Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Xin giới thiệu chủ đề ba ngày tĩnh tâm mùa chay năm 2010

 

Ngày thứ nhất: TÌNH YÊU CỦA CHÚA DÀNH CHO TA

Ngày thứ hai: TÌNH YÊU CỦA TA DÀNH CHO CHÚA

Ngày thứ ba: GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

 

 

Ngày thứ nhất :

TÌNH YÊU CỦA CHÚA DÀNH CHO TA

 

Mùa chay người ta vẫn thường nói là mùa ăn năn hối cải và trở về. Nhưng trở về đâu khi chúng ta đã tự khước từ mọi tương quan với Thiên Chúa để dấn thân vào con đường tội lỗi? Ăn năn có ích lợi gì khi mà Chúa không thứ tha cho chúng ta? Liệu có lối đi nào cho con người trở về khi cửa thiên đàng đã khép lại?

Thiên Chúa vẫn trung thành

Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh khi Adam – Eva phạm tội. Tội lỗi đã ngăn lối con người đến với Thiên Chúa.  Cửa địa đàng đã bị đóng lại. Thiên thần đã đóng cửa vườn địa đàng khiến con người xa rời Thiên Chúa ngàn trùng. Từ nay con người sẽ không còn thấy Thiên Chúa diện đối diện. Con người đã đánh mất mọi ân huệ của vườn địa đàng là hạnh  phúc và muôn đời trường sinh. Con người muốn trở về với tình trạng ban đầu nhưng đã không còn cơ hội. Con người không tự mình mở lối đi về. Nhưng tính thương của Thiên Chúa dành cho con người muôn ngàn đời mãi tín trung. Ngài có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương đến muôn đời. Chính Ngài đã mở lối đưa đường để con người có cơ hộ trở về với Thiên Chúa. Khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần thì cửa trời đã rộng mở để chờ đón con người trở về. Thiên Chúa như người cha nhân lành vẫn giang rộng đôi tay đón nhận từng đứa con trở về với tình thương bao la hải hà.

Thế nên, mùa chay không đơn thuần là hành vi ăn năn hối cải và trở về, mà trước tiên là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta. Cho dù chúng ta có bỏ Chúa, nhưng tình yêu của Chúa vẫn ngàn đời tín trung. Vì bản chất của Ngài là tinh yêu. Một tình yêu cho đi nhưng không mong đền đáp. Một tình yêu hiến trao chính thân mình làm giá cứu chuộc nhân trần. Vì, một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chia sẻ, sự trao ban. Tình yêu luôn đòi hỏi sự ra khỏi chính mình để đến với tha nhân. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài đã trao ban cho con người hạnh phúc của chính Ngài là tình yêu. Tình yêu đá sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài. Tình yêu đã thôi thúc Ngài tìm trăm phương ngàn cách để đưa con người trở về sống trong tình Cha. Đỉnh cao của trao ban là đến và ở lại luôn mãi với con người. Qua Đức Kytô, từ nay Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người, và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người. Vì tên của Ngài còn được gọi là Emanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã hóa thân mang kiếp phàm nhân để thánh hóa con người làm con Thiên Chúa. Từ nay Thiên Chúa ở giữa con người để cùng chia sẻ buồn vui trong kiếp người. Từ nay Thiên Chúa cùng đồng hành với con người để dìu con người bước qua những thăng trầm của giòng đời.

Thiên Chúa luôn viếng thăm dân người

Trong quan hệ bình thường giữa người với người, hành vi đến với nhau luôn mang chiều kích mở rộng tình người, nới rộng yêu thương. Đến với nhau là  biểu lộ một tình yêu liên đới, một sự đồng cảm, sự cảm thông và chia sẻ. Sự hiện diện nơi đám cưới làm tăng thêm niềm vui cho gia chủ. Sự hiện diện với nhau trong đám tang làm vơi đi những muộn phiền. Hai người bạn hiện diện bên nhau sẽ giúp cho tình bạn thêm ấm áp và bình an. Chính sự tiếp xúc, gặp gỡ nhau thường xuyên sẽ giúp cho con người cảm thấy gần gũi nhau hơn, khoảng cách kỳ thị chủng tộc, phân biệt giai cấp hay địa vị sẽ dần dần được cải thiện và thay vào đó là  sự hoà hợp, tôn trọng nhau trong yêu thương. Ngược lại, không đi đến với nhau, con người tự nhốt mình trong ích kỷ và cô đơn. Không đi đến với nhau, con người sẽ không thể có sự cảm thông, nâng đỡ, chỉ còn lại sự xa cách vô bờ, đôi khi dẫn đến những dị nghị hay bất đồng ý kiến với nhau.

Vì vậy, xuyên suốt dọc dài lịch sử của ơn cưú độ. Thiên Chúa luôn đi đến với con người bằng muôn nghìn cách. Sự viếng thăm của Ngài luôn là một sự khích lệ, sự cảm thông, nâng đỡ và trao ban tình yêu. Ngài đã đến thăm Adam – Eva trong vườn địa đàng với một tình yêu của người cha luôn gần gũi con cái. Ngài luôn thăm nom tất cả công trình Ngài đã tạo nên với tình yêu quan phòng của Đấng Tạo Hoá . Ngài đến với Abraham và Sara trong tuổi già cô quạnh để an ủi và chúc phúc cho hai ông bà có con nối dõi tông đường. Ngài đến để giải thoát dân riêng đã được tuyển chọn đang sống cơ cực lầm than trong kiếp nô lệ Ai cập. Ngài đã ở cùng dân riêng qua Hòm Bia Giao ước như dấu chỉ sự  hiện diện đầy yêu thương của Ngài với dân thánh đã được Ngài tuyển chọn làm dân riêng. Cuối cùng, Ngài đi vào trần gian trong thân phận con người “giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi”. Ngài đã sống một đời người để yêu thương, để phục vụ, để đem lại hạnh phúc cho những con người bất hạnh, đói khổ, già yếu, bệnh tật. Ngài đã mang lấy bản tính con người để hiểu và cảm thông với những thao thức, lắng lo của kiếp người truân chuyên. Ngài chấp nhận mặc lấy thân phận con người để đền tội thay cho lỗi lầm của Adam và đưa con người trở về trong tư cách làm con cái Thiên Chúa. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là lãnh lấy khổ hình thập giá để đền tội thay cho tội lỗi nhân gian.

Hãy nên giống như Đức Ky-tô trong tình yêu

Nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy dùng tình yêu đó mà đối xử với nhau. Mỗi người tín hữu phải là một ky-tô khác để có thể hiểu và cảm thông với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Đức Ky-tô khi chúng ta sống thiếu vắng tình yêu trong lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta đừng khác với Đức Ky-tô khi chúng ta sống dửng dưng với những anh em nghèo đói, với những mảnh đời bất hạnh lây lất bên đường. Chúng ta đừng khác với Đức Ky-tô khi chúng ta sống trong bùn nhơ của tội lỗi, của sự thiếu trong sạch, thiếu công bình và bác ái với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Đức Ky-tô khi chúng ta hà khắc, kết án anh em một cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa Ky-tô khi chúng ta hiện diện với ai là chúng ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy nên giống Chúa Ky-tô để chúng ta có thể gieo vãi yêu thương, hạnh phúc vào cho nhân thế qua việc phục vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta. Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Đức Ky-tô để có thể tha cho kẻ làm hại chúng ta, để có thể quên đi lỗi lầm của anh em và dám hy sinh quên mình mà vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.

Đó phải là con đường của mỗi tín hữu ky-tô. Hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến những con người khổ đau, nghèo đói đang cần tình thương. Hãy hội nhập với đời để đem đạo vào đời, để sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Hãy mạnh dạn mang tin mừng của Chúa thẩm thấu vào trong thế gian còn đó những khuyến khuyết của tình người, của tính lương thiện, của nhân cách và phẩm giá. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là người mang danh Đức Ky-tô cũng phải vượt qua mọi trở ngại của tính ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, để dấn thân vào mọi môi trường chúng ta đang sống. Hãy mang dấu chân của yêu thương để đến với mọi ngõ ngách của giòng đời. Dấu chân của người môn đệ đi đến đâu, phải để lại cho đời một màu xanh của yêu thương và hạnh phúc bình an.

Sám hối vì đã thiếu yêu thương

Trong ngày khai mạc năm thánh Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã chân thành xin lỗi vì một quá khứ còn đó những lầm lỗi đã gây nên biết bao nỗi đau khổ cho đồng bào của mình. Giáo hội vẫn còn đó những điều thiếu hòa hợp với lương dân. Giáo hội vẫn còn đó những khuyến khuyết khi đồng hành với dân tộc. Nhìn nhận sự thiếu sót của mình để định hướng đi lên, để canh tân sửa đổi cho thích nghi với hoàn cảnh cuộc sống. Giáo hội phải mặc lấy Đức Ky-tô để có thể xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi hiểu lầm để hòa mình trong giòng chảy của dân tộc. Giáo hội không chỉ không được phép cầm gươm giáo mà còn không được phép khơi gợi chiến tranh hay hận thù. Một lời nói, một việc làm trong lòng Giáo hội phải luôn mặc lấy tâm tình từ bi, bao dung của Đức Ky-tô mới có thể mang lại vẻ đẹp thánh thiện của Giáo hội. Giáo hội phải sống tinh thần hòa hợp, đối thoại trong yêu thương và tôn trọng. Giáo hội phải mang lấy Đức Ky-tô để nâng đỡ những con người thấp cổ bé miệng, những con người đang bị bỏ rơi, những con người bất hạnh không tìm được nơi nương tựa trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Giáo hội phải là hiện thân của Đức Ky-tô khi mang yêu thương vào trong lòng dân tộc đang còn khuyến khuyết bởi tình người băng giá, bởi thói ích kỷ, độc tôn, độc quyền đang làm mất đi vẻ đẹp cao cả của tình làng nghĩa xóm, của tình thương liên đới hiệp thông và chia sẻ.

Giáo hội có thể làm được điều đó khi mỗi người tín hữu dám sống theo tin mừng của Chúa. Một tin mừng như muốn men thẩm thấu vào trần gian chứ không phải là đối chọi với trần gian. Một tin mừng mang lại lẽ sống và bình an và cùng nhau xây dựng tình hiệp nhất yêu thương chứ không gieo vãi sự chia rẽ, hận thù. Ước mong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam sẽ là nhịp cầu giúp cho bước chân của người môn đệ Thầy Chí Thánh Giêsu can đảm vượt qua những trở ngại từ bản thân, từ môi trường để dấn thân cho Tin mừng của Chúa được đến với muôn người. Ước mong năm thánh chúng ta biết kín múc nguồn suối ân thánh của Chúa để sống thánh giữa cuộc đời còn đó những bùn nhơ của tội lỗi.

Với ước muốn cùng với Chúa Giê-su đi xây dựng tình người, tình hiệp nhất yêu thương, chúng ta cùng nhau hát vang lời kinh Hòa bình của thánh Phan-xi-cô thành Assisi.

 

Lạy Chúa từ nhân xin cho con

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

 

về đầu trang

 

 

Ngày thứ hai:  

TÌNH YÊU CỦA TA DÀNH CHO CHÚA

 

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Đó là một chân lý. Đó là một câu nói trên môi miệng mỗi người chúng ta. Nhưng còn chúng ta có yêu Chúa hay không? Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa có thực sự là trên hết mọi sự hay vẫn còn đó sự “bắt cá hai tay”? Tình yêu của Chúa thì vô bờ còn tình yêu của chúng ta dành cho Chúa vẫn còn đó những toan tính thiệt hơn?

Những khuyến khuyết trong việc sống đạo

Chúng ta thử quan sát thái độ sống đạo của các tín hữu chung quanh chúng ta ra sao?

Có những người theo đạo nhưng chỉ dừng lại ở việc xem lễ ngày Chúa nhật đầy đủ là yên tâm vì đã chu toàn bổn phận với Chúa. Nhưng đa phần là họ chỉ xem chứ không dự. Họ chỉ mang xác đến nhà thờ còn tâm hồn của họ vẫn còn để ở bên bàn tiệc đang dở dang, bên cuộc hẹn đang chờ. Có những người đi lễ còn cố tình đi muộn để đứng ở ngoài, để tìm chỗ khuất mà chuyện trò tâm sự.

Có những người đi nhà thờ, tham gia các đoàn thể xem ra rất tốt nhưng ở đời họ vẫn còn đó sự gian tham lừa đảo. Họ sống thiếu công bình bác ái. Họ vẫn chồng nọ vợ kia, vẫn ngoại tình, vẫn cờ bạc, vẫn rượu chè bê tha.

Có những người cho rằng sống đạo là phải rước kiệu linh đình, phải tổ chức lễ lạc hoành tráng nhưng điều đáng buồn là họ không bao giờ cầu nguyện, thậm chí cầu nguyện với Chúa bằng cách nào cũng không biết.

Có những người cho rằng theo đạo là đạo tại tâm nên chẳng chịu đi lễ, chẳng chịu xưng tội rước lễ, còn lẻo miệng bảo rằng: đi lễ làm gì nhiều, giữ luật làm gì nhiều không chừng lên thiên đàng cả giường lẫn chiếu. Thực ra đạo tại tâm không phải là chỉ để ở trong lòng. Vậy theo đạo mà không sống đạo, không làm chứng về đạo thì được ích gì? Đạo tại tâm phải hiểu là những hình thức thờ phượng bên ngoài như dự lễ, đọc kinh phải phát xuất từ tâm hồn mến yêu được biểu lộ ra bên ngoài. Tâm đó phải được tỏa sáng ra bên ngoài qua đời sống thánh thiện, công bình và bác ái.

Điều tệ hại nhất là có những người lạm dụng lòng thương xót của Chúa để phạm tội. Họ cho rằng: thôi thì cứ phạm tội rồi đến tòa cáo giải là xong. Thậm chí có người còn cho rằng phá thai xưng tội là xong! Phải chăng vì Chúa quá dễ dãi nên chi cứ phạm tội rồi Chúa cũng tha, vì Ngài là Đấng lòng lành vô cùng? Không đúng đâu! Cain năm xưa đã giết em mình là Abel. Ông đã bỏ chạy tưởng sẽ chạy chốn được trời. Nhưng Chúa đã bảo với Cain: “Máu của Abel đã kêu thấu tới trời. Từ nay vạn vật sẽ đứng lên chống lại con người”. Lời nguyền đó dường như vẫn còn hiệu lực cho tới ngày hôm nay, khi mà khắp nơi trên hoàn cầu đầy dãy những thảm họa của thiên tai, của động đất và lũ lụt. Phải chăng vạn vật vẫn tiếp tục đứng lên chống lại tội ác con người gây ra?

Hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự

Tất cả những hình thức sống đạo như thế đều khuyến khuyết. Có lẽ Chúa sẽ không bằng lòng với những lối sống đạo mà chúng ta vừa liệt kê. Vì điều quan yếu của đạo là phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chình mình. Sự yêu mến Chúa trên hết mọi sự sẽ giúp chúng ta siêng năng tìm hiểu lời Chúa và mang ra thực hành. Vì chưng, Chúa Giê-su đã từng nói không phải những ai kêu “lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Thiên đàng đâu! Mà là những ai thực hành lời Chúa mới được vào thiên đàng”.

Tựa như hai người yêu nhau thì luôn lắng nghe nhau, lắng nghe nhu cầu của nhau và luôn làm điều gì đó cho người mình yêu hài lòng. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thực sự thì chúng ta cũng phải lắng nghe lời Chúa và sống điều Chúa truyền để làm vui lòng Chúa. Điều mà chúng ta có thể làm vui lòng Chúa là sự trung thành với Chúa và sống thương mến nhau. Sự trung thành với Chúa đòi hỏi chúng ta phải để cho Chúa vị trí số 1 trong trái tim chúng ta. Sự trung thành đó được thể hiện qua việc chúng ta luôn chọn Chúa hơn là những danh lợi thú trần gian. Có một lần có một người gọi điện thoại hỏi tôi: “Cha ơi ngày mai lễ trọng kiêng việc xác, chúng con có được đi làm không?. Tôi hỏi: “chị đi làm vì tiền hay vì công việc?” Chị bảo rằng: “vì cả hai”. Tôi trả lời: “nếu vì tiền mà mình bỏ luật Chúa là không được, nhưng nếu vì công việc đang dở dang không thể ngưng được thì có thể tiếp tục công việc nhưng phải dùng số tiền kiếm được dành một chút cho người nghèo”.

Hãy yêu tha nhân như chính mình

Đồng thời, yêu mến Chúa cũng đòi phải yêu mến tha nhân là hình ảnh của Chúa. Thánh Gioan nói rằng: ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em là kẻ dối gian. Sở dĩ chúng ta phải yêu mến tha nhân vì chúng ta đều là con một Cha trên trời, là anh em với nhau, và chính Chúa Giê-su đã từng đồng hóa mình với những mảnh đời bất hạnh để những ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Đây còn là giời răn quan trọng mà Chúa đã để lại cho các môn đệ như một chúc thư phải thi hành. Đó là:

- Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy thương yêu nhau.

Ngài cũng xác định cho chúng ta một dấu hiệu riêng biệt, một bộ đồng phục của người môn đệ. Dấu hiệu ấy không phải chỉ là đi nhà thờ, làm dấu thánh giá, tham dự thánh lễ… Bộ đồng phục ấy không phải là chiếc áo dài màu xanh hay màu trắng của các hội đoàn, và cũng không phải là cái khăn quàng trên vai các em thiếu nhi, nhưng là tình thương.

Phải, dấu hiệu và bộ đồng phục của người Kitô hữu phải là tình bác ái yêu thương :

- Người ta cứ dấu này mà nhận biết  các con là môn đệ Thầy, là các con hãy thương yêu nhau.

Thế nhưng, có những người không muốn chấp nhận sự thật này. Họ trang nghiêm sốt sắng trong những giờ kinh nguyện. Quả thực, ở nhà thờ họ là những con chiên ngoan, nhưng khi bước xuống cuộc đời, họ lại vội vã hóa kiếp thành một loài lang sói, vì họ cũng gian tham, cũng độc ác.

Có lẽ vào ngày phán xét, chúng ta sẽ phải ngạc nhiên:

Có những người chúng ta tưởng họ là môn đệ Chúa dựa vào một nếp sống đạo đức giả tạo bên ngoài, nhưng thực sự không phải là như thế, chỉ vì họ không thực thi giới luật yêu thương .

Trái lại, có những kẻ chúng ta tưởng họ là vô thần, là chống đối Thiên Chúa, nhưng thực sự họ là môn đệ của Chúa, chỉ vì họ đã sống tình bác ái. Hay như một ý tưởng của Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “Giới luật yêu thương” có đoạn rằng:

“Người vô thần không tin Chúa, chúng ta bảo họ là kẻ vô đạo. Còn chúng ta, mặc dù đã tin Chúa, nhưng nếu không thương yêu anh em, thì chúng ta cũng chỉ là một loại vô đạo mà thôi”.

Có một chàng thanh niên, đến gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu trong đó, cha bề trên nhìn chàng, khẽ mỉm cười và hỏi :

- Thế thì con đã yêu ai chưa.

Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời :

- Dạ thưa cha, chưa ạ.

Cha bề trên lại mỉm cười và bảo :

- Thế thì con hãy trở về, học yêu thương trước, rồi mới tới học tu sau.

Câu chuyện này chỉ muốn nói lên rằng : chúng ta phải học cả những cái tầm thường nhất như tục ngữ đã bảo : “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, huống nữa là học yêu thương. Học điều này điều nọ thì có thời gian, như học yêu thương thì vô bờ. Vì học yêu thương thì dài bằng cả cuộc đời. Bao lâu còn sống, chúng ta vẫn phải tập luyện yêu thương, để tình yêu của chúng ta mỗi ngày một thêm tinh khiết, ven tuyền.

Tình yêu vị kỷ và vị tha

Nhìn chung, tình yêu thuở ban đầu thường nhiễm màu vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để thoát ra khỏi tình trạng ấu trí ấy, để tiến đến một tình yêu vị tha, một tình yêu trưởng thành. Vậy thế nào là một tình yêu ấu trí, một tình yêu vị kỷ ? Và thế nào là tình yêu trưởng thành, một tình yêu vị tha ?

 Tình yêu vị kỷ là một tình yêu vì mình. Chúng ta luôn đòi người mà chúng ta bảo là yêu phải phục vụ, phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Có những đòi hỏi vô đạo đức nhưng chúng ta vẫn bắt họ thực thi theo yêu cầu của chúng ta.  Khuynh hướng vị kỷ sẽ làm cho tình yêu chết dần chết mòn, và nếu có tồn lại, thì cũng chỉ là một tình yêu èo uột và nhơ nhớp, như hình ảnh Tagore đã dùng để so sánh :

- Tình yêu giống như một con suối, nếu ta đắp đập chặn nước thì dòng suối sẽ khô. Tình yêu giống như một bông hồng, nếu ta ngắt đi và ép vào ngực, thì chẳng bao lâu bông hồng sẽ héo.

Trái lại, tình yêu vị tha là một tình yêu vì người. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, để làm vui lòng người mình yêu. Chúng ta không đòi người yêu đáp ứng nhu cầu của chúng ta mà là chính chúng ta luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu người mình yêu. Tình yêu vị tha còn là tình yêu hiến dâng, bất chấp mọi trở ngại, cho dù “Tam tứ núi cũng trèo – Thất bát sông cũng lội – Thập cửu đèo cũng qua”.

Đó chính là tình yêu cao qúy mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Ngài đã thi thố tình thương của mình ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài đã quan phòng gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng biết bao ơn lành hồn xác. Ngài sẵn lòng chết để cứu độ chúng ta.

Vì thế, chúng ta cũng phải có một tình yêu vị tha để chúng ta đến với Chúa không cầu mưu lợi cho bản thân mà mong cho danh Cha cả sáng. Chúng ta yêu mến Chúa hết lòng hết sức không phải vì Chúa ban cho chúng ta lợi lộc này, lợi lộc nọ mà vì Chúa là lẽ sống, là hơi thở của chúng ta. Yêu mến Chúa cũng mời gọi chúng ta có lòng vị tha với tha nhân để chúng ta loại trừ những hình thức lợi dụng, nhưng toan tính tầm thường mà sống cao thượng hơn với anh em.

Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã dám chết cho người mình yêu, giúp chúng ta quên đi bản thân của mình để sống có ích cho tha nhân. Amen

 

về đầu trang

 

 

 

Ngày thứ ba:  

GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Những vấn đề của thời đại

Trong chương trình Đối thoại trẻ, chủ đề "Vì sao giới trẻ phạm tội" do VTV6 thực hiện ngày 25/6.

Khởi đầu chương trình, một số vị phụ huynh cho rằng, gia đình không phải là nguyên nhân tác động trực tiếp khiến giới trẻ phạm tội. Giảng viên tâm lý Bích Ngọc đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân đã phản bác quan điểm này. Bà cho rằng, một số gia đình có những cách xử thô bạo với con trẻ khiến chúng có nhận thức lệch lạc về nhân cách... dẫn đến phạm pháp.

Tuy không có mặt ở trường quay nhưng vẫn theo dõi truyền hình và tham dự trực tiếp qua điện thoại, diễn viên Hiệp "Gà" từng đi tù vì buôn bán ma túy cũng tỏ ý tán đồng. "Theo tôi, gia đình là nền tảng cốt lõi để hình thành nhân cách con người", anh nói.

Theo bà Ngô Thị Minh (cán bộ Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội) không chỉ những gia đình thiếu thời gian hoặc kinh tế, nhiều cặp vợ chồng có điều kiện nhưng do xã hội cũng như khoa học phát triển nhanh họ không có những kỹ năng cần thiết để giáo dục con cái. "Có đứa trẻ ngồi trên máy một tiếng chơi game nhưng bố mẹ không biết con mình chơi cái gì", vị cán bộ này dẫn chứng.

Mới đây, Phạm Đình Cử (học lớp 8) vì muốn có tiền để chơi gam đã bắt cóc em họ để tống tiền cô ruột. "Con tin" 5 tuổi sau đó đã bị anh họ cho vào bao tải, hại chết. Về vụ án này, một điều tra viên giàu kinh nghiệm của Công an Hà Nội đã thốt lên "Chúng giết người lạnh lùng như chơi games vậy".

Mới đây TAND Hà Nội cũng đã xét xử Nguyễn Văn Tú (14 tuổi) về tội giết người. Tại phiên tòa, bị cáo lí nhí thừa nhận do ham mê điện tử. Để lấy mấy chiếc xoong, thủ phạm đã dùng rìu bố thường hay bổ củi chém chết người hàng xóm.

Trước hàng loạt những vụ phạm pháp do giới trẻ gây ra, nhiều người cho rằng nguyên nhân không thể đổ lỗi hết cho gia đình và xã hội, nhà trường cũng cần nhìn nhận những bất cập hiện nay. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, ngoài dạy văn hóa nhà trường cần phải giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh.

Nữ cán bộ đến từ Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội cũng thẳng thắn, qua nhiều lần khảo sát, môn Giáo dục công dân hiện nay ở nhiều trường học diễn ra nhạt nhẽo. Những tình huống có thật ở ngoài đời không được đưa vào bài giảng khiến học sinh không có hứng học...

Trước khi máy quay đóng, giảng viên Bích Ngọc cho rằng, để hạn chế giới trẻ phạm tội, ngoài gia đình, nhà trường và xã hội cùng nhau phối hợp, tự thân các bạn trẻ cần phải vượt qua những cám dỗ. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn, các bạn phải nghĩ đến trách nhiệm với với bản thân và xã hội.

Qua những trao đổi chúng ta thấy giới trẻ phạm tội có thể từ nhiều nguyên nhân. Có thể do xã hội và hoàn cảnh, nhưng nguyên nhân căn bản vẫn là từ gia đình. Vì theo tâm lý học, nhân cách của con người được hình thành ngay từ lúc lên ba. Nghĩa là nhân cách của một người hoàn toàn được gầy dựng theo khuôn mẫu từ gia đình.

Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nói chuyện về bổn phận giáo dục con cái theo tinh thần của Giáo hội.

Giáo dục là một bổn phận

Nhiều người vẫn lạc quan cho rằng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhưng rồi khi việc giáo dục con cái thất bại lại đổ lỗi cho trời vì: “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Xem ra ông trời là nguyên nhân mọi sự, tốt cũng như xấu.

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã từng mong muốn cho người sinh sản cho đầy mặt đất, nhưng chắc chắn Ngài không muốn loài người sinh ra những đứa con kém chất lượng và không có phẩm chất. Ngài càng không bằng lòng khi mà loài người sinh sản bừa bãi và thiếu trách nhiệm. Ngay cả bản thân chúng ta cũng không muốn dùng hàng kém chất lượng. Vì hàng kém chất lượng không chỉ vô ích mà còn gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Vì vậy, Thiên Chúa cũng không muốn để con cái loài người sinh ra và lớn lên như cây, như cỏ mà không cần quan tâm đến chất lượng. Chính Chúa Giê-su đã nhắc đến bổn phận giáo dục của người tín hữu chúng ta: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,19-20). Ca dạo Việt nam cũng cùng quan điểm đó và còn nhấn mạnh: “Sinh con chẳng dạy, chẳng răn – Thà răng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”. Bổn phận dạy dỗ con cái trở thành môn đệ của Chúa phải là bổn phận trước tiên của cha mẹ. Vì cha mẹ là nhà giáo đầu tiên và gia đình là trường học đầu tiên mà con trẻ được học sống làm người.

Nếu các bậc cha mẹ quan tâm giáo dục con cái biết giữ luật Chúa, biết sống theo lẽ phải, biết ăn ở theo đúng với luân thường đạo lý thì có lẽ xã hội bớt đi những tội nhân. Nếu cha mẹ biết dạy con những điều hay lẽ phải ngay từ trong lôi thì có lẽ xã hội bớt đi những chuyện bất nhân, bất nghĩa đang tràn lan.

Thực vậy, bổn phận này xem ra còn quá thiếu sót! Chất lượng những đứa trẻ tự lập, biết phải trái, biết sống cao thượng còn quá ít. Phẩm chất của những người có nhân, nghĩa, lý, trí, tín và công dung ngôn hành ngày càng thiếu trong xã hội hôm nay. Nhưng những đứa con thiếu chất lượng lại quá ê hề, bởi đường phố còn đầy rẫy những đứa trẻ ăn nói tục tĩu, sống vô độ, lười biếng, ích ỷ, gian tham, . . . Đặc biệt là các cậu ấm, cô chiêu, con nhà quyền thế và giầu có thì đua đòi, chơi bời, sống thác loạn nhiều hơn là sống đoan trang đức hạnh. Những đứa trẻ thích bạo lực, dễ nổi nóng, thích hành hạ người khác phải chăng nó đã học được những bài học từ gia đình khi mà bố mẹ thiếu tôn trọng nhau, nhiều khi còn đánh đấm nhau? Những đứa trẻ thiếu lòng nhân ái, lòng bao dung phải chăng vì nó đã học được lối sống ich kỷ từ trong gia đình? Những đứa trẻ sống thiếu đoan trang, mực thước và lăng loàn phải chăng nó đã không được học những kỹ năng sống tự chủ từ những ngày còn ở trong lôi?

Nhiều khi chúng ta than phiền về xã hội, về đất nước, về những người đang điều hành xã hội này đã làm cho việc giáo dục xuống cấp. Nhưng ít khi chúng ta ý thức rằng : Gia đình của chúng ta là một «xã hội nhỏ». Hai xã hội - lớn và nhỏ - ảnh hưởng và phản ảnh lẫn nhau. Xã hội này thay đổi thì xã hội kia cũng sẽ thay đổi. Là cha mẹ, chúng ta đang làm chủ, đang điều hành cái xã hội nhỏ bé là gia đình của chúng ta. Nếu chúng ta không làm cho cái xã hội nhỏ bé mà chúng ta đang làm chủ ấy trở nên tốt đẹp hơn, nếu trong cái xã hội nhỏ bé của chúng ta vẫn còn có những điều không tốt đẹp, những điều xấu, thì liệu sẽ có cái đẹp trong xã hội rộng lớn hay không? Nếu trong xã hội nhỏ bé mà chúng ta còn chia rẽ chồng một phe, vợ một phe, con cái cũng chia phe thì liệu rằng những thành phần xã hội này có biết đi xây dựng tình hiệp nhất đại đồng, hay chúng chỉ gây thêm hận thù, hiềm khích ở bất cứ nơi đâu họ hiện diện?

Gia đình là một giáo hội thu nhỏ

Bên cạnh đó, là người Kitô hữu, chúng ta không chỉ có bổn phận xây dựng xã hội theo tinh thần phúc âm, mà còn có bổn phận đưa Chúa Giê-su vào trong thế gian, và để Ngài thống trị mọi tâm hồn. Điều này phải được bắt đầu từ chính gia đình của chúng ta. Vì gia đình chính là một «giáo hội nhỏ» mà chúng ta có bổn phận phải biến thành một «Nước Trời nhỏ», trong đó, có tình yêu ngự trị, và mọi sự đều tốt đẹp. Chúng ta phải Phúc Âm hóa gia đình của chúng ta, làm sao để mọi người trong gia đình chúng ta sống tốt đẹp, yên vui, hạnh phúc. Gia đình có những con người biết sống theo tin mừng của Chúa sẽ đóng góp cho xã hội những con người biết sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Thực vậy, lệnh truyền của Chúa «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” phải được áp dụng trước tiên trong gia đình. Trước khi Phúc Âm hóa xã hội, thế giới, ta hãy Phúc Âm hóa chính mình và gia đình mình đã. Hãy biến con cái của chúng ta thành những Kitô hữu tốt. Hãy làm cho hoa trái của sự thánh thiện, yêu thương được đơn bông kết trái trong đời sống gia đình của chúng ta. 

 

Vì thế, các bậc cha mẹ phải làm sao giúp cho con cái có một tương quan mật thiết với Chúa, có đời sống cầu nguyện, biết hy sinh bản thân cho Chúa và tha nhân. Hãy tập cho con cái ngay từ hồi còn nhỏ có thói quen đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ hằng ngày, và bày tỏ với Chúa những tư tưởng, tâm tình có trong đầu. Tất cả những việc đó là thức ăn cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng. Tất cả những việc đạo đức đó chính là những việc tốt được lập đi lập lại thành thói quen tốt của một đời người. Con cái có một đời sống tâm linh tốt, chắc chắn sẽ bớt đi những tật xấu và hoàn thiện mình tốt hơn.

Muốn thế, cha mẹ phải làm gương cho con cái về đời sống đức tin, về đời sống công bình và bác ái mới có thể từ khuôn mẫu tốt của cha mẹ mà hình thành những con người tốt cho xã hội. Vì cái xã hội thu nhỏ này tốt hay xấu, có biến thành thiên đàng tại thế hay không, đều tùy thuộc vào cha mẹ là những người điều khiển gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Nếu mỗi gia đình biết xây dựng giáo hội nhỏ của mình thành một cộng đoàn yêu thương, biết phục vụ lẫn nhau, chăm sóc cho nhau thì chúng ta đã phúc âm hóa xã hội như muối men thẩm thấu vào trần gian.

Ước mong mỗi gia đình hãy sống hòa thuận yêu thương nhau để con cái học được bài học yêu thương và nhân ái từ trong gia đình. Ước mong các bậc cha mẹ biết nhịn nhục lẫn nhau, biết sống theo lẽ phải để con cái có khả năng biết phân biệt phải trái và sống tự chủ bản thân thay cho những gay cấn bạo lực. Nguyện xin Chúa Giê-su, Đấng đã đến ở với gia đình Nagiaret, xin cũng hiện diện nâng đỡ và chúc phúc cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

 

về đầu trang


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA CHAY NĂM C - NIỀM VUI CỦA LÒNG SÁM HỐI - Lm. HK
     CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C- Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY NĂM C- ĐAU KHỔ TỚI VINH QUANG-Lm.Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C - HỐI CẢI VÌ CHÚA RẤT NHÂN TỪ - Lm. HK
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY - TUẦN III MÙA CHAY - Jos. Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY - HÃY SINH HOA KẾT TRÁI - Jos. Tạ Duy Tuyền
     Thứ năm tuần II mùa chay - HẠNH PHÚC VÀ BẤT HẠNH - Thiên Thảo SJP
     Thứ 3 tuần thứ II Mùa Chay - Anna Nguyễn Thị Minh Tứ
     THỨ 7 SAU CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C. Lm Giuse Tiến Thịnh
     THỨ 6 TUẦN I MÙA CHAY NĂM C. Nt Madalena Nguyễn Thị Lan O.P