CHỦ NHẬT 4 MÙA CHAY
Chúng ta được mời gọi ca tụng lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chỉ có ai đang khát mới cảm nghiệm được vị ngọt của Nước, và chỉ có người ý thức lỗi lầm của mình đối với Đấng mà mình yêu mến, mới khám phá sự vĩ đại của ơn tha thứ. Tất cả chúng ta là tội nhân. Bi kịch ở chỗ chúng ta không còn nhận ra mình là tội nhân. Vì đóng kín trong chính mình, trong những ước mơ giới hạn của mình, trong những thèm khát của mình, chúng ta không biết điều gì đã cống hiến cho chúng ta, và điều gì chúng ta đang thiếu.
Sách Giô suê 5,10-12
Việc người Híp pri vào Đất hứa trong thực tế chỉ là một giai đoạn trong cuộc hành trình dài hướng về hạnh phúc chân thật. Đi vào Đất hứa là một dấu chỉ của Thiên Chúa. Nó luôn mang lại cho chúng ta niềm xác tín rằng Thiên Chúa vì lòng Thương xót luôn hoàn thành những gì Người đã hứa.
Thánh Vịnh 33
Đây là Thánh ca chúc tụng Thiên Chúa đã giải thoát những ai biết hướng về Người trong ngày cùng khốn. Người ta cũng cho rằng đây là lời chúc tụng thích hợp với Bí Tích Thánh Thể. Nhìn về phía Chúa, thì được chiếu sáng, còn Ăn Chúa thì sao?
Thư 2 gửi tín hữu Cô rin tô 5, 17-21
Đối với Phao lô, Đất hứa đích thực là thế giới nội tâm mới được kiến tạo từ cuộc khám phá Tình yêu hay thương xót của Thiên Chúa, được biểu lộ trong Đức Giê su Ki tô. Vì thế thật là một niềm vui vĩ đại cho ngài vì được làm Sứ Giả của Đức Ki tô để mạc khải thực tại ấy được ban cho tất cả mọi người.
Tin mừng Lc 16,1-3.11-32
NGỮ CẢNH
Sau khi đã đưa ra những điều kiện cho những ai muốn đi theo làm môn đệ (14,25-35), Chúa Giê su dùng một số dụ ngôn để biện minh cho thái độ của Ngài đối với những người tội lỗi nhằm trả lời cho những lời trách móc của các người Biệt phái và kinh sư.
Chương 15 gồm 3 dụ ngôn, tất cả nhằm đề cao tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân qua các xử thế đặc biệt và lời kêu gọi hóan cải của Chúa Giê su.
TÌM HIỂU
Thu thuế: ở các câu 5,30 và 7,34 chúng ta đã thấy những người thu thuế bị ghép chung với hạng người tội lỗi, ấy là vì người thu thuế lúc bấy giờ bị xếp vào hàng những kẻ tội lỗi công khai và bị lề luật do thái loại ra khỏi ơn cứu rỗi. Họ đến với Chúa Giê su để nghe Ngài với tư cách những môn đệ đích thực.
Xầm xì: người biệt phái và kí lục xầm xì vì họ xét đoán theo tinh thần luật tinh sạch của họ. Thật vậy, khi hòa đồng cùng với người tội lỗi và ngồi ăn uống với họ, Chúa Giê su đã mắc ô uế theo lề luật. Họ cũng xì xầm theo quan niệm về Thiên Chúa của họ: chung đụng với bọn người tội lỗi đó là không xứng đáng với danh nghĩa một người được Thiên Chúa sai đến. (x. trường hợp ông Phê rô trong Cv 11,3).
Dụ ngôn: từ nầy ở số ít dù sau đó tác giả đưa ra tới ba dụ ngôn ! Có lẽ lúc tiên khởi, chỉ có một dụ ngôn mà thôi.
Mất: chuyện người mục tử chăm sóc cho tất cả bầy chiên thì không có gì lạ, điều lạ là việc ông ta dám bỏ 99 con để tìm cứu lấy một con đi lạc !
Hình ảnh ấy rất quen thuộc trong Cựu Ước: mục tử chăn dắt Israel chính là Thiên Chúa, hết lòng thương yêu những con chiên đi lạc, và không ngừng đi tìm kiếm chúng (Is 40,11; Gr 23,1-4; Ed 34; Tv 23). Chúa Giê su tự áp dụng cho mình tước hiệu ấy (Ga 10,11-16). Điều đó cho thấy Ngài xử sự đối với những người Biệt phái không những như một mục tử hết lòng tận tuỵ, mà còn như chính Thiên Chúa.
Xin chung vui với tôi: điều gây ngạc nhiên là một con chiên mà lại gây sự chú ý của mọi người! Niềm vui của Thiên Chúa và con người là một trong những chủ đề chính yếu của ba dụ ngôn (x.15,7.9.10.32).
Vậy: Chúa Giê su rút ra giáo huấn của ví dụ bằng cách chuyển sang chủ đề về sự đối lập giữa « người công chính - người tội lỗi » như trong đoạn 5,30-32. Trong khi Mt áp dụng giáo huấn cho trách nhiệm của Hội Thánh đối với những kẻ bé mọn, thì Luca lại tuyên dương lòng từ ái của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, lòng từ ái đã được Chúa Giê su làm gương khi đón tiếp những người thu thuế.
Vui mừng: làm sao con người chúng ta có thể hiểu được sự vui mừng của Thiên Chúa ? Người tội lỗi khi đã được tha thứ sẽ kinh nghiệm về một vì Thiên Chúa mạc khải dung nhan đích thực của Người. Họ nhận ra Người là một vì Thiên Chúa cứu độ đầy lòng nhân ái, đã tạo trong họ một con tim mới. Thiên Chúa vui mừng vì sự nhận biết ấy. Ngược lại, người công chính tưởng rằng mình có thể tự cứu lấy chính mình thì lại có một ý tưởng sai lệch về Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ thưởng phạt theo sự công minh chính trực; và dĩ nhiên như thế thì không thể hòa hợp với một vì Thiên Chúa là Tình yêu và Tự đo. Do vậy khi có một tội nhân trở về thì trên trời vui mừng hơn.
Người công chính: đây không phải là người công chính đúng nghĩa, nhưng chỉ người tin rằng mình không cần phải sám hối. Chúng ta nhớ lại câu truyện của ông Simôn biệt phái và người nữ tội nhân (7,36-50). Chúa Giê su muốn biện minh cho cách hành động của mình và đồng thời, cảnh tỉnh những đối thủ của Ngài, bằng cách nhắc cho họ sự phán xử của Thiên Chúa.
Phụ nữ: sự thay đổi thường thấy nơi sách Tin Mừng Luca: sau người đàn ông, thì tới người đàn bà; sau khung cảnh đồng áng, giờ tới một bà nội trợ (x.13,18-21). Ngoài ra ta hãy chú ý đến sự giảm dần số lượng trong ba dụ ngôn nầy: 100 con chiên, 10 đồng bạc, và một đứa trong hai đứa con.
Mừng vui: ở đây tác giả không đối chiếu hai hạng người tội lỗi và công chính nữa, mà chỉ đơn thuần xác định rằng mọi người tội lỗi trở về điều làm cho Thiên Chúa vui mừng. Sám hối không chỉ bao hàm trong việc thay đổi đời sống, mà còn là việc thay đổi ý tưởng, từ một vì Thiên Chúa chinh phục đến một vì Thiên Chúa tự hiến ban chính mình một cách nhưng không. Chỉ như thế, tội nhân mới có một sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa, và một kinh nghiệm về lòng nhân ái của Người. Và đó là điều làm vinh danh Người.
Người con thứ: chỉ có Luca kể lại ví dụ nầy, gồm hai phần nhằm nêu bật cung cách hành xử của người Cha, trước hết đối với đứa con thứ (15,11-24) rồi đến đứa con cả (15,25-32). Cả hai là hình ảnh của hai hạng người đang nghe Chúa Giê su nói: người con thứ tương ứng với những người thu thuế, còn phản ứng của người con cả tượng trưng cho những người biệt phái.
Con chiên đi lạc và đồng tiền bị mất là do lỗi của chủ nhân của chúng, trái lại đứa con hoang đàng bỏ nhà đi là do sự quyết định tự do của nó. Tội là một hành vi tự do của con người.
Đứa con thứ đòi phần gia tài thuộc về nó, tức là một phần ba gia tài theo luật do thái. Rồi bỏ cha bỏ nhà mà đi hoang cho đến khi hết tiền. Tội là một sự đòi hỏi được sống độc lập, đồng thời là một sự vô ơn bất nghĩa, bất tín bất trung xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng mà người ta nhận lãnh mọi ơn lành.
Đang là một người con hạnh phúc trong nhà Cha, giờ trở thành một kẻ làm tôi cho người khác. Tội làm cho con người trở thành một tên nô lệ.
Thôi ta đứng lên, đi về: chính sự túng cực nghèo khổ khởi đầu cho việc trở về nhà Cha (x. Hs 2,8-9). Bắt đầu là suy nghĩ, so sánh tình trạng khốn khổ hiện giờ với tình trạng sung sướng thuở trước, sau đó là quyết định trở về.
Cha: cách hành xử của người Cha cho thấy tình yêu của Thiên Chúa: chính ông chạy đến, chứ không phải là đứa con; không một lời rầy la, cũng chẳng để cho đứa con có giờ xưng thú hết lỗi lầm, ông ra lệnh mang ra những gì quí báu nhất cho con mình. Ông muốn chứng tỏ rằng nó không còn là một người tôi tớ nữa, mà thật sự là một người con đáng được yêu thương kính trọng.
Người Cha ấy là hình ảnh của Thiên Chúa, luôn thương yêu và không ngừng chăm sóc những kẻ từ bỏ lìa xa Ngài. Sự tha thứ của Ngài thật là một sự tái tạo, một tạo dựng mới (Tv 51,10-14). Thiên Chúa mừng vui vì những người tội lỗi sám hối (15,7-10).
Người con cả: cử chỉ thái độ của người con nầy là hình ảnh của những người tự cho là công chính, làm trọn các bổn phận của mình, nhưng trong thâm tâm là ghen tương và khinh bỉ đối với người khác: không nhận em mình trở về, cũng chẳng coi trọng cha mình khi vui mừng đón rước đứa con đi xa trở về
Em con đây: lời nói của Cha muốn nối kết hai đứa con như anh em một nhà.
Sống: trong Thánh Kinh, sự sống có nghĩa là ở trong mối tương quan; trong khi không thể thông hiệp với tha nhân và với Thiên Chúa có nghĩa là đang chết (Tv 88,5-9; 115,5-7). Ở đây tương quan con cái và huynh đệ được tái lập, được coi như sống lại.
Dụ ngôn nầy có giá trị ngay trong ngữ cảnh mà Luca đã đặt vào (15,2). Chúa Giê su muốn biện minh cho cung cách hành xử của Ngài đối với những người tội lỗi: Ngài là chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu (10,33-37).
Đồng thời, Ngài mời gọi những người chỉ trích ngài hãy bắt chước tình yêu đó, là tiếp nhận ngay cả những người mà họ khinh bỉ.
Đối với các tín hữu tiên khởi, dụ ngôn còn cho thấy mối bận tâm truyền giáo của Giáo Hội, mong muốn cùng Chúa Giê su đi đến với lương dân để đưa họ vào trong gia đình của Thiên Chúa. Họ cũng đòi hỏi sự khoan dung của người Do thái trở lại, những đứa con cả của lời hứa trong việc tiếp nhận các môn đệ từ dân ngoại trở lại.
SỨ ĐIỆP
Người ta thường gọi bài tin mừng nầy là “dụ ngôn về đứa con trai hoang đàng”. Gọi như thế vừa không nói hết ý vừa không chính xác. Đây là câu truyện hai đứa con đã xúc phạm đến cha mình, nên có người gọi là dụ ngôn về hai đứa con. Nhưng như thế là quên nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện. Thiết nghĩ, tựa đề thích hợp nhất là “dụ ngôn về người Cha và hai con” hoặc “dụ ngôn về người Cha phung phí”. Thật vậy, chúng ta sẽ thấy ông phung phí quá mức cho từng đứa con của mình, ông đã thật sự phung phí tất cả tình yêu của mình.
Dụ ngôn nầy là câu trả lời của Chúa Giê su cho những lời càm ràm trách móc của các kí lục và người biệt phái. Họ trách Chúa Giê su đã tiếp rước những người tội lỗi và ăn uống với họ. Và nhân đó, Chúa Giê su gửi đến cho chúng ta tin mừng nói về cách xử sự của Thiên Chúa đối với tất cả những tội nhân là chúng ta.
Người con út bỏ nhà ra đi, rời xa cha nó là biểu tượng cho người tội lỗi công khai. Còn người con cả, cũng không khá hơn. Nó gợi nhớ tất cả những người tự cho rằng mình là người công chính, tự phụ và khinh bỉ người khác. Thật sự, hai người con nầy là hình ảnh biểu trưng cho toàn thể gia đình nhân lọai.
Đối diện với hai người con ấy, là hình ảnh Thiên Chúa Cha. Chúa Giê su mô tả chân dung đích thực của Thiên Chúa, không có một chút gì giống với hình ảnh mà người ta tưởng tượng về Người. Người không phải là một vì Thiên Chúa tìm cách trả thù, mà là một vì Thiên Chúa yêu thương say đắm từng người con cái của mình. Qua từng chi tiết trong câu chuyện nầy, Chúa Giê su đã cho thấy những tình cảm Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta hiểu tại sao vua Đa vít đã chọn thà rơi vào tay Thiên Chúa hơn là tay con người.
“Con ta nay đã chết mà nay sống lại!”. Qua dụ ngôn nầy, chúng ta thấy người Cha làm đủ mọi cách giúp cho đứa con út của mình sống lại. Nó chết vì đói, đói bánh ăn thì đã hẳn, mà nhất là đói tình yêu. Cử chỉ của Cha thân ái vô cùng. Hằng ngày, ông ngong ngóng, chờ đợi đứa con trở về. Ông chạnh lòng thương con, nên không chờ đứa con tội lỗi đến với mình, nhưng đã chạy tới nó và ôm hôn nó. Thậm chí không để cho nó có thời giờ nói lên lòng hối hận bằng những lời mà nó đã chuẩn bị từ trước.
Ông cũng không có một lời trách móc, cũng không khước từ đứa con mình, nhưng vui mừng khôn xiết vì tìm lại được người con đã mất. Thế rồi ngay lập tức ông truyền mang y phục đẹp nhất cho cậu, dấu chỉ cho thấy nhân phẩm được phục hồi; rồi đeo nhẫn vào tay cậu, như một thứ ấn dấu chính thức tái xác nhận con mình,; rồi xỏ giày cho cậu, đề chấm dứt thời nô lệ của một người đi chân đất. Nhất là ông đã cho tổ chức một bữa tiệc linh đình để mừng đứa con đã chết nay sống lại. Cứ so với những gì cậu con đã làm trước kia, một vài người cho rằng ông ta thật quá phung phí. Nhưng chúng ta đừng quên rằng trang tin mừng nầy muốn nói cho chúng ta biết về lòng quảng đại vô bờ bến của Thiên Chúa đối với những tội nhân là chúng ta.
Đứa con cả cũng được mời gọi sống lại. Dù không bỏ nhà ra đi, nhưng kì thực anh ta cũng đã chết, vì không hiểu gì cả về tình yêu của Cha đối với anh và đứa em của mình. Lòng giận hờn ganh tị đã khiến anh ta không thể chung vui với cha vì đã tìm thấy những gì đã mất. Anh ta từ chối vào nhà trong vì khẳng định rằng không bao giờ bỏ nhà ra đi.
Dù vậy, người Cha cũng không nỗi giận, nhưng ôn tồn thể hiện một cách đối xử thân ái đối với anh ta. Ông ra ngòai gặp anh, ông van nài anh; ông mời gọi anh ta chug vui với mọi người vì đứa em đã mất nay tìm thấy. Sứ điệp thật rõ ràng: không ai có thể là một người con tốt của Thiên Chúa nếu không thực sự là một người anh em tốt đối với người khác. Sự từ khước người khác cũng là một liều thuốc độc cần phải trừ khử khỏi tâm hồn.
Trang tin mừng nầy nói với chúng ta về ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần đến, những người đã lìa xa cũng như những người còn ở lại dưới mái ấm yêu thương của gia đình. Thật vậy, trong mỗi người chúng ta đều có một góc nghèo hèn, tăm tối, phản bội và yếu đuối. Đứa con cả là mẫu người ngạo mạn và kiêu căng, ghen ghét. Còn đứa con út đặt chúng ta đối diện với những bất trung, những tính mê tật xấu từ lâu bám rễ trong cuộc sống chúng ta. Bằng cách nầy hay cách khác, tội lỗi chính là sự trốn chạy khỏi nhà và tình yêu của Cha.
Như đứa con út, tất cả chúng ta có thể nói rằng: “Tôi đã phạm tội chống lại trời và chống lại cha”. Nhưng nếu chúng ta tự nhận mình là kẻ có tội, thì trước tiên không phải chúng ta cáo tội chúng ta; nhưng là nhận ra điều sai lỗi mà chúng ta đã làm cho Thiên Chúa, cho tạo vật, cho anh em và cho chính chúng ta.
Tất cả chúng ta được mời gọi lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đó là trở về cùng Đấng đã đến với chúng ta trước, và ôm chúng ta vào lòng. Chấp nhận ơn tha thứ, trước tiên là để bản thân mình được Cha tiếp nhận và yêu mến. Chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta được chờ đợi để sống lại và tìm lại phẩm cách cao quí là con cái Thiên Chúa. Khi chúng ta tiếp nhận bí tích hòa giải, đó là cách chúng ta trở về với Thiên Chúa không ngừng yêu thương và đặt hết tin tưởng vào chúng ta. Và trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Nước Trời. Chúng ta hãy cầu xin Chúa biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Người.