THIÊN CHÚA NUÔI NHÂN LOẠI
Từ khi bắt đầu dịch bệnh vào tháng 3/2020 đến nay, Giáo xứ
chúng ta, với sự phục vụ của anh chị em các hội đoàn, thực hiện liên tục hai
ngày trong tuần chương trình “Suất ăn tình thương”, chia sẻ với những anh chị
em khó khăn. Mỗi lần phục vụ từ 250 đến 270 phần. Chi phí mỗi phần ăn hiện tại
khoảng 20 đến 25 ngàn. Một số người lo lắng hỏi: Giáo xứ sẽ thực hiện chương
trình này đến bao giờ? Kinh phí từ đâu ra để duy trì hoạt động? Giáo xứ cho biết:
Giáo xứ sẽ phục vụ cho đến khi hết gạo, hết
tiền thì ngưng. Sau gần hai năm, giống như một phép lạ, qua sự quảng đại của
nhiều người, tiền vẫn chưa hết, gạo vẫn chưa vơi. Việc làm này không chỉ là
chia sẻ một bữa ăn, mà là một chương trình chia sẻ tình thương của Giáo xứ đến
với những người đang cần được quan tâm, giúp đỡ. Đúng là Chúa vẫn đang dùng sự
hy sinh đóng góp của mọi người, để làm nên những làm phép lạ thường ngày. Nói cách
khác, Chúa đang làm phép lạ qua đôi tay và tấm lòng của nhiều người.
Sách Các Vua đã kể lại việc tiên tri Elisa nhân danh Thiên
Chúa làm phép lạ từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch, hóa ra nhiều cho dân chúng ăn
no trong những năm đói kém: Có một người đem bánh đầu mùa đến biếu vị tiên tri
người của Thiên Chúa vào thời kỳ đói kém. Vị Tiên tri đã không để dành cho mình
và các học trò, nhưng ông nghĩ đến đám đông dân chúng đang thiếu đói. Ông sai
các tiểu đồng đem phần bánh đó chia cho mọi người. Trong khi các tiểu đồng băn
khoăn vì số bánh ít ỏi so với nhu cầu, nhưng vị Tiên tri lại tin vào Lời của
Chúa: “Họ sẽ ăn và còn dư.” Quả thật,
từ hai mươi chiếc bánh nhỏ được phân phát cho mọi người, ai cũng ăn no mà vẫn
còn dư như Chúa đã phán. Điều này cho thấy phép lạ xảy ra trước hết nhờ tin vào
quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự. Nhưng điều không kém phần
quan trọng là nhờ sự đóng góp, chia sẻ quảng đại của hết mọi người. Thiên Chúa
có thể làm mọi sự từ không nên có, nhưng trong việc này, Thiên Chúa vẫn muốn để
một chỗ cho sự cộng tác của con người. Khi con người quảng đại với anh em, cộng
tác với Chúa, thì từ những việc bé nhỏ, Chúa sẽ làm nên những phép lạ lớn lao.
Chúng ta có thể cảm nhận và thấy những phép lạ tương tự đang xảy ra chung quanh
ta.
Tin Mừng Gioan cũng kể một câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ
hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông hàng ngàn người ăn no mà vẫn còn dư mười hai
thúng bánh vụn. Chắc chắn câu chuyện thánh Gioan thuật lại còn mang nhiều ý
nghĩa phong phú hơn. Phép lạ xảy ra trong khung cảnh một đám đông dân chúng đi
theo Chúa Giêsu đã nhiều ngày và họ được chứng kiến các phép lạ Chúa làm. Thánh
Gioan nhắc đến khoảng thời gian: Lúc đó sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái.
Khi nhắc đến lễ Vượt Qua, thánh Gioan muốn gợi lại hành trình bốn mươi năm
trong sa mạc của người Do Thái. Suốt hành trình này, người Do Thái cũng đã chứng
kiến biết bao phép lạ Thiên Chúa đã làm để bảo vệ họ. Đặc biệt, người Do Thái
không thể quên việc Thiên Chúa dùng Manna từ trời để nuôi dân trong suốt bốn
mươi năm. Lễ Vượt Qua là dịp để người Do Thái nhắc nhau nhớ lại những việc lạ
lùng Thiên Chúa đã làm cho họ.
Chúa Giêsu thấy đám đông đi theo Người không khác gì đám dân
ngày xưa đi theo cột mây cột lửa trong sa mạc. Người chạnh lòng thương vì họ bị
bỏ rơi, bơ vơ tất tưởi, thiếu đói cả thể xác và tinh thần. Người nói với
Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn
đây?” Thánh Gioan hiểu ý Chúa: “Người
nói như thế có ý thử các ông, chứ Người biết mình sắp làm gì.” Tông đồ Philipphê đã không đồng cảm,
không có được cái nhìn và trái tim giống Chúa, ông tìm cách thoái thác: “Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền
cũng không đủ cho mỗi người một chút.” Trong khi đó, có một em bé quảng đại
dâng tặng năm chiếc bánh và hai con cá, Anrê đã giới thiệu em với Đức Giêsu. Dường
như Anrê cũng chưa tin Đức Giêsu có thể làm thay đổi được tình thế khi ông nói:
“Nhưng năm chiếc bánh và hai con cá thì
thấm vào đâu với ngần ấy người.” Suy nghĩ của Anrê cũng nói lên sự giới hạn
bất lực của con người trước một nhu cầu quá lớn.
Đối với Đức Giêsu thì không có việc gì khó. Từ sự đóng góp quảng
đại của một em bé, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Đức Giêsu cầm lấy
bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người. Cá cũng được phân phát như vậy,
ai muốn ăn bao nhiều tùy ý. Sau đó, họ thu những miếng bánh vụn dư thừa chất đầy
mười hai thúng. Thánh Gioan đã nhìn thấy nơi phép lạ này hình ảnh phép lạ Thánh
Thể mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện sau này. Khi nói đến việc Đức Giêsu cầm lấy
bánh, dâng lời tạ ơn, nhắc cho ta nhớ tới giây phút long trọng của bữa Tiệc Ly:
“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng,
bẻ ra và trao cho các Tông đồ và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn.” Nếu như Đức Giêsu đón nhận phần đóng
góp của một em bé để làm nên một phép lạ, thì trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã
dâng hiến trọn cả con người, sự sống của mình cho Thiên Chúa để làm nên lương
thực nuôi sống nhân loại.
Các Tin Mừng khác khi kể câu chuyện này cho thấy một chi tiết
khác, đó là khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Người hướng dẫn các Tông
đồ ổn định đám đông, bảo họ ngồi xuống thành từng nhóm trên đám cỏ. Khi hóa
bánh ra nhiều, Người trao cho các Tông đồ để các ông phân phát cho dân. Các tác
giả Tin Mừng muốn nói đến việc Chúa Giêsu cho các Tông đồ được cộng tác vào việc
phân phát cho mọi người, phục vụ bữa ăn cho họ. Thánh Gioan đã không muốn nhắc
đến chi tiết này vì Gioan cho mọi người xác tín rằng, nếu miếng bánh và cá hôm
đó được Chúa Giêsu trao tận tay mọi người, thì tấm bánh Thánh Thể là thịt máu của
Chúa, cũng do chính Chúa Giêsu trao tặng cho từng người.
Đám đông dân chúng hôm đó được ăn bánh và cá no nê, họ tin Đức
Giêsu là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ nhìn Đức Giêsu theo cái nhìn vật
chất, thực dụng. Họ muốn yêu cầu Người làm vua để từ đây họ sẽ không còn phải
làm việc nữa, sẽ được nuôi ăn hằng ngày nhờ phép lạ. Đức Giêsu đã biết trước
như thế, Người đã lánh mặt, đi lên núi một mình. Lên núi một mình, Người còn muốn
cho chúng ta bài học về sự cảnh giác trước cám dỗ của thành công. Khi thành
công, được mọi người ca tụng, con người dễ rơi vào cám dỗ tự mãn, lên mặt kiêu
căng hoặc bị lôi cuốn đi tìm những lời tung hô tán tụng. Đức Giêsu lên núi, để
một mình đối diện với bản thân và nhất là để gặp gỡ Thiên Chúa, tìm lại sự cân
bằng cho hoạt động tông đồ của Người.
Thưa quý ông bà anh chị em, Thiên Chúa vẫn đang làm phép lạ mỗi
ngày để nuôi sống cả thể xác và tinh thần của mỗi chúng ta và toàn nhân loại. Đức
Giêsu vẫn đang nuôi dưỡng linh hồn chúng ta mỗi ngày bằng Lời Chúa và Thánh Thể.
Trong Thánh Lễ mỗi ngày, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu vẫn đang làm phép lạ biến
bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa và biến Mình Máu Thánh Chúa trở nên
của ăn của uống nuôi dưỡng đời sống đức tin và linh hồn chúng ta. Thiên Chúa vẫn
nuôi chúng ta mỗi ngày bằng Lời của Người giúp chúng ta lớn mạnh trong đời sống
đức tin, cậy, mến. Qua Giáo Hội, Người nuôi chúng ta bằng các Bí tích giúp
chúng ta trưởng thành trong đời sống đức tin. Về thể xác, Thiên Chúa nuôi nhân
loại bằng việc ban cho con người có khả năng trí tuệ, có sức lực dẻo dai để tìm
ra cơm bánh mỗi ngày. Người cho mưa thuận gió hòa, cho công việc làm ăn thuận lợi
để con người thu được hoa màu và vật chất để phục vụ cho cuộc sống của mình và
gia đình. Thiên Chúa cũng nuôi nhân loại, những người khó khăn, qua tấm lòng quảng
đại của rất nhiều người. Đó là những phép là thường ngày vẫn đang xảy ra chung
quanh ta.
Chúng cũng cần hết sức cảnh giác trước cám dỗ của sự thành
công, tự mãn hoặc cám dỗ vô ơn với Chúa, coi những thứ mình đang có, đang hưởng
là do mình, mà quên sự tặng ban của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi để nhận
ra những phép lạ đang xảy ra trong gia đình, trong công việc làm ăn để biết sống
tâm tình tạ ơn Chúa mỗi ngày. Đồng thời, chúng ta được mời gọi quảng đại đối với
Chúa và với anh chị em, như em bé trong câu chuyện Tin Mừng, dám dâng cho Chúa
những sự hy sinh đóng góp của mình cho Chúa và cho anh chị em. Chúa sẽ đón nhận
những hy sinh đó và tiếp tục biến nó trở nên nhiều để phục vụ cho anh chị em
chung quanh.
Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phát biểu trước Liên Hiệp
Quốc rằng: Nhân loại ngày nay không thiếu lương thực, chỉ thiếu những tấm lòng
quảng đại và đôi tay biết chia sẻ mà thôi. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí