THỨ
HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
ANH HÙNG ĐỨC TIN
LỜI CHÚA:Lc
9, 23-26
23Khi ấy,
Đức Giêsu nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình hàng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì
người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì
nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ
xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và
các thánh thiên thần”.
SUY NIỆM
Có những con người sống ở trần gian mấy chục
năm trời, tung hoành dọc ngang trời đất mà khi chết đi chẳng ai còn nhớ tới.
Trái lại, có những người đời sống rất âm thầm khiêm tốn nhưng khi chết đi lại
lưu danh hậu thế, để lại tiếng thơm trong sử sách. Có thể nói đó là các thánh tử
đạo Việt Nam mà hôm nay phụng vụ Giáo Hội mừng kính. Đó là những người đã vì danh Chúa Giêsu mà hiến
dâng mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng.
Lịch sử Giáo Hội cho biết:“Từ năm 1533, hạt
giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam.
Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu,
hạt giống cứ âm thầm mọc lên bất kể ngày đêm cả trong mưa gió giông
bão. Gần 5 thế kỷ qua, hạt giống Tin Mừng đã đơm bông kết trái từ
Bắc chí Nam của quê hương Việt Nam chúng ta. Có hơn một trăm ngàn
(100.000) anh hùng tử đạo, trong số đó có 117 vị đã được Đức thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh vào ngày 19/6/1988 tại
Rôma”.*
Trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam, có 96 vị
là người Việt Nam, 11 vị người Tây Ban Nha và 10 vị là người Pháp. Mỗi vị thánh
sinh trưởng trong gia đình khác nhau. Có thánh là giám mục, linh mục, thày giảng,
giáo dân...nhưng tất cả đều có chung một lòng mến, một đức tin mạnh mẽ sẵn sàng
hy sinh mạng sống vì danh Chúa Giêsu. Các ngài đã bị ép buộc phải chối đạo và
bước qua thánh giá. Các ngài đã chịu đủ mọi cực hình dã man khủng khiếp nhất.
Như hạt lúa chịu mục nát để sinh nhiều bông hạt, các thánh tử đạo đã biến những
đau khổ thành niềm vinh quang nơi Thiên quốc. Các ngài đã sống triệt để lời
khuyên Tin Mừng là từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Chúa. Các ngài đã sống
đế tận cùng các Mối Phúc trong niềm tin tưởng phó thác. Các ngài đã để lại cho
người dân Việt đi sản quý báu là hạt giống đức tin và lòng mến nồng nàn.
Mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi khám phá và
sống ơn gọi nên thánh của mình trong mọi hoàn cảnh. Là phụ nữ, hãy sống bản chất
dịu hiền, nết na của người nữ. Là người nam hãy sống chính trực cương nghị của
người nam. Là cha mẹ hãy chu toàn trách nhiệm với gia đình. Là con cái hãy thảo
hiếu cha mẹ…Là người lãnh đạo hãy có lòng quảng đại vị tha. Là tôi tớ hãy khiêm
tốn xứng người phục vụ. Là trẻ em hãy có tâm tình tín thác đơn sơ của một trẻ
thơ. Trước khi làm thánh chúng ta phải là một con người với đầy đủ tố chất của
một con người. Những tố chất đó là gì nếu không không phải là biết yêu thương đồng
loại. Con người không còn là người khi họ sát hại lẫn nhau. Trong Tám Mối Phúc,
Chúa Giêsu đã chúc phúc cho ai có tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, tâm hồn nghèo khó, những
người vì Nước Trời mà phải thiệt thân, phải khóc lóc u sầu buồn bã. Muốn là
công dân Nước Trời phải sống yêu thương. Khi sống tình yêu thương với mọi người
chúng ta dễ dàng đón nhận những khuyết điểm của nhau. Và như Chúa đã hứa ai yêu
thương thì có Thiên Chúa ở cùng và nơi nào có Thiên Chúa hiện diện nơi ấy có hạnh
phúc đích thực. Như vậy tất cả chúng ta đều có khả năng nên thánh vì mỗi người
đều có khả năng yêu thương.
Giáo Hội đã trải qua rất nhiều cuộc bách hại
đạo nhưng Giáo Hội luôn kiên vững nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vượt qua
sự chết và chiến thắng vinh quang. Tri ân các thánh tử đạo Việt Nam, những vị
anh hùng đức tin đã đặt Chúa lên trên mạng sống mình, đã sống đến cùng ơn gọi
làm kitô hữu trong hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm nhất. Các ngài là những hạt giống
âm thầm chịu nát tan để trao cho đời, cho Giáo Hội một mùa lúa trĩu hạt.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới
tiến bộ về khoa học kỹ thuật, một xã hội đề cao hưởng thụ khoái lạc. Đó là một
trong những nguyên nhân chúng ta dễ dàng đánh mất đức tin chối bỏ sự hiện diện
của Thiên Chúa. Trong đời sống thiêng liêng, có lúc chúng ta cũng mong ước sống
theo lời Chúa dạy, mong đạt đến đỉnh cao của sự thánh thiện. Thế nhưng chúng ta
lại sợ bị thiệt thòi thử thách, sợ mang thương tích. Mang bản tính con người yếu
đuối, chúng ta luôn bị cái tôi ích kỷ chế ngự và kéo ghì xuống khiến chúng ta
không thể vươn lên được. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta phương cách để vượt thắng
con người yếu đuối là phải cầu nguyện liên lỉ từng ngày.
Đồng thời chúng ta phải biết nương tựa vào sự
trợ giúp của ơn thánh Chúa vì không có Chúa chúng ta không thể làm được điều
gì. Một điều cần thiết khi muốn đi theo Chúa đó là phải có thái độ khiêm tốn,
đón nhận mọi thử thách như một ân huệ của Chúa. Người lớn nhất trong Nước Trời
chính là người có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn như một trẻ nhỏ. Muốn được vinh quang phải trải
qua gian khổ. Sự thành công nào cũng phải trải qua những khó khăn, đôi khi còn
phải thất bại; cũng vậy niềm vinh quang nào cũng trải qua những thử thách, có
khi là sự tủi nhục, tuy nhiên hoa trái của những thử thách ấy càng ngọt ngào biết
bao. Muốn trở
thành người lãnh đạo phải biết phục vụ mọi người như Đức Giêsu dù là Con Thiên
Chúa nhưng vẫn tự hạ sống phục tùng đến hiến dâng chính mạng sống mình để cứu
chuộc nhân loại.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được
gia nhập Hội Thánh Chúa, được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô,
xin cho chúng con không ngừng vươn tới sự thánh thiện bằng thái độ sống yêu
thương, biết yêu và thực hành những việc thiện nho nhỏ hàng ngày để trở nên
thánh thiện và ngày sau cũng được hưởng hạnh phúc cùng các thánh
trên Nước Trời. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP
D