Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23


NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH


mù dắt mù.jpg


LỜI CHÚA: Lc 6, 39-42

39 Khi ấy, Đức Giêsu kể cho môn đệ nghe dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn Thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng Thầy mà thôi. 41  Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

SUY NIỆM

Trong một lớp học, thầy giáo đưa ra một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt mực đen, thầy hỏi các học trò: - Các em thấy gì trên tờ giấy trắng này? Cả lớp tranh nhau nói, một cậu bé giơ tay trả lời: - Thưa thầy, em thấy trên đó có vết mực đen. Thầy giáo tỏ vẻ không đồng ý: - Các em trả lời không sai, vệt đen quả là nổi bật trên trang giấy trắng, sao chúng ta không thấy tờ giấy còn nhiều khoảng trắng sạch sẽ. Ta có thể viết lên đó những dòng chữ có ý nghĩa giúp ích cho đời, nó có thể giúp ta quên đi vệt đen kia. Thật uổng phí nếu bỏ đi cả trang giấy trắng chỉ vì một vệt đen. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng sẽ phạm sai lầm, chúng ta nên học cách vị tha, đừng vội đánh giá người khác qua những lỗi lầm mà quên đi những điểm tích cực của họ.

Khi nhận xét người khác, chúng ta thường có cái nhìn giống cậu học trò kia, chỉ thấy điều giới hạn mà không nhận ra nhiều những điều tích cực. Trong mỗi con người đều có sự đan xen giữa ưu điểm và khuyết điểm, giữa cái tốt và cái chưa tốt. Người trực tính thường hay nổi nóng nhưng cũng dễ tha thứ. Người thông minh lanh lợi dễ thành công nhưng hay kiêu ngạo. Con người là sự kết hợp giữa tinh thần và thể xác, giữa lý trí và dục vọng. Lý trí muốn làm điều thiện nhưng dục vọng kéo ghì xúi giục chúng ta làm điều xấu. Hai xung năng ấy giao đấu với nhau khiến chúng ta phải mệt mỏi.

Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng con người vẫn mang bản tính yếu đuối, hay ganh ghét mù quáng nên dễ nhìn thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình. Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, những khuyết điểm tội lỗi mang giá trị cứu rỗi như lời Chúa Giêsu đã khẳng định “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chúng ta thường đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa thấu suốt tận tâm can.“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả (Tv 139,1-3). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét xử. Người lấy tình thương mà xét xử, lấy ân sủng để hoán cải và cho con người con đường sống tròn đầy sung mãn.

Tội lỗi ví như một vệt đen làm hoen ố hình ảnh con người, gây ra hố ngăn cách giữa loài người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Chỉ có tình yêu thương mới xóa bỏ hố sâu ngăn cách đó. Bởi lẽ tình yêu là mở ra, là đi đến với người khác không phải với ánh mắt chê trách xét đoán nhưng đón nhận và cảm thông. Nếu hận thù ghen ghét làm cho người ta xa cách thì tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi, nối kết con tim với con tim.

Với tình yêu thương sâu thẳm, Chúa Giêsu đến xóa hết mọi vết nhơ tội lỗi và lấp đầy mọi hố ngăn cách, trả lại cho con người niềm vui linh thánh và sự an bình. Vì thế chúng ta cần nhìn nhau với cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, không xét đoán chê trách nhưng đón nhận với tất cả sự cảm thông. Hãy mặc lấy tâm tình quảng đại như Chúa Giêsu, yêu thương phục vụ mọi người mà không đố kỵ loại trừ. Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là Thiên Chúa luôn nhìn ngắm chúng ta như một thụ vật cần được yêu thương và cứu độ. Người ban cho chúng ta ân sủng và tự do để vượt qua tất cả mà vươn tới sự hoàn thiện.

Sửa lỗi là một việc làm rất khó bởi lẽ chúng ta thường không dễ dàng chấp nhận mình là người có lỗi. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta phải biết khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình và xin ơn “biết xấu hổ” về những hành vi sai trái. Đây là bước khởi đầu cho tiến trình phản tỉnh về bản thân để trở nên hoàn thiện. Trong mỗi chúng ta luôn có khuynh hướng nhìn thấy rõ những lỗi phạm của người khác nhưng lại “mù lòa” về chính mình. Với thánh Phaolô tông đồ, con người luôn bị giam cầm trong u mê tội lỗi nên cần phải được khai thị để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (x. Cl 2,2-3). Thiên Chúa có nhiều cách để sửa lỗi đưa dẫn chúng ta từ chốn tối tăm vào miền ánh sáng, từ kiếp nô lệ thành người tự do. Nhờ cuộc phục sinh của Đức Kitô, mọi thứ xiềng xích của tội được tháo gỡ, thay vào đó là sợi dây công chính gắn kết chúng ta vào với thập giá cứu độ, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5).

 

Điều chính yếu của việc sửa lỗi, đó là tình thương yêu và lòng tha thứ. Khi không có tình thương, người ta dễ dàng biến cọng rác thành cái xà, thổi bùng cơn giận và gây ra biết bao hệ lụy khôn lường. Khi có tình yêu, ngọn lửa giận sẽ biến thành lửa mến, mọi rác rưởi sẽ được dọn sạch, được sắp xếp ổn thỏa. Thánh Phaolô tông đồ đã xác tín về sức mạnh của tình yêu “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7). Sự thù hận, ghen ghét làm cho người ta xa cách và loại trừ nhau, còn đức mến hàn gắn đưa người ta đến gần nhau hơn.

Nhân loại chúng ta đã được sinh ra trong tội lỗi và luôn mang nơi mình những dấu vết di chứng của tội lỗi. Tội lỗi đã làm con mắt chúng ta ra mờ tối nên không nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Chúng ta chối bỏ Thiên Chúa hằng sống để tôn thờ ngẫu tượng, đem chân lý đổi lấy dối trá. Vì thế, Thiên Chúa đã đi một bước vạn dặm của tình yêu, mặc lấy bản tính loài người để cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thần Linh. Đức Giêsu đã đến làm bạn với những người nghèo khổ đau bệnh. Người không kết án các tội nhân nhưng mở cho họ con đường sống. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô số phận của con người đã được thay đổi, từ hư vô trở nên vĩnh hằng, từ mục nát trở thành bất tử.

Lạy Chúa Giêsu là nguồn mọi sự thánh thiện, xin cho chúng con ý thức mình là tạo vật yếu đuối, là kẻ mù lòa, một tội nhân đáng thương luôn cần ơn Chúa trợ giúp. Xin cho chúng con trái tim của Chúa, biết tôn trọng những giới hạn nơi tha nhân, biết khiêm tốn nhìn lại chính mình và thành tâm sửa lỗi, để  trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Amen.

Nt. M. Anh Thư, OP


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên Năm A-Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Tnường Niên Lễ Suy Tôn Thánh Giá-Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Tnường Niên-MM TÂN, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm