Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 2 MÙA CHAY

Nhờ đức tin soi dẫn trên đường, chúng ta đã khám phá thấy rằng cuộc sống nầỵ có thể dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Nhưng thỉnh thoảng, các khó khăn chồng chất khiến chúng ta thất vọng và tự hỏi đâu là ý nghĩa của cuộc lữ hành nầy. Thế rồi một tia sáng lóe lên dẫn đường, và giúp chúng ta lấy lại can đảm. Chúa Giê su  tỏ cho thấy rằng Ngài là Ánh sáng cho các môn đệ trong bóng tối hồ nghi.

Sách Sáng Thể kí 15, 5-12.17-18

Kể lại ơn gọi Abraham là một cách soi sáng cho ơn gọi của tòan thể Dân Chúa. Vâng lời Thiên Chúa, Abraham đã đi đến thành công. Đối với một người du mục như ông, thành đạt trước tiên là một đồng cỏ tốt cho đàn súc vật; rồi kế đến là một cuộc sống được bảo đảm bởi một dòng dõi đông đúc, vì vào lúc đó, người ta chưa biết gì về sự Sống lại.

Thánh vịnh 26

Đứng trước những cuộc chiến đấu đòi phải dấn thân, người tín hữu tự cảm thấy đầy tin tưởng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ánh sáng và ơn Cứu độ, Người ban sức mạnh và bảo đảm an ninh. Lòng tin tưởng ấy đem lại niềm hi vọng được nhìn thấy đích đến của con đường.

Thư gửi tín hữu Phi líp phê 3, 17-4,1

Viết cho Cộng đoàn thân yêu của mình, thánh Phao lô đang khi bị giam trong tù nói lên nỗi buồn của mình khi thấy có những người từ chối thăng tiến. Họ không thực sự hướng về Thiên Chúa; họ để cho các bản năng tự nhiên hướng dẫn. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là cuộc sống mới, quà tặng của Chúa. Ngài mong ước họ đừng bao giờ quên rằng họ là công dân Nước Trời từ lúc họ chịu Phép Rửa. Ngài ước mong sao họ đứng vững vượt qua mọi trở ngại.

Tin mừng Lc 9, 28-36

NGỮ CẢNH

Cảnh tượng biến hình tiếp theo sau cuộc tuyên xưng đức tin của Phê rô và lời loan báo Khổ nạn là biến cố cuối cùng của thời gian hoạt động tại Galilê (3,1-9,50). Các môn đệ vẫn còn chưa hết sửng sốt vì những lời tuyên bố của Chúa Giê su, giờ được dự kiến cuộc biến hình để khám phá ra vinh quang và căn tính của Chúa Giê su: Người là Con và Lời của Thiên Chúa.

Có thể đọc theo bố cục sau đây:

1. Chúa Giê su tỏ hiện vinh quang, ông Môi sê và Elia xuất hiện bàn bạc với Người về cuộc xuất hành (9,28-32)

2. Các môn đệ ẩn khuất vào đám mây và nghe tiếng Thiên Chúa phán, rồi không còn trông thấy ai khác nữa ngoài Chúa Giê su (9,33-36).

TÌM HIỂU

Phêrô: thuộc vào số ba môn đệ được Chúa Giê su ưu ái đặc biệt, cho chứng kiến sự phục sinh con gái ông Giairô (8,51), mẻ cá lạ lùng (5,1-11), cuộc biến hình (9,28). Nhưng họ không được nhắc đến trong cơn hấp hối ở vườn cây dầu như trong Mt và Mc.

Cầu nguyện: như ở 9, 18, Luca là tác giả tin mừng duy nhất nói đến việc Chúa Giê su cầu nguyện ở đây. Do vậy, cuộc tỏ hiện tiếp sau là lời đáp trả của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện nầy. Khi người công chính cầu nguyện, thì Thiên Chúa trả lời rằng Người ở với ông trong cơn thử thách và muốn tôn vinh ông (Tv 9,14-16).

Dung mạo Ngài: sự biến đổi trên khuôn mặt và màu áo trắng của Ngài là dấu chỉ ngoại diện của vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giê su (9,32). Đây là một diễn biến cho thấy trước vinh quang phục sinh của đấng vừa loan báo rằng ngày thứ ba sẽ sống lại. Nét phác họa về mầu nhiệm của Ngài sẽ được làm rõ trong lời phán của Thiên Chúa (9,35). Lời hứa được thấy nước Thiên Chúa của Chúa Giê su đã được thể hiện lần đầu chăng ? (9,27)

Hai nhân vật: vào buổi sáng Phục sinh, hai thiên thần hiện ra với các bà (24,4). Cần phải có hai nhân chứng để bảo đảm cho sự xác thật của sự kiện (Đnl 19,15). Hai nhân vật nầy đại diện cho Lề Luật và các Tiên Tri (24,27.44). Ông Êlia đã được nhắc tới (9,3.19). Ông Mô sê đứng sau hậu cảnh phép lạ hoá bánh ra nhiều, gợi nhớ lại manna trong sa mạc. Cả hai đã cùng lên núi để cầu nguyện và tìm kiếm Thiên Chúa. Cả hai được liên kết với vinh quang của Thiên Chúa. Ông Mô sê có gương mặt toả hào quang khi xuống núi Sinai, là nơi mà Thiên Chúa đã nói chuyện với ông (Xh 34,29-35). Còn ông Êlia đã rời trần gian trên một chiếc xe vinh quang (2V2,11-12).

Cuộc xuất hành: hai nhân vật trên đại diện cho Cựu Ước và nói chuyện với Chúa Giê su như những nhân chứng giúp Người hiểu ý nghĩa cuộc Khổ nạn tương lai.

Ngủ mê mệt: như trong trình thuật hấp hối (22,34), Luca cố ý qui lỗi cho các môn đệ. Nhưng giấc ngủ nầy đối ngược với tình trạng tỉnh thức của Chúa Giê su trong khi cầu nguyện.

Lều: sau cuộc thần hiển trên núi Sinai, ông Môsê dựng một nơi ở cho Thiên Chúa và căn lều hội ngộ: «Đám mây bao phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm» (Xh 40,34).

Một đám mây: thêm một cách tỏ hiện nữa của sự hiện diện của Thiên Chúa: mây vừa che khuất vừa mạc khải Thiên Chúa.

Thấy mình vào trong đám mây: chỉ có Luca nói rằng các môn đệ đi vào trong đám mây. Lúc nãy Chúa Giê su cùng với ông Môsê và Êlia trong vinh quang, giờ thì Ngài ở trong đám mây với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Điều ấy có nghĩa là các ông cùng với Chúa Giê su vinh quang thuộc về cùng một cộng đoàn sự sống và vận mệnh: nếu họ nghe lời khi Người nói với họ về thập giá, thì họ sẽ cùng được chia sẻ vinh quang với Người (Ga 17, 10; 2Cr 3,18). Họ sợ hãi (x.5,9) cũng như tất cả mọi người tiếp xúc với thế giới thần linh (Is 6,1-5).

Có tiếng phán: tiếng nói không ngỏ với Chúa Giê su nhưng với các môn đệ. Ngang qua lời nầy, các môn đệ khám phá ra một khía cạnh mới của Chúa Giê su và cùng lúc sự quan trọng trong việc tin tưởng vào Người.

Con Ta: kiểu nói trích từ Isaia, nói về Israel, tôi tớ của Đức Chúa (Is 41,9). Phê rô đã tuyên bố Chúa Giê su là Đấng Messia (Ki tô); Thiên Chúa gọi Ngài là Con như đã loan báo cho Đức Maria (1,32-35). Tước hiệu nầy sẽ được Hội Thánh sơ khai hiểu là Con đồng bản tính với Chúa Cha.

Hãy vâng nghe lời Người !: đây là điểm nhấn của trình thuật. Chúa Giê su đã đưa ra các điều kiện để đi theo Ngài (9,23-26), nhất là trong viễn cảnh cuộc Khổ Nạn (9,22) có thể khiến cho các Môn đệ do dự. Vì thế Thiên Chúa Cha ban cho họ một chỗ tựa khi khuyên họ phải nghe Lời Chúa Giê su.

Một mình Chúa Giê su: Ông Mô sê và ông Êlia đã biến mất sau khi đã làm chứng cho Chúa Giê su. Cựu Ước đã hoàn thành sứ mạng là chuẩn bị và loan báo đấng Messia. Giờ thì Chúa Giê su ở lại, và các môn đệ phải theo Ngài cho đến cùng. Nhưng trước tiên, họ phải thanh luyện quan niệm về đấng Messia.

Không kể lại cho ai biết gì cả: khác với 9,21 và Mt, Mc, các môn đệ không nhận được lệnh cấm nói. Mà làm sao có thể chia sẻ một kinh nghiệm như thế ? Đàng khác cũng chưa phải lúc, vì các ông cần phải hiểu rằng cảnh biến hình trên núi là diễn biến trước sự Phục sinh và đi vào vinh quang của Chúa Giê su.

SỨ ĐIỆP

Hằng năm, bài tin mừng chủ nhật thứ hai mùa Chay cho chúng ta nghe lại câu chuyện về Chúa Giê su biến hình. Bấy giờ, Chúa Giê su rút lên núi để cầu nguyện. Trong Thánh kinh, núi là một nơi cao mà Thiên Chúa thường tỏ mình ra để trao cho con người một sứ điệp quan trọng. Thường chúng ta nghĩ đến núi Si nai và nhất là núi Can vê. Hôm nay, Chúa Giê su dẫn ba môn đệ của mình lên núi Ta bo rê. Ngài đang cầu nguyện thì bất ngờ, hào quang rạng chiếu. Kinh nguyện của Ngài khẩn thiết đến nỗi ánh sáng tỏa rạng trên khuôn mặt và y phục của Ngài.

Ông Môi sê và ông Ê lia, hai người của núi cao xuất hiện. Các ngài là những chứng nhân cho Giao Ước cũ. Chính các ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa. Ông Môi sê được Thiên Chúa cho gặp trên núi Si nai, trong tiếng gầm thét và cuồng nộ của bão táp. Còn ông Êlia thì được thấy thánh nhan của Người trên núi Hô rép, trong tiếng gió nhẹ thoảng qua. Cả hai đều nghe Chúa nói. Lần nầy, trên núi Ta bo rê, các ngài lại xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giê su về cuộc ra đi sắp tới của Ngài, biến cố bao gồm cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Đó là trọng tâm lời cầu nguyện của Đức Ki tô.

Luca là tác giả duy nhất ghi chú rằng biến cố biến hình đã diễn ra trong khi Chúa Giê su cầu nguyện. Các môn đệ là chứng nhân ưu tiên cho cuộc giao tiếp thân mật giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Thân mật đến nỗi những kẻ chung quanh Ngài cũng đều được chiêm ngưỡng. “Kinh nguyện nhiều khi khiến khuôn mặt các Thánh bừng sáng lên” (Cha Lagrange). Mong sao lời cầu nguyện biến đổi chúng ta! Mong sao những giây phúc chia sẻ và chiêm ngắm trước nhan Chúa có thể biến đổi chúng ta! Điều ấy rất đáng suy nghĩ, đặc biệt trong thời gian mùa Chay nầy.

Quả thật, có nhiều khi Chúa cho chúng ta nhận ra những giây phút dạt dào ân sủng và soi sáng ấy trong lời kinh của chúng ta. Lời cầu nguyện là lực nâng tâm hồn chúng ta lên, đem lại chúng ta được nghị lực và niềm vui để đối đầu với những thử thách trong cuộc sống. Thánh Inhaxiô gọi niềm vui là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong khi sự buồn thảm và thất vọng là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Satan.

Nhưng có một nguy cơ tiềm ẩn là muốn lưu lại trong cảm giác hạnh phúc thiêng liêng ấy. Trên núi, ông Phê rô cảm thấy hân hoan đến nỗi ông muốn dựng ba lều, một cho Chúa Giê su, một cho ông Môi sê, và một cho ông Êlia, mà chẳng quan tâm gì đến những người khác. Và để tránh cho chúng ta những cám dỗ tương tự mà Chúa Giê su chỉ thỉnh thoảng cho phép vài giây phút biến hình ấy trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Kinh nguyện đích thực phải dẫn chúng ta trở xuống núi để bước đi trong cái đơn điệu thiêng liêng của cuộc sống hằng ngày.

Điều cần phải hiểu rõ là lời cầu nguyện trước tiên không phải là của chúng ta. nhưng chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Đó chính là sự trút bỏ chính mình để tạo không gian cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta cầu nguyện rất tha thiết, nhưng cũng có khi ánh sáng vụt tắt. Khi gặp những giây phút ấy, chúng ta đừng thất vọng, vì Chúa Giê su luôn hiện diện. Cũng như các môn đệ, lúc nào chúng ta cũng có thể xin Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện. Và Ngài sẽ nhắc lại: “Hãy cầu nguyện: Lạy Cha chúng con…” Như thế là đủ, tức là để cho tiếng nói yêu thương trìu mến ấy từ đáy tâm hồn chúng ta dâng lên Cha không ngừng yêu mến chúng ta.

Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta được mời gọi thay đổi tâm hồn chúng ta để trở về với Đức Ki tô là Ánh sáng trần gian. Lời cầu nguyện là một trong những con đường cho phép chúng ta đến gần Ngài. Dù không phải lúc nào cũng giống nhau, Lời Thiên Chúa Cha luôn luôn nhắc cho chúng ta phải lắng nghe Con chí ái và đi theo Ngài cho đến cùng. Lời cầu nguyện cho phép chúng ta hiểu rõ hơn chương trình của Thiên Chúa để biến thành chương trình của chúng ta. Nó giúp chúng ta thay đổi cách nhìn trên những con người và sự vật để có cái nhìn của Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi một cố gắng. Cả ba môn đệ muốn thiếp đi vì mệt mõi, cũng như sau nầy khi Chúa Giê su cầu nguyện trên núi Cây dầu trước cuộc khổ nạn. Cuộc cám dỗ tương tự cũng đang rình rập tất cả chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của chúng ta trống rỗng thì không phải là tại Thiên Chúa không hiện diện, mà chính là chúng ta không hiện diện trước nhan Người. Chúng ta dễ có khuynh hương ngủ quên và sống mùa Chay nầy như những ngày khác trong năm.

Bởi thế, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giê su không chỉ cầu nguyện trong ánh quang núi Ta bo rê, mà còn trong bóng tối của vườn Giết sê ma ni và trên thập giá. Trong những lúc buồn khổ, nhiều khi chúng ta muốn gào thét lên nỗi sợ hãi của chúng ta với Chúa Giê su trên thập giá. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ gợi lên trong chúng ta tâm tình phó thác cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta gặp Thiên Chúa trong Lời và Thánh Thể của Người. Đó là thời gian chúng ta ở gần Người và các anh em của chúng ta, và có thể coi như là thời khắc biến hình. Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta hãy để cho Đức Ki tô soi sáng để cái nhìn và diện mạo của chúng ta nói lên một điều gì đó về tình yêu của Thiên Chúa.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT THỨ NHẤT MÙA CHAY - Paul. Nguyễn Văn Đông
     CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY - HÃY CHỌN CHÚA - Jos. Tạ Duy Tuyền
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY - thứ tư, năm, sáu, bảy sau lễ tro - Jos. Tạ Duy Tuyền
     THỨ TƯ LỄ TRO NĂM C - LỖI TẠI TÔI - Lm. HK
     THỨ TƯ LỄ TRO NĂM C - HÃY THAY ĐỔI CÁCH HÀNH ĐỘNG - Jos. Tạ Duy Tuyền
     THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM C- LỄ LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ RÔ- Lm. Giuse Nguyễn Đức Thắng