Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Tương quan đại kết giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo

Phỏng vấn Đức Chrysostomos II, Tổng Giám Mục đảo Chypre về tương quan đại kết với Giáo Hội Công Giáo

Ngày 20-10-2009 Đức Hồng Y Williams Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã mở cuộc họp báo cho biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sắp sửa công bố Tông Hiến cho phép thành lập các Giáo hạt tòng nhân, tương tự như những giáo phận không lãnh thổ, dành cho các giáo sĩ và giáo dân cựu Anh giáo trở về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo. Trong cùng ngày Đức Cha Vincent Nichols Tổng Giám Mục giáo phận Westminster, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc và tiến sĩ Rowan Williams, Tổng Giám Mục Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh Giáo, đã công bố tuyên ngôn chung tại Luân Đôn về việc Đức Thánh Cha sắp công bố Tông Hiến nhắm đáp ứng yêu cầu từ vài năm nay của các nhóm Anh giáo muốn được hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Đối với các Giáo Hội Chính Thống cử chỉ cởi mở của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rất có ý nghĩa và là dấu chỉ dấn thân mà Đức Thánh Cha đã lãnh nhận ngay từ ngày đầu tiên triều đại của người: đó là đem hết nghị lực làm việc để tái xây dựng sự hiệp nhất hữu hình của tất cả mọi môn đệ Chúa Kitô.

Ngày 16-10-2009 Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo đã khai mạc khóa họp tại đảo Pafos với sự tham dự của 60 thành viên, trong đó 30 vị là Giám Mục và thần học gia Công Giáo và 30 vị khác đại diện 15 Giáo Hội Chính Thống, mỗi Giáo Hội Chính Thống cử 1 Giám Mục và 1 thần học gia. Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của hai vị đồng chủ tịch là Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Tổng Giám Mục Joannis, Đại diện Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, vì ngài cũng là Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo.

Đức Thượng Phụ Bartolomais I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople tỏ ra lạc quan và tin tưởng trước khóa họp hiện nay của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo. Ủy ban tiếp tục thảo luận về đề tài đã được khởi sự cách đây 2 năm, vào tháng 10 năm 2007, trong khóa họp tại thành phố Ravenna, bắc Italia. Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople hy vọng sẽ có những tiến bộ đáng kể trong nhận thức chung của Công Giáo và Chính Thống về Đức Thánh Cha và các quyền của ngài đối với Giáo Hội Tây và Đông phương. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ ly giáo giữa hai Giáo Hội Kitô Đông Tây năm 1054, thế giới chính thống chấp nhận thảo luận về quyền tới thượng của Giám Mục Roma.

Ngày 14-10 trước đó, Tổng Linh Mục Dositheos Anagnostopoulos, Phát ngôn viên tòa Thượng Phụ Constatinople, nói rằng vấn đề vai trò của Đức Giáo Hoàng cần phải được giải quyết thì Giáo Hội mới có thể tiến đến sự hiệp nhất.

Về vấn đề những xung đột nội bộ Chính Thống giáo, Tổng Linh Mục Anagnostopoulos bày tỏ hy vọng Hội nghị Liên Chính Thống giáo nhóm tại Hy Lạp vào tháng 12 tới đây có thể làm sáng tỏ các xung đột này, cụ thể là vấn đề qui chế của các Giáo Hội Chính Thống hoàn toàn tự trị và các Giáo Hội tự quản. Hội nghị sẽ xác định các qui luật để một Giáo Hội Chính Thống có thể được công nhận là tự trị hoặc tự quản.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 250 triệu tín hữu chính thống thuộc 5 Toà Thượng Phụ và 10 Giáo hội quốc gia tự quản. Đó là các Tòa Thượng Phụ Costantinopoli, Giêrusalem, Antiochia, Alessandria và Mastcơva.

Tòa thượng phụ Costantinopoli có từ thời tông đồ Anrê và có quyền trên các tín hữu chính thống Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Creta, Núi Athos và các đảo Imbro và Tenedo trong biển Egeo. Tòa thượng phụ Giêrusalem có từ thời tông đồ Giacôbê. Đa số tín hữu là người A rập. Tòa thượng phụ Alessandria có từ thời thánh sử Marco và có quyền trên các tín hữu hy lạp sống bên Ai Cập. Tòa thượng phụ Antiochia có từ thời hai tông đồ Phêrô Phaolô và có quyền trên các tín hữu chính thống Sirai, Libăng, Irak và Kuweit.

Giáo Hội chính thống Nga có đông tín hữu nhất khoảng 120 triêu tại Nga và trong các Cộng hòa cựu Liên Xô. Trong khi các Giáo Hội Chính Thống quốc gia độc lập và tự quản bao gồm Giáo Hội chính thống tông truyền Giorgia và các Giáo Hội chính thống Serbia, Rumania, Bulgaria, đảo Chypre, Hy Lạp, Ba Lan, Albania, Tchèques, Slovachia và Armenia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn Đức Chrysostomos II, Tổng Giám Mục đảo Chypre về tương quan đại kết với Giáo Hội Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục năm nay 62 tuổi làm Tổng Giám Mục đảo Chypre từ tháng 11 năm 2006 và là vị lãnh đạo cộng đoàn kitô cổ xưa nhất thế giới sau cộng đoàn Giêrusalem.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos, Đức Tổng Giám Mục thấy tình hình các tương quan giữa tín hữu công giáo và tín hữu chính thống hiện nay như thế nào?

Đáp: Trong 1000 năm qua chúng ta đã ở trong thế đối nghịch với nhau. Đã phải có cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng Phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hồi năm 1964 tại Giêrusalem để bắt đầu cuộc đối thoại bác ái. Nhưng ngày nay chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, là giai đoạn đối thoại thần học. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều dấn thân nhưng cũng hứng khơi.

Hỏi: Có một lịch trình để đi tới sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô hay không thưa Đức Tổng Giám Mục?

Đáp: Khi bắt đầu cuộc đối thoại thần học chúng tôi đã ý thức rằng mình đang bước vào không phải một con lộ lớn xuống dốc nhưng một con đường hẹp, gồ ghề và với các đoạn dốc không lên tới được. Mỗi bước tiến đều được bước đi với tất cả sự cân nhắc dè dặt. Nhưng tôi tin tưởng: có lẽ còn cần phải nhiều thập niên nữa chứ không phải chỉ vài năm là đủ, nhưng một ngày kia chúng ta sẽ hiệp nhất.

Hỏi: Đức Tổng Giám Mục thấy vai trò cá nhân của ngài và vai trò của Giáo Hội tại đảo Chypre như thế nào trong tiến trình đối thoại đại kết?

Đáp: Cả khi trên bình diện con số Giáo Hội chính thống tại đảo Chypre là một Giáo Hội bé nhỏ, nhưng hoạt động rất tốt. Chúng tôi là Giáo Hội đầu tiên nảy sinh tại Âu châu và điều này có một ý nghĩa rất lớn kể cả đối với ngày nay nữa. Mọi người đều thừa nhận gia tài này mà chúng tôi muốn biến thành một đóng góp tích cực cho nội bộ gia đình chính thống, không phải để chiếm hữu quyền bính nhưng trong tinh thần phục vụ Tin Mừng. Vì thế chúng tôi đã tiếp đón nhiều cuộc họp đại kết, chẳng hạn như phiên họp vừa qua của Ủy ban thần học hỗn hợp chính thống công giáo. Và với tinh thần ấy chúng tôi mời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tới viếng thăm đảo Chypre vào tháng 6 năm tới đây 2010.

Hỏi: Đức Tổng Giám Mục cũng đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đức Tổng Giám Mục thấy gương mặt của Đức Giáo Hoàng như thế nào?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người hiểu biết thần học sâu rộng, không phải chỉ có truyền thống thần học tây phương mà cả truyền thống thần học đông phương nữa. Ngài là một tư tưởng gia rất lớn và đây là điều rất quan trọng không phải chỉ đối với tín hữu công giáo mà đối với cả tín hữu chính thống nữa. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các phán đoán của người đối với thế giới ngày nay.

Hỏi: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại đảo Chypre sẽ diễn ra như thế nào?

Đáp: Chúng tôi chưa có chương trình chi tiết. Chúng tôi chỉ biết là Đức Thánh Cha sẽ đến đảo Chypre vào tháng 6 năm tới. Ngài sẽ chủ sự một buổi cử hành phụng vụ quan trọng tại Nicosia, rồi sẽ viếng thăm Pafos, tại những nơi ghi dấu bước chân của thánh Phaolô. Cũng có thể là Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm miền bắc đảo Chypre bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và viếng thăm vài làng có đa số dân theo công giáo.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục đây là ước muốn của Đức Thánh Cha hay đã có thỏa thuận nào đàng sau đó?

Đáp: Tôi không biết. Tôi có thể nói rằng có khả thể đó. Chúng tôi sẽ xem chính quyền Thổ Nhi Kỳ trả lời như thế nào.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos, Đức Tổng Giám Mục đã dấn thân làm cho Tòa Thánh Vaticăng và Tòa Thượng Phụ Mastcơva xích lại gần nhau hơn. Thế kết qủa đã như thế nào?

Đáp: Tôi đã sẵn sàng làm trung gian cho một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mastcơva. Dĩ nhiên là tôi sẽ chỉ nhận lãnh nhiệm vụ này nếu cả hai bên đồng ý. Nhưng khi tôi đến Mastcơva hồi năm 2008 tôi đã hiểu rằng sự can thiệp của tôi sẽ không được chấp thuận.

Hỏi: Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng với Đức tân Thượng Phụ Nga Kirill, sẽ có các thay đổi hay không?

Đáp: Đức Thượng Phụ Kirill đang quyết liệt đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ của Giáo Hội chính thống Nga. Và tôi xác tín rằng các chướng ngại hiện còn đang cản ngăn một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Matscơva sẽ mau chóng được vượt thắng.

(KNA 14-10-2009; SD 20-10-2009; Avvenire 28-10-2009)

Linh Tiến Khải

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Đức Thánh Cha viếng thăm Brescia, quê hương của đức Phaolô VI
     Đức Thánh Cha kêu gọi nhìn nhận khía cạnh tích cực của hiện tượng di cư
     Công bố Tông Hiến về việc đón nhận các nhóm tín hữu Anh Giáo vào Công Giáo
     KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH
     THÁNH LỄ BẾ MẠC KHÓA HỌP THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ CHÂU PHI
     THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI KHÓA HỌP ĐẶC BIỆT CHO PHI CHÂU
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
     Huấn Từ của ĐTC dành cho Giới Trẻ: “Các bạn là Hy Vọng của Hội Thánh”
     Thánh lễ phong thánh cho năm chân phước