BÀI SUY NIỆM PHÚC ÂM THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
( Mt 14, 1 – 12 )
SỨ MỆNH CỦA NGÔN SỨ
Một lần đi tham dự tuần tĩnh tâm năm tại TGM Xuân Lộc, sau bữa ăn tối, một linh mục lớn tuổi đi đến vỗ vai tôi và hỏi thăm về việc sửa sang nhà thờ chính tòa Xuân Lộc. Biết là vị linh mục nhìn lầm nên tôi quay lại để cho Ngài thấy rõ, Cha liền xin lỗi rối rít : “Ồ, xin lỗi nhá, nhưng sao cha lại trông giống Cha Ngô Công Sứ thế nhỉ?”. Tôi pha trò : “Tại trời tối nên Cha Cố nhìn lộn thôi, Cha NCS đẹp hơn con nhiều, hơn nữa, nếu trời sáng Cha Cố sẽ thấy con da thì nhăn nheo còn đầu thì bạc trắng ”.
Hôm nay, Phúc Âm cũng cho ta thấy một người nhìn lộn, nhìn gà hóa cuốc, đó là tiểu vương Hêrôđê. Rõ ràng chính miệng ông đã ra lệnh giết Gioan Tẩy Giả, tay ông đã bưng mâm đặt đầu Gioan Tẩy Gỉa đưa cho cô con gái Hêrođiađê, thế mà khi nghe nói về Đức Giêsu, ông lại dám khẳng định cách mạnh mẽ:“ Đó chính là Gioan Tẩy Gỉa đã sống lại”. Phải chăng lời nói, việc làm và cuộc sống của ĐGS rất giống với Gioan? Gioan được gọi là vị Ngôn Sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, vậy phải chăng Đức Giê su cũng là một Ngôn Sứ?
Sách Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh định nghĩa Ngôn Sứ là người được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt để đem lời Chúa và ý Chúa đến mạc khải cho Dân bằng chính lời nói và đời sống của mình, ngài sẽ gặp rất nhiều thử thách, chống đối và đôi khi bị giết chết vì sứ mạng đó, điển hình như Moisê, Samuel, Amos, Isaia, Giêrêmia và Êzekiel… (ĐNTHTK q. 3 p. 438 – 440). Nói như thế thì không ai sống đúng từng chữ sứ mạng của người Ngôn sứ cho bằng Thánh Gioan Tẩy Gỉa và Đức Giê su. Do vậy, nhận xét của Hêrôđê không hời hợt bên ngòai và càng không do lầm lẫn. Chắc hẳn ông đã “nghiên cứu” về Đức Giêsu khá kỹ lưỡng. Ta có thể nói cách khác, mẫu số chung của Đức Giêsu và Gioan là Ngôn Sứ. Tuy nhiên, ĐGS không chỉ là Ngôn Sứ bình thường như bao ngôn sứ khác, mà Ngài chính là Vị Ngôn Sứ tuyệt hảo, là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là Lời của Thiên Chúa Cha.
Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng chính là lúc chúng ta được “hóa đồng mẫu số” với Đức Giêsu, nghĩa là chúng ta cũng trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa như Thánh Gioan, như Đức Giêsu. Tuy nhiên, cái khác biệt giữa các ngài và ta là ở chỗ: lời ta, đời ta không khớp với ơn gọi Ngôn Sứ của mình. Chính vì thế mà những người khác, đặc biệt là anh em lương dân không bao giờ “nhận lầm” chúng ta với Gioan, với Đức Giêsu. Đôi khi ngược lại là đàng khác: họ tưởng chúng ta là các Kitô hữu thì sẽ sống như Đức Giêsu, cư xử như Đức Giêsu theo đúng lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, nhưng trái lại họ chỉ thấy chúng ta khác ĐKT hòan tòan. Chính nơi đây tôi hiểu rõ hơn kiểu chơi chữ của một giáo dân khi phê bình về các linh mục :“ Người ta vẫn gọi các ngài là Alter Christus, nghĩa là một Đức Kitô khác, nhưng tôi chỉ thấy các ngài khác Đức Kitô “.
Như thế đấy, khi chúng ta không sống đúng ơn gọi và sứ mệnh Ngôn Sứ của mình, chúng ta sẽ trở thành những phản chứng, những ngộ nhận và những rào cản người khác đến với Đức Kitô, đến với Giáo Hội.
Linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc.