THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
LỜI CHÚA: Mc 7,24-30
24
Khi ấy, Đức Giêsu đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết,
nhưng không thể giấu được. 25 Thật vậy,
một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào
sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là
người Hy Lạp gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no
trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. 28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó
con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ”. 29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về
đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”. 30
Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi”.
SUY NIỆM
Trong Kinh Thánh có nhắc đến một số người phụ nữ nhưng
không nêu tên cụ thể như người phụ nữ bị còng lưng, người phụ nữ bị bệnh loạn
huyết, và hôm nay thánh Maccô đề cập đến người phụ nữ Hy Lạp gốc Phênixi thuộc
xứ Xyri. Mặc dù không nêu rõ tên tuổi nhưng người phụ nữ này được xem là nhân vật
điển hình của những phụ nữ thuộc dân ngoại sống ngoài vùng Galilê. Không phải
vô tình mà tác giả Tin Mừng nêu rõ nơi xuất thân của người phụ nữ nhưng là để
nhấn mạnh đến niềm tin mãnh liệt của người đàn bà ngoại giáo trước quyền năng
và tình thương của Đức Giêsu.
Địa hạt Tia là nơi có sự pha trộn giữa dân Do Thái và
dân ngoại. Người Do Thái hay có thái độ khinh miệt những người gốc dân ngoại. Người
dân ngoại không được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong xã hội cũng như trong
các sinh hoạt tôn giáo. Tin Mừng thuật lại
câu chuyện giữa Đức Giêsu và người đàn bà ngoại giáo. Khi đến địa hạt Tia, Đức
Giêsu có ý đi âm thầm không muốn cho dân chúng biết. Có thể Người đến đó để nghỉ
ngơi hay để tránh đụng độ với nhóm Pharisêu? Điều đó không quan trọng đối với một
người đàn bà xứ Canaan. Bởi lẽ bà đã được niềm tin thúc đẩy và dẫn dắt bằng mọi
giá đến để gặp Đức Giêsu. Bà đau xót với đứa con gái nhỏ đang bị một thứ quỷ
hành hạ thân xác và tâm hồn. Bất chấp tất cả mọi cản trở về văn hóa, luật lệ,
tôn giáo và cả sự khinh miệt của những người Do Thái, bà đã đến sấp mình dưới chân
Đức Giêsu để nài xin ơn chữa lành. Chúa Giêsu kiên quyết từ chối với lý do vì Người
chỉ được sai đến với con cái Israel, còn bà là dân ngoại: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con
cái mà ném cho chó con” (c.27).
Từ thời Cựu Ước, dân Israel luôn nguyền rủa và ghẻ lạnh
đám dân Canaan vì họ là dân ngoại mà còn thờ cúng ngẫu tượng. Người Do Thái có
ác cảm với người Canaan và gọi họ là “chó” nên không xứng đáng nhận được những
thức ăn ở trên bàn, thậm chí cả những mẩu bánh vụn. Bất chấp thái độ khinh miệt
của người Do Thái, người đàn bà Canaan khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm
bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ” (c.28). Câu trả lời của bà
làm thay đổi tình thế và thái độ của Chúa Giêsu. Chứng kiến người đàn bà có niềm
tin mạnh mẽ nên Chúa Giêsu đã phải thay đổi thái độ và nói: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất
khỏi con gái bà rồi” (c.29).
Phép lạ này mang hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, vì
người đàn bà có lòng tin mạnh mẽ mà Đức Giêsu đã chữa con bà khỏi quỷ ám. Bà xứng
đáng được hưởng ân huệ như con cái trong nhà hơn là một người khách xa lạ. Bà
không xin cho bà nhưng cho con gái của bà. Bà cũng không sợ bị phân biệt và gọi
là “chó con”. Điều này cho thấy niềm tin giúp người ta dám vượt qua mọi nỗi sợ
hãi, mặc cảm, nó có sức cảm hóa chính mình và còn giúp ích lan tỏa đến cho người
khác. Nhờ niềm tin của bà mà con gái bà được ơn chữa lành.
Thứ hai, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giêsu chứng tỏ
cho dân chúng biết sứ mạng cứu độ của Người vượt ra ngoài khuôn khổ và địa giới
của dân tộc Do Thái. Người cũng hướng đến chiều kích phổ quát của sứ mệnh truyền
giáo là đến với muôn dân, đặc biệt những người chưa được nghe Tin Mừng, những
người nghèo bị loại ra bên lề xã hội, người đau khổ, bệnh tật, người tội lỗi. Từ
đây ơn cứu độ không phải là đặc quyền đặc lợi cho một số người được tuyển chọn
mà cho những ai có lòng tin và niềm khao khát thực sự.
Người đàn bà hết lòng yêu thương đứa con gái bé nhỏ
nên đã không sợ hãi điều gì, bà can đảm xin Chúa Giêsu thực hiện một điều truyền
thống Do Thái không cho phép và bà đã được toại nguyện. Chính niềm tin vững mạnh
và lòng yêu mến chân thành của người đàn bà đã mở được cánh cửa sự sống cho con
gái bà. Thiên Chúa là Cha nhân từ còn yêu thương con người nhiều hơn gấp bội
tình thương của người bà dành cho đứa con gái bị quỷ ám. Thiên Chúa biết rõ
chúng ta đang bị nhiều thứ quỷ hành hạ. Đó là thứ quỷ của sự gian dối, quỷ của
thói lam tham ích kỷ, thứ quỷ của đam mê dục vọng và những sự thế gian.
Cuộc sống hôm nay còn nhiều những thứ quỷ cần phải loại
trừ, nó được ngụy trang khéo léo dưới những hành vi đạo đức giả, bằng những lời
nói ngọt ngào xảo trá. Đừng ngần ngại chạy đến với Chúa Giêsu để được chữa
lành, được tha thứ và được yêu thương. Biết bao những vấn đề đổ vỡ trong gia
đình cần được cảm thông và thấu hiểu. Những biết những trẻ em vô tội bị lạm dụng,
bị giam hãm bởi sự ích kỷ của cha mẹ và những người thiếu trách nhiệm.
Lòng thương xót của Đức Giêsu không biên giới, không
phân biệt, không loại trừ. Người đến để thực hiện sứ mạng quy tụ các con chiên
tản mát ở khắp nơi về hợp một đoàn. Người đến không phải để phá hủy nhưng để kiện
toàn, không phải để chia cách nhưng để nối lại những tương giao, tìm kiếm những
gì đã hư mất, băng bó những vết thương, cho ăn hơn là bỏ đói.
Thái độ và niềm tin của người đàn bà ngoại giáo mời gọi
chúng ta can đảm loại bỏ những rào cản, đố kỵ để mở lòng ra với người khác. Đừng
để ai bị bỏ lại đàng sau. Tất cả chúng ta đều cần được tôn trọng và yêu thương.
Giáo hội của Chúa đang từng ngày mở ra để đem Tin Mừng đến với muôn dân. Trong
Tông huấn Đức Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín
“Một Giáo hội quá sợ hãi và bị cột chặt vào các cơ cấu sẽ liên tục chỉ trích
các nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và liên tục chỉ ra những rủi ro và
sai sót tiềm tàng của những yêu cầu này. Thay vào đó, một Giáo hội sống động có
thể phản ứng bằng cách lưu ý đến các yêu sách chính đáng của phụ nữ muốn tìm
công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn lại lịch sử
và thừa nhận sai lầm trong chủ nghĩa toàn trị, thống trị nam giới, nhiều hình thức
nô dịch, lạm dụng và bạo lực tình dục” (Christus Vivit 42).
Sứ điệp Tin Mừng
hôm nay khơi lên trong chúng ta thái độ phải có khi loan báo Tin Mừng. Đừng
khép lòng mình trong tháp ngà của sự an toàn tiện nghi nơi gia đình hay giáo xứ.
Hãy ra khỏi biên giới của sự hẹp hòi ích kỷ để đến với con người, đặc biệt những
ai bé nhỏ nghèo hèn. “Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? Không có biên giới,
không có giới hạn: Người sai chúng ta đi khắp nơi. Tin Mừng dành cho mọi người,
không chỉ dành cho một số người. Nó không chỉ dành cho những người gần gũi với
chúng ta hơn, dễ tiếp thu hơn, chào đón hơn. Nó dành cho tất cả mọi người. Đừng
ngại ra đi và mang Chúa Kitô vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến vùng ngoại
biên, đến với những người xa cách và hờ hững nhất” (Christus
Vivit 177).
Lạy Chúa Giêsu là hiện thân của
tình thương Thiên Chúa, xin Ngài đến chữa lành mọi thương tích nơi thân thể và
tâm hồn chúng con. Trong ánh sáng của Chúa, xin biến đổi tiếng khóc thành tiếng
cười, đổi dòng lệ buồn thương thành nguồn suối hoan lạc hân hoan. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP