Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

GIÁO DỤC GIỚI TRẺ

SUY TƯ TỪ MỘT ĐỀ VĂN : GIỚI TRẺ VÀ THẦN TƯỢNG

Đề văn khối D cho chương trình thi Đại học ngày 10/07/2012 vừa qua đang được quan tâm rất nhiều. Những ý kiến đồng tình hay bất bình từ nội dung đề văn được các phương tiện truyền thông chuyển tải và được nhiều người quan tâm. Nội dung đề văn như sau: ” Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. “Đề thi đã nêu đúng thực trạng của một bộ phận thanh niên hiện nay, sùng bái và mê muội một cách hình thức các ngôi sao mà không nghĩ đến điều kiện kinh tế gia đình, không theo được những cái tốt, không phù hợp với văn hóa Việt Nam.”( x. “Đề Văn về thần tượng nhằm thức tỉnh lối sống ảo- VnExpress – 11/07/2012)

Một hiện thực đáng lo ngại về sự sùng bái thần tượng nơi một số người trẻ

Từ chỗ gọi là “văn hóa thần tượng” mà giới trẻ chọn lựa đến ranh giới và đi vào lãnh địa có tên là “ hội chứng cuồng thần tượng” đang trở nên phổ biến và lan tràn mạnh mẽ trong giới trẻ của xã hội chúng ta hôm nay. Chúng ta rất dễ nhận ra những điều này nơi một số người trẻ khi họ say mê thần tượng đến độ không còn tỉnh táo để dừng chân và trưởng thành trong ý thức, trong cuộc sống của mình. Nhìn kiểu cách đốt tiền để tạo một phiên bản phụ của thần tượng nơi bản thân mình là chuyện họ mong muốn và đáng quan tâm hơn cả. Để tạo một hình ảnh hao hao than-tuong1.jpgvới các kiểu trang phục của thần tượng, họ có muôn ngàn tự hành xác, biến mình cho giống thần tượng mình yêu thích. Muốn sở hữu một đôi môi giống như Scarlett Johansson, hay một sống mũi như Jessica Alba, người trẻ của chúng ta đã không ngần ngại bỏ cả túi tiền để có một cuộc phẫu thuật thẫm mỹ chỉnh trang nhan sắc cho giống thần tượng của mình, bất chấp những hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra.

Những kiểu hành xác khác đến độ tội nghiệp như phải ngồi, nằm lăn lóc, vật vã cả hàng chục giờ đồng hồ ở sân bay, đứng rạc cả đôi chân ở ngoài đường phố chỉ để đổi lấy 1 giây ngắm nhìn ngôi sao thần tượng của họ. Đường phố trở nên náo loạn bởi các người trẻ la hét, chạy theo thần tượng và rồi... khóc lóc khi hụt mất thần tượng.  Thóa mạ, giành giật, giẫm đạp quăng ném chai lọ lên nhau...để dành lấy không gian chiêm ngắm thần tượng.  Ngay cả việc hỗn chiến lẫn nhau họ cũng không từ nếu ai đó đụng chạm đến thần tượng của họ. Đến ngay cả những hành động có vẻ phản cảm như hôn hít chiếc ghế ngồi của thần tượng để biểu tỏ sự ngưỡng mộ thần tượng, họ cũng chẳng từ. Và cái nguy hại khi họ, người trẻ của chúng ta, sẵn sàng buông mình, tự hủy hoại bản thân, giảm giá trị nhân phẩm của chính họ để chỉ đổi lấy một chiếc vé xem thần tượng ca nhạc, hay đánh mất đời con gái với chính thần tượng của mình. Khi tìm thông tin về đợt nhóm Super Junior đến Việt Nam, trong cơn "khát vé", một cô bé sinh năm 1993 đã viết "Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior nên nếu ai muốn có em trong một đêm rồi nhường cho em một chiếc vé. Em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em."  Và thật ngỡ ngàng, giật mình, sợ hãi và rất lo lắng khi nghe họ nói một cách rất kích động: "nếu có một ngày thế giới phản bội Super Junior, ELF (Ever Lasting Friends = tình bạn vĩnh cửu, tên gọi fan club chính thức của Super Junior- PV) cũng sẽ phản bội cả thế giới. Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui lòng vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi". Cái tệ hại này rõ ràng lây lan khi một bạn trẻ khác tiếp “Bạn này nói đúng rồi còn gì nữa. Cha mẹ tốt phải là cha mẹ hiểu con cái mình, biết con cái mình thích gì, muốn gì và đáp ứng tốt những nhu cầu của con cái. Rõ ràng việc hâm mộ Suju là một sở thích lành mạnh, cớ sao bố mẹ lại ngăn cấm con mình đi xem Suju biểu diễn? Khi cha mẹ không còn giá trị gì nữa, thậm chí trở thành vật cản ngáng đường con cái đến với tình yêu đích thực của đời mình. Chỉ còn cách là tiêu diệt".

Trở lại câu chuyện phát cuồng điên vì say mê thần tượng cách đây gần 10 năm của cô Dương Lệ Quyên – Trung Quốc- với thần tượng Lưu Đức Hoa của cô. Cách si mê cuồng nhiệt thần tượng đã khiến cô bỏ cả học hành, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của gia đình, đi khắp nơi mà thần tượng mình có mặt để mong gặp thần tượng mà cô si mê một cách điên cuồng. Không chỉ là trả giá đắt cho chính mình, nhưng việc mê muội, nghiện thần tượng đó đã làm cho người cha của Lệ Quyên phải tự vẫn để chứng nghiện thần tượng của cô được thực hiện, chấm dứt 13 năm chạy theo ước mơ theo đuổi thần tượng của con gái mình. Cái giá phải trả quá đắt của một sự nô lệ thần tượng, mà lẽ ra, cả gia đình cô Lệ Quyên không phải rơi vào tình cảnh đáng thương như thế.

Cách si mê, phát cuồng thần tượng đó đang là báo động đỏ về ý thức hệ cùng với những hệ lụy tất yếu sẽ đến nơi người trẻ; vấn đề giáo dục của gia đình và xã hội của chúng ta hôm nay.

Nguyên nhân của những lầm lẫn tai hại của ý thức và hành vi nơi một số người trẻ.

Khi thần tượng, người trẻ vốn dĩ chỉ là thể hiện một cái gì đó rất tự nhiên theo qui luật, khi mà họ là thế hệ luôn nằm trong giai đoạn được gọi là ” lý tưởng cuộc đời”. Họ tìm đến thần tượng, như một nhu cầu của cuộc sống, một cái gì đó ở phạm vi của văn hóa nơi người trẻ. Vì nhìn thấy nơi thần tượng của mình những cái đẹp phù hợp với suy nghĩ và cách sống của họ, và đưa thần tượng vào trong cuộc đời của mình.

Tuy nhiên, để đạt đến cái đẹp của văn hóa thần tượng – một cụm từ đang được sử dụng trong thời đại chúng ta hôm nay-  hay tìm ra những giá trị thực và đúng ( theo luân lý) của thần tượng, đòi buộc người trẻ cần phải có bộ máy sàng lọc thật tinh tế và sâu sắc để gạn lọc ra điu tích cực, thẩm thấu những giá trị đúng để cho cái văn hóa thần tượng có được ý nghĩa đích thực của nó. Nếu bộ máy sàng lọc không được “sản xuất theo đúng tiêu chuẩn về chất lượng”, thì người trẻ sẽ gặp khó khăn và không thể tìm được cái đẹp đúng theo mức chuẩn mà văn hóa thần tượng vốn có theo chuẩn đạo đức của xã hội và của lương tâm. Vì thế, để đạt đến sự trưởng thành trong việc chọn lựa, sàng lọc đó, người trẻ cần phải có trình độ, nhận thức, cảm xúc, nhu cầu, hành vi... đạt ở mức trưởng thành mới có thể đãi cát tìm vàng được.

Nhưng để có được một sự trưởng thành về con người như thế, họ cần được giáo dục một cách cẩn thận, đúng, và đủ. Bởi lẽ, không một ai có thể tự hoàn thiện về nhân cách nếu không có được một sự trợ giúp, dẫn dắt của giáo dục với những giá trị thật của cuộc sống trên nhiều phương diện dựa trên nền tảng đạo đức chân thật. Một nền giáo dục với những thang bậc giá trị ảo, định hướng sai sẽ tạo nên những thế hệ biến chất, và ấu trĩ. Do đó, khi một số người trẻ thể hiện nhân cách chưa hoàn thiện, những nhận thức lệch lạc và những hành vi thiếu đạo đức, đó cũng là lúc mọi người chúng ta phải nhanh chóng nhận ra những lỗ hổng, thiếu sót của giáo dục đối với người trẻ trên bình diện vĩ mô và vi mô; từ môi trường giáo dục mang tính tổng thể của xã hội cho đến môi trường giáo dục tại gia đình. Và như thế, thay vì chỉ quay “ống kính” để săm soi, rầy la, than vãn, sợ hãi về những người trẻ đáng thương đó, chúng ta- những người có trách nhiệm- phải nhận ra những thiếu sót, phải đấm ngực để nhận ra “tội” của chính mỗi người chúng ta trong công tác giáo dục họ, từ cá nhân cho đến tập thể, từ gia đình cho đến môi trường giáo dục tại học đường, của xã hội, của mọi lãnh vực tác động và ảnh hưởng đối với người trẻ của chúng ta.

Điều này phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc và cụ thể trong từng lãnh vực, môi trường, hệ giáo dục mà người trẻ đang là “ nạn nhân”. Đi từ hệ lụy của một sự thờ ơ trong bộ máy giáo dục, trong những định hướng không dựa vào Chân- Thiện- Mỹ, thì giáo dục đó, sớm hay muộn cũng sẽ sản sinh, cho ra đời những con người giả dối, bạo lực, thù hận và luôn bất ổn trong cuộc sống. Những kiểu cải cách, rầm rộ luôn nhắm đến chỉ tiêu, phong trào, báo cáo, phóng đại ... trong giáo dục đã biến người được giáo dục chỉ là công cụ cho những chuyện thành tích, cho một thứ chủ nghĩa đạo đức giả, không coi trọng nhân vị và phẩm giá thực của chính người được giáo dục. Thay vì trở thành trung tâm của nền giáo dục, họ bị gạt ra lề của cái gọi là giáo dục thế hệ, và bị quăng quật, bỏ rơi để tự trồi lên tụt xuống trong những cơn thác lũ của cuộc sống, mà ở đó, nguy cơ bị biến chất, mất định hướng và chết chìm trong lũ là hệ quả tất yếu.

 Bên cạnh đó, một nguồn khác tác động khá mạnh mẽ trực tiếp đến bộ phận giới trẻ là phương tiện truyền thông. Giữa thế giới toàn cầu hóa, phương tiện truyền thông trở thành con dao hai lưỡi đối với người trẻ. Họ tiếp cận cả những cái tốt và cái xấu trong một thế giới đầy biến động hôm nay. Sự gạn lọc giữa cái tốt và xấu trong khi tiếp nhận thông tin của người trẻ phải là điều mà họ phải được giáo dục. Lẽ ra, để đạt được sự chắt lọc ở mức độ khá, những người làm công tác giáo dục phải dạy và bồi dưỡng cho họ những quy tắc để làm tốt công việc này. Điều này không chỉ dành riêng cho những giáo dục viên, những người trực tiếp giáo dục họ, nhưng còn cho những bộ phận, những tập thể, những cá nhân đang làm công tác truyền thông nữa. Tuy nhiên, do lợi nhuận và do nhiều mục đích “tầm thường” khác nhau, có những tập thể, cá nhân đã làm cho giới trẻ bị tác động một cách trực tiếp và gián tiếp cho mục đích của họ. Những kiểu tin tức “hot”,  chuyện lùm xùm, lá cải, và ngay cả những “phần đời sau hậu trường” của ai đó, những kiểu cách sống buông thả, băng hoại cũng được báo chí, trang tin tức điện tử đưa lên rầm rầm, phơi bày trên thông tin... cũng chỉ nhằm mục đích lôi kéo nhiều độc giả, tăng thêm lợi nhuận cho công ty truyền thông của họ. Do đó, truyền thông không còn là một phương tiện tốt để góp phần trong giáo dục con người, đặc biệt là người trẻ, nhưng lại trở thành một kiểu phá hoại giáo dục, làm cho người trẻ rơi vào một thế giới mà những giá trị luân lý, đạo đức đúng nghĩa bị lu mờ.

Đồng thời, một nền giáo dục mà người trẻ buộc phải được thừa hưởng, lãnh hội và được giáo dục là chính gia đình của họ, từ những bậc làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ...Gia đình chính là chiếc nôi giáo dục đầu tiên, nuôi dưỡng và giúp họ lớn lên trong phẩm giá của con người mà Thiên Chúa đã trao ban. Từ trong gia đình, người trẻ được dạy, được hiểu và nhận ra được những chân lý của cuộc sống, của những giá trị thực mà họ phải vươn tới để trưởng thành nhân cách của mình. Vì thế vai trò của cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên có một tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển và trưởng thành của chính con người, suy nghĩ, lối sống của người trẻ, khởi đi từ thưở ấu thơ, đến khi trưởng thành và được trải dài trong suốt cuộc đời của họ. Do đó, khi nhận ra sự lệch lạc trong ý thức, hành vi của người trẻ hôm nay, đó cũng là một phần lỗi của các bậc phụ huynh ­– cách này hay cách khác-  đã làm cho con cái mình, những người trẻ đi những con đường sai lệch. Có thể họ-  những phụ huynh ­– thiếu kiến thức, thiếu điều kiện, thiếu thời gian, ... mà không thể giáo dục con mình được tốt. Và cho dủ có cả kiến thức đã được trang bị, nhưng kiểu “nhượng bộ vì tình thương” -  như người cha của cô Lệ Quyên -  là không thể chấp nhận. Thay vì tìm cách đưa con cái mình thoát ra được những mê lầm, thì họ lại thỏa hiệp để cùng tham gia vào một vòng tròn luẩn quẩn không có hậu. Bên cạnh đó, dù có đủ những điều kiện, yếu tố khách quan, nhưng các bậc làm cha làm mẹ khác lại thiếu ngay yếu tố chủ quan nơi chính họ, khi mà chính phụ huynh không trở thành những mẫu gương tốt để người trẻ chọn họ làm bậc hướng dẫn, làm bạn đồng hành và làm thần tượng của mình.

Nếu người cha, người mẹ trở thành những nhân vật đặc biệt, đầy ấn tượng và đầy ắp yêu thương có một không hai trong cuộc đòi của con mình, có lẽ, chuyện si mê, cuồng thần tượng, ý thức tệ hại và hành vi nông nổi của người trẻ sẽ chẳng có. "Với cái nắng trưa 9/7 tại Hà Nội, có những ông bố, bà mẹ ê đùi suốt 2 tiếng để đứa con gối đầu ngủ, quạt mỏi tay dù mồ hôi lã chã hay chốc chốc lại đẩy võng để con yên giấc. Nhớ lại 2 năm trước thôi... Tôi cũng mang trong mình ước mơ đại học, mang trên vai niềm tin của bố mẹ, khắc sâu nụ cười nhọc nhằn khi cha mẹ vui mừng cầm trên tay đủ tiền đưa tôi đi thi. Chỉ cần nhớ đến ánh mắt mẹ dõi theo khi tôi bước vào phòng thi tôi biết mình cần phải hoàn thành bài thi thật tốt... Và tôi đã làm được... Với tôi, bố mẹ mới là thần tượng". VNE_174138914.jpg 

"Mình dốt văn nên không theo khối C mà học khối A. Không biết diễn tả thế nào, nhưng nhìn ảnh thấy cảm động, lạ lắm mà lại quen thuộc đến lạ. Bởi vì đúng 2 năm trước thôi mình cũng giống như cô bé này. Nếu chụp năm đó biết đâu người trong ảnh lại là mình và bố mình. Năm đấy còn nắng 40 độ cơ! Thấy lạ là vì tại sao ngay lúc đó mình không nhận ra được hết những điều này mà phải cần thời gian những 2 năm, khi nhìn được bức ảnh này mình mới cảm nhận được hết tình cảm bố mẹ dành cho con gái nhiều đến thế nào. Mình mong rằng đến một lúc nào đó mấy nhóc đang bỏ thi, lăng mạ bỏ gia đình, thầy cô, bè bạn, cha mẹ chỉ vì nghĩ rằng họ không là gì so với thần tượng của mình sẽ nhận ra được cái sai và sửa chữa lỗi lầm của mình"

Và còn bao nhiêu nguyên nhân nữa cấu thành nên một kiểu cách giáo dục cho ra đời những người trẻ đáng thương hôm nay?

Những nhà giáo dục Công giáo nghĩ gì?

Thực trạng đau lòng trên của xã hội không chỉ ở xã hội, nhưng cũng là thực trạng của một số người trẻ được gọi là Ki-tô hữu trong gia đình, trong giáo xứ, trong giáo phận và trong Giáo hội hôm nay. Nhìn thấy lỗ hổng, sự thiếu sót trong giáo dục của xã hội ở góc độ nói chung, chúng ta cũng phải nhìn nhận những điểm còn thiếu sót trong việc giáo dục đời sống nhân bản, đời sống đức tin, cách sống đạo cho người trẻ tại trong mỗi môi trường cụ thể hôm nay.

Bắt đầu từ nơi giáo hội thu nhỏ là gia đình, các bậc phụ huynh đôi khi chưa quan tâm đủ đến việc giáo dục đời sống nhân bản, đời sống đức tin cho con cái mình. Đôi khi, nhiều bậc phụ huynh cứ tưởng, chỉ giao phó cho các đoàn thể và cho con cái mình học hỏi một số chương trình giáo lý theo từng giai đoạn, thế là đủ. Điều đó cho thấy, quan niệm này đã thiếu sót và cần được điều chỉnh nơi các phụ huynh. Việc giao phó hoàn toàn các em -  theo các giai đoạn học hỏi giáo lý-  cho giáo lý viên, cho những người trách nhiệm trong giáo xứ, mà không quan tâm đến việc giáo dục đức tin, nhân bản cho các em ngay tại gia đình mình là vấn đề mà phụ huynh cần xem lại. Bởi lẽ, việc giáo dục các em, trước hết, phải là trách nhiệm của chính phụ huynh trong môi trường gia đình. Cha hay mẹ đều là những nhà giáo dục Công giáo trong ngôi trường bé nhỏ và gần gũi của con cái họ. Đời sống nhân bản được trau dồi, đời sống đức tin được lớn lên, phần nào là có sự tham gia của chính phụ huynh trong việc giáo dục này. Vì thế, nếu cha mẹ không là những nhà giáo dục, dạy con những điều hay lẽ phải, dạy con sống đạo đức, giúp con lớn lên và sống tốt trong tương quan với Thiên Chúa, với gia đình, với tha nhân, với chính bản thân và với môi trường xung quanh, thì ai sẽ thay thế họ trong ngôi trường gia đình đó. Và hơn nữa, nếu phụ huynh không trở thành mẫu gương tốt về đời sống đạo đức, luân lý, về nhân cách trưởng thành, biết chọn lựa cái tốt trong muôn vàn cái xấu...thì người trẻ, con cái họ sẽ lấy ai để giúp họ đi trên con đường tiến đến sự hoàn thiện trong nhân bản, trong đời sống đạo đức?

Và,

Cho đến môi trường giáo dục nhân bản và đức tin trong phạm vi lớn hơn như trong các đoàn thể, trong giáo xứ, trong giáo phận...thì những nhà giáo dục Công giáo - là tất cả mọi người, mọi thành phần trong Giáo hội, trong Giáo xứ, những nhà giáo dục trực tiếp và gián tiếp -  chúng ta sẽ:

Làm gì để giúp người trẻ của chúng ta biết tỉnh thức để sống đúng với danh xưng là Ki-tô hữu trong thế giới đầy dẫy những mê hoặc, những giá trị đạo đức giả, những kiểu chọn lựa cách sống mang chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, trong một xã hội đảo chiều các thang bậc giá trị của nhân bản, của đạo đức, của luân lý?

Đề ra những chương trình giáo dục thế nào phù hợp, giúp người trẻ có được những khiên thuẫn để tự bảo vệ chính mình trong cuộc sống, khi mà thế giới xung quanh họ có quá nhiều cám dỗ, dễ làm cho người trẻ xa rời đời sống đức tin, hời hợt trong cách sống đạo và suy yếu giá trị nhân bản?

Làm gì để giới trẻ của chúng ta có được đời sống đức tin trưởng thành, song song với việc phát triển đời sống nhân bản mỗi ngày?

Làm gì, giáo dục thế nào để họ nhận ra và đi tìm kiếm Thần Tượng đích thực và tuyệt vời nhất là nơi Đức Giê-su, Thần Tượng Tuyệt Đối và Vĩnh Cửu của đời sống họ? Khi chúng ta giúp họ nhận ra được Thần Tượng Giê-su, và tạo điều kiện để hỗ trợ họ trong hành trình đi – đến và ở lại với Thần Tượng Đức Giê-su ( x. Gn 1, 35-39), lúc đó, mỗi người chúng ta mới làm trọn phận vụ của một nhà giáo dục mà Thiên Chúa đã trao phó trong chính khả năng, trách nhiệm và bổn phận của từng người. Và đó là điểm đến của giáo dục -  cho cả nhà giáo dục lẫn người được giáo dục-  khi người trẻ được lớn lên trong hoa trái của Thánh Thần, Đấng thánh hóa và luôn sẵn sàng ban tràn đầy ân sủng cho những ai tìm kiếm Thiên Chúa. Để từ trong sâu thẳm, người trẻ chỉ còn khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, coi tất cả mọi sự là  thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của họ mà thôi ( x. Pl 3,8).

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT

....

 

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     “Du Lịch tạo ra sự khác biệt”
     Nhận định về buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành với hiện tượng “té ngã”.Lm. Trần Bình Trọng
     CÀ RỐT, TRỨNG HAY CÀ PHÊ? Sưu tầm
     CHỮ KÝ THIÊN CHÚA IN TRÊN MỌI THỤ TẠO
     TRUYỀN GIÁO NHƯ CON TIM BAO LA CỦA THIÊN CHÚA
     CẦU NGUYỆN : LỜI CẦU NGUYỆN TƯ TẾ
     THINH LẶNG VÀ LỜI NÓI : HÀNH TRÌNH CỦA VIỆC RAO GIẢNG PHÚC ÂM
     KHÔNG GÌ ĐẸP HƠN NỤ CƯỜI CỦA MỘT TRẺ THƠ!
     DUY NHẤT THIÊN CHÚA CHỮA LÀNH MỌI VẾT THƯƠNG!
     CÂY DÙ CỦA NIỀM TIN