Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 3

CHỦ NHẬT 3 MÙAVỌNG C

Các bài đọc chủ nhật hôm nay chan chứa niềm vui. Dù trên nhiều cung giọng khác nhau, nhưng Tiên tri Sô phô nia rồi thánh Luca và thánh Phao lô đều hòa chung khúc hát ca mừng Chúa đang ngự đến mang lại niềm vui ơn cứu độ. Một lần nữa chúng ta được mời gọi chuẩn bị con đường cho Chúa, nhưng lần nầy bằng niềm hi vọng và hân hoan. Chúng ta có can đảm gạt qua những mối bận tâm cho cuộc sống đế cùng với mọi người hân hoan chào đón Ngài không?

Sách Xô phô nia 3,14-18a

Được viết vào năm 640 trước Công Nguyên, trước tiên sách Xô phô nia được gọi là sách Nổi Giận. Thiên Chúa sẽ trừng phạt một dân tộc kiêu căng đã để cho sự ác tràn lan khắp noi. Tuy nhiên, sau khi tàn phá, Chúa sẽ mang lại sự SỐNG. Cuối cùng, một ngày trong tương lai, Ít ra ên sẽ trở lại, sẽ Sống phong phú.

Thánh ca Is 12:

Trong bài thánh ca nầy, Isaia cực lực tố cáo kiểu chính trị vô nhân đạo của vua A kha, và kêu gọi mọi người hãy hi vọng. Ông đã thóang cho thấy một tương lai huy hoàng dưới sự hướng dẫn của một ĐỨA TRẺ mầu nhiệm, có thể biến đổi cả thế giới. Niềm xác tín ấy được diễn tả trong tiếng kêu hân hoan: THIÊN CHÚA Ở VỚI CHÚNG TA!

Thư gửi tín hữu Phi líp phê  4,4-7:

Khi viết cho Giáo đoàn Phi líp phê, thánh Phao lô, một tù nhân đã phải nghĩ đến án xử tử hình. Giờ đây, Ngài biết mình sắp được giải thoát. Ngài đã đạt đến trạng thái bình an mà ngài muốn chia sẻ cho anh em của ngài. Ước gì họ được sống trong niềm VUI, chứa chan niềm xác tín rằng “CHÚA ĐANG ĐẾN”. Nhờ vậy mà họ được BÌNH AN.

Tin mừng: Lc 3,10-18

NGỮ CẢNH

Sau khi trình bày sứ điệp tổng quát trong lời rao giảng của Gioan Tẩy giả (Tin Mừng tuần trước), trong đoạn nầy, Luca nói đến nhữrng gì mà Gioan đòi hỏi nơi cuộc sống cụ thể của từng hạng người, đặc biệt việc thực hành đức bác ái. Giáo huấn ấy thường được các tiên tri gửi tới cho Israel trong quá khứ: “Điều mà Đức Gia vê đòi hỏi ngươi lại không phải là thực thi công bình, yêu mến sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi sao?” (Mk 6,6-8).

Như vậy, Gioan Tẩy giả không đòi buộc người ta phải tách lìa khỏi thế gian, mà chỉ phải “làm hết sức mình trong mọi hoàn cảnh hiện tại, đang khi chờ đợi Đấng Thiên sai đến”. Đặc biệt ông đòi hỏi lòng nhân hậu và đức công bình: đó là hoa trái biểu lộ một lòng sám hối đích thực.

TÌM HIỂU

Chúng tôi phải làm gì đây?: là phản ứng tự nhiên của những người tiếp nhận một cảm xúc mạnh mẽ khi nghe lời Thiên Chúa: “Nghe vậy họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê rô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’” (Cv 2,37). X. thêm Cv 16,30; 22,10.

Câu hỏi nầy và câu trả lời kèm theo (3,11-14) chỉ có ở Luca và đề ra các yếu tố cho một lời rao giảng cụ thể trong đó xuất hiện chủ đề về chia sẻ rất được tác giả tin mừng ưa thích (6,30; 12,33-34; 19,8).

Chia cho người không có: câu trả lời thứ nhất có tầm mức phổ quát mời gọi chia sẻ của cải. Đất hứa thuộc về Thiên Chúa và mọi sự đều dành cho tất cả mọi người sử dụng. Sự chia sẻ là một khía cạnh của sự công bằng (x. Is 58,7). Chúa Giê su còn đi xa hơn nữa (6,29).

Đừng đòi hỏi gì quá mức: dù mang tiếng là tội nhân, các người thu thuế cũng đến để nghe Gioan Tẩy Giả (x. 7,39). Gioan đề nghị với họ là trong khi tác nghiệp, họ không được đòi quá mức cho phép.

Binh lính: có lẽ là binh lính người ngoại, được tuyển vào phục vụ trong quân đội vua Hêrôđê: một chi tiết cho thấy mối quan tâm phổ quát của tác giả Luca! Gioan Tẩy Giả không lên án nghề nghiệp của họ, nhưng khuyên nhủ họ phải tôn trọng công lí.

Dân: các đám đông trong các câu 7 và 10 được tác giả gọi là “dân”; qua đó tác giả cho thấy Chúa Giê su quy tụ một dân tộc mới.

Đấng Messia: các môn đệ của ông Gioan Tẩy giả về sau vẫn tiếp tục tự hỏi có phải Thầy mình là Đấng Thiên sai không . Chính Gioan nói rằng ông không phải là đấng Messia, vì ông chỉ là người Tiền Hô (x. Cv 13,25; Ga 1,19-28).

Đấng mạnh thế hơn tôi: hay quyền thế hơn tôi: quyền năng là một ưu phẩm thuộc về Thiên Chúa: “Ngài là Đức Chúa, mạnh mẽ và quyền năng trong chiến tranh” (Tv 24,8).

Về sau, Luca sẽ cho thấy Chúa Giê su mạnh hơn ma quỉ (11,32: cũng dùng một từ như ở đây).

Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: hình ảnh chỉ Đấng Thiên Sai đến xét xử, tách biệt người lành khỏi kẻ dữ: kẻ lành thì được đưa vào Nước Chúa, và kẻ dữ thì phó mặc cho lửa không hề tắt.

Lửa: là biểu tượng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa (x. Is 6,6-7; 66,15-16). Ngày Hiện Xuống Thánh Thần được ban xuống với hình lưởi lửa (Cv 2,3). Nhưng lửa còn gợi nhớ sự nghiêm khắc của hình phạt cuối cùng dành cho cây xấu (3,9) không sinh trái, nó sẽ là ngọn lửa không hề tắt. Chi tiết nầy cho thấy chiều kích cánh chung (Is 66,24; Mc 9,43.48).

Loan báo Tin mừng cho họ: (nghĩa đen: ông Phúc âm hoá họ). Luca nhắc lại lời rao giảng trong câu 3. Như các thiên thần (2,10) và các mục tử (2,17.20), cả Gioan dù đứng trước muôn vàn đe doạ, vẫn nhiệt thành loan báo đấng Cứu độ sẽ đến.

SỨ ĐIỆP

Đám đông người qui tụ chung quanh Gioan Tẩy giả để sám hối và chịu phép Rửa. Họ gồm những người sống rất xa đức tin truyền thống, và thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, đôi khi đối nghịch nhau. Họ không hỏi: “Chúng tôi phải tin gì?”, nhưng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì”.

Để trả lời, Gioan Tẩy giả mời gọi họ chuẩn bị cho Đức Messia đến bằng cách thực hiện những việc làm có ý nghĩa và cụ thể. Ngài không đưa ra một giáo huấn trừu tượng sâu xa mà không đánh động ai và mang lại điều gì thiết thực cả. Ngài chỉ đơn giản mời gọi họ chia sẻ những gì mình đang có. Ai có hai áo, hãy chia cho người không có. Và nếu có gì ăn, cũng hãy làm như vậy.

Cuộc thay đổi ấy không thể thực hiện được với sức riêng con người. Nhưng sự kiện Gioan Tẩy giả yêu cầu những người vốn bị coi là không thể hoán cải được, thay đổi cuộc sống, cho chúng ta hiểu rằng với Thiên Chúa tất cả đều có thể được. Nếu chúng ta thực sự muốn, Chúa luôn ở với chúng ta để dẫn dắt chúng ta. Chính Người đã nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta”.

“Chúng tôi phải làm gì?”. Đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng mà đám đông đặt ra cho Gioan Tẩy giả ở bờ sông Gior đa nô. Câu hỏi ấy chúng ta gặp nhiều lần trongTân ước. Một ngày kia, Chúa Giê su nói: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta. Sau lễ Hiện xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy cho ông Phê rô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng đức tin phải sống động. và qua đó chúng ta mới có thể tiếp nhận ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu ấy của Thiên Chúa đã trở thành một nguồn suối tuôn tràn sự bình an và ơn cứu độ.

Cũng như đám đông xưa kia, giờ đây cũng thế, chúng ta phải đặt ra cho mình câu hỏi ấy: chúng tôi phải làm gì bây giờ ? Gioan Tẩy giả không đòi những điều kì diệu. Sự hóan cải đích thực bắt đầu từ việc chia sẻ, hoàn thành có ý thức bổn phận hằng ngày của mình, nhất là tôn trọng người khác, đặc biệt những người nghèo khổ nhất.

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể ở trong niềm vui của Đức Ki tô khi chúng ta chia sẻ niềm vui ấy cho người khác, đặc biệt những người bị thử thách bởi sự nghèo túng, bệnh tật và cô đơn. Chính bằng cách đó mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa con đường trong cuộc sống, trong giáo xứ và thế giới chúng ta.

Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Nt. Thiên Thảo, SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng C_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG NĂM C - CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ? - Lm. HK