LÀM NGƯỜI LÀ CHỌN LỰA
Khi còn là Tổng giám mục Đại diện Tông toà ở Bulgari, ĐGH Gioan 23 đã nhận được một bức thư toàn những lời thoá mạ, chê bai, trì trích do một linh mục gửi cho ngài. Ngài đã giữ kỹ bức thư đó mãi về sau, cả trong thời gian làm Giáo hoàng (1958-1963).
Khi vị linh mục đó đến yết kiến ngài ở La mã sau này, ngài đã đưa cho linh mục ấy xem lại bức thư thoá mạ đó với những lời âu yếm: “Cha cảm ơn con, cha cũng là người thì cũng yếu đuối. Cha để bức thư của con vào cuốn Thánh Kinh, để khi có dịp, cha đọc lại mà xét mình hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, và xa lánh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần cha đọc thư này, cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con …”
Mỗi người sinh ra đời không hề được hỏi ý kiến, và rồi cũng sẽ từ giã cuộc đời như một định luật mà chẳng ai được từ chối. Phần còn lại của đời người thì lúc đói, lúc khát, khi lạnh, khi nóng, lại thêm mấy chữ hỉ, nộ, ái, ố, … luôn ràng buộc lôi kéo. Phải chăng cả đời người phải chịu lệ thuộc vào những qui luật tâm sinh lý, không có chỗ cho sự lựa chọn?
Không có lựa chọn thì làm sao có tự do?
Cách hành xử và lời nói của ĐGH Gioan XXIII trong câu chuyện trên cho thấy người ta tuy có phần chịu sự ràng buộc bởi các qui luật tâm sinh lý, nhưng vẫn hoàn toàn có thể và phải vươn lên đạt đến một sự tự do khi chọn lựa cái tốt.
Đúng thế, để thực sự trở nên hình ảnh của Chúa, mỗi người cần có sự tự do. Mà làm sao có tự do nếu không có quyền chọn lựa? Vì thế, cây trái cấm Chúa đặt ở giữa vườn địa đàng không phải là một sự dữ mà là một cơ hội để con người hoàn tất công trình sáng tạo kỳ diệu của Chúa; và đặc điểm của Đấng Cứu thế, Ađam mới, là bỏ điều xấu mà chọn điều tốt: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt. Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang” (Is 7,14-16).
Một cách nào đó, có thể nói là công trình tạo dựng con người của Thiên Chúa đang hoàn tất, vườn Êđen thuở ban đầu cũng chính là thế giới hôm nay, nơi con người được đặt vào để chọn lựa, và mỗi người được cái vinh dự cộng tác với Chúa để hoàn thành chính mình, như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu độ con lại cần đến con”.
Ađam và Eva đã tưởng mình khôn ngoan, tưởng mình sẽ là mình hơn khi đi ngược thánh ý Chúa mà làm theo ý mình, nhưng chính khi làm như vậy họ mới nhận ra là mình đã đánh mất điều cao quí nhất là ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Chúa: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng” (St 3,7).
Chối bỏ Chúa họ thấy mình trần truồng, vì nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa thì đâu là giá trị của một đời người, đâu là sự khác biệt giữa con người và con vật?
Tình yêu Chúa đã khởi sự cho công trình sáng tạo kỳ diệu, lại tiếp tục với một công trình cứu độ bội phần kỳ diệu hơn: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)
Cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ không có gì khác hơn là lập lại trong chính mình những chọn lựa của Đức Kitô khi bắt đầu công trình cứu độ, là
qui hướng cả đời mình về Chúa, là sống theo ý Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”,
tin vào Chúa: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”,
tôn thờ Chúa: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Thời Trung cổ, có một Kitô hữu hành hương đến một ngôi nhà thờ được xem là cổ kính nhất nước. Sau vài ngày đường, ông đến một vùng núi đá nắng cháy khô cằn, hiểm trở, và thấy mấy người thợ đục đá.
Ông đến gần một người thợ và động lòng thương cảm khi thấy những dòng mồ hôi đầm đìa trên tấm thân gầy guộc của anh. Ông tìm cách bắt chuyện, nhưng người này trả lời một cách nhát gừng, đầy vẻ mệt nhọc: “Ông không thấy tôi lao nhọc vất vả hay sao mà còn hỏi?”
Ông đến người thứ hai. Người này trông có vẻ mệt nhọc hơn. Khi được hỏi anh đang làm gì thì người này trả lời: “Tôi chỉ biết đục đá từ sáng sớm đến chiều tà, chịu đổ mồ hôi để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi”
Người thứ ba cũng gầy guộc, cũng dáng vẻ tiều tụy như hai người kia, nhưng ánh mắt lại toát lên vẻ thanh thản. Khi được hỏi, người thợ đó chỉ vào một công trình dưới thung lũng, mỉm cười và hãnh diện trả lời: “Tôi đang góp công xây dựng một thánh đường ở dưới kia”.
Mục đích định hình cho cuộc sống.. Tình yêu bao la của Chúa đã đến với tôi, và đang làm việc trong tôi: “sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa”. (Rm 5,15)
Vinh dự của tôi là được cộng tác với Chúa mà hoàn thành chính mình, qua những chọn lựa của riêng tôi. Tôi sẽ đánh mất chính mình nếu tôi không biết một cách chắc chắn con đường tôi đang đi dẫn tôi đến đâu?
Sống là chọn lựa, ai tìm thì sẽ gặp, điều quan trọng là tôi đang tìm điều chi?
Lm. HK