Tường thuật ngày đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô
công du mục vụ Sri
Lanka (1/3)
Chiều
12 tháng giêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường công du Sri Lanka trong ba
ngày, rồi sau đó viếng thăm Philippines cho tới 19 tháng giêng. Đây là chuyến
công du thứ 7 ngoài Itallia. Chiếc Airbus 330 của hãng hàng không Alitalia chở
Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh rời phi trường quốc tế Fiumicino ỏ
Roma lúc 18 giờ 50. Máy bay chở ĐTC đã bay qua không phận của các nước Italia,
Albania, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các Vương quốc A rập thống nhất. Oman và Ân
Độ.
ĐTC
đã gửi điện tín cho quốc trưởng và nhân dân các quốc gia này. Ngài gửi lời chào
thăm và cầu chúc thịnh vượng, hiệp nhất, và thiện ích tinh thần cho dân nước
Italia. Ngài còn nhớ các kỷ niệm đẹp trong các chuyến viếng thăm Albania, Thổ
Nhĩ Kỳ và bảo đảm với các vị lãnh đạo và quốc dân hai nước lời cầu nguyện của
ngài. ĐTC nhớ tổng thống và dân nước Hy Lạp trong lời cầu nguyện và khẩn cầu
phước lành bình an và tươi vui của Thiên Chúa trên Hy Lạp. Ngài cầu xin phước
lành bình an và thịnh vượng của Thiên Chúa cho tổng thống và dân nước Iran, cho
quốc vương và các dân tộc của Vương quốc A rập thống nhất, cho quốc vương Oman
và thần dân, cũng như cho tổng thống và nhân dân Ấn.
Trên
chuyến bay ĐTC đã ra phía sau chào và bắt tay 76 nhà báo và phóng viên quốc tế
tháp tùng chuyến viếng thăm của ngài. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với các
nhà báo.
Sri
Lanka là một quần đảo rộng 65.610 cây số vuông, gồm Ceylon là đảo lớn nhất và
vài đảo nhỏ khác như Mannar, Velanai và Neduntivu… Srai Lanka có khoảng 21,2
triệu dân, 75% là người Singale, 15% người Tamil và 9% người Mori.
Colombo
đã là thủ đô của Sri Lanka cho tới năm 1978, khi chính quyền di chuyền các bộ
về Sri Jayawardenapura Kotte, cách đó 8 cây số. Tên Colombo do người Bồ Đào Nha
du nhập năm 1505, có lẽ phát xuất từ tiếng Singale cổ điển “Kolon thota” có
nghĩa là “cảng trên sông Kelani”. Cũng có người cho rằng nó bắt nguồn từ kiểu
nói Singale “kola-amba-thota” có nghĩa là “cảng với các cây xoài rậm lá”.
Colombo đã được các thương gia Roma, Tầu, và A rập biết tới từ hơn 2.000 năm
trước. Vào thế kỷ thứ VIII nó bị người A rập chiếm đóng để kiểm soát giao thông
giữa các vương quốc Singale và phần còn lại của thế giới. Vào thế kỷ XVI người
Bồ Đào Nha đánh đuổi người A rập và xây một pháo đài để bảo vệ việc buôn bán
gia vị. Năm 1656 người Hoà Lan đánh chiếm thành phố và biến Colombo trở thành
thủ đô các tỉnh duyên hải của Công ty Hoà Lan Đông Ấn Độ cho tới năm 1796. Tiếp
theo đó người Anh chiếm Colombo và biến nó trở thành thủ đô của đảo Ceylon
thuộc địa của họ. Năm 1948 Sri Lanka được độc lập. Vì địa thế hải cảng của mình
Colombo là nơi xuất cảng nhiều sản phẩm quốc gia như trà, cao su, dầu dừa,
copra và nhất là đá qúy. Thành phố cũng có các kỹ nghệ chế biến thuốc lá, dầu,
các nhà máy tơ sợi và da thuộc.
**
Giáo phận Colombo có từ năm 1834 và năm 1886 trở thành Tổng giáo phận. Tổng
giáo phận hiện có gần 7,3 triệu dân, trong đó có hơn 667 ngàn theo công giáo,
tức chiếm 9,23%, với 127 giáo xứ, 298 linh mục giáo phận, 279 linh mục dòng,
380 tu huynh, 1.400 nữ tu và 284 đại chủng sinh. Tổng giáo phận có 196 cơ sở
giáo dục và 560 cơ sở bác ái.
Sau
9 giờ 40 phút bay và vượt chặng đường dài 7.630 cây số máy bay đã đáp xuống phi
trường quốc tế Colombo của Sri Lanka lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, trễ một
giờ so với chương trình dự định.
Tiếp
đón ĐTC tại phi trường có ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri
Lanka, ông Aryasinha Ravinatha Đại sứ ngoại thường toàn quyền của Cộng hòa dân
chủ xã hội Sri Lanka cạnh Toà Thánh, ĐHY Malcolm Ranjith Patabendige Don, TGM
Colombo, kiêm Chủ tịch HĐGM Sri Lanka, các Giám Mục, Tổng thống tân cử Maithripala
Sirisena, một số các vị lãnh đạo, một số tín hữu, một ca đoàn và 2.000 trẻ em.
Tổng thống đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Hai em bé một trai một gái tiến
đến quàng vòng hoa mầu trắng và mầu vàng cho ĐTC.
Ban
quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Sri Lanka. ĐTC và tổng thống
đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị quốc
khách.
Trong
diễn văn chào mừng ĐTC tân tổng thống Maithripala Sirisena bầy tỏ niềm hân hoan
vui sướng của dân nước Sri Lanka được ĐTC viếng thăm. Niềm hạnh phúc và hãnh
diện này đặc biệt lớn đối với ông là người mới được bầu làm tổng thống cách đây
mấy ngày và bắt đầu nhiệm vụ với chuyến viếng thăm này của ĐTC. Ông xin ngài
chúc lành cho dân nước Sri Lanka.
Đáp
từ tổng thống ĐTC bầy tỏ vui mừng được viếng thăm Sri Lanka, được gọi là ngọc
trai của Ấn Độ dương vì vẻ đẹp thiên nhiên, sự nồng hậu của người dân và sự
khác biệt phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo của nó.
ĐTC
cầu chúc Tổng thống những điều tốt đẹp nhất cho các trách nhiệm mới, và ngài
đặc biệt cám ơn sự hiện diện của các vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo cũng như ca
đoàn và tất cả những ai khiến cho cuộc viếng thăm này có thể xảy ra. Nhấn mạnh
đến mục đích chuyến viếng thăm ĐTC nói:
**
Chuyến viếng thăm Sri Lanka của tôi trước hết có tính cách mục vụ. Như là Chủ
chăn hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo tôi phải gặp gỡ, củng cố và cầu nguyện với
dân công giáo của quốc đảo này. Tột đỉnh của chuyến viếng thăm là việc phong
hiển thánh cho chân phước Joseph Vaz, mà gương bác ái kitô và sự kính trọng đối
với mọi người không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, tiếp tục gợi hứng và dậy
dỗ chúng ta ngày nay. Nhưng chuyến viếng thăm của tôi cũng muốn diễn tả tình
yêu thương và sự lo lắng của Giáo Hội đối với mọi người dân Sri Lanka, và khẳng
định ước mong của Giáo Hội tích cực tham gia vào đời sống của xã hội này.
Tiếp
tục bài diễn văn ĐTC nhắc tới thảm cảnh nội chiến của Sri Lanka. Ngài nói thật
là một thảm cảnh trong thế giới ngày nay, khi có nhiều cộng đoàn gây chiến với
nhau như vậy. Việc không có khả năng hòa giải các khác biệt và bất đồng ý, cũ
và mới, đã dấy lên các căng thẳng chủng tộc và tôn giáo, thường đi đôi với bạo
lực bùng nổ. Trong nhiều năm trời Sri Lanka đã biết đến các kinh hoàng của cuộc
nội chiến, giờ đây đang tìm củng cố hòa bình và chữa lành các vết thương của
các năm đó. Thật không dễ thắng vượt được gia tài cay đắng của các bất công,
thù nghịch và mất tin tưởng do xung khắc để lại. Chỉ có thể làm được bằng cách
thắng sự dữ với sự thiện (x. Rm 12,21) và bằng cách vun trồng các nhân đức
khuyến khích hòa giải, liên đới và hòa bình. Tiến trình chữa lành cũng cần bao
gồm việc theo đuổi sự thật, không phải để mở ra các vết thương cũ, nhưng như là
các phương tiện cần thiết nhằm thăng tiến công lý, việc chữa lành và sư hiệp
nhất.
Các
bạn thân mến, tôi xác tín rằng tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau
có một vai trò nòng cốt trong tiến trình hòa giải và tái thiết hiện nay của đất
nước. Và ĐTC nhấn mạnh như sau:
Để
cho tiến trình đó được thành công mọi thành phần xã hội phải làm việc chung với
nhau; mỗi người phải có tiếng nói. Tất cả phải được tự do diễn tả những gì liên
quan tới các nhu cầu, các khát vọng và sợ hãi của mình. Điều quan trọng nhất là
họ phải được chuẩn bị để chấp nhận nhau, tôn trọng các khác biệt hợp pháp, và
học sống như một gia đình. Khi người dân biết lắng nghe nhau một cách khiêm tốn
và cởi mở, thì việc chia sẻ các giá trị và các khát vọng trở thành rõ ràng hơn.
Khác biệt không còn là sự đe dọa nữa, nhưng là suối nguồn của sự giầu có. Con
đường dẫn tới công bằng, hòa giải và hòa hợp xã hội trở thành rõ ràng hơn.
Trong nghĩa đó, công việc to lớn của sự hòa giải cũng đụng chạm tới các cơ cấu
hạ tầng xã hội, và đáp ứng các nhu cầu vật chất và quan trọng hơn nữa là thăng
tiến nhân phẩm, tôn trọng các quyền con người và việc tháp nhập tràn đầy mỗi
thành phần xã hội. Tôi hy vọng các vị lãnh đạo chính trị tôn giáo và văn hóa
Sri Lanka đo lường mọi lời nói và hành động bởi thiện ích và việc chữa lành mà
chúng mang lại, góp phần lâu dài cho sự tiến bộ vật chất và tinh thần của nhân
dân Sri Lanka.
Kính
thưa tổng thống và các bạn, một lần nữa tôi xin cám ơn sự tiếp đón của qúy vị.
Xin cho những ngày chúng ta sống với nhau là những ngày của tình bằng hữu, đối
thoại và liên đới. Tôi khẩn cầu phép lành tràn đầy của Thiên Chúa trên Sri
Lanka, viên ngọc trai của Ấn Độ dương, và tôi cầu xin cho vẻ đẹp của nó chiếu
sang trong sự thịnh vượng và hòa bình cho dân tộc nó.
**
Sau lễ nghi chào đón, ĐTC đã đi xe díp bọc kính về Tòa Sứ Thần nằm cách đó 28
cây số. Dọc hai bên đường có ít nhất 300.000 người đứng chào đón ĐTC trong bầu
khí lễ hội, trong đó cũng có rất nhiều nhà sư Phật giáo và một đoàn 40 con voi
trang hoàng rực rỡ như trong ngày lễ hội quốc gia.
Vể
tới Tòa Sứ Thần ĐTC đã nghỉ ngơi chốc lát trước khi cử hành thánh lễ riêng. Vì
chương trình bị trễ nhiều và trời Sri Lanka nóng tới 31 độ ĐTC đã không đến Tòa
Tổng Giám Mục cách đó 4 cây số để gặp gỡ các Giám Mục Sri Lanka. Nhưng ĐHY
Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt ngài đến chào các Giám Mục
cùng với các Hồng Y và Tổng Giám Mục thuộc đoàn tùy tùng. Các vị đã được một
nhóm 180 đại chủng sinh và một nhóm vũ công tiếp đón và tặng vòng hoa trong
vườn tòa Tổng Giám Mục.
**
Vào ban chiều lúc 17 giờ ĐTC đã đến thăm xã giao tổng thống Sri Lanka. Tổng
thống Maithripala Sirisena vừa thắng cử hôm mùng 8 tháng giêng vừa qua với
51,2% tổng số phiếu, trong khi tổng thống Rajapaksa chỉ đuợc 47,5%. Ông đã chấp
nhận ý dân và dọn ra khỏi dinh tổng thống. Tổng thống tân cử đã làm lễ tuyên
thệ ngay.
Ông
Sirisena sinh năm 1951, bắt đầu tham gia chính trị năm 1989, trở thành dân biểu
của đảng Sri Lanka tự do, và từ năm 1994 giữ nhiều chức vụ bộ trưởng. Cho tới
tháng 11 năm 2014 vừa qua ông đã là Bộ trưởng Y tế Sri Lanka.
Tổng
thống tân cử Sirisena đã đón ĐTC tại cửa chính. Sau khi ngài ký tên vào sổ vàng
hai vị lên lầu một để hội kiến riêng. ĐTC viết: “Tôi khẩn nài ơn can đảm, khôn
ngoan và phân định trên những ai phục vụ nhân dân Sri Lanka yêu quý”.
ĐTC
đã tặng tổng thống một bản sao Bản đồ hàng hải do ông Bartolomé Oliva vẽ năm
1562, gọi là bản Urbinate latino 283 của Thư Viện Vaticăng. Thủ bản này có các
trang kích thước 33 trên 23 mm gồm 14 bản đồ hàng hải mầu vẽ trên các mảnh da
thuộc có phẩm chất rất tốt. Tác giả là ông Bartolomé Oliva thuộc một gia đình
chuyên nghề vẽ các bản đồ, hoạt động giữa các năm 1538-1588, nhất là trong tỉnh
Messina. Bản đồ này được vẽ năm 1562 và cho thấy thế giới như được người Âu
châu biết tới hồi thế kỷ XVI. Bộ sưu tập này được Thư Viện Vaticăng mua năm
1657 với các thủ bản khác của thư viện Urbinate.
Lúc
18 giờ ĐTC từ biệt tổng thống để đến Trung Tâm Hội nghị quốc tế BMICH gặp gỡ
giới lãnh đạo các tôn giáo toàn nước Sri Lanka. Trung tâm BMICH đã được xây cất
giữa các năm 1970-1973 như qùa Trung Quốc tặng dân nước Sri Lanka. Ngoài đại
thính đường, khu vực triển lãm, còn có một ngân hàng, một khách sạn, một thư
viện và một học viện nghiên cứu. Năm 2013 hội nghị các nước trong Khối Thịnh
Vượng Chung đã nhóm họp tại đây. Và năm 2014 tới phiên Đại hội giới trẻ quốc
tế.
Tại Sri Lanka Phật giáo chiếm 70%
dân số, Ấn giáo chiếm 12,6%, Hồi giáo chiếm 9,7% và Công giáo chiếm 7,16%.
Cho tới thế kỷ thứ
III trước công nguyên, đa số dân theo Ấn giáo. Các tín hữu Ấn giáo hiện sống
tại miền bắc và miền đông Sri Lanka đa số là người Tamil. Phật giáo nguyên thủy
Theravada đã được truyền bá năm 246 trước công nguyên và vào năm 200 được tuyên
bố là quốc giáo. Từ giữa thế kỷ XIX Phật giáo tái sinh nhờ các phong trào ái
quốc. Hồi giáo được phổ biến cho tới thế kỷ XV nhờ các thương gia A rập kiểm
soát các lộ giao thương trong vùng biển nam Ấn, cho tới khi các thừa sai
Phanxicô và Bồ Đào Nha tới truyền bá Tin Mừng. Truyền thống kể rằng thánh Toma
Tông Đồ đã tới Sri Lanka vào thế kỷ thứ I, sau khi đi ngang qua vùng Kerala và
nam Ấn. Các tài liệu kitô đầu tiên có từ năm 1322, khi tu sĩ Phanxicô Odorico
da Pordenone ghé Sri Lanka vào năm đó, rồi từ năm 1517 khi các tu sĩ Phanxicô
tới truyền giáo tại đây.
**
Trong đại thính đường của Trung tâm có các vị lãnh đạo của các tôn giáo và một
ngàn tín hữu đại diện các công đoàn Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo
tham dự. ĐTC đã được tiếp đón với các bản nhạc truyền thống do dàn hoà nhạc
Hevisi trình tấu. Ngài đã ký tên vào sổ vàng. ĐTC viết “Với lòng biết ơn đối
với cơ may gặp gỡ các vị đại diện các tôn giáo khác nhau hiện diện trên vùng
đất này, tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng linh hứng cho sự cộng tác hài hòa cho
thiện ích của nhân dân Sri Lanka.”
Tiếp
đến Đức Cha Cletus Perera, đặc trách Ủy ban liên tôn của HĐGM Sri Lanka giới
thiệu các vị lãnh đạo và phái đoàn của các tôn giáo. Tiếp theo là bài thánh ca
Pirith của Phật giáo, rồi lời chúc lành Ấn giáo, Hồi giáo, lời cầu đại kết, và
diễn văn chào mừng của Hòa Thượng Vigithasiri Niyangoda Thero, thủ lãnh Phật
Giáo Sri Lanka.
Ngỏ
lời với mọi người ĐTC nói:
Các
bạn thân mến, Tôi biết ơn vì dịp may được tham dự cuộc họp này quy tụ giữa các
tôn giáo, bốn cộng đoàn tôn giáo lớn tạo thành cuộc sống của Sri Lanka là: Phật
giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi xin cám ơn sự hiện diện và tiếp đón
nồng hậu của qúy vị. Tôi cũng xin cám ơn tất cả những ai đã dâng lời cầu nguyện
và chúc lành, và một cách đặc biệt tôi bầy tỏ lòng biết ơn ĐC Cletus
Chandrasiri Perera và Hòa thượng Vigithasiri Niyangoda Thero vì những lời chào
nhãn nhặn của các vị.
Tiếp
đến ĐTC nói ngài đến thăm Sri Lanka theo gót các vị tiền nhiệm Phaolô VI và
Gioan Phaolô II để chứng minh cho tình yêu thương lớn lao và sự lo lắng của
Giáo Hội công giáo đối với dân nước Sri Lanka. Và thật là một ơn có thể thăm
viếng cộng đoàn công giáo địa phương, củng cố nó trong niềm tin nơi Chúa Kitô,
cầu nguyện và chia sẻ các niềm vui và các khổ đau của nó. Đồng thời cũng là một
ơn được gặp gỡ tất cả anh chị em là những người của các truyền thống tôn giáo
lớn cũng chia sẻ với chúng tôi một ước muốn của sự khôn ngoan, của chân lý và
sự thánh thiện. ĐTC đã trích tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng
định rằng Giáo Hội công giáo tôn trọng sâu xa tất cả mọi tôn giáo, vì không phủ
nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó ( Nostra Aetate
2). Và ngài tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội công giáo đối
với các truyền thống và niềm tin của các tôn giáo khác. ĐTC nói: chính trong
tinh thần tôn trọng đó Giáo Hội công giáo muốn cộng tác với qúy vị và với tất
cả những người thiện chí trong việc tìm kiếm sự thịnh vượng cho mọi người dân
Sri Lanka. Tôi hy vọng chuyến viếng thăm của tôi sẽ giúp khích lệ và đào sâu
các hình thức cộng tác liên tôn và đại kết, đã được làm trong các năm mới đây.
Các sáng kiến này đã cống hiến cơ may đối thoại nòng cốt, nếu chúng ta muốn
hiểu biết, thông cảm nhau và tôn trọng nhau. Nhưng kinh nghiệm dậy cho thấy
rằng để cho cuộc đối thoại được hữu hiệu nó cần phải được xây dựng trên việc
trình bầy trọn vẹn và ngay thẳng các xác tín của chúng ta. Chắc chắn cuộc đối
thoại như thế sẽ làm nổi bật lên các khác biệt trong các niềm tin, truyền thống
và thực hành của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta liêm chính trong việc trình bầy
các xác tín của mình, chúng ta sẽ có thể trông thấy rõ ràng hơn những gì chúng
ta có chung với nhau. Các con đường mới sẽ mở ra cho sự qúy trọng, cộng tác với
nhau và cả tình bằng hữu nữa.
**
ĐTC nói tiếp trong bài diễn văn: Các phát triển tích cực trong quan hệ liên tôn
và đại kết có một ý nghĩa đặc biệt và cấp bách tại Sri Lanka. Vì trong qúa
nhiều năm người dân nước này đã là nạn nhân của nội chiến và bạo lực. Điều cần
thiết hiện nay là việc chữa lành và sự hiệp nhất chứ không phải là các xung đột
hay các chia rẽ mới. Chắc chắn việc thăng tiến chữa lành và hiệp nhất là một
dấn thân cao quý, bổn phận của tất cả những ai quan tâm đến thiện ích của Quốc
gia và toàn gia đình nhân loại. Tôi hy vọng rằng sư cộng tác liên tôn và đại
kết sẽ chứng minh rằng để sống trong hòa hợp với các anh chị em mình người ta
không được quên căn tính chủng tộc hay tôn giáo của mình.
Có
biết bao nhiêu kiểu để tín đồ các tôn giáo khác nhau thực hiện việc phục vụ
này! Có biết bao nhiêu nhu cầu cần đáp ứng với dầu thoa dịu của tình liên đới!
Tôi đặc biệt nghĩ tới các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, người
bần cùng, của những ai âu lo chờ đợi một lời an ủi và trao ban hy vọng. Ở đây
tôi nghĩ tới nhiều gia đình tiếp tục khóc than các người thân đã chết.
Nhất
là trong lúc này của lịch sử quốc gia anh chị em, có biết bao nhiêu người thiện
chí kiếm tìm tái thiết các nền tảng luân lý của toàn xã hội! Ước chi tinh thần
cộng tác gia tăng giữa các vị lãnh đạo của các cộng đoàn tôn giáo khác nhau tìm
ra sự diễn tả trong một dấn thân đặt để sự hòa giải giữa mọi ngươi dân Sri
Lanka vào trong mọi cố gắng canh tân xã hội và các cơ cấu của nó. Vì thiện ích
của hòa bình không thể cho phép các niềm tin tôn giáo bị lạm dụng cho lý do của
bạo lực hay chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và không mập mờ trong việc mời
gọi các cộng đoàn của chúng ta sống trọn vẹn các điều luật của hòa bình và tố
cáo các hành động bạo lực khi chúng bị vi phạm.
Các
bạn thân mến, tôi xin cám ơn sự tiếp đón nồng hậu và sự chú ý của các bạn. Ước
chi cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố chúng ta tất cả trong nỗ lực sống trong
hòa hợp và phổ biến các phúc lành của hòa bình.
**
ĐHY Ranjith đã cùng ĐC Perera dẫn ĐTC tới chào và bắt tay hai vị đại lão Hòa
Thượng. Sau khi chào tạm biệt mọi người lúc sau 19 giờ ĐTC đã lên xe trở về Tòa
Sứ Thần cách đó 2 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ nhất viếng thăm Sri
Lanka.
Báo
chí Sri Lanka đã hết lời ca ngợi ĐTC Phanxicô như là “vị lãnh đạo và là người
hầu hạ” cúi xuống rửa chân cho người nghèo. Ngoài các bài tường thuật, thông
tin tức và giải thích cho người dân Sri Lanka biết ĐTC là ai, nhiệm vụ của ngài
là gì, ảnh hưởng của ngài ra sao, các báo còn in rất nhiều bích chương với hình
của ĐTC và các lời chú thích.
Linh
Tiến Khải