Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 3

THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG

 

“Hành động biểu lộ phẩm cách”


thu 4 tuan III MV.jpg


Lời Chúa   Lc 7,19-23

19 Khi ấy, ông Gio-an sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” 20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói : “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy : ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?’” 21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22 Người trả lời hai người ấy rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”


Suy niệm

 

Mỗi con người đều chứa đựng yếu tố thể lý bên ngoài và tâm hồn bên trong. Bên ngoài thì người ta có thể xem thấy, còn muốn thấy tâm hồn bên trong, dù chỉ là “thấy” được một phần nào đó, người ta sẽ nhìn vào cách người ấy cư xử và vào hành động mà người ấy biểu lộ ra. Từ kinh nghiệm này, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hành động sao cho xứng với phẩm cách là Kitô hữu mà mỗi chúng ta mang trong mình.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng khi hai môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” (Lc 7,19), Người đã không trả lời một cách trực tiếp bằng lời nói nhưng bằng hành động: “Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy” (câu 21). Những hành động đó của Chúa là câu trả lời xác đáng cho vấn nạn mà thánh Gioan Tẩy Giả và hai môn đệ đang bận tâm: “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng Tin mừng” (câu 22). Những hành động đó còn là bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu chính là Đấng hoàn thành những lời sấm ngôn trong Cựu ước về thời đại và sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Chúng trở nên dấu chỉ để thánh Gioan Tẩy Giả cũng như dân Israel nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh nói đến và dân Chúa đang trông đợi. Với những người Do Thái biết Thánh Kinh Cựu ước và thành tâm suy gẫm, cụ thể như thánh Gioan Tẩy Giả, chắc chắn họ sẽ nhận ra Chúa Giêsu qua những công việc mà Người biểu lộ ra.

Đọc lại Cựu ước, chúng ta cũng sẽ thấy việc biểu lộ chính mình bằng những hành động bên ngoài cũng chính là cách thức mà Thiên Chúa dùng để tỏ cho con người biết về sự hiện diện và quyền năng của Người. Cụ thể, bài đọc thứ nhất của ngày lễ hôm nay cho chúng ta một minh hoạ cụ thể qua lời Chúa nói nơi môi miệng tiên tri Isaia: “Chính Ta là Chúa đã dựng nên loài người, đã dựng nên các tầng trời, đã dựng nên địa cầu, đã tạo ra và làm cho nó bền vững. Ta là Chúa và không có Chúa nào khác” (Is 45,18). Cứ chiêm ngắm muôn loài, cứ chiêm ngắm vũ trụ vạn vật với tâm hồn khiêm tốn và chân thành, con người chắc chắn sẽ đi đến sự tin nhận về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Người tự tỏ mình, hay còn gọi là mạc khải chính mình qua những dấu chỉ bên ngoài là vũ trụ thiên nhiên, là công trình sáng tạo để con người nhận biết Chúa. Chân thành mà nói, vì con người là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, nên không thể tự hiểu rõ về Chúa là Đấng tạo thành và không thể biết Chúa nếu chính Người không tự biểu lộ bản thân qua những hành động bên ngoài. Đó là lẽ đương nhiên!

Bằng hành động bên ngoài, Thiên Chúa biểu lộ phẩm tính của Người cho nhân loại. Còn chúng ta, hành động bên ngoài cũng biểu lộ tâm hồn bên trong, cho dù không hoàn toàn trọn vẹn. Từ đây, chúng ta rút ra bài học sống cho chính mình trong tương quan với Chúa và trong tương quan với con người.

Trước hết, bài học lời Chúa hôm nay giúp người Kitô hữu có một phương thế để hiểu biết và xác tín vào Chúa hơn trong cuộc đời của mình, nhờ việc Thiên Chúa tỏ bày chính mình qua các hành động Người làm. Đây là vấn đề lớn với người Kitô hữu, bởi vì trong đời sống đức tin, không thiếu những lúc chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa và quyền năng của Người. Thật vậy, khi tâm trí bị kéo vào những tư tưởng tiêu cực về cuộc đời, người ta dễ đặt lại vấn đề về Thiên Chúa. Cụ thể, trong những hoàn cảnh gặp khó khăn hay thử thách, người Kitô hữu dễ lung lay đức tin và xa rời Thiên Chúa, khi cảm thấy như Chúa bỏ rơi mình hay tựa như thể Chúa không hiện diện. Trái lại, cũng trong trường hợp gặp khó khăn, thử thách hay những hoàn cảnh nghịch ý, người Kitô hữu nào có khả năng chiêm ngắm cuộc đời và nhận ra những giá trị tích cực từ cuộc sống, họ chẳng những không mất đức tin mà thậm chí còn bám trụ vào Chúa cách vững mạnh hơn. Đó là những con người mà trong thử thách, họ vẫn có một con tim và tâm hồn bén nhạy để nhận ra những giá trị của yêu thương trong những gì rất bình thường xảy ra nơi cuộc sống đời thường. Cụ thể, trong thời gian khốn đốn vì dịch bệnh Covid, một cơn đại dịch gây chết chóc cho bao người và khiến bầu khí u ám bao trùm cuộc sống, người có đức tin vững mạnh vẫn nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa qua hình ảnh biết bao con người sẵn sàng xả thân để cứu giúp cả những người mà họ chẳng hề quen biết. Rồi còn qua biết bao hành động tương thân tương ái làm ấm áp của tình người, họ xác tín Chúa vẫn hiện diện và hằng ôm ấp con người đang đau khổ trong tình yêu của Người. Như thế, khi chiêm ngắm và suy gẫm về những điều tốt đẹp trong cuộc đời, người Kitô hữu sẽ có một xác tín mạnh hơn về Thiên Chúa, về một Thiên Chúa không xa cách nhưng gần gũi và đầy thân thương với con người!

Bên cạnh đó, lời Chúa hôm nay cũng thêm cho chúng ta một bài học quý giá trong cách chúng ta sống với người khác. Bởi vì hành động biểu lộ phẩm cách, chúng ta được mời gọi để ý hơn về lời chúng ta nói và cách chúng ta cư xử với tha nhân. Như Chúa Giêsu có lần đã nói: “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12,34), chúng ta nói ra điều gì hay hành xử thế nào thì tự chúng ta biểu lộ cho người khác thấy phẩm giá và tư cách của bản thân. Mang trong mình phẩm giá là con cái Thiên Chúa và với tư cách là một Kitô hữu, nếu lòng chúng ta không có Chúa thì lời chúng ta nói và việc chúng ta làm rất dễ khiến chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho người khác khi làm mất đi hình tượng tốt đẹp về Chúa nơi chính bản thân, đại loại như: “Người Công giáo mà chửi tục chửi thề như thế à?” hoặc “Anh ấy / Cô ấy là người Công giáo mà sống còn thua người không có đạo!”. Ngược lại, nếu lời chúng ta nói hay việc chúng ta làm chứa đựng chất yêu thương và nhiều giá trị tốt đẹp như Chúa dạy thì chúng ta mới thực sự xứng danh là Kitô hữu chân chính. Suy nghĩ ấy giúp chúng ta ý thức hơn để biết tập làm chủ suy nghĩ của bản thân. Muốn như thế, ta cần tập bỏ những suy nghĩ xấu, đồng thời năng nghĩ về những giá trị tốt và những điều lành thánh. Nhờ suy nghĩ tốt trong lòng, lời chúng ta nói và việc chúng ta làm cũng được điều chỉnh cách tốt hơn. Nghĩ tốt rồi chúng ta cũng tập để biết cách nói những lời tốt và tập làm nhiều việc lành để cuộc sống của chúng ta được đầy yêu thương hầu khiến người khác nhận ra Chúa hiện diện trong chúng ta. Nhờ hành động biểu lộ phẩm cách, chúng ta còn được thêm kinh nghiệm từ sự soi sáng của lời Chúa hôm nay để hiểu hơn về người khác mà cụ thể là người thân cận. Muốn được vậy, ta cần lưu tâm đến các hành động bên ngoài của người thân cận để đoán biết và đi đến việc thấu hiểu tâm hồn bên trong của họ. Thiết nghĩ điều này rất cần trong tương quan sống với nhau, bởi vì nó giúp chúng ta quen cách hành xử của người thân cận để có thể hiểu được tâm ý của họ hơn. Một cách cụ thể, khi thấy người thân buồn phiền, chúng ta cần hiểu rằng họ đang gặp khốn khó trong tâm hồn và đang cần sự quan tâm. Vì họ buồn và khổ đau trong lòng nên nhiều khi họ không làm chủ được tâm trạng, lời nói và hành động nên dễ khiến người khác hiểu lầm. Nói như thế để khi có gặp phải những người như vậy, chúng ta cần bình tâm để suy xét hầu chính chúng ta được bình an khi đối diện với họ và cũng để cả hai phía tìm được hướng giải quyết nhờ hiểu nhau hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hành động biểu lộ phẩm cách. Xin cho chúng con biết cư xử với nhau sao cho đúng mực và cho đầy ắp yêu thương qua những suy nghĩ lành thánh, qua những lời nói tế nhị và qua những hành động thân tình. Qua đó, chúng con tỏ cho người khác thấy Chúa nơi chúng con và để chúng con sống xứng danh là Kitô hữu. Đó cũng là cách mà chúng con đang cùng nhau xây dựng gia đình và cộng đoàn ngày một tăng trưởng trong hạnh phúc và bình an. Amen.

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Nt. Thiên Thảo, SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng C_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng - Thầy Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng- Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng - Lm. Duy Khang