Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 21

CHỦ NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN C

Nguoi-chung-sinh-hanh-trinh-Duc-tin.jpg

Chúng ta đứng trước một Vương Quốc mở ra cho tất cả mọi người, nhưng chỉ được một số ít người khám phá. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta, và không có dân tộc nào được lựa chọn một cách độc quyền. Thiên Chúa giúp chúng ta đi thẳng đường và tin tưởng tiến tới bằng các cuộc can thiệp của Người trong cuộc sống của chúng ta. Dù nhiều lúc rất căng thẳng. Khẳng định rằng cánh cửa hẹp không phải là dấu chỉ của sự bi quan, nhưng là bằng chứng cho thấy rằng ơn gọi của con người được chú trọng một cách nghiêm chỉnh.

Is 66, 18-21

Trở về sau lưu đày, người Do thái vấp phải một thực tại đời thường đáng thất vọng. Nịềm phấn khởi lúc trở về đã tan biến đi và nhường chỗ cho thái độ dửng dưng, bỏ mặc muốn ra sao thì ra. Tiếp nối lời rao giảng của Isaia, một Tiên tri tìm cách mang lại can đảm khi mô tả tương lai vinh quang của Dân tộc ưu tuyển. Giê ru sa lem sẽ trở nên kinh thành vinh quang nơi mọi người sẽ đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 116

Tất cả các dân tộc trên hoàn vũ đều được mời gọi họp tiếng ca tụng Thiên Chúa.

Hr 12,5-7.11-13

Gợi lại cuộc lữ hành dài của người tín hữu về Kinh thành của Thiên Chúa, tác giả khuyến khích độc giả mình hãy chứng tỏ lòng kiên trì. Con đường khó khăn có thể khiến người ta thất vọng, nhưng điều cốt yếu là cần phải hiểu các thử thách trong cuộc đời như là một lời Chúa mời gọi chúng ta chỉnh sửa lại các khiếm khuyết làm chậm đà tiến của chúng ta.

Tin mừng Lc 13,22-30

NGỮ CẢNH

Với câu chuyển đoạn (13,22), ở đây Lu ca tiếp tục cấu trúc dàn dựng các biến cố của Chúa Giê su trong viễn cảnh một chuyến đi về Giê ru sa lem (9,51).

Đây là chuyến đi của một người chinh phục sẽ đánh đuổi quân đế quốc La mã chăng? Các môn đệ của Chúa Giê su có thể đã nghĩ như cậy, đặc biệt sau khi đã nhận biết Ngài là Đáng Cứu thế, Đấng Messia (9,20). Nhưng chương trình của Chúa Giê su hoàn toàn khác hẵn.

TÌM HIỂU

Đoạn tin mừng nầy trả lời cho câu hỏi nền tảng: Ai sẽ được cứu độ? Chúa Giê su trả lời: đó là những người đi qua cửa hẹp (13,24). Hình ảnh cái cửa được lặp lại trong một dụ ngôn để cho thấy rằng những ai nại vào những ưu quyền mình đang có sẽ bị lọai trừ (13,25-28), còn những người khác, đến từ các khắp mọi nơi, sẽ được chấp nhận (13,29). Bài tin mừng khép lại bằng một câu nói khẳng định sự đảo lộn tình thế ấy (13,30).

Những người được cứu thoát: X. Mt 7,13-14. Động từ “cứu” trong tin mừng Lc chỉ sự cứu độ toàn bộ con người ở bên kia cái chết (1,77; 2,30; 3,6t; 7,50; 9.24; x. Cv 2,47; 4,12).

Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ai? Theo những điều kiện nào? Đó cũng là câu hỏi được đặt ra khi ý thức về sự cần được một Đấng Khác cứu độ (x.18,26). Chúa Giê su từ chối đưa ra con số chính xác những người được chọn, nhưng nhắc nhở cho những người được chọn đầu tiên, người do thái và chúng ta, rằng ơn cứu độ không bao giờ là một điều đắc thủ có sẵn.

Hãy chiến đấu: từ hi lạp chỉ cuộc chiến đấu, trận đấu (x. Pl 1,30; 1Tm 6,12; 2Tm 4,7). Do đó cần phải có sức mạnh (16,16). (Trong 22,44 một từ tương đương được một vài tác giả dịch là “hấp hối”). Cả khi sự cứu độ là một ơn ban, cũng không lọai trừ sự nỗ lực về phía con người.

Vào qua: vào đâu? Trong c.25 tác giả nói là vào nhà và trong c.29 lại vào bàn ăn. Động từ mạnh nghĩa không có tân ngữ, ám chỉ đến việc đi vào Nước Thiên Chúa (x. 11,52;18,17.25), được trình bày như một bữa tiệc (14,15). Do đó, từ “vào” đồng nghĩa với “được cứu độ”: người được Thiên Chúa cứu độ là người đi vào nhà của Thiên Chúa.

Cửa hẹp: không dễ tìm ra ý nghĩa của hình ảnh nầy. Trong Mt 7,13-14 cửa hẹp đối nghịch với cửa rộng, con đường thênh thang, nghĩa là sự dễ dãi. Do đó, cần phải nép mình, uốn mình mà đi vào, trở nên nhỏ bé (9,48), liều mất mạng sống mình (9,23-24).

Có thể tìm theo hướng khác, Chúa Giê su nói Ngài là cửa (Ga 10,7-9). Tại cửa đền thờ, Phê rô và Gioan chữa lành một bệnh nhân “nhân danh Chúa Giê su”, và danh ấy cho phép người bệnh đi vào trong đền thờ (Cv 3,1-10). Do vậy, Chúa Giê su là đấng cho phép đi vào trong Nước Trời. Nhưng người đi theo phải chấp nhận vác thập giá như Ngài  (9,23) và chấp nhận phép rửa (12,50). Cánh cửa đích thực của ơn cứu độ là thập giá Chúa Giê su: Chúa Giê su bị đóng đinh cho phép người trộm lành cùng với Ngài đi vào Thiên đàng (23,43).

Không thể được: câu tuyên bố gây ngạc nhiên: tại sao người muốn vào lại không thể vào đó được ? câu trả lời ở phần sau.

Chủ nhà: trong đoạn 12,36-40 cũng nói về một ông chủ nhà hi vọng nhìn thấy đầy tớ của mình tỉnh thức khi ông đi ăn cưới trở về; chủ nhà đó được đồng hóa với Con Người, nghĩa là với Chúa Giê su. Ở đây, Chúa Giê su một lần nữa là chủ nhà, và người gõ cửa, dường như là cửa nhà Quan Án, không còn phải là Ngài nữa, mà là các đầy tớ; ở đây chủ nhà đang ở trong nhà, còn người đầy tớ đứng ở ngòai. Hai cách nhìn bổ túc cho nhau: nói về việc tính sổ trong lần gặp cuối cùng với Chúa. Câu truyện tương đương với dụ ngôn mười người trinh nữ trong Mt 25,1-13, nhưng chủ điểm của nó hơi khác một chút. Mt nhấn mạnh hơn về việc thấy trước, còn Lu ca thì lại chú ý đến sự kiện là người ta không biết lợi dụng thời cơ để đi vào khi thời cơ đến (Is 55,6).

Thưa Ngài: tước hiệu nầy chắc chắn là của Chúa (x.6,46), nhưng không đủ để nói rằng Ngài là Chúa, cần phải có các điều kiện tương xứng (6,47).

Chúng tôi đã từng được ăn uống:  x. Mt 7,22-23. Bị từ chối ngay từ lần đầu tiên khiến những người gõ cửa phải nài nỉ. Ám chỉ đến những bữa ăn mà Chúa Giê su dùng với họ (7,36;11,26), đến giáo huấn mà ngài ban cho họ trên các công trường (7,30-34). Đối lại với đám người nầy, chúng ta có thể nhớ lại các môn đệ, với các bữa ăn với Chúa Giê su phục sinh (Lc 24,3-.41-43; Cv 10,41).

Khác với trường hợp trong dụ ngôn người bạn quấy rầy trong đêm (11,5-8), anh ta đạt được điều mình muốn, ở đây sự nài nỉ chẳng những không đưa đến kết quả nào, mà còn chống lại họ. Lời quở trách của Chúa Giê su nhắm đến những người đương thời cậy dựa vào các ưu quyền của mình để đòi được cứu độ. Nhưng “Thiên Chúa có thể biến những hòn đá nầy thành con cái ông Abraham” (3,8). Thánh Phao lô sau nầy sẽ khai triển luận chứng nầy trong Rm 2.

Ta không biết các anh: câu nói thật khủng khiếp!  Chúa Giê su từ chối chấp nhận các tước hiệu mà người ta lạm dụng để phá cửa xông vào Vương quốc. Huyết tộc hoàn toàn vô hiệu trước sự thân thuộc đích thực từ việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa (8,19-21).

Cút đi cho khuất mắt ta: trích dẫn Tv 6,9 ở đây chỉ một sự bất tương ứng tuyệt đối giữa sự sống với Thiên Chúa và đời sống gian ác. Nó không lọai trừ sự thương xót, nhưng cho thấy rằng trách nhiệm của sự chọn lựa hôm nay ở trong tay chúng ta.

Khóc lóc nghiến răng: kiểu nói chỉ có ở đây trong Lc, trong khi ở Mt xuất hiện đến 6 lần.

Các câu 28-29 là một vài lời nói mà Mt 8,11-12 gom lại sau khi người đầy tớ viên bách quan được chữa bệnh. Chúng nhấn mạnh sự mâu thuẩn giữa sự khước từ của những người nói rằng mình gần gủi với Chúa Giê su, và sự tiếp nhận của các người dân ngọai đến từ khắp các chân trời: họ sẽ gặp các tổ phụ và các tiên tri trong nước Thiên Chúa. Bên đây vang tiếng kêu đau đớn, còn bên kia rộn rã niềm hân hoan dự tiệc. Đây là lần đầu tiên Lu ca nói đến tiệc cưới, hình ảnh chỉ Nước Trời (x. Is 25,6), sẽ được lặp lại trong đoạn 14,7-24 và trong 22,30. Đặc tính phổ quát của ơn cứu dộ là một chủ đề Lu ca rất ưa thích.

Dự tiệc: x. 14,15

Đứng chót: trong một ngữ cảnh khác, Mt (19,30;20,16) nói: “nhiều người đứng chót”. Mc cũng nói như thế trong 10,31 (x. chú thích). Dường như chỉ có Luca áp dụng câu nói nầy cho những người được kêu gọi vào lúc chót, tức là các dân ngọai và những người được kêu gọi trước tiên, tức là người Híp pri. Nhưng bản văn không nói đến việc một dân khác thay thế dân nầy, mà chỉ khẳng định rằng trước mặt Thiên Chúa không có ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi gì cả: mỗi người sẽ bị xét xử theo cách sống của mình (x. Êd 18).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay khá lạ lùng. Nó nói với chúng ta về khung cửa hẹp, về cửa đóng kín, về những người bị lọai trừ khỏi Vương Quốc Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta chịu khó đào sâu các bản văn Thánh Kinh, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng đây là một trang tin mừng đem lại nhiều hi vọng. Quả thật, nó nói với chúng ta về Thiên Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người trong Vương Quốc của Ngài. Đó là điều mà tiên tri Isaia đã loan báo trong bài đọc thứ nhất: “Ta đến qui tụ mọi người thuộc mọi dân nước và mọi ngôn ngữ. Chúa Giê su đến xác nhận sứ điệp đó: “Người ta sẽ từ Phương Đông, phương Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

Vấn đề là nhiều người đã không hiểu đúng. Họ quên rằng để vào Nước Thiên Chúa, phải qua cửa hẹp. Và để vượt qua, phải giải thoát mình khỏi những ưu tiên. Giàu sang, vinh dự mà chúng ta ki cóp trong suốt cuộc sống của mình sẽ không có ích lợi gì cả. Đã cùng ăn cùng uống với Đức Ki tô không thôi chưa đủ. Điều quan trọng là đã cho Ngài ăn nơi những người nghèo mà chúng ta gặp trên đường; đó là cách chia sẻ cho người đói, cho người mất tất cả. Ngang qua họ, chính Đức Ki tô hiện diện và gõ cửa nhà chúng ta.

Việc có được vào Nước Thiên Chúa hay không tùy thuộc vào vị trí mà chúng ta dành cho Đức Ki tô trong đời sống chúng ta. Đi lễ, làm tuần cửu nhật, hòan thành những việc đạo đức là rất tốt; nhưng những điều đó phải nói lên một ý muốn thâm sâu của tâm hồn. Phải làm điều Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là rủ bỏ tất cả những gì cản trở chúng ta. Đó chính là bước qua cửa hẹp. Sự chọn lựa ấy dẫn chúng ta đến việc từ bỏ những cái vô giá trị để thực sự chọn lựa kho tàng đích thực.

Đó là cánh cửa hẹp mà Chúa Giê su đã vượt qua. Ngài đã mở lối cho chúng ta đi theo Ngài. Một lần nữa, điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta vất bỏ gánh nặng mà chúng ta mang trong mình. Những hành lí cồng kềnh chỉ làm cho bước đi trở nên khó khăn hơn mà thôi.

Trong cuộc lữ hành về với Thiên Chúa cũng thế. Chúng ta chỉ có thể thực sự tiến tới trước nếu chúng ta bước đi một cách nhẹ nhàng. Đi một cách nhẹ nhàng là tạo khỏang trống trong chúng ta, đó là thoát khỏi những chuyện cãi cọ trong giáo xứ, giải phóng khỏi những ý tưởng của chúng ta, những thành kiến, những truyền thống của chúng ta. Điều quan trọng nhất không phải là trung thành với truyền thống mà là tiến lên trong sự trung thành hơn đối với Chúa Giê su Ki tô. Vào qua cửa hẹp là chấp nhận những sự thanh tẩy cần thiết. Những ai muốn được cứu độ bằng sự dễ dãi sẽ bị bỏ lại bên ngòai. Những ai cho rằng ơn cứu độ là của riêng mình có thể bị thất vọng. Người ta không chiếm hữu cho mình ơn cứu độ, nhưng phải tiếp nhận như một ơn ban nhưng không.

Đi theo Chúa Giê su qua của hẹp, đó là điều đòi hỏi chúng ta. Nhưng khi suy nghĩ kĩ, chúng ta khám phá ra rằng vần đề đích thật ở chỗ khác: Cái gì hẹp? Có thật sự là cái cửa không? Hay là chính tâm hồn ? Bài tin mừng mời gọi chúng ta mở tâm hồn ra cho Thiên Chúa và người khác. Cánh cửa tâm hồn có được mở rộng ra không tùy thuộc mỗi người chúng ta. Chính đó là nơi mà Đức Ki tô chờ đợi và hẹn hò với chúng ta.

Vào qua cửa hẹp còn là đi ra khỏi sự tự mãn của mình và đặt trọn vẹn cuộc đời chúng ta trong tay của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi đi vào bằng cách đặt bước chân của chúng ta trong bước chân của Ngài và đi theo Ngài trong tình yêu, tha thứ và phục vụ anh em. Cánh cửa đó chính là cánh cửa mà Chúa Giê su đã đi qua từ hang đá đến thập giá. Chúng ta đang trên đường đi theo Ngài. Nhiều khi việc đi theo đòi hỏi chúng ta phải hi sinh, nhưng điều quan yếu là biến tất cả cuộc đời chúng ta thành một hành vi yêu thương như Chúa Giê su đã làm.

Nhiều người thất vọng vì họ đang sống trong bóng tối đằng sau một khung cửa hẹp và đóng kín. Họ không còn biết gán cho cuộc sống họ ý nghĩa gì. Nhưng qua kẽ hở cánh cửa, họ phải nhìn thấy một tia sáng mặt trời rọi vào. Đó là ánh sáng Đức Ki tô đấng chiến thắng sự chết và sự dữ. Như đã nói trong bài đọc thứ hai, ánh sáng ấy sẽ mang lại sức sống cho “những đôi tay rã rời và những đầu gối mệt mõi”; nó sẽ giúp cho chúng ta can đảm trên đường. Ngày Chủ nhật, Đức Ki tô chịu đóng đinh và sống lại cho chúng ta nghe Tin mừng cứu độ và ban cho chúng ta Bánh sự sống để tất cả cuộc sống của chúng ta trở thành lời Tạ ơn. Ngài đến gặp chúng ta để dạy cho chúng ta trở thành những dấu chỉ của đời sống vĩnh cửu cho tất cả mọi dân tộc.

ĐÀO SÂU

QUA CỬA HẸP

Is 66,18-21 Chúa Giê su đến để qui tụ mọi dân tộc       

Tv 117,1, 2 Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng

Hr 12,5-7, 11-13 Thiên Chúa sửa trị những ai Ngài yêu thuong

Lc 13,22-30 Thiên Chúa kêu gọi mọi người qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: QUA CỬA HẸP. Hạnh phúc Nước trời chung cuộc dành cho mọi dân tộc (Bđ 1). Ðể đạt được hạnh phúc ấy, tức là được vào Nước Trời, chúng ta phải đi qua cửa hẹp (BTM). Và kiểu nói này được bài thư Hípri giải thích để chúng ta biết đi qua cửa hẹp tức là chấp nhận đi vào con đường nhiều thử thách và phấn đấu (Bđ2).

2. HỎI: Tại sao tiên tri I-sai-a nhắc lại (c.21) rằng những gì ngài vừa nói chính là Lời Chúa?

THƯA: Tiên tri luôn nói nhân danh Thiên Chúa (c.18) và các thính giả đều biết rõ điều đó, nhưng ở cuối bài đọc (c.21), Ngài nhắc lại rằng đó là Lời Chúa để nhấn mạnh tầm quan trọng của những gì ngài vừa nói. Thật vậy, điều ngài vừa loan báo thật quá kì diệu khiến cho một số người cho đó chỉ là chuyện viễn vong, không thể nào có thực, nên Ngài cần phải xác định đó đích thực là Lời Chúa.

3. HỎI: Tiên tri vừa nói gì với dân Ít-ra-ên?

THƯA: Chỉ trong một vài hàng ngắn ngủi, tiên tri I-sai-a đã đề ra hai giáo huấn rất quan trọng: một là chương trình cứu độ của Thiên Chúa bao quát tất cả mọi sự, hai là vai trò quan trọng của nhóm tín hữu còn sót lại.

4. HỎI: Vai trò của ‘số sót’ như thế nào?

THƯA: Tiên tri trực tiếp nói với những người tín hữu mà ngài gọi là những kẻ sống sót. Trong lúc tất cả đều chán chường thất vọng trước những gì đang xảy ra thì họ là những người đã đứng vững trong đức tin. Họ là ‘Số sót của Ít-ra-ên’ và tiên tri loan báo rằng họ sẽ đóng một vai trò quan trọng, vì Thiên Chúa tin cậy họ, chọn gọi họ làm những người truyền giáo cho toàn thể nhân loại.

5. HỎI: Chương trình của Thiên Chúa phổ quát như thế nào?

THƯA: Tiên tri loan báo rằng Thiên Chúa ‘sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ’ và đặc biệt hơn: ‘Họ sẽ đến và được thấy vinh quang Người tỏ hiện’ (66, 18).

6. HỎI: ‘Họ sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa’có nghĩa gì?

THƯA: Vinh quang của Thiên Chúa hoàn toàn khác với vinh quang loài người. Theo nghĩa Kinh Thánh, vinh quang là sự Hiện diện tỏa sáng của Thiên Chúa. Do đó, ‘được thấy vinh quang của Thiên Chúa’ có nghĩa là họ sẽ nhìn nhận Người như là Thiên Chúa duy nhất và dần dần họ sẽ gia nhập vào đoàn dân của Người.

7. HỎI: Nhưng ai sẽ giúp Thiên Chúa qui tụ họ?

THƯA: Đó là các tông đồ, các nhà truyền giáo trong dân ưu tuyển. Họ sẽ là những khí cụ mà Thiên Chúa dùng để qui tụ các dân nước về Giê-ru-sa-lem, và đưa họ vào trong Giao Ước với Thiên Chúa.

8. HỎI: Trong chương trình của Thiên Chúa ai được hưởng ơn cứu độ trước tiên?

THƯA: Những người ưu tiên trong chương trình của Thiên Chúa là dân tộc Do thái. Nói theo Thánh Phao lô đó là ‘người Ít-ra-ên, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ, và chính từ dòng dõi họ, Đức Ki tô đã sinh ra’ (Rm 9,4-5).

9. HỎI: Bài đọc 2 (Dt 12,5-7.11-1) có nội dung như thế nào?

THƯA: Tác giả thư Híp pri trấn an các tín hữu rằng những gian nan khốn khó mà họ đang phải chịu là những việc Chúa cho phép xảy ra để thử thách và sửa dạy họ. Mà Chúa thương ai thì mới thử thách và sửa dạy người ấy. Vì thế, đừng ngả lòng, trái lại hãy vui mừng vì biết mình được Chúa thương, và kiên trì chịu đựng.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 13, 22-30) như thế nào?

THƯA: Đoạn văn này bắt đầu phần thứ hai (Lc 13,22–17,10) trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem trong Tin mừng Lu ca (Lc 9,51–19,28), trong đó có những lời Đức Giêsu tuyên bố về ơn cứu độ và về việc được nhận hay không được nhận vào Nước Thiên Chúa. Có 2 ý chính: 1. Dẫn nhập vào bài giảng (13,22-23). 2. Những lời đe dọa (24-30).

11. HỎI: Tại sao có người hỏi: ‘Lạy Chúa, những người được cứu thoát thì ít, có phải không’?

THƯA: Câu hỏi ấy có nghĩa là: ‘Lạy Chúa, có rất ít người được lên thiên đàng, được cứu độ, có phải không?’ Đối với đa số người Do thái thời Chúa Giêsu, ‘cứu thoát’ trước hết là được giải phóng khỏi áp bức của đế quốc La Mã. Dầu vậy vẫn có người hiểu đó là sự cứu rỗi siêu nhiên do Thiên Chúa thực hiện qua một Đấng Mê-si-a mà Ngưởi đã hứa và được thiên hạ đợi trông. Tuy nhiên các thầy Do thái đã thêm thắt nhiều điều vào Luật Mô-sê làm cho việc tiếp cận ơn cứu độ trở nên khó khăn đối với người Do thái và và hầu như không thể đối với dân ngoại.

12. HỎI: Tại sao Chúa Giê su không trả lời câu hỏi: ‘có bao nhiêu người được cứu thoát’?

THƯA: Khi có người đến hỏi Chúa Giê su có bao nhiêu người được cứu độ, Chúa Giê su không trả lời, vì đó không phải là mục tiêu mạc khải và giáo huấn của Ngài. Ngài đến trần gian không phải để thỏa mãn tính tò mò muốn biết bao nhiêu người được Thiên Chúa cứu độ, nhưng để dạy chúng ta con đường đưa đến hạnh phúc đời đời.

13. HỎI: Thay vào đó, Chúa Giê su đã dạy gì?

THƯA: Thay vì nói về số người được cứu độ, Chúa Giê su cho biết điều kiện duy nhất để được cứu độ hay để vào Nước Trời là cố gắng đi vào ‘qua cửa hẹp’.

14. HỎI: ‘Cửa hẹp’ gợi lên điều gì?

THƯA: Hình ảnh ‘cửa hẹp’ rất gợi ý: một người mập mạp hay một người mang theo nhiều hành lí to lớn, kềnh càng thì không thể đi qua cửa hẹp để vào nhà được trừ khi quyết định bỏ lại bên ngoài những gì mình mang theo. Ở đây, chắc chắn Chúa Giê su không nhắm đến sự cồng kềnh về phương diện thể lí, nhưng về thiêng liêng.

15. HỎI: Cách cụ thể, điều Chúa Giê su muốn dạy là gì?

THƯA: Chúa Giê su khuyên bảo mọi người hãy cố gắng phấn đấu trở nên bé nhỏ (Lc 9,48), liều mất mạng sống mình (9,23-24), và nhất là từ bỏ ý riêng của mình để hoàn toàn tuân theo Thánh ý Thiên Chúa. ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’ (Lc 14, 33).

16. HỎI: Điều kiện ấy có cấp bách không?

THƯA: Thật cấp bách. Phải cố gắng vào qua cửa hẹp đúng lúc, vì cửa sắp đóng. Vì sau đó là lời thật nghiêm khắc của chủ nhà: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu đến!’

17. HỎI: Hướng tới của Chúa Giêsu luôn luôn là Giê-ru-sa-lem?

THƯA: Đúng thế. Theo lược đồ mà Thánh Lu ca vạch ra cho Tin mừng của mình, công cuộc cứu độ được Chúa Giê su phải được thực hiện trong thành thánh Giê-ru-sa-lem, là cao điểm sứ vụ Ngài.

18. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu nói rằng những người còn lại bên ngoài cánh cửa, dù có gõ cửa cũng sẽ không được công nhận và sẽ không được mở cửa?

THƯA: Theo cách đọc thiêng liêng, cửa đóng là biểu tượng của cái chết xảy ra đột ngột và kết thúc cuộc sống trần gian của con người. Ông chủ không nhận ra người đang ở ngoài cửa, bởi vì trong cuộc sống trần thế ông đã liên tục gõ cửa trái tim họ nhưng cánh cửa vẫn đóng kín. Và như vậy, họ bỏ qua mọi cơ hội mà Thiên Chúa dành cho để được cứu rỗi trong cuộc sống.

19. HỎI: Tại sao như thế?

THƯA: Vì Thiên Chúa không lấy lại các quà tặng ban cho con người và món quà lớn nhất là Tự do. Con người có tự do và có thể tận dụng món quà to lớn này. Tuy nhiên, sau khi cánh cửa cuộc sống này đóng lại, thì mọi cố gắng sau đó là quá muộn. Những ai lạm dụng tự do sẽ bị loại trừ vĩnh viễn. Cuộc sống vắng bóng Thiên Chúa trên thế gian nầy hay ở cuộc sống bên kia sẽ trở thành địa ngục.

20. HỎI: Chúa Giêsu muốn nói gì với những lời này: ‘Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa’?

THƯA: Chúa Giê su muốn báo trước việc người Do thái bất trung sẽ bị loại trừ và dân ngoại sẽ được kêu gọi thế vào chỗ của họ. Từ nay, tất cá các dân tộc trở thành một dân tộc tư tế duy nhất, trung thành với một Thiên Chúa độc nhất mà Ngài có sứ mạng mạc khải.

21. HỎI: Lời Chúa Giê su: ‘Và có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót’?

THƯA: Chúa Giê su muốn nói rằng Dân Ngoại vốn bị người Do thái khinh dễ vì không có chỗ trong chương trình cứu độ sẽ trở nên những người đầu tiên được nhận vào Nước Thiên Chúa. Trái lại, dân Do thái là Dân được Thiên Chúa tuyển chọn là những người đầu tiên được hưởng Nước Trời, thì giờ đây trở thành những kẻ bị loại ra khỏi Nước Trời vì tội lỗi của họ.

22. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Chúng ta phải cố gắng, phải chiến đấu. Chúng ta cố gắng có nghĩa là chúng ta ý thức và cương quyết đến gần Ngài, thắng vượt các trở ngại và để tất cả mọi sự khác sang một bên.

2. Nếu không quy hướng về ý muốn của Thiên Chúa bằng cách hành động thực thụ, ai từ chối hiệp thông lúc này với Ngài, thì đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, khỏi sự hiệp thông vĩnh cửu với Ngài.

GLCG 618 Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, ‘một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người’, nên Người đã ‘ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua’. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy. Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác. ‘Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời’. (X. Ðức Ki-tô cho chúng ta tham dự vào hy tế của Người 618. Học vâng phụcthánh ý Thiên Chúa như Chúa Ki tô 2825).

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên_Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ nhớ Thánh Nữ Mô-ni-ca-Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên B: "CHỨNG NHÂN CỦA SỰ THẬT"_Lm. Jos. Nguyễn Ngọc Quốc Huy
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên: "KHÔN NGOAN THEO PHÚC ÂM"_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên B: "Tỉnh Thức Trong Phục Vụ"_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên B: Bệnh “Giả Hình” Và Thập Giá_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên B: "“BỆNH ĐẠO ĐỨC GIẢ”_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai tuần XXI Thường Niên B: THÙNG RỖNG KÊU TO _ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên B: CHÚA MỚI CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG _ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên B: THẦY MỚI CÓ NHỮNG LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên B _ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     VIDEO Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 21-27/08/2014 - Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa Giêsu với người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình