Chú Cuội
Ngày tết Trung thu người ta hay nói về Chú Cuội ngồi gốc cây đa và ôm cả một mối lo. Như bài hát đã từng được nhiều người ưa thích: “ ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối lo”. Vậy chú Cuội là ai?
Chú Cuội theo chuyện thần thoại của Trung Quốc tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Trung quốc gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
- Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Chú Cuội theo truyền thuyết. Đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo:
- Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
Tại sao ngày tết Trung thu mà người ta lại kể chuyện về chú cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú cuội để răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú cuội kẻo phải ôm gốc c ây đa cả đời. Vì ngày tết Trung thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên, nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới sự hoàn hảo nhất của con người.
Theo Tin mừng, Chúa Giêsu luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ, Ngài luôn tìm dịp để gần gũi các em, Ngài không chỉ yêu mến, chúc lành và bênh vực mà hơn thế nữa còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho người l ớn phải noi theo:
- Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.
Nhìn vào trẻ nhỏ chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp.Trước hết, nơi trẻ thơ không có sự gian dối chỉ có đơn sơ chân thành.
Thực vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ chân thành, không ăn gian nói dối như Cuội. Kinh nghiệm cha ông ta vẫn nói:
- Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Thế nhưng ngày nay nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đầy đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối lo.
Thứ đến, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới.
Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đ ã k ể r ằng:
“…Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó. Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết. Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù…Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại…Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây. Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi. Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta”.
Vâng, hôm nay trẻ thơ đang bị đánh cắp tuổi thơ. Bạo lực xảy ra khắp nơi. Ngay ở gia đình là nôi hạnh phúc cũng trở thành bãi chiến trường của cha, của mẹ. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất là trên truyền hình thì lại càng đầy dẫy những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường. Một thế giới đổ nát như thế làm sao dạy cho các em sống yêu thương và khao khát hoà bình? Đó chính là trách nhiệm của những người làm cha làm me, và các nhà giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
Hôm nay ngày tết của tuổi thơ, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ biết gìn giữ nét đẹp tuổi thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương, và chúc lành. Chúng ta cũng cầu xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ. Amen
Jos Tạ duy Tuyền