HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ CÁC
THÁNH NAM NỮ (01/11)
CHÍNH LÚC CHẾT ĐI LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI
1.
NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH
Trong lịch cử
Hội Thánh, từ thế kỷ thứ 4, các vị tử đạo đã được Hội Thánh tôn
vinh. Đến thế kỷ thứ 7, sau khi một số kẻ xấu đột nhập các hang toại đạo tại
Rôma trộm cắp hài cốt của các vị tử đạo, Đức giáo
hoàng Bonifaciô IV đã cho
thu lượm những hài cốt các thánh và chôn cất lại bên trong ngôi đền Pantheon, là đền thờ các thần của người Rôma. Từ ngày đó đền thờ này đã
được thánh hiến trở thành đền thờ kính các Thánh Nam Nữ của đạo Công Giáo.
Sử gia Beda đáng kính đã viết: “Việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có
thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng
là thờ ma quỷ”. Vào năm 800, thần học gia Alcuin người
Anglo-Saxon đã cử hành lễ Các Thánh vào ngày 1 tháng 11, và bạn của ông là Arno, Giám mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ
thứ 9, Hội Thánh Rôma đã chấp thuận mừng lễ Các Thánh vào ngày 1 tháng 11 hằng
năm.
Đầu tiên lễ
này nhằm kính nhớ các vị tử đạo. Về sau, khi người Kitô
hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo hội đã kính chung những tín hữu đã chết trong sự
thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, để được công nhận là Thánh, thì chỉ cần
được nhiều người công nhận và vị giám
mục chỉ làm việc cuối cùng đưa tên vị Thánh ấy vào niên lịch Giáo hội.
Việc Đức giáo hòang chính thức phong các tín
hữu lên bậc Thánh Nhân chỉ bắt đầu từ năm 973.
Ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức
tính và sự thánh thiện
của các ngài. Khi phong thánh cho một người nào, Hội Thánh chính thức xác nhận
người đó đã sống cuộc đời thánh thiện và đang
được hưởng hạnh phúc thiên đàng để các tín hữu noi gương. Hiện nay ngòai các vị
được nêu tên trong lịch gọi là các vị Hiển
Thánh, Hội Thánh còn mừng lễ Các Thánh để kính nhớ chung các tín hữu đã chết và
đang được hưởng hạnh phúc với Chúa, trong đó nhiều người là thân nhân của chúng
ta.
2. MỘT
HỘI THÁNH BA TÌNH TRẠNG
Chúa Giêsu
thiết lập Nước Trời là Hội Thánh. Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một
là Hội Thánh Lữ Hành còn ở trần gian, hai là Hội Thánh Vinh Thắng trên Thiên
Đàng và ba là Hội Thánh Đau Khổ trong chốn luyện hình:
HỘI THÁNH LỮ
HÀNH TRẦN GIAN: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của
Chúa Giêsu. Như dân Ít-ra-en xưa, Hội thánh sẽ phải vượt
qua sa mạc trần gian về Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau. Các tín hữu trong Hội Thánh lữ hành còn phải tiếp tục chiến đấu với ba thù là ma quỷ,
thế gian và xác thịt mình. Họ được Chúa ban cho 2 của ăn thiêng liêng là Bánh Lời
Chúa và Bánh Thánh Thể. Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để về đến
miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.
HỘI THÁNH
VINH THẮNG TRÊN TRỜI: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa.
Các ngài đã sống theo hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật do Chúa Giêsu
công bố và ngày nay các ngài đang được Chúa ban thưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
HỘI THÁNH
ĐAU KHỔ THANH LUYỆN: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giêsu,
nhưng đã qua đời trong tình trạng còn nhiều sai sót, chưa xứng đáng được vào Nước
Trời. Họ cần tiếp tục được thanh luyện trong chốn luyện hình.
3.
TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH THÔNG CÔNG
Ngọai trừ
các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt xa Chúa đời đời, như
lời Chúa phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt
Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó”
(Mt 25,41), còn các tín hữu
tin vào Chúa Giêsu dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được
thanh luyện cũng đều cầu nguyện cho nhau và được thông hiệp vào ơn cứu độ của
Chúa Giêsu. Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:
Các tín hữu
còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng Nhà thờ hay Đất thánh (kèm theo việc đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước và cầu nguyện
hiệp thông với Đức Giáo Hòang sẽ được nhận
các ân xá trong dịp đầu tháng 11), nhất
là xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ để cầu nguyện cho các linh hồn. Nhờ đó
các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được ơn
tha thứ tội lỗi như Chúa đã dạy: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều” (Lc 7,47). Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hòan tòan thì
sẽ được vào Thiên Đàng và sẽ cầu bầu cùng Chúa ban các ơn lành hồn xác cho
chúng ta còn sống ở trần gian.
4.
PHẢI “BIẾT CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG”
Ai trong
chúng ta chẳng một lần nghe nói về sự chết? Có điều là người ta thường không
thích nghĩ đến cái chết. Nhiều người cho rằng: không nói đến sự chết thì mình sẽ
không phải chết. Nhà tỷ phú Mỹ WILLIAM RANDOPH HEARST, chủ nhân của nhiều tờ
báo và phim trường ở Holywood hồi trước thế chiến thứ hai, đã cấm các nhân viên
của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông. Những ai lỡ miệng nói ra thì bị
đuổi việc. Ông là người thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối
diện với sự thật phũ phàng là sự chết! Rồi cuối cùng Hearst cũng bị chết bất đắc
kỳ tử và để lại một toà lâu đài rộng lớn, hiện trở thành một điểm du lịch nổi
tiếng ở bang California Hoa Kỳ.
Người Việt
Nam có câu: “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về). Nhiều người khi có tuổi liền
nghĩ đến việc hậu sự và lo chuẩn bị cho cái chết của mình bằng việc mua đất
nghĩa trang, chọn nhà quàn, mua sẵn ván làm hòm để ở trong nhà. Họ còn viết
chúc thư về những điều con cháu cần làm để lo ma chay, nghi thức tẩm liệm an
táng cho họ: Khi chết phải mặc cho họ chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái
quạt nọ. Lại còn dặn bỏ vào quan tài dụng
cụ này hay tiền bạc kia, giống như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa về với
ông bà tổ tiên.
Đối với những
kẻ không tin thì chết là hết! Nếu thế thì cái chết thật đáng sợ, vì nó là sự chấm
dứt tất cả những ước mơ trong cuộc đời này. “Con
người là cát bụi lại trở về với bụi cát!”.
Nhưng đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi
đầu của một cuộc hành trình đi vào cõi sống ngàn thu. Sau cái chết chúng
ta sẽ phải tính sổ cuộc đời mình trước tòa phán xét. Cùng đích của cuộc đời là
được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Chúa thì
chuyến đi cũng giống như một cuộc trở về ngôi nhà của mình. “Sinh ký tử quy”:
tôi sẽ trở về ngôi nhà của Thiên Chúa là Cha, Đấng đã dựng nên, một nơi không
còn nước mắt đau khổ, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Dầu vậy
trong cuộc sống, ít nhiều lần các tín hữu chúng ta cũng đã để cho những dục vọng
làm chủ bản thân mình, khiến chúng ta không làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là
tội lỗi hay các thói hư. Bao lâu còn sống, thì các tai nạn, bệnh tật và
các điều trái ý cực lòng chúng ta gặp phải sẽ giúp chúng ta thanh luyện và đền
tội mình. Sau khi qua đời chúng ta cần tiếp tục được thanh luyện trong ngọn lửa
tin yêu. Tình trạng này được gọi là chốn luyện hình.
5. LỜI
CẦU
Lạy Chúa
Giêsu. Mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn
sàng để gặp Chúa. Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm
kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian... Còn điều quan trọng chính yếu
là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa làm gì cả! Con thật dại khờ
khi nghĩ mình sẽ có thời gian chuẩn bị trước khi chết. Nhưng lời Chúa xưa đã dạy
“Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng việc chuẩn bị
sẵn sàng. Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước
mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận biết con không, hay Chúa sẽ bảo con rằng:
“Hãy đi cho khuất mắt Ta, hỡi kẻ làm điều gian ác!”
Lạy Chúa
Giêsu. Xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con biết sống trọn vẹn
giây phút hiện tại trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi được Chúa gọi, con sẽ
trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng là hai người rất
thân quen. Để khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên rất trìu mến và giang rộng
vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời.-Amen.
LM ĐAN
VINH
www.hiephoithanhmau.com