Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng
XIN VÂNG THEO Ý CHÚA
Lời Chúa Lc 1,26-38
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai
được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền
Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn
với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là
Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói
: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và
tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà
Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ
một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người
sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần :
“Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự
xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng
Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ
hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn
bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có
gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ
thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ
thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm
Trong
mọi công việc, mọi quyết định, chúng ta thường xin Chúa soi sáng để chúng ta
thực hiện công việc theo như ý Chúa. Lời xin vâng này được Đức Maria thi hành
một cách trọn hảo, Mẹ là mẫu gương sống động cho mỗi chúng ta khi thi hành
thánh ý Chúa. Mừng lễ Mẹ Maria với tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên tội hôm nay, chúng
ta cùng suy gẫm về lời xin vâng của Mẹ để đáp trả thánh ý Thiên Chúa bằng lời
Xin vâng mỗi ngày trong suốt cuộc đời của mình.
Trình thuật Tin Mừng kể lại việc Đức Maria được Sứ Thần Gabriel báo tin việc
cưu mang Đấng Cứu Thế, người mà muôn dân đang mong đợi, Đấng sẽ đến giải thoát
dân khỏi cảnh lầm than, khỏi ách nô lệ. Cuộc gặp gỡ định mệnh nhưng cũng thật
diệu kỳ, kịch tính.
Đức Maria, một
thôn nữ hiền lành, hoàn toàn chưa chuẩn bị gì cho cuộc thăm viếng này. Lời chào
của Sứ thần: “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” đã mang lại cho Mẹ chút bối
rối khi tìm câu trả lời. Mẹ cũng băn khoăn trước sứ điệp của Thiên Chúa: “Sẽ
thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả,
và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, ý thức mình chỉ là một thôn nữ như bao
thôn nữ khác, Mẹ …trước thánh ý của Thiên Chúa, nhưng Mẹ muốn biết, muốn hiểu
sự việc dưới ánh sáng của một người có lòng tin mạnh mẽ vào Chúa. Mẹ không hoài
nghi trước ơn trọng đại mà mình sắp đón nhận: “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được
gọi là Con Thiên Chúa” nhưng một lòng tín thác vào Chúa.
Là một thiếu nữ
mười sáu tuổi, không một điều báo trước, không một sự chuẩn bị, sứ mạng Thiên
Chúa trao cho Mẹ Maria qua lời truyền tin của sứ thần Gaprien không khỏi làm Mẹ
ngỡ ngàng và bối rối. Cưu mang Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần –
đó là điều quá lớn lao vượt sức lý giải và đón nhận của loài người. Mẹ có quyền
thắc mắc và Mẹ cũng có quyền từ chối. Tuy vậy, sau lời giải thích của sứ thần,
Mẹ Maria mau mắn đáp lời xin vâng: “Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc
1, 38).
Lời Xin Vâng của
Mẹ đã làm cho triều thần thiên quốc đang nín thở đợi chờ được hân hoan vui
sướng, cho hoa lá reo mừng, cho Mùa Xuân Cứu Độ được mở ra. Mẹ Xin Vâng. Tiếng
xin vâng trong khiêm cung và tín thác. Tiếng Xin Vâng chấp nhận mọi khó khăn và
hiểm nguy có thể sẽ đến sẽ đến như: sự hiểu lầm của Thánh Giuse – người Mẹ đã
đính hôn, mất đi sự đức hạnh trước mắt người đời, thậm chí là cái chết vì ném
đá theo luật của người Do Thái. Mẹ Xin Vâng. Tiếng Xin Vâng chân thành và vô
điều kiện.
Tiếng Xin
Vâng của Mẹ chẳng giống như tiếng xin vâng của người con thứ trong dụ
ngôn hai người con: Khi anh được cha sai đi làm vườn nho, anh đáp “Thưa Ngài,
con đây” nhưng rồi lại không đi (Mt 21, 28-32). Tiếng Xin Vâng đó cũng chẳng
giống với cách vâng phục trong tính toán của người con cả trong dụ ngôn Người
cha nhân hậu (Lc 15, 11-32). Mẹ đã Xin Vâng. Mẹ Xin vâng với trọn tâm tình và
dùng cả cuộc đời để sống lời Xin Vâng ấy. Nơi Mẹ, thánh ý Thiên Chúa luôn
được thể hiện cách trọn vẹn. Nhờ Mẹ và qua Mẹ, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm
người, mang tình yêu và ơn cứu độ đến cho trần gian.
Đức Maria luôn
đặt ý mình trong thánh ý Chúa, Mẹ vâng theo ý Chúa vơi lòng tin tưởng và tín
thác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần
nói”. Với lời thưa xin vâng, Mẹ phó thác trong tay Chúa cuộc đời của mình,
không biết ngày mai sẽ ra sao và sẽ thế nào.
Nhìn lại cuộc đời
của Mẹ, chúng ta thấy từ lúc Mẹ đáp lời xin vâng Mẹ đã hoàn toàn phó thác trong
tay Chúa với lòng tin tưởng mạnh mẽ. Trên đường thập giá và khi đứng dưới chân
thập tự, Mẹ luôn lặng lẽ, âm thầm đón nhận thánh ý Chúa trong đức tin và để
thánh ý Chúa được thể hiện. Thái độ xin vâng của Mẹ thể hiện lòng vâng phục
tuyệt đối. Mẹ, chấp nhận vâng theo thánh ý của Thiên Chúa chứ không theo ý
riêng của mình. Vì thế, Mẹ là người nữ luôn luôn “đẹp lòng” Thiên Chúa.
Trước những biến
cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người, chúng ta lo ngại về thái độ và lời đáp trả
của chúng ta trước thánh ý của Thiên Chúa. Có nhiều người luôn coi trọng ý Chúa
và sống tâm tình xin vâng theo ý Chúa, nhưng cũng có không ít người, không ít
lần chính mỗi người chúng ta cũng có thái độ chống lại ý Chúa, coi thường ý
Chúa. Cũng có những lúc chúng ta vô tình hay hữu ý hiểu sai ý Chúa. Không ít
lần chúng ta gắn cho ý Chúa những ý riêng của mình và chúng ta tự an ủi vỗ về,
tự mê hoặc chính mình và bảo đó là ý Chúa hay chúng ta cho rằng ý Chúa thật
trùng khớp với ý mình, hợp với ý mình.
Qua những dấu chỉ
của thời đại, những biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người, nếu chúng ta biết
lắng nghe tiếng Chúa, nhạy bén đọc ra thánh ý Chúa ta sẽ thấy Chúa không ngừng
nói với chúng ta, không ngừng thể hiện ý Chúa qua những dấu chỉ và biến cố ấy.
Như Đức Maria đã nhận ra thánh ý Chúa qua biến cố Truyền tin, chúng ta cũng sẽ
nhận ra thánh ý Chúa qua cá biến cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng,
chúng ta không thể đáp trả hai tiếng xin vâng cách thờ ơ và lạnh nhạt. Thưa lên
hai tiếng xin vâng thì dễ nhưng để sống điều ấy lại là một thách đố cho mỗi
người chúng ta.
Trong hành trình
theo Chúa, mỗi ngày chúng ta hãy tập đáp lại lời xin vâng bằng việc cầu nguyện
với chuỗi Mân Côi. Chúng ta cũng noi gương Mẹ sống âm thầm lặng lẽ, đón nhận
những biến cố trong cuộc đời với lòng tín thác và mến yêu. Mỗi ngày ta tập làm
những điều nho nhỏ phục vụ tha nhân để lời xin vâng của ta được hoà quyện với
tâm tình yêu mến như Mẹ Maria. Mỗi ngày chúng ta cũng tha thiết xin với Mẹ để
Mẹ giúp ta biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa với tâm tình con thảo. Nhờ
đó, chúng ta cũng vượt thắng được những gian nan thách đố, những khó khăn trong
cuộc sống của mình để chia sẻ với tha nhân những ân sủng của Thiên Chúa.
Là người con của
Mẹ, chúng ta hãy noi gương Mẹ sống phó thác với lời xin vâng để những khi gặp
thử thách trong cuộc đời, những lúc lời mời gọi của Chúa gây xáo trộn cuộc đời
mình, chúng ta cũng được Chúa nâng đỡ, được diễm phúc mang lấy Chúa vào tâm hồn
với lòng tin kính, mến yêu và phó thác và lúc đó chúng ta là những người mang
Chúa đến cho người khác nữa.
Theo bước chân
của Mẹ Maria, mỗi người kitô hữu cũng được mời gọi hãy luôn biết lắng nghe lời
Chúa, tin tưởng vào kế hoạch yêu thương của Chúa dành cho mỗi người và
sẵn sàng đáp tiếng “xin vâng”. Tuy vậy, trong một xã hôi đề cao tự do, quyền
lợi cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ như ngày hôm nay, việc sống xin vâng
theo thánh ý của Chúa là một thách đố không nhỏ.
Đơn giản mà khó vì tiếng xin vâng bao giờ cũng đòi hỏi những sự từ bỏ và hy
sinh mà không phải ai cũng can đảm để chấp nhận. Vẫn còn rất nhiều những lời
mời gọi của Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp trả. Ước mong mọi kitô hữu hiểu
rằng: Tình yêu chỉ trọn vẹn khi đến từ hai phía. Ơn cứu độ chỉ có thể thực hiện
khi có sự cộng tác của con người: “Để
dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con Chúa cần con cộng tác”
(Thánh Augustino).
Huệ Minh