Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CÁM DỖ

 

ThuongNien18.jpgTrong tác phẩm “Chạy Trốn” của Cha Anthony de Mello dòng Tên, ngài đã lược thuật một câu chuyện sau:

Khi quỷ trông thấy một người bước vào nhà Thầy, nó quyết làm mọi chuyện trong khả năng nó để ngăn cản không cho người ấy tìm thấy Sự Thật.

Vì thế, quỷ đẩy kẻ tội nghiệp ấy vào mọi thứ cám dỗ: tiền của, dục vọng, danh tiếng, quyền lực, uy tín…Nhưng kẻ tầm sư học đạo này vốn rất dày dạn kinh nghiệm tu đức. Anh đã vượt thắng các cơm cám dỗ ấy một cách dễ dàng. Anh nhiệt tình khao khát linh đạo.

Khi anh đến trước mặt Thầy, anh bỗng giật mình nhận thấy Thầy đang ngồi trên một chiếc ghế bành bọc nệm, các đệ tử thì vây quanh dưới chân Thầy. Anh tự nhủ: “Con người này chắc hẳn thiếu đức khiêm nhường, một nhân đức căn bản của các thánh.”

Thế rồi anh quan sát thêm những thứ khác nơi Thầy mà anh không thích: Thứ nhất, Thầy có vẻ không chú ý đến sự hiện diện của anh và anh nghĩ: “Chắc bởi vì mình không tỏ ra tâng bốc Thầy như đám đệ tử kia”; Thứ hai, anh không thích lối ăn mặc và kiểu cách nói có vẻ trịnh thượng của Thầy. Cuối cùng, anh ta kết luận rằng mình đã gõ nhầm cửa, tốt hơn hết mình nên đi tìm một vị Thầy khác.

Thầy quan sát và thấy con quỷ ngồi nép trong góc phòng. Khi anh lui bước quay đi. Thầy nói: “Hỡi tên cám dỗ! Ngươi cứ yên tâm. Ngươi biết rõ là anh chàng ấy đã thuộc về ngươi ngay từ đầu.”

Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đã vượt qua những cám dỗ như: tiền của, dục vọng, danh tiếng, quyền lực, uy tín…nhưng cuối cùng anh bị ngã quỵ bởi cái tôi của mình. Trong lịch sử Kinh Thánh đã cho ta thấy những thất bại của kiếp người trước những cám dỗ của quyền lực sự dữ. Trước tiên là sự thất bại của ông Adong và bà Eva dưới cây “ biết điều thiện, điều ác”, với lời lẽ ngọt ngào như rót vào tai của con rắn (hình bóng của sự dữ) ông Adong và bà Eva đã bị ngã quỵ qua việc hái và cùng nhau ăn trái cấm để mong được khôn ngoan bằng Thiên Chúa; kế đến là sự thất bại của Samson, vua Đavít trước sự cám dỗ về sắc dục, một Giuđa Ítcariốt thất bại nặng nề trước cám dỗ của quyền và tiền, điều dẫn đến việc bán đứng Thầy của mình chỉ với 30 đồng bạc…Những hình ảnh trên cũng là hình ảnh của ta trên con đường đi tìm sự thật, con đường đi theo tiếng gọi mời của Đức Kitô.

Vâng! Đã mang thân phận kiếp người, không ít thì nhiều ta đều bị cám dỗ. Giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác luôn là những cuộc giao tranh một cách khốc liệt, quyền lực sự dữ luôn tìm cách lôi kéo và cám dỗ con người nhân loại theo phe của chúng để đối nghịch lại với Thiên Chúa là “Ánh Sáng”, là “Chân, Thiện, Mỹ”, bằng những mánh khóe rất tinh vi và cũng rất ngọt ngào, đôi khi sự cám dỗ mang hình bóng của lòng tốt và lòng đạo đức, lắm khi rất “logic” theo cách suy nghĩ và hành động của ta. Trong cuộc đời sứ vụ, thánh Phaolô đã cảm nhận ra điều này khi ngài viết thư gửi cho giáo đoàn Côrintô: “Sa tan cũng sáng láng như một thiên thần” (2Cr.11,14), và ngài còn nhắc nhở: “ Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao…” (Ep.6,12).

Sự cám dỗ không loại trừ một ai, dù là bậc chân tu hay một chỉ là người bình thường; từ người cao tuổi cho tới những người trẻ… Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật Thứ I Mùa Chay, thánh sử Mátthêu giới thiệu cho ta sự kiện Đức Kitô bị quyền lực sự dữ cám dỗ sau những ngày Ngài sống trong chay tịnh và cầu nguyện. Kinh Thánh trình thuật: “ Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói” (Mt.4,1-2). Đức Kitô không chỉ chịu cám dỗ một lần, nhưng đến ba lần trong cùng một thời điểm, mỗi lần mỗi cách và cấp độ ngày càng cao và tinh vi hơn. Giờ ta lược lại sự kiện Đức Kitô bị cám dỗ và thắng vượt cám dỗ, từ đó ta cũng rút ra bài học cho chính mình trên bước đường của cuộc sống lữ hành.

Thứ 1:  Sự cám dỗ về những nhu cầu của con người. “ Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người mà nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt.4,2-3).

 Chính đáng quá đi chứ! Khi người ta đói, bằng mọi cách người ta tìm cho mình của ăn là lẽ thường tình! Câu cửa miệng người đời thường nói: “Có thực mới vực được đạo”, sự dữ lợi dụng thời cơ rất khéo để cám dỗ Đức Kitô và nó cũng hàm ý: “Ông phải ăn đi chứ, ăn rồi mới có sức mà thi hành sứ vụ, hơn nữa, Ông là Con Thiên Chúa mà, hãy tỏ hiện quyền năng của mình để giải quyết nhu cầu cấp thời..!”. Nhưng, sự dữ đã thất bại khi Đức Kitô phán với chúng: “ Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt.4,4).

Chuyện “Cơm, áo, gạo, tiền….và những nhu cầu của thể xác là những điều chính đáng mà Thiên Chúa ban tặng cho ta, giúp ta duy trì sự sống, sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc…Nhưng, nếu ta xem những nhu cầu đó là số một trong cuộc sống, ta coi trọng việc đáp ứng những nhu cầu của thể xác như ăn uống, giải trí, vui chơi, hưởng lạc…hơn việc thờ phượng, kính mến Chúa và ta biện minh cho việc đó bằng ngôn ngữ: “Có thực mới vực được đạo”, ta dễ dàng bị ngã quỵ trước những mánh khóe của sự dữ và trở thành nô lệ cho chúng. Đức Kitô đã trải qua sự cám dỗ về nhu cầu của cuộc sống và Ngài đã vượt thắng. Qua sự vượt thắng cám dỗ, Ngài để lại cho ta một bài học rằng nhu cầu cho đời sống là điều cần thiết, nhưng Lời Chúa còn cần thiết hơn và Ngài cũng để lại cho ta kinh nghiệm vượt thắng cám dỗ. Đó là cầu nguyện và thấm nhập Lời của Thiên Chúa.

Thứ 2: Sự cám dỗ về quyền lực siêu nhiên. “Sau đó, quỷ đem người đến thành thánh, và đặt người trên nóc đền thờ, rồi nói với người: Nếu ông là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt.4,5-6).

Chà! Nơi đền thờ kẻ ra người vào tấp nập, đây là nơi thuận lợi cho việc khởi đầu rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô. Việc gieo mình từ nóc cao đền thờ xuống thì thật tuyệt vời. Trước tiên, mọi người sẽ thấy được quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi mình; kế đến, đây là phép lạ, là một chứng từ sống động, chỉ một việc nhỏ đó thôi cũng đủ lôi kéo vạn, vạn người tin và đi theo mình. Điều này có hiệu quả hơn những bài giảng thuyết, bài giáo lý, vượt xa các bậc tiền bối trong vai trò Ngôn Sứ, Tiên Tri xưa. Sự cám dỗ này xem ra có lợi cho chương trình của Thiên Chúa qua cuộc đời và sứ vụ của Đức Kitô, vì sẽ quy tụ được rất nhiều người, nhất là những người chạy theo dấu lạ. Nhưng, một lần nữa sự dữ thất bại khi Đức Kitô phán: “ Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt.4, 7).

Những công việc đạo đức như: cầu nguyện, xin ơn chữa lành cho mình và cho mọi người là điều chính đáng với thân phận yếu đuối của con người, và đây cũng là những việc làm rất đẹp lòng Chúa. Thế nhưng,  trong việc cầu nguyện của ta đôi khi kèm theo sự mặc cả như: “ Nếu Chúa ban cho con hoặc cho người này, ơn nọ, ơn kia… con hứa sẽ làm điều nọ, điều kia…!” Hoặc giả ta là người có trách nhiệm giúp mọi người, cùng với mọi người sống đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện, ta lạm dụng năng quyền qua việc đặt tay chữa lành, lạm dụng những chứng từ về các ơn lành thể lý, những dấu lạ, điềm thiêng. Tuy những điều đó phần nào giúp ta và mọi người trưởng thành trong đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện. Nhưng, coi chừng ta đang rơi vào điều mà sự dữ khi xưa đã cám dỗ Đức Kitô. Để rồi ta thực hiện công việc tuy đạo đức đó, tuy lành thánh đó, nhưng không đi theo con đường của Đức Kitô là làm sáng danh Thiên Chúa qua đời sống xin vâng và khiêm nhường. Ngược lại, ta làm tất cả để sáng danh ta và tập thể đi theo ta. Thánh Tôma Aquinô đã từng nói: “ Không phải tất cả các công việc đạo đức đều khởi đi từ lòng yêu mến Chúa!”

Thứ 3: Sự cám dỗ về danh vọng và lợi lộc thế gian. “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ ấy, nếu ông bái lạy tôi” (Mt.4,8-9).

 Một Đấng Mêsia mà muôn dân mong đợi từ ngàn xưa, giờ có trong tay tất cả vinh hoa, phú quý, đền đài, dinh thự, binh hùng, tướng giỏi thì còn gì bằng, mọi người sẽ cúi rạp và răm rắp tuân theo những mệnh lệnh, những huấn dụ…! Một chiêu thức rất thực tế và cũng rất ngọt ngào mà sự dữ vạch ra để cám dỗ Đức Kitô. Chẳng cần phải tốn công sức, tính toán, thời gian, chỉ với một động tác bái lạy chúng thì tất cả những vinh hoa phú quý của thế gian sẽ tức khắc thuộc quyền sở hữu. Nhưng, một lần nữa sự dữ lại thất bại và thất bại nặng nề trước sự quyết đoán và giận dữ của Đức Kitô khi Ngài phán: “Xa tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình người mà thôi ” (Mt.4, 10).

Tiền, quyền, danh vọng… vốn là ước mơ của đời người, chỉ có những người thực sự tận hiến cho Chúa và được tràn đầy ân sủng của Ngài như các thánh, hoặc những người “không bình thường” mới không màng tưởng đến những danh vọng, quyền và tiền nơi thế gian. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Miệng nhà quan có gang có thép”, hoặc “ Có tiền mua tiên cũng được”. Tất cả mọi công việc kiến tạo, sinh hoạt từ việc nhà đạo cho tới việc đời, việc nhà… đều nằm dưới sự chi phối của đồng tiền, dù ta có tài giỏi mấy đi chăng nữa mà không tiền thì cũng rơi vào hoàn cảnh “ cái khó bó cái khôn”. Trong mối tương quan, công việc từ nhà đạo cho đến đời nếu ta có chút quyền lực vẫn hơn, điều đem đến cho lời nói của ta có trọng lượng khi hội họp, khi giao tế; được trọng vọng, ngồi hàng danh dự, ngồi chung với các bậc vị vọng mỗi khi yến tiệc…Hơn nữa khi ta có tiền, có quyền, ta dễ dàng lôi kéo mọi người đồng thuận , ủng hộ ta trong mọi lĩnh vực….

Hằng ngày quanh ta, nhiều gia đình tan nát, nhiều cộng đoàn chia rẽ, nhiều sinh mạng bị tước đoạt, thương tật, nhiều thai nhi bị phế bỏ, rất nhiều trẻ em và người già bị bỏ rơi, tồi tệ nhất là nhiều người lung lạc và chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa…Tất cả những điều đó đều khởi đi từ sự ngã quỵ của con người trước cám dỗ của tiền, quyền và danh vọng. Đây là những cám dỗ lớn nhất của đời người, chính vì sự cám dỗ lớn lao ấy mà sự dữ đưa ra chiêu thức phải bái lạy chúng, khi đã bái lạy chúng để đạt được tất cả, thì lẽ tất nhiên sự dữ sẽ là vị thần. Một khi thần dữ ngự trị thì những bất nhân, tàn ác, vô lương tâm, phi đạo đức, nhân bản lan tràn và phát triển theo cấp số nhân. Đức Kitô đã trải qua những cám dỗ ấy, nhưng Ngài đã lướt thắng một cách mạnh mẽ và Ngài vạch trần bộ mặt gian xảo của sự dữ, đồng thời Ngài nhấn mạnh chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng mà toàn thể nhân loại và ngay cả quyền lực sự dữ phải tôn thờ và bái lạ.

Có thể nói cám dỗ và sự cám dỗ là những “mũi đạn, làn tên” luôn trong tư thế sẵn sàng của sự dữ hòng tấn công những ai trên đường đi tìm chân lý, tìm sự thật nơi Thiên Chúa. Có phải chăng cám dỗ và sự cám dỗ là lò tôi luyện ý chí, lòng trung thành, sự kiên tâm chịu thử thách của tất cả những ai lắng nghe và cất bước theo tiếng gọi của Đức Kitô? Có lẽ là thế, vì ngay như Đức Kitô, trước khi bước vào đường sứ vụ Ngài đã chấp nhận chịu cám dỗ “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu cám dỗ (Mt.4,1), để trở thành tấm gương cho nhân loại, nhất là bài học nhận ra sự cám dỗ và lướt thắng cám dỗ.

Vâng! Cám dỗ và sự cám dỗ xảy ra với ta là điều tất yếu, khi sự cám dỗ đến, nếu ta nhận ra và lướt thắng, đó là ta đang đi theo con đường mà Đức Kitô đã đi qua. Chỉ e rằng ta không nhận ra sự cám dỗ đang hoành hành nơi ta qua những công việc, hành động mang tính cách đạo đức, bác ái…Như chàng thanh niên đi tìm sự thật, tìm chân lý, anh đã không nhận ra sự cám dỗ đánh vào cái tôi của mình, và hệ quả là lui gót, là bỏ cuộc..!

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã chấp nhận đi vào hoang địa trong chay tịnh và cầu nguyện, nhất là chấp nhận sự cám dỗ, nhưng Chúa đã chiến thắng để nên gương cho con. Con xin cảm tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa! Bước vào đầu mùa chay này, xin Chúa giúp và dẫn con bước vào hoang địa để con được cùng với Chúa và nhờ sức Chúa sống đời cầu nguyện, chay tịnh. Nhờ đó mà con mới có thể nhận ra được những cám dỗ ngọt ngào và tinh vi mà sự dữ luôn chèo kéo, tấn công con qua mọi hình thức, nhờ ơn Chúa giúp con mới dễ dàng lướt thắng cám dỗ trên con đường khập khiễng bước theo Chúa là lẽ sống của đời con Amen.

Sài Gòn ngày 12/03/2011

An tôn Lương Văn Liêm

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A-LÀM NGƯỜI LÀ CHỌN LỰA. Lm HK
     CHÚA NHẬT I MÙA CHAY-NHẬN DIỆN XẢO KẾ CỦA THẦN DỮ. Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
     THỨ NĂM SAU LỄ TRO
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A- Chiến thắng cám dỗ. lm Jos Tạ Duy Tuyền
     LỖI TẠI TÔI. Lm H.K
     Suy niệm TM: Lc 5,27-32. Suy niệm TM: Lc 5,27-32
     SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY ĐÍCH THỰC. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH- TÌNH YÊU VƯỢT TRÊN SỰ CHẾT- Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan O.P
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH-BA CÁCH ĐÓN NHẬN CÁI CHẾT KHÁC NHAU- Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH- YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ NHƯ CHÚA KI TÔ- Lm. Phanxico savie Nguyễn Xuân Huy