống xung quanh chúng ta, mà chúng ta còn chia sẻ cả tâm hồn, chia sẻ con
tim, chia sẻ tất cả cuộc sống với họ. Mối phúc dành cho những kẻ nghèo khó thật
sự nhưng luôn khao khát Nước Trời. Mối
phúc đó là: “vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. Đối tượng của phúc là người
nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa. Đối tượng của hoạ là người giàu và người được
thế gian ca tụng. Giàu và nghèo, phúc và hoạ ở đâu? Không nên hiểu rằng giàu có
ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau; nghèo khó ở đời này tất nhiên được
hạnh phúc đời sau. Giàu có là phúc nếu đó là thành quả do con người cố gắng
chuyên cần lao động cách chân chính. Nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là phúc.
Phúc của người nghèo chính là tinh thần của họ, một tấm lòng phó thác, không
phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn. Cái hoạ của người giàu là khi họ tự
mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa. Cái hoạ cho
người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người
nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải Nước Trời. Cái
hoạ của người nghèo là ghen tương, đố kỵ, tham lam.
Lạy Chúa Giê-su, xin gia tăng trong mỗi con người chúng con
cơn đói khát chính Chúa và tỏ cho con đường đưa đến hạnh phúc và bình an vĩnh
cửu. Chớ gì con khao khát Chúa trên hết mọi sự và tìm thấy niềm vui trong việc
thi hành thánh ý Chúa. Chờ đợi ngày Chúa đến dẫn đưa chúng ta vào hưởng hạnh
phúc vĩnh hằng trong nước Chúa. Chúng ta cần phải luôn luôn xác tín rằng Lời
Chúa chính là ngọn đèn soi cho mỗi người chúng con bước, và đã mở ra con đường
cho chúng ta một lối đi vào cõi phúc nước trời, để chúng ta biết định hướng cho
cuộc đời của bản thân theo đúng ý Thiên Chúa. Và xin
cho mỗi người chúng con nhận thức, trung tín đáp trả, vâng theo vì Chúa và xứng
đáng lãnh nhận phần thưởng muôn đời trong Nước Trời.
Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP