CÓ MỘT THỨ “VĂN HÓA LOẠI TRỪ”
Tin Mừng: Mt
13,54-58
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán
Người, và giảng dạy người ta trong hội đường khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng:
“Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng
phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê,
Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải
những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm
đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được
vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì
họ chẳng có lòng tin.
Suy niệm
Tin
Mừng hôm nay không dài nhưng khi đọc lên chúng ta sẽ thấy phần nhiều là những
câu hỏi. Có thể đếm được năm câu liên tiếp, bộc lộ thái độ rất đỗi ngạc nhiên từ
phía những đồng hương của Chúa Giêsu. “Bởi
đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải
là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse,
Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những
người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Bấy nhiêu đó
câu hỏi dường như đủ cho thấy một thân thế hết sức bình thường của Chúa Giêsu
mà những người hỏi đã biết quá rõ, từ khi Người còn là một đứa trẻ được mẹ ẵm
trên tay. Tuy nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra nhưng chỉ có một câu hỏi duy nhất
cần được trả lời đó là: Ông Giêsu này làm được những điều lạ thường như vậy là
do đâu?
Để
trả lời cho điều mà họ muốn biết, chúng ta sẽ đáp lại bằng một câu hỏi khác:
“Sao lại ngạc nhiên trước quyền năng của Thiên Chúa?” Chắc chắn họ sẽ trả lời rằng:
“Vì chúng tôi biết rõ ông này. Còn lạ gì nữa về gia cảnh ông ấy. Cha mẹ, anh chị
em họ hàng của ông toàn những người chúng tôi gặp hằng ngày từ bao nhiêu năm
nay. Cái nghèo và ít học của ông là những điều khiến chúng tôi rất bất ngờ về
những việc lạ mà ông đang làm”. Vâng, họ nói không sai, họ ngạc nhiên cũng phải
thôi nhưng điều cần lưu ý là họ chỉ nhìn vào những cái bên ngoài và đánh giá mọi
sự dựa trên những hiểu biết giới hạn của mình, chứ chưa nhận ra đó là một sự mặc
khải của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đi khắp nơi, làm rất nhiều phép lạ, giảng dạy
biết bao điều khiến dân chúng ngưỡng mộ và tin theo. Thế nhưng, Người dường như
“thất bại” khi quay về chính quê hương mình. Vì một quan niệm gọi là “văn hóa
loại trừ”, những hàng xóm của Người đã không mở lòng ra để chân nhận rằng họ
đang được chứng kiến những điều lạ lùng từ Con Thiên Chúa, Đấng có quyền năng
và sự khôn ngoan tuyệt đối để thực hiện những việc diệu kì. Điều này cho thấy họ
vẫn bị đóng khung trong những định kiến chủ quan và sự cứng cỏi của một lý trí
không muốn dung hợp với niềm tin.
Chúng
ta có thể tự hỏi: Nếu tôi là Chúa Giêsu lúc đó, tôi sẽ làm gì khi bị xem thường
như vậy? Tôi có nên làm một vài phép lạ nhãn tiền cho họ “sáng mắt” ra không?
Tôi sẽ phân trần, giải thích cho họ hiểu rằng tôi có được quyền năng đó vì tôi
là Thiên Chúa không? Hoặc là tôi sẽ im lặng và tỏ vẻ khinh bỉ lại họ như những
kẻ “không biết gì mà cũng nói”? Đối diện với thái độ không đón nhận của họ,
Chúa Giêsu chỉ có thể đáp lại như một quy luật của cuộc đời: “Không tiên tri
nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Hoặc nói theo kiểu
dân gian Việt Nam chúng ta là: “Bụt nhà không thiêng”. Mà đã không thiêng thì
có làm nhiều phép lạ cũng chẳng ích gì. Và rồi, Chúa Giêsu đã quyết định “không
làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”. Ở đây, đức tin là yếu tố quan
trọng để phép lạ xảy ra nhưng khi người ta đã cố giữ khư khư quan điểm cá nhân
của mình cũng có nghĩa là họ đang khước từ đón nhận ân sủng và mặc khải của
Thiên Chúa.
Trong
cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Phải chăng rất nhiều khi chúng ta cố gắng để
chứng minh mình luôn luôn đúng. Mọi phán đoán, nhận biết và suy nghĩ của chúng
ta không thể nào sai được. Vẫn thoáng nghe đâu đó những câu nói cửa miệng: “Ôi,
tôi chỉ cần nhìn là biết rồi”; “Người đó thế này, người kia thế nọ, nói đâu có
sai”; “Xưa giờ là vậy rồi, cỡ đó không thay đổi được đâu”;... Thật đáng tiếc là
những câu nói đó không thể hiện một con người mang tinh thần Kitô giáo. Không
ai có thể thấu suốt được tâm hồn của người khác ngoài một mình Thiên Chúa. Những
quan niệm đó chỉ cho thấy một óc thành kiến và sự loại trừ không cần có trong đời
sống của chúng ta. Nó gây ra chia rẽ và làm gãy đổ tương quan mà thôi. Ngược lại,
niềm tin, tình yêu và hy vọng là những yếu tố giúp chúng ta xóa bỏ những định
kiến cứng cỏi để mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, một tâm tình bao dung và không
xét đoán.
Từ
những suy tư về “văn hóa loại trừ” này, chúng ta nhìn vào thực tế hiện nay. Dịch
bệnh đang lan tràn khắp nơi tạo ra nỗi sợ hãi, khủng hoảng và âu lo cho tất cả
mọi người. Chúng ta thử trả lời cho câu hỏi: “Tôi có thái độ nào với một bệnh
nhân covid ở gần tôi?” Nếu biết người cạnh bên là F0 hoặc F1 chúng ta có đủ
bình tĩnh để không oán trách họ? Chúng ta sẽ vẫn giữ ánh mắt của mình trìu mến
và cảm thông chứ? Hay chúng ta sẽ ngay lập tức đổ lỗi, kì thị và hắt hủi họ? Quả
vậy, không ai can đảm để nói rằng mình không sợ lây bệnh, không sợ vi rút. Nhưng
sẽ thật rất nhẫn tâm nếu chúng ta dành cho những người bệnh và gia đình họ một
sự kì thị và loại trừ, trong khi chính họ đâu hề muốn mắc phải căn bệnh nguy hiểm
này. Điều cần hơn hết là hãy thương họ nhiều hơn và tôn trọng nhân phẩm của họ
vì họ đang mang trong mình nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần rất lớn. Hãy
nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong họ để từ đó chúng ta chỉ còn lại tình yêu
và sự nâng đỡ dành cho họ mà thôi. Nhờ đó, chúng ta tin cậy vào quyền năng của
Thiên Chúa sẽ chữa lành họ và chính chúng ta nữa.
Lạy Chúa Giêsu, vị ngôn sứ của tình
yêu. Cuộc sống hôm nay bên cạnh những tấm lòng bác ái vẫn còn đó những ảnh hưởng
tiêu cực của cái gọi là “văn hóa loại trừ”. Đôi khi chúng con cũng không thể
thoát ra khỏi những thành kiến cá nhân để nhìn nhận và đánh giá mọi sự trong
tin yêu và bằng cái nhìn của Chúa. Chúng con vô tình đặt anh chị em mình vào
cái khung định kiến và những tiêu chuẩn chủ quan. Đó là điều khiến chúng con đi
ngược lại với tinh thần của con cái Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra
quyền năng của Chúa được tỏ lộ qua mọi người và mọi sự, dù đó là những con người
và những điều bé nhỏ tầm thường nhất trong đời sống. Như vậy, chúng con mới có
thể tôn trọng, yêu thương và đối xử bác ái với anh chị em mình như tất cả những
gì chúng con nhận được từ Chúa.
Duyên
Trần