Suy niệm Tin Mừng thứ Bảy Tuần X Thường Niên A
Ý nghĩa của lời “nói có”
Mt 5,33-37
Trong những pho truyện cười, ít nhiều người ta tìm thấy những khác biệt văn hoá, chẳng hạn thái độ gật đầu để tỏ ý đồng thuận của nhiều nét văn hoá có thể lại là một dấu chỉ về sự “bất tán thành” trong một nét văn hoá nào đó. Trong luật bất thành văn của nguyên tắc đi đường, ở Pháp, khi mình nhá đèn xe ôtô là một dấu hiệu báo cho xe ngược chiều biết mình cho phép họ đi trước; nhưng ở Việt Nam, nhá đèn như thế hiểu là để tôi đi qua trước đã. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến cái “có”, cái “không” trong ngôn từ mà Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ và đám đông tụ tập quanh Người trên núi cao, nó gợi ra sự tương phản giữa phong tục Dothái đương thời với giáo huấn của Đức Kitô. Bài Tin Mừng được chia thành hai đoạn:
Đoạn thứ nhất, Mt 5,33-34a, nói đến lời thề và lời hứa. Trong Cựu Ước, lời thề hứa được nói đến trong nhiều đoạn văn (Xh 20,7; Lv 19,12; Ds 30,3; ...). Luật Cựu Ước, được nói đến trong các bản văn đơn cử, cấm người ta dùng Danh Đức Chuá mà thề. Cho dù hành vi thề hứa vốn thuộc về lời hứa tự nguyện của mỗi người, mang chiều kích tôn giáo. Nếu có chăng một lời thề hứa nhân danh Đức Chuá, phải chăng lời đó để củng cố một sự thật trong tương quan giữa con người với con người? Phải chăng con người có thể dung Danh Thánh để củng cố lời nói của mình, để nguời khác tin hơn? Vấn đề thực chất không hẳn là điều này.
Đoạn thứ hai (Mt 5,34b-37) là lời giải thích trong Luật Mới. Giáo huấn của Đức Giêsu hệ tại ở tính xác thực của lời: Sự thật phải phát xuất từ cõi lòng thiện hảo của con người, “có thì nói có, không thì nói không”. Trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu mà chúng ta được nghe từ những ngày hôm nay, tiếp theo bài giảng trên núi, chúng ta thấy điểm nhấn của sứ điệp: Cõi lòng thanh khiết là điều Đức Giêsu dạy các môn đệ và đám đông. Những gì luật cũ giải thích về hành vi thanh sạch (được nói đến trước đó) không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài, nhưng phát xuất từ cõi lòng của con người. Sự thiện bắt nguồn từ đó, và xét đến cùng, đó là từ Đức Chuá, Đấng ban phát sự thiện hảo cho con người. Thái độ của con người, một khi phát xuất từ tâm thiện, sẽ định hướng và điều chỉnh hành vi của họ, sao cho hợp với Thánh Ý của Đức Chuá.
Sự hoàn thiện mà người Kitô hữu cần phải theo đuổi chính là đây: thanh luyện cõi lòng, để cái tâm nên thiện, và từ đó mà hành vi của mình cũng sáng. Đây là một thách đố lớn, nhất là trong một bối cảnh xã hội rất ư là phức tạp như thời đại của chúng ta. Điều này nhắc mỗi người Kitô hữu lời dạy của Đức Giêsu: Khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt 10,16b). Cái khôn này giúp ta tránh sự xấu, và cái đơn sơ giúp ta nên tinh ròng ngày một hơn, trong tâm hồn và cả trong hành vi, trước nhan Thiên Chuá.
Lm. Hữu Cường O.P