THỨ SÁU TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN
“Lòng nghẹn ngào chẳng thốt nên lời”
Lời Chúa: Mc 7,31-37
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần
biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin
Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào
tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài
và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng.
Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ
càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi
sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".
Suy niệm
Trong tương quan giữa người với người
hoặc giữa con người với Thiên Chúa, có những lúc vì quá yêu thương khi phải thấy
người mình yêu đau khổ mà chẳng thể nói lên lời. Đó là kinh nghiệm mà Chúa
Giêsu đã để lại cho chúng ta. Dưới sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta
cùng dành một chút khoảng lặng trong tâm hồn để cảm nhận tình yêu của Chúa dành
cho mỗi người, qua đó giúp chúng ta sống sao cho đẹp lòng Chúa và ngày càng mến
thương nhau hơn.
Các trình thuật của bốn thánh sử Tin
mừng vẫn thường kể lại rất nhiều trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh cho con người.
Tuy nhiên, nét đặc biệt trong Tin mừng hôm nay được thánh sử Mac-cô ghi lại thì
không nhiều:“Người ta đem đến cho Người một
kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt
ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời,
Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh
được sõi sàng” (Mc 7,32-35). Điều
đáng lưu ý là sau một loạt các tác động: đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón
tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi, ngước mắt lên trời thì Chúa Giêsu còn “thở dài”. Tiếng thở dài này không phải
là sự chán chường khi phải chữa bệnh vì chúng ta biết sứ mạng của Chúa Giêsu khi
đến thế gian là để cứu chữa và giải thoát con người khỏi tội và những hậu quả của
nó. Đối với người Do Thái, sự câm điếc thể lý còn có thể được hiểu là sự câm điếc
về đức tin khi họ là những người không nghe và không được biết mạc khải của
Thiên Chúa. Trong khi đó, sứ mạng của Chúa Giêsu là “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được
sáng mắt” (Lc 4,18). Vậy, việc Chúa thở dài xem ra não lòng ấy thật ra là một
lời cầu xin tha thiết với Chúa Cha khi chứng kiến cảnh con người đau khổ. Quả
thế, trước đó, Chúa Giêsu đã “ngước mắt
lên trời” (Mc 7,34), một thái độ diễn tả Người đang bước vào sự đối thoại đặc
biệt với Chúa Cha. Ta có thể hình dung Chúa Giêsu đang than thở với Chúa Cha
khi thấy con người vẫn cứ chìm ngập trong đau khổ. Thái độ ấy của Chúa Giêsu xuất
phát từ một tấm lòng rung động trước sự khốn khó của con người, là đối tượng mà
Thiên Chúa hết lòng yêu thương. Cảm xúc nghẹn ngào này của Chúa là kết quả của
một tình yêu trọn vẹn giữa Con Thiên Chúa với nhân loại, là sự biểu lộ cho
chính lời tự tình của Thiên Chúa với dân Người trong Cựu ước mà nay được bày tỏ
qua Ngôi Lời nhập thể làm người: “Trái
tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Trong Cựu ước, rồi đến
Tân ước cũng như cho đến tận cùng thời gian, Thiên Chúa vẫn luôn thổn thức và
nghẹn ngào vì yêu thương con người, cho dẫu biết bao lần con người sa ngã trong
tội lỗi hay thậm chí là khước từ Chúa!
Thật vậy, đọc lại câu chuyện của bài
đọc thứ nhất, nếu ta đặt lòng cách sâu xa và cùng đi vào trong dòng tư tưởng
nói trên, ta sẽ cảm nhận được sự nghẹn ngào của Chúa khi phải chứng kiến tội lỗi
của vua Salomon mà từ đó đưa đến kết cục là vương quốc bị phân chia khi Chúa
nói với Gia-róp-am: “Chúa là Thiên Chúa
Israel phán thế này: “Đây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ
cho ngươi mười chi tộc. Vì Đavít tôi tớ Ta và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa
chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc” (1V
11,31b-32). Đọc rồi cảm để thấy nghẹn
lòng bởi chắc chắn Thiên Chúa không vui gì khi phải nói như thế. Trước đó,
Thiên Chúa đã nhiều lần nhắc nhở vua Salomon về những sai trái của ông, vậy mà
ông này vẫn cứ chạy theo các thần ngoại, chai lì trong tội và chối bỏ Thiên
Chúa. Nghe câu kết mà thấy xót xa cho một giao ước mà trong đó Thiên Chúa luôn
thuỷ chung, còn con người thì hay bội tín: “Như
thế, Israel lìa bỏ nhà Đavít cho đến ngày nay” (1V 12,19). Thật đau đớn biết chừng nào khi đã hết
lòng khuyên lơn mà người mình yêu lại cứ trơ như đá và lì trong tội, nhất là
Chúa chẳng vui gì khi thấy con người, vì xa rời Chúa, mà tiến dần đến đau khổ
và bất hạnh. Thật ra, Chúa chẳng được gì khi con người đến hay không đến với
Chúa, nghe hay không nghe Người chỉ dạy! Chỉ là đáng thương và đáng tiếc khi
con người không chịu đến và không chịu nghe theo sự chỉ dạy của Chúa, là những
sự hướng dẫn khôn ngoan và ân sủng để, như lời thánh Phaolô, con người nội tâm
nơi chúng ta được vững vàng. Nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; được
bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để đủ sức thấu hiểu mọi kích thước
dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt
quá sự hiểu biết. Như vậy, chúng ta sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của
Thiên Chúa (x. Ep 3,16b-19). Vì yêu
thương con người và muốn cho con người được hạnh phúc, Thiên Chúa đau buồn khi
thấy con người đau khổ. Yêu thật nhiều mà cứ thấy người mình yêu phải khổ thì
sao không nghẹn ngào cho nổi! Ai đã từng yêu chắc hẳn sẽ cảm nếm được phần nào cảm
xúc nghẹn ngào này của Chúa!
Suy gẫm một chút về tiếng lòng yêu
thương của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người và hằng ở cùng nhân loại, chúng ta
được mời gọi trở về lòng mình để xét lại tương quan của mỗi người với Chúa và
cách mà mỗi chúng ta đã sống với Người, Đấng yêu thương từng người chúng ta. Chúa
vẫn chờ ta trong Bí tích Thánh Thể để ta rước Chúa vào lòng, để ta với Chúa được
kết hợp nên một trong một tình yêu cao cả nhiệm mầu, để ta được Chúa làm cho
nên thánh, làm cho đời sống tràn đầy sức mạnh mà trổ sinh hoa trái thánh thiện.
Vậy, mỗi chúng ta đã đáp trả lại sự ước mong mãnh liệt này của Chúa mỗi ngày
như thế nào? Nếu vì bận rộn công việc mưu sinh nên không thể dự lễ hằng ngày, vậy
chúng ta có nhớ rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày để dù ở đâu hay làm
gì, ta và Chúa vẫn không xa nhau? Trước mỗi chọn lựa trong ngày sống, Chúa ở
bên ta cách đặc biệt qua sự hướng dẫn trong lương tâm để nhắc ta làm lành lánh
dữ. Những lúc đó, ta có nhớ lời Chúa, có chịu nghe tiếng Chúa, có xin Chúa chỉ
dạy hay thậm chí lại cố tình cho qua để làm mọi sự theo ý thích của bản năng
xác thịt và những ham muốn đê hèn? Nghĩ lại những lúc chúng ta làm trái ý Chúa
thì Chúa quả thật nghẹn ngào biết dường nào! Chúa vẫn nói và nói trong thinh lặng
của tâm hồn; Chúa nói qua lời Chúa mà chúng ta nghe, học từ tấm bé và vẫn nghe
khi chúng ta đọc lời Chúa hoặc tham dự thánh lễ; Chúa nói qua sự nhắc nhở của
những người thân; Chúa nói qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời, tỉ dụ như qua
cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh mà những ngày qua các trang mạng không
ngừng đưa tin. Chúa vẫn không ngừng nói để nhắc con người xa tránh tội lỗi, để
sống thánh thiện công chính mà tìm được hạnh phúc và nên người xây dựng hạnh
phúc cho người khác! Chúa nói rất nhiều và Người vẫn cứ mãi nghẹn ngào để chờ đợi
con người đáp lại tiếng Chúa mà sống sao cho tốt, sống sao cho xứng là con cái
Chúa!
Tiếng nghẹn ngào của Chúa cũng nhắc mỗi
chúng ta về sự nghẹn ngào của người thân yêu ngay trong gia đình của chúng ta.
Thật vậy, chắc không thiếu những người cha và những người mẹ trong gia đình
đang nghẹn ngào không thốt nên lời khi thấy những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu;
khi phải sống lây lất cho qua ngày với những người con thờ ơ, lãnh đạm và coi
thường cha mẹ già yếu; khi phải thấy cảnh những người con tranh giành, xâu xé của
cải của cha mẹ ngay lúc các ngài còn đang sống; hoặc khi phải chứng kiến cảnh
con cái trong nhà thờ ơ với đời sống đức tin và trách nhiệm giáo dục đức tin
cho con cháu;…Họ đau lòng không thốt nên lời khi phải thấy những người mà mình
hết mực yêu thương đang phải đau khổ vì một đời sống xa vắng Chúa và cứ thế dần
tuột dốc trên đường đưa tới tội lỗi và sự huỷ diệt. Thêm vào đó, ở đâu đó và
ngay lúc này, bao trái tim của người vợ cũng đang nghẹn ngào không thốt nên lời
vì phải sống với những người chồng ích kỷ, gia trưởng hoặc thiếu trách nhiệm. Họ
nghẹn ngào vì ước ao được chồng tôn trọng, được chồng sẻ chia những bận rộn của
cuộc sống gia đình, được có một người chồng gương mẫu trong trách nhiệm làm chồng
và làm cha. Từ đây, cũng không thiếu những người chồng đang nghẹn ngào vì ước
mong có được sự chung thuỷ của người vợ, ước mong vợ hết lòng yêu thương, quan
tâm, chăm sóc cho chồng, cho con và cho gia đình. Rồi cũng lại có vô số những
người con đang nghẹn ngào không thốt nên lời khi thấy cha mẹ không quan tâm đến
niềm vui nỗi buồn và cuộc sống của con, thậm chí còn thường xuyên cãi vã, lời
qua tiếng lại với nhau khiến bầu khí gia đình trở nên nặng nề đến phát chán! Tất
cả những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con ấy đều mong ước
có được hạnh phúc êm ấm. Họ ước ao mỗi người biết tôn trọng, biết quan tâm, biết
chu toàn trách nhiệm, biết hết lòng yêu thương và quý trọng nhau. Đó là cách mà
mỗi người đang cùng nhau cất đi những gánh nặng cho người thân yêu để làm vơi
đi sự nghẹn ngào thẳm sâu trong lòng hầu gia đình được ngập đầy bầu khí yêu
thương!
Mong sao mỗi người chúng ta, qua việc
suy gẫm lời Chúa hôm nay, cảm nghiệm cách sâu hơn, mạnh hơn và chắc chắn hơn về
tình yêu của Chúa dành cho mỗi người cũng như tình yêu của người thân thuộc
dành cho chúng ta. Tình yêu ấy không ồn ào, không xa hoa, không hình thức bề
ngoài nhưng cứ âm thầm ngay bên với sự thổn thức nghẹn ngào liên lỉ dành cho
người hết lòng được yêu thương!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thổn
thức vì yêu khi thấy chúng con đau khổ và xa vắng Chúa. Xin cho chúng con cảm
nhận được nỗi lòng sâu thẳm của Chúa để biết trở về và làm mới lại tương quan với
Chúa sao cho sâu sắc và bền chặt hơn. Xin cho chúng con cũng nhận biết và cảm
nghiệm được nỗi lòng nghẹn ngào vì yêu của cha mẹ, của vợ chồng và của con cái
để biết quan tâm, lo lắng tận tình và nỗ lực xây dựng gia đình với tất cả tình
yêu và trách nhiệm hầu mang hạnh phúc đến cho nhau. Amen.
Thực hành: Dành vài phút
trước khi đi ngủ để suy gẫm về tình yêu của Chúa trong suốt cả ngày sống sắp
qua.
Lm.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân